Cục Quản lý Đăng ký Kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cũng cho biết, tỷ trọng vốn đăng ký bình quân trên một doanh nghiệp và số lao động đăng ký của doanh nghiệp mới giảm. Cụ thể, vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp đạt 9,2 tỷ đồng, giảm 14,9% so với tháng trước; tổng số lao động đăng ký của các doanh nghiệp thành lập mới là 111.172 lao động, giảm 3,3%.

Tính chung 8 tháng đầu năm 2018, số doanh nghiệp thành lập mới tăng so với cùng kỳ năm 2017. Cụ thể, có 87.448 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 878.627 tỷ đồng, tăng 2,4% về số doanh nghiệp và tăng 6,9% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2017.

Tỷ trọng vốn đăng ký bình quân trên một doanh nghiệp thành lập mới trong 8 tháng đầu năm 2018 đạt 10 tỷ đồng, tăng 4,3% so. Tổng số lao động đăng ký của các doanh nghiệp thành lập mới trong 8 tháng qua là 734.690 lao động, giảm 10,7% so với cùng kỳ năm trước.

Theo vùng lãnh thổ, tỷ lệ doanh nghiệp đăng ký thành lập mới so với cùng kỳ năm trước tăng ở 03 khu vực là Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung, Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long; các khu vực còn lại giảm.

So sánh số lượng doanh nghiệp giữa các vùng cho thấy, Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Hồng là các khu vực có số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới cao, lần lượt là 37.104 doanh nghiệp (chiếm 42,4% tổng số doanh nghiệp thành lập của cả nước) và 26.166 doanh nghiệp (chiếm 29,9%). Trong khi đó, Tây Nguyên có lượng doanh nghiệp thành lập mới thấp nhất với 2.112 doanh nghiệp (chiếm 2,4% trên tổng số doanh nghiệp).

Về số vốn đăng ký, khu vực Đông Nam Bộ tiếp tục dẫn đầu trong cả nước với 400.721 tỷ đồng, chiếm 45,6% tổng số vốn đăng ký của cả nước; đứng thứ hai là khu vực Đồng bằng sông Hồng có 262.246 tỷ đồng, chiếm 29,8% tổng số vốn; khu vực Tây Nguyên có tổng số vốn đăng ký ít nhất là 13.622 tỷ đồng, chỉ chiếm 1,6% tổng số vốn đăng ký của cả nước.

Xét về tỷ trọng vốn đăng ký bình quân, trong 8 tháng đầu năm thì khu vực Đông Nam Bộ đạt cao nhất là 10,8 tỷ đồng/doanh nghiệp; tiếp đến là Đồng bằng sông Hồng đạt 10 tỷ đồng/doanh nghiệp; Đồng bằng sông Cửu Long đạt 9,6 tỷ đồng/doanh nghiệp...; Khu vực Tây Nguyên có tỷ lệ thấp nhất đạt 6,4 tỷ đồng/doanh nghiệp.

Theo lĩnh vực hoạt động, trong 8 tháng qua số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tập trung nhiều nhất ở các ngành, như: Bán buôn, bán lẻ; sửa chữa ô tô, xe máy; Xây dựng; Công nghiệp chế biến, chế tạo (Bảng 1).

Bảng 1: Tình hình doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, vốn và lao động theo lĩnh vực hoạt động


Qua xem xét về số lượng và tốc độ gia tăng về số doanh nghiệp cho thấy, ngành bán buôn, bán lẻ; sửa chữa ô tô, xe máy có số lượng doanh nghiệp đăng ký nhiều nhất có có 29.646 doanh nghiệp, chiếm 33,9% so với cả nước, nhưng xét về tỷ lệ gia tăng doanh nghiệp của ngành nghề so với cùng kỳ năm 2017 thì ngành kinh doanh bất động sản có tỷ lệ cao nhất là 42,0%.

Trong 8 tháng đầu năm 2018, cả nước cũng có 20.942 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 9,3% so với cùng kỳ năm 2017.

Trong đó, tập trung ở các ngành, như: Bán buôn, bán lẻ; sửa chữa ô tô, xe máy có 7.581 doanh nghiệp, chiếm 36,2% trên tổng số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động; Xây dựng có 3.272 doanh nghiệp, chiếm 15,6% trên tổng số doanh nghiệp; Công nghiệp chế biến, chế tạo có 2.771 doanh nghiệp, chiếm 13,2% trên tổng số doanh nghiệp.

Về số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, cả nước có 21.575 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 25,2% so với cùng kỳ năm 2017 và có 41.660 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể tăng 45,9% so với cùng kỳ năm trước.

Kể từ tháng 4/2018 đến nay, các địa phương đang tích cực triển khai công tác chuẩn hóa, làm sạch dữ liệu nhằm loại bỏ các doanh nghiệp đã thành lập từ rất lâu nhưng không còn hoạt động; sau khi rà soát, những doanh nghiệp đó được chuyển sang tình trạng chờ giải thể. Đó là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự gia tăng về số lượng doanh nghiệp chờ giải thể trong 8 tháng đầu năm 2018.

Về số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể trong 8 tháng qua, cả nước có 9.135 doanh nghiệp, tăng 17,8% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, số lượng doanh nghiệp giải thể phần lớn là những doanh nghiệp có quy mô vốn đăng ký nhỏ dưới 10 tỷ đồng, chiếm 91,5% trên tổng số doanh nghiệp giải thể của cả nước (Bảng 2).

Bảng 2: Số doanh nghiệp giải thể theo quy mô vốn

Đơn vị: doanh nghiệp


Thống kê cũng cho thấy, số doanh nghiệp giải thể chủ yếu là ở những khu vực, như: khu vực Đông Nam Bộ có 3.340 doanh nghiệp, chiếm 36,6%; khu vực Đồng bằng sông Hồng có 2.031 doanh nghiệp chiếm 22,2% trên tổng số doanh nghiệp giải thể.

Còn theo lĩnh vực hoạt động, số doanh nghiệp giải thể tập trung chủ yếu ở những ngành kinh tế, như: Bán buôn, bán lẻ; sửa chữa ô tô, xe máy có 3.503 doanh nghiệp, tăng 19,9% so với cùng kỳ năm trước; Công nghiệp chế biến, chế tạo có 1.237 doanh nghiệp, tăng 26,7%; Xây dựng có 992 doanh nghiệp, tăng 15,1%.

Ngoài ra, tỷ lệ doanh nghiệp giải thể trong 8 tháng đầu năm giảm ở 3 ngành so với cùng kỳ năm 2017 gồm: Nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản giảm 13,8%; Khai khoáng giảm 3,9% và Vận tải kho bãi giảm 2,3%. Các ngành, nghề còn lại đều có tỷ lệ doanh nghiệp giải thể tăng so với cùng kỳ năm trước./.