EU “cứng rắn”

Trong cuộc họp tại Luxembourg hôm nay, Bộ trưởng Ngoại giao các nước EU đã quyết định kéo dài các biện pháp hạn chế thương mại và đầu tư của Nga. Hy Lạp - quốc gia nặng nợ đang tìm kiếm hỗ trợ kinh tế từ Nga đã bỏ phiếu chống.

Lệnh trừng phạt của châu Âu đã hạn chế khả năng vay vốn trên thị trường quốc tế của các ngân hàng lớn tại Nga, cấm xuất khẩu các thiết bị thăm dò năng lượng tinh vi sang Nga, đồng thời cấm bán vũ khí và hàng hóa có thể dùng trong quân sự cho nước này. Những biện pháp trên sẽ hết hiệu lực vào cuối tháng 7. Danh sách đen gồm 151 cá nhân, 37 công ty, tổ chức bị phong tỏa tài sản và không được cấp visa do bị kết tội gây bất ổn tại Ukraine có hiệu lực đến ngày 15/9.

Quyết định lần này của EU cũng bao gồm các biện pháp trừng phạt đã được nhất trí hồi tháng 6/2014, trong đó có lệnh cấm các tàu du lịch hoạt động tại các cảng Crimea và hạn chế xuất khẩu các thiết bị viễn thông và vận tải tại bán đảo này.

Trước đó, tại cuộc họp ở Brussels, Bỉ ngày 17/6, đại diện Ủy ban châu Âu cho biết, 28 quốc gia thành viên của EU tiếp tục lên án việc Liên bang Nga sáp nhập Crimea và khu vực Sevastopol, cam kết duy trì thực hiện đầy đủ chính sách không công nhận tính hợp pháp của sự kiện này, đồng thời cho biết sẽ phê chuẩn việc gia hạn lệnh trừng phạt đối với Nga mà không cần thảo luận.

Quyết định trên được đưa ra sau khi các quan chức EU thảo luận việc thực thi thỏa thuận ngừng bắn Minsk, được chính phủ Ukraine và lực lượng đối lập nhất trí trong tháng 2/2015.

Nước Nga "phản ứng"

Việc EU gia hạn trừng phạt Nga nằm trong dự đoán của các bộ ngành liên quan tới kinh tế đất nước. Bộ trưởng Kinh tế Nga Alexei Uluykayev cho biết: “Chúng tôi đã dự đoán các biện pháp trừng phạt sẽ được gia hạn”.

Cùng ngày, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Vasily Nebenzya tuyên bố, Nga đang chuẩn bị "phản ứng pháp lý" đối với việc Bỉ và Pháp đóng băng nhiều tài sản và tài khoản của nhà nước Nga tại 2 nước này, liên quan đến vụ kiện của tập đoàn dầu mỏ Yukos.

Thứ trưởng Ngoại giao Nebenzya nhấn mạnh: "Nga sẽ tiếp tục nỗ lực. Thời gian sẽ cho thấy hành động đáp trả của chúng tôi. Bất kể ai hành động kiểu này đều phải hiểu rằng sẽ bị đáp trả". Bộ Ngoại giao Nga cũng đã triệu đại sứ Bỉ tại Nga tới để phản đối. Moscow coi hành động của nhà chức trách Bỉ là mang tính thù địch, đồng thời cho biết động thái đáp trả của Nga có thể nhằm vào tài sản ngoại giao của Bỉ tại Nga.

Trước đó, Điện Kremlin cho hay đang xem xét cẩn trọng các động thái của Bỉ liên quan đến tịch thu nhiều tài sản của Nga sau khi một tòa trọng tài quốc tế ở Hà Lan ra phán quyết hồi tháng 7/2014 rằng Moscow phải trả 50 tỷ USD để đền bù cho các cổ đông vì đã tuyên bố phá sản và thanh lý toàn bộ tài sản của Tập đoàn Yukos.

Trong diễn biến khác, Tổng thống Nga Putin ngày 19/6 kêu gọi Mỹ và phương Tây phải có trách nhiệm về bất ổn Ukraine đồng thời cần gia tăng sức ép với chính quyền Kiev. Theo Tổng thống Vladimir Putin, Nga luôn sẵn sàng sử dụng ảnh hưởng của mình tại Ukraine để tìm kiếm một sự thỏa hiệp và đảm bảo một thỏa thuận hòa bình đạt được hồi tháng 2 được thực thi một cách đầy đủ.

“Một số nước luôn cho rằng, Nga nên sử dụng ảnh hưởng của mình tại khu vực Đông Nam Ukraine, song họ lại không hiểu rằng sẽ không thể giải quyết khủng hoảng chỉ thông qua nỗ lực từ một phía. Ảnh hưởng cũng cần phải được thể hiện đối với chính phủ Ukraine, mà chúng tôi không thể làm được điều này. Đây là phần việc của các nước phương Tây, là của Mỹ và Liên minh châu Âu”, ông Putin nói.

Tổng thống Nga Putin cũng nhấn mạnh, các nước phương Tây không nên can thiệp vào công việc nội bộ của nước Nga, hoặc nói chuyện với nước Nga thông qua tối hậu thư./.