EU gia hạn trừng phạt kinh tế Nga
Phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo EU tại Brussels hôm 22/6, Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) Donald Tusk nêu rõ, EU nhất trí sẽ gia hạn các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Nga vì nước này không thực hiện Thỏa thuận Minsk. Quyết định này sẽ được chính thức hóa vào tháng 7 và có hiệu lực vào ngày 31/7, khi các biện pháp hiện tại hết hạn.
Về phía Nga, Ngoại trưởng Sergei Lavrov cho rằng, các biện pháp trừng phạt nhằm vào các công ty và cá nhân Nga là “rất đáng tiếc”.
Ngoại trưởng Sergei Lavrov bày tỏ sự hối tiếc khi các nước châu Âu tiến hành những biện pháp chống lại Nga. Tổng thống Ukraine đã không thực hiện nghĩa vụ của mình theo thỏa thuận Minsk nhưng các biện pháp trừng phạt lại nhằm vào Nga.
EU áp đặt các biện pháp trừng phạt Nga hồi tháng 7 và tháng 9/2014 với cáo buộc về vai trò của Nga trong cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine.Tháng 12/2016, EU gia hạn các biện pháp trừng phạt thêm 6 tháng đến ngày 31/7/2017.
Theo giới chuyên gia, trong 3 năm qua, các nước phương Tây đã thiệt hại tới 100 tỷ USD sau khi áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế Nga liên quan tới cuộc khủng hoảng tại Ukraine, cao gấp đôi mức tổn thất kinh tế của Nga.
Báo cáo viên đặc biệt về Nhân quyền của Liên hợp quốc chuyên nghiên cứu tác động của các biện pháp trừng phạt đơn phương, Idriss Jazairy cho biết, tính trung bình, các biện pháp trừng phạt gây thiệt hại cho các nước áp dụng lệnh trừng phạt 3,2 tỷ USD/tháng. Trong khi đó, Nga mất khoảng 52-55 tỷ USD, tương đương 1% GDP của nước này.
Trên thực tế, những biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga là một nỗ lực của Mỹ và EU nhằm buộc Nga xem xét lại chính sách tại Ukraine và một số khu vực khác tại châu Âu, Trung Đông. Tuy nhiên, những động thái của Nga thời gian qua không có vẻ gì cho thấy nước Nga sẽ nhượng bộ.
Trong bối cảnh tranh chấp địa chính trị giữa các nước lớn vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, cả Nga và các nước phương Tây đều đưa ra cáo buộc lẫn nhau về những bước đi khiêu khích, phá vỡ cân bằng và vi phạm lợi ích của mỗi bên. Nhiều ý kiến tỏ ra lo ngại, căng thẳng Đông - Tây sẽ tiếp tục kéo dài, tạo ra những lo ngại đối với an ninh và sự ổn định toàn cầu./.
Bình luận