FED tăng lãi suất cơ bản lần đầu tiên trong năm 2018
Sẽ có thêm 3 đợt tăng lãi suất
Đây là lần tăng lãi suất thứ 6 kể từ khi Uỷ ban thị trường mở (FOMC) bắt đầu đưa lãi suất thoát khỏi vùng cận 0% vào tháng 12/2015. Theo bản tóm tắt triển vọng kinh tế mà FOMC đưa ra mỗi quý, về cơ bản sẽ có 3 đợt tăng lãi suất trong năm nay. Trong khi, giới chuyên gia kinh tế Phố Wall ngày càng cho rằng FED sẽ điều chỉnh tăng lãi suất 4 lần trong năm 2018.
Như vậy, lãi suất cơ bản đang ở mức 1,5-1,75%, đúng như dự báo của phần lớn thị trường. Biên bản cuộc họp của FED vào cuối tháng 1 vừa được công bố hôm 21/2 cho thấy, quan chức Mỹ hiện có cái nhìn lạc quan hơn về nền kinh tế so với nửa cuối năm ngoái, dấy lên đồn đoán về một quyết định tăng lãi suất trong tương lai gần.
Trong cuộc họp đêm qua, các quan chức FED cũng đưa ra những nhận định tích cực về nền kinh tế Mỹ. "Triển vọng kinh tế đang mạnh lên trong vài tháng gần đây", Ủy ban thị trường mở (FOMC) cho biết trong một tuyên bố sau cuộc họp - một động thái chưa từng xuất hiện trong các bài phát biểu trước đây của cơ quan này và thậm chí ngay tuyên bố trước FOMC còn nói rằng "hoạt động kinh tế đang tăng trưởng ở tốc độ vừa phải".
Như vậy, tốc độ tăng trưởng kinh tế là nhân tố có tầm ảnh hưởng chủ chốt đến chính sách tiền tệ của FED. "Thị trường việc làm vẫn đang mạnh, nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng, và lạm phát có vẻ như đang tiến tới mục tiêu dài hạn 2% của FOMC", Chủ tịch FED Jerome Powell nói trong buổi họp báo.
Tuy vậy, người đứng đầu FED bày tỏ lo ngại về chính sách thương mại của chính quyền Trump, nói rằng các chính sách này đã trở thành một mối lo đối với các doanh nghiệp.
Chủ tịch FED Jerome Powell
FED dự báo đến cuối năm 2019, lãi suất cơ bản đồng USD (Federal funds rate) sẽ đạt mức 2,9%, đồng nghĩa với việc FED có thể nâng lãi suất 3 lần trong năm 2019, so với mức dự báo tăng lãi suất 2 lần trong năm 2019 mà FED đưa ra vào tháng 12 năm ngoái. Cũng theo dự báo của FED, vào năm 2020, lãi suất sẽ đạt mức 3,4%, so với mức dự báo 3,1% đưa ra cuối năm 2017.
Lạm phát của Mỹ trong tháng 1 là 1,7%. FED dự báo lạm phát đến năm 2019 sẽ đạt mức mục tiêu 2% và lên 2,1% trong năm 2020.
Tốc độ tăng trưởng dự báo năm nay và năm tới của kinh tế Mỹ được FED nâng lên. Trong đó, mức dự báo tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) của năm 2018 là 2,7%, so với mức 2,5% đưa ra hồi tháng 12. Mức dự báo tăng GDP của năm 2019 là 2,4%, so với 2,1% đưa ra trong lần dự báo trước. Dự báo tăng trưởng kinh tế của năm 2020 được FED duy trì ở mức 2%.
Tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ hiện ở mức 4,1%, thấp nhất kể từ năm 2000, nhưng tiền lương tăng chậm, khiến lạm phát đã ở dưới mức mục tiêu mà FED đề ra suốt 5 năm qua. Tuyên bố sau cuộc họp của FED cho rằng tỷ lệ thất nghiệp trong dài hạn ở Mỹ sẽ là mức 4,5%, so với mức dự báo 4,6% đưa ra hồi cuối năm 2017.
Lãi suất trung hòa dài hạn được FED dự báo sẽ là 2,9%, thay vì mức 2,8% đưa ra trong lần dự báo trước. Đây là mức lãi suất mà FED cho rằng sẽ không giúp kích thích tăng trưởng hay khiến kinh tế giảm tốc. Việc FED nâng dự báo lãi suất trung hòa được xem là tín hiệu cho thấy chu kỳ nâng lãi suất này có thể kéo dài hơn dự báo.
Chứng khoán đi xuống
Sau tuyên bố lãi suất, cổ phiếu tài chính - nhóm thường hưởng lợi khi lãi suất tăng - đã tăng điểm, nhưng không duy trì được sự tăng này và kết thúc phiên giao dịch với mức giảm 0,03%. Những nhóm cổ phiếu nhạy cảm với lãi suất tăng như dịch vụ điện nước giảm 0,39%, bất động sản giảm 0,93%.
Phố Wall đã rơi vào trạng thái giằng co sau tuyên bố của FED, khi lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm tiến gần mức 3%, đạt mức cao nhất 1 tháng ở 2,936%. Lợi suất trái phiếu tăng dẫn tới kỳ vọng lãi suất tăng là một trong những nguyên nhân chính khiến chứng khoán Mỹ có một số phiên giảm điểm mạnh từ đầu năm đến nay.
Nhóm cổ phiếu năng lượng tăng 2,63% và giúp nâng đỡ chứng khoán Mỹ phiên thứ hai liên tiếp. Giá dầu thô đạt mức cao nhất 6 tuần sau khi thống kê cho thấy lượng dầu tồn kho của Mỹ bất ngờ giảm và giới đầu tư tiếp tục lo ngại về khả năng xảy ra sự gián đoạn nguồn cung dầu từ Trung Đông.
Chốt phiên, chỉ số Dow Jones hạ 0,18%, còn 24.628,31 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 0,18%, còn 2.711,93 điểm. Chỉ số Nasdaq hạ 0,26%, còn 7.345,29 điểm.
Cổ phiếu Facebook tăng 0,74% sau hai ngày giảm mạnh liên tiếp khiến giá trị vốn hóa của mạng xã hội lớn nhất hành tinh sụt 50 tỷ USD.
Giá vàng leo dốc
Ngược lại, giá vàng giao sau hôm thứ Tư tăng lên mức cao nhất trong vòng 1 tuần do đồng USD giảm giá mạnh sau khi FED tăng lãi suất ngắn hạn như dự báo.
Cụ thể, giá vàng giao tháng 4 kết phiên tăng 9,60 USD, tương đương 0,7%, lên 1.321,50 USD/ounce – mức cao nhất kể từ hôm 14/3. Trên bảng điện tử sau khi thị trường đóng cửa, giá vàng vẫn tiếp tục đà tăng.
Ở thời điểm cập nhật lúc 7h45 sáng theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay đang ở mức 1.333 USD/ounce, tăng 1,7% so với mức chốt phiên hôm thứ Ba là 1.310,80 USD/ounce.
Trong khi đó, chỉ số ICE U.S. Dollar, đo lường sức mạnh đồng USD với 6 đồng tiền mạnh khác, giảm 0,5% xuống 89,91 điểm sau tuyên bố nâng lãi suất của FED. Trước đó, chỉ số này đang giảm 0,3%. Giá vàng và giá đồng USD thường diễn biến trái chiều nhau.
Lãi suất tăng thường đẩy giá đồng bạc xanh tăng, đồng thời giảm tính hấp dẫn của các kim loại quý. Tuy vậy, người nắm giữ vàng cũng kỳ vọng FED sẽ đi trước một bước để kiềm chế lạm phát và vàng thường được dùng làm công cụ để phòng rủi ro lạm phát.
Trong những năm trước, trước mỗi kỳ FED tăng lãi suất, giá vàng thường tăng và lại đi xuống sau khi tuyên bố của FED. Tuy vậy, giá vàng hôm 21/3 diễn biến ngược lại do FED chỉ dự định tăng lãi suất 3 lần trong năm nay thay vì 4 lần như thị trường kỳ vọng.
George Milling-Stanley, Giám đốc chiến lược vàng tại State Street Global Advisors, dự báo giá vàng sẽ tăng lên mức 1.350-1.400 USD/ounce, có thể diễn ra vào tháng tới.
Ngoài ra, các chuyên gia phân tích cũng cho rằng khả năng các căng thẳng địa chính trị leo thang và nguy cơ nổ ra một cuộc chiến tranh thương mại cũng có thể đẩy giá vàng tăng trong tương lai./.
Bình luận