Gần 77 nghìn DN thành lập mới và quay trở lại hoạt động trong 6 tháng 2017
Hơn 61 nghìn doanh nghiệp thành lập mới
Theo của Cục Quản lý Đăng ký Kinh doanh, trong 6 tháng đầu năm 2017, tổng số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động của cả nước lên đến 76.655 doanh nghiệp, trong đó có 61.276 doanh nghiệp thành lập mới và 15.379 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động.
Về số doanh nghiệp thành lập mới, trong tháng 6/2017, có 10.742 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với số vốn đăng ký là 110.562 tỷ đồng; so với tháng trước, giảm 1,9% về số doanh nghiệp và giảm 7,3% về số vốn; so với cùng kỳ năm 2016, tăng 10,05% về số doanh nghiệp và tăng 41,2% về số vốn. Tỷ trọng vốn đăng ký bình quân trên một doanh nghiệp trong tháng 6 đạt 10,3 tỷ đồng, giảm 5,5% so với tháng trước, tăng 28,8% so với cùng kỳ năm 2016.
Tính chung 6 tháng đầu năm, cả nước có thêm 61.276 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 596.196 tỷ đồng, tăng 12,4% về số doanh nghiệp và tăng 39,4% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm ngoái. Tỷ trọng vốn đăng ký bình quân trên một doanh nghiệp trong 6 tháng đầu năm 2017 đạt 9,7 tỷ đồng, tăng 24,3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 6 tháng qua là 1.455.382 tỷ đồng, bao gồm: 596.196 tỷ đồng của doanh nghiệp đăng ký thành lập mới là và 859.186 tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của các doanh nghiệp thay đổi tăng vốn (có 18.104 lượt doanh nghiệp đăng ký bổ sung vốn).
Số lao động đăng ký của các doanh nghiệp thành lập mới trong 6 tháng qua là 627.323 lao động, giảm 2,8% so với cùng kỳ năm ngoái.
Biểu đồ 1 cho thấy số lượng doanh nghiệp thành lập mới và số vốn đăng ký 6 tháng đầu năm có xu hướng tăng trong giai đoạn 2013-2017. So sánh giữa 6 tháng đầu năm 2017 và 6 tháng đầu năm 2013, số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng hơn 1,5 lần, số vốn đăng ký tăng gần 3 lần, tỷ trọng vốn đăng ký bình quân/doanh nghiệp tăng 1,8 lần.
Biểu đồ 1: Tình hình doanh nghiệp thành lập mới trong 6 tháng đầu năm giai đoạn 2013–2017
Theo lĩnh vực hoạt động, số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng ở hầu hết các ngành so với cùng kỳ năm ngoái, như: Kinh doanh bất động sản; Tài chính, ngân hàng và bảo hiểm; Y tế và hoạt động trợ giúp xã hội; Giáo dục và đào; Sản xuất phân phối điện, nước, ga..., duy nhất chỉ có lĩnh vực Vận tải kho bãi có số doanh nghiệp giảm, với 5,5%.
Biểu đồ 2: Tình hình doanh nghiệp đăng ký thành lập mới theo lĩnh vực hoạt động
Có 3 ngành giảm về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm ngoái, bao gồm: Khai khoáng đăng ký 6.065 tỷ đồng, giảm 68,5%; Thông tin và truyền thông đăng ký 12.741 tỷ đồng, giảm 19,3% và Nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản đăng ký 10.500 tỷ đồng, giảm 9,1%. Các ngành còn lại đều có tỷ lệ vốn đăng ký tăng.
Trong 6 tháng đầu năm 2017, một số ngành, lĩnh vực có số lao động được đăng ký sử dụng tăng so với cùng kỳ năm ngoái, gồm có: Y tế và hoạt động trợ giúp xã hội đăng ký 5.736 lao động, tăng 58,9%; Tài chính, ngân hàng và bảo hiểm đăng ký 4.066 lao động, tăng 58,1%; Khoa học, công nghệ; dịch vụ tư vấn, thiết kế; quảng cáo và chuyên môn khác đăng ký 35.947 lao động, tăng 30,6%; Giáo dục và đào tạo đăng ký 10.841 lao động, tăng 30,0%... Các ngành còn lại đều có số lao động đăng ký giảm so với cùng kỳ năm 2016.
Về tình hình doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, theo thống kê của Cục Quản lý Đăng ký Kinh doanh, số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong tháng 6 trên cả nước là 1.921 doanh nghiệp, tăng 0,4% so với tháng 5/2017. Tính chung 6 tháng đầu năm là .379 doanh nghiệp, tăng 3,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong đó, số lượng doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng ở một số vùng so với cùng kỳ năm ngoái, bao gồm: khu vực Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung là 2.509 doanh nghiệp, tăng 15,4%; Đồng bằng sông Hồng với 4.461 doanh nghiệp, tăng 13,5%; Trung du và miền núi phía Bắc có 741 doanh nghiệp, tăng 8,8%.
Ngược lại, vùng Đồng bằng sông Cửu Long có 1.290 doanh nghiệp, giảm 23,8%; Tây Nguyên có 468 doanh nghiệp, giảm 5,5% và Đông Nam Bộ với 5.910 doanh nghiệp, giảm 0,3%.
Theo lĩnh vực hoạt động, một số ngành có số lượng doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 6 tháng đầu năm 2017 giảm so với cùng kỳ năm trước, như: Y tế và hoạt động trợ giúp xã hội; Dịch vụ việc làm, du lịch, cho thuê máy móc thiết bị, đồ dùng và các dịch vụ hỗ trợ khác; Khai khoáng; Nghệ thuật, vui chơi và giải trí và Sản xuất phân phối điện, nước, ga. Các ngành, lĩnh vực còn lại đều có lượng doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng so với cùng kỳ năm ngoái.
Song cũng có đến hơn 43 nghìn doanh nghiệp giải thể, tạm ngừng hoạt động
Bên cạnh những điểm sáng trong bức tranh doanh nghiệp 6 tháng đầu năm 2017, thì số doanh nghiệp giải thể, tạm ngừng hoạt động là những điểm tối đáng lo ngại, với 43.350 doanh nghiệp, chiếm 56,6% số doanh nghiệp thành lập mới và quay lại hoạt động.
Về số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, 6 tháng đầu năm 2017 có 14.377 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 17,8% so với cùng kỳ năm ngoái; Và có 23.530 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể của cả nước, tăng 24,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Số liệu thống kê tại Bảng 3 cho thấy, trong 6 tháng đầu năm, có 02 ngành có số lượng doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể giảm so với cùng kỳ năm trước, cụ thể: Khai khoáng có 199 doanh nghiệp, giảm 76,9% và Nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản có 405 doanh nghiệp, giảm 4,5%. Các ngành còn lại đều có số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể tăng so với cùng kỳ năm 2016.
Về số doanh nghiệp giải thể, trong 6 tháng đầu năm 2017 có 5.443 doanh nghiệp giải thể, giảm 1,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, phần lớn là những doanh nghiệp có quy mô vốn đăng ký nhỏ dưới 10 tỷ đồng, cụ thể là 5.020 doanh nghiệp, chiếm tỷ lệ 92,2% (Bảng 2).
Trong 6 tháng đầu năm, cả nước có 02 vùng có số lượng doanh nghiệp giải thể giảm so với cùng kỳ năm ngoái, đó là: Đông Nam Bộ có 1.750 doanh nghiệp, giảm 30,8% và Trung du và miền núi phía Bắc có 239 doanh nghiệp, giảm 17,9%. Các vùng lãnh thổ còn lại đều có lượng doanh nghiệp giải thể tăng so với cùng kỳ năm ngoái.
Số liệu tại Bảng 3 cho thấy, doanh nghiệp giải thể giảm ở một số ngành so với cùng kỳ năm trước, cụ thể: Khai khoáng; Nghệ thuật, vui chơi và giải trí; Tài chính, ngân hàng và bảo hiểm; Thông tin và truyền thông; Y tế và hoạt động trợ giúp xã hội; Dịch vụ việc làm, du lịch, cho thuê máy móc thiết bị, đồ dùng và các dịch vụ hỗ trợ khác; Bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy và Công nghiệp chế biến, chế tạo. Các ngành, lĩnh vực còn lại đều có số doanh nghiệp giải thể tăng so với cùng kỳ năm ngoái./.
Bảng 3: Tình hình doanh nghiệp giải thể theo lĩnh vực hoạt động
Bình luận