Thứ trưởng Nguyễn Chí Dũng phát biểu khai mạc Diễn đàn.
Ảnh: Thanh Sơn (MPI Portal)

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Thứ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, phát triển hành lang kinh tế trong khu vực GMS có vai trò ngày càng quan trọng kể từ năm 1998 khi phương pháp tiến cận hành lang kinh tế được thông qua và kể từ năm 2002 khi các hành lang kinh tế Đông – Tây, Bắc – Nam và Hành lang kinh tế phía Nam được xác định là các chương trình đi đầu trong Khung khổ Chiến lược GMS giai đoạn 2002 - 2012. Khung khổ chiến lược GMS kế tiếp giai đoạn 2012-2022 hiện nay được gắn chặt với việc phát triển các hành lang kinh tế.

Phát triển hành lang kinh tế là một phương thức và đồng thời cũng là nỗ lực của các bên trong quá trình hiện thực hoá mục đích của Chương trình Hợp tác Kinh tế GMS là xoá đói, giảm nghèo, cải thiện điều kiện sống cho người dân và đảm bảo phát triển bền vững khu vực trong dài hạn.

Diễn đàn này là cơ hội xem xét làm thế nào để ECF trở thành một diễn đàn hiệu quả, điều phối nỗ lực thúc đẩy phát triển các hành lang kinh tế GMS. Đặc biệt, các bên cần xem xét làm thế nào để tập trung vào trọng tâm của ECF và làm thế nào để tăng cường các cơ chế, thể chế và cơ cấu tổ chức liên quan đến ECF và các cơ quan GMS khác hiện nay.

“Diễn đàn cũng mang ý nghĩa đặc biệt bởi nó kết thúc chu kỳ đầu tiên đồng thời mở ra những hướng đi mới cho hoạt động của Diễn đàn trong thời kỳ tới; giúp đặt trọng tâm và thổi sức sống mới cho những nỗ lực trong việc thúc đẩy phát triển hành lang kinh tế trong khu vực GMS”, Thứ trưởng Dũng nhấn mạnh.

Vào năm 2008, các quốc gia GMS tổ chức diễn đàn lần đầu tiên nhằm thúc đẩy các nỗ lực trong việc chuyển các hành lang giao thông tại khu vực này thành các hành lang kinh tế kết nối các trung tâm kinh tế năng động.

Phát triển hành lang kinh tế có vai trò quan trọng trong quá trình hiện thực hóa mục đích của Chương trình Hợp tác Kinh tế GMS. Tuy nhiên, muốn thành công cần phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các quốc gia trong khu vực, các cơ quan Trung ương và địa phương, giữa khu vực công và khu vực tư ở từng quốc gia thành viên…

Vì thế, theo ông Bindu Lohani, Phó Chủ tịch ADB, các quốc gia thành viên cần tăng cường tính kết nối trong các lĩnh vực thương mại, giao thông và cơ sở hạ tầng. Từ đó, tăng cường thúc đẩy các hoạt động thương mại, đầu tư, tạo công ăn việc làm, nhằm phát triển nền kinh tế bền vững.

Còn theo Thứ trưởng Nguyễn Chí Dũng, phát triển Hành lang kinh tế là một quá trình phức tạp và cần nhiều thời gian. Công cụ hiệu quả nhất để đạt được chiến lược 3C chung là: Tăng cường sự liên kết, nâng cao năng lực cạnh tranh và nâng cao tinh thần cộng đồng.

Phát triển các hành lang kinh tế liên quan đến nhiều ngành và nỗ lực của nhiều cấp, đòi hỏi cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các quốc gia và giữa các cơ quan trong các quốc gia, giữa Trung ương và các cấp chính quyền địa phương, giữa khu vực công và khu vực tư.

Các khung khổ về hạ tầng và chính sách cần phải được bổ sung và thêm khung thể chế phù hợp cho phép các hoạt động điều phối được tiến thành thuận lợi trong và giữa các quốc gia cũng như trong và giữa các ngành và lĩnh vực.

Để khai thác tiềm năng từ GMS, Đại sứ Trung Hoa tại Việt Nam Hồng Tiểu Dũng kiến nghị ADB nâng cao vai trò chủ đạo trong việc phát triển tăng cường các hoạt động trong diễn đàn này; đồng thời, có thể tổ chức các cuộc triển lãm khu vực GMS, áp dụng như sự kiện hành lang kinh tế.

Đại sứ Hồng Tiểu Dũng cũng khẳng định, tham gia hành lang kinh tế, Chính phủ và doanh nghiệp Trung Quốc đã được hưởng lợi nhiều hơn từ khu vực tiểu vùng sông Mekong.

Theo các đại biểu tham dự diễn đàn, diễn đàn cách hành lang Kinh tế Tiểu vùng sông Mekong mở rộng (ECF) cần phải quay trở lại trọng tâm ban đầu là tìm hướng thúc đẩy thương mại và đầu tư, cũng như đẩy nhanh sự phát triển công nghiệp dọc theo các hành lang kinh tế của khu vực này. Một trong những định hướng chủ chốt để đạt được những mục tiêu trên là cải thiện giao thông, tạo điều kiện về thương mại, cũng như sự phát triển của các khu kinh tế đặc biệt như các khu kinh tế tại các cửa khẩu, các khu vực chế xuất và các khu công nghiệp.

Đặc biệt, các đại biểu cho rằng, việc thu hút sự tham gia của khu vực tư nhân vào phát triển hành lang kinh tế là rất quan trọng. ECF có thể đóng một vai trò lớn trong việc thúc đẩy sự tham gia của khu vực này.

Ký Biên bản ghi nhớ về việc thành lập Hiệp hội Đường sắt Tiều vùng Mê Kông mở rộng giữa Việt Nam và Thái Lan. Ảnh: Thanh Sơn (MPI Portal)

Trong khuôn khổ ECF-6, Chính phủ Việt Nam và Vương quốc Thái Lan cũng đã ký biên bản ghi nhớ về việc thành lập Hiệp hội đường sắt Tiểu vùng Mê kông mở rộng (GMRA). Sự kiện này sẽ mở ra những cơ hội hợp tác mới giữa Việt Nam – Thái Lan và các quốc gia khác trong GMS trong tương lai./.