Gelex gợi mở góc nhìn mới về phát triển bền vững
Góc nhìn mới về ESG
Phát biểu tại Hội thảo, ông Đậu Minh Lâm – Thành viên HĐQT độc lập, Chủ tịch Ủy ban Kiểm toán Tập đoàn GELEX cho biết: “Việc triển khai ESG đã được sự ủng hộ cao của tất cả thành viên HĐQT Tập đoàn GELEX. Đồng thời, GELEX dự kiến thành lập Ủy ban ESG của Tập đoàn để đưa ra các chiến lược, phương thức và lộ trình triển khai. Hội thảo gần đây của GELEX tổ chức tại Vĩnh Phúc cũng đã trình bày tổng quan về ESG với các nội dung cơ bản...”.
Đại diện Lãnh đạo GELEX và ICAEW tại Hội thảo |
Ông Lâm nhấn mạnh, Ban Lãnh đạo Tập đoàn GELEX luôn rất quan tâm đến việc lan tỏa, truyền cảm hứng và những ý tưởng ESG, cũng như tinh thần, bản chất ESG liên quan đến các vấn đề về môi trường, xã hội, quản trị sẽ được triển khai trên toàn hệ thống.
Bà Vandana Saxena Poria cho biết, sự bền vững là vấn đề tư duy, nhận thức và nếu chúng ta không thấm nhuần được điều này thì các thế hệ kế tiếp sẽ khó có được một tương lai tốt đẹp. “Sự bền vững không chỉ là môi trường hay bảo vệ môi trường, mà còn là việc làm bền vững, tăng trưởng kinh tế một cách bền vững”, bà Vandana Saxena Poria nói.
Vị chuyên gia này cũng giới thiệu sơ bộ về 17 tiêu chí phát triển bền vững và cho rằng, mỗi lĩnh vực sẽ có yêu cầu, khuôn khổ riêng, tuy nhiên tựu chung lại các đặc điểm chính của ESG là các hoạt động tác động đến môi trường, xã hội, quản trị, và mở rộng hơn là vốn con người (quyền con người), vốn xã hội.
Thực tế, ESG có tác động rất lớn đến doanh nghiệp, ảnh hưởng đến xếp hạng doanh nghiệp. Các doanh nghiệp có ESG tốt, thì có khả năng tiếp cận được nhiều cơ hội hơn về vốn, về nhà đầu tư, về lợi thế cạnh tranh trên thị trường. Chính vì vậy, các doanh nghiệp, tập đoàn lớn trên thế giới đều rất quan tâm đến việc thực hiện ESG và có những hoạt động ESG vô cùng hiệu quả.
Tại Việt Nam, bà Vandana Saxena Poria cho rằng, việc triển khai ESG là một thách thức lớn vì ESG còn khá mới mẻ. Đó cũng là thách thức chung với các doanh nghiệp Việt, tuy nhiên bài học từ các quốc gia khác đã cho thấy, những doanh nghiệp theo đuổi mô hình phát triển bền vững đã thực hiện khá tốt lĩnh vực này.
“Chúng ta có 2 cách tiếp cận về ESG. Cách thứ nhất, hãy coi ESG là động cơ để thực hiện, trong đó bao gồm các bước phát triển để đảm bảo tương lai cho thế hệ mai sau. Khi đó, ESG được coi như một củ cà rốt. Và cách thứ hai là coi ESG như một cây gậy, đến một thời điểm nào đó ESG sẽ được đưa vào trong các quy định bắt buộc phải thực hiện của Chính phủ, khi đó dù muốn hay không chúng ta đều sẽ phải làm”, chuyên gia nhấn mạnh.
Thực hiện ESG từ những hành động nhỏ nhất
Chia sẻ quan điểm tại Hội thảo, ông Đậu Minh Lâm cho rằng, nếu tiếp cận về ESG, có thể thấy ESG không phải là “hot trend” hay “hot topic” mà là một chiến lược dài hạn, một chặng đường dài để phải thay đổi từ những việc nhỏ nhất. Những hành động nhỏ của mỗi người, của toàn thể cán bộ nhân viên GELEX sẽ giúp xây dựng một môi trường tốt hơn, tạo ra một doanh nghiệp bền vững hơn, từ đó tạo ra một thế giới bền vững hơn.
Ông Lâm lấy ví dụ như để đất nước Việt Nam được sạch đẹp, chúng ta đã phải làm quen và thực hiện việc không xả rác bừa bãi trong cả thập kỷ, cả thế kỷ, để các thế hệ ngày hôm nay đã hình thành tư duy bảo vệ môi trường ngay từ khi còn rất nhỏ.
“Để có thể tạo ra sự thay đổi thì chúng ta phải bắt đầu làm từ những việc nhỏ đầu tiên. Tôi hy vọng sau buổi Hội thảo này, cán bộ nhân viên GELEX sẽ tự tạo ra các thông điệp, những thay đổi nhỏ từ trong tiềm thức của bản thân, rồi từ đó đưa ra các ý tưởng đóng góp cho lãnh đạo, cho tổ chức. Tập đoàn cam kết hết sức mạnh mẽ để triển khai”, ông Lâm nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, bà Vandana Saxena Poria cũng đưa ra thông điệp: Việc thực hiện ESG cần có sự tham gia của tất cả các cấp bậc nhân viên trong tổ chức. Tuy nhiên, mỗi cá nhân sẽ không phải đơn độc một mình trên hành trình này mà sẽ có sự chung tay kết hợp giữa cá nhân, cộng đồng, doanh nghiệp và Chính phủ.
Vị chuyên gia này cũng khuyến nghị Ban lãnh đạo Tập đoàn GELEX không nên coi ESG là một vấn đề riêng biệt hay tách bạch, mà nên gắn với toàn bộ hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. “Các bạn có thể bắt đầu từ những cách đơn giản nhất như đo lường về sức khỏe và đời sống cán bộ nhân viên mỗi tháng một lần. Hoặc hãy quan tâm đến khối lượng phát thải công nghiệp là bao nhiêu để từ đó cân nhắc các biện pháp giảm lượng phát thải…”,
Cuối cùng, bà Vandana Saxena Poria khẳng định, ESG không chỉ là vấn đề tuân thủ, mà phải là những hoạt động đúng, công việc đúng, làm những điều đúng đắn thì quá trình thực hiện ESG mới thực sự hiệu quả.
Kết thúc Hội thảo, đại diện Tập đoàn GELEX gửi lời cảm ơn đến diễn giả Vandana Saxena Poria và ICAEW đã cung cấp nhiều thông tin hữu ích, cũng như gợi mở những góc nhìn mới về khái niệm ESG, các khuyến nghị, cách thức thực hiện ESG dành cho GELEX. Thông qua Hội thảo này, Ban lãnh đạo Tập đoàn GELEX hy vọng cán bộ nhân viên Tập đoàn GELEX và các công ty thành viên sẽ hiểu đúng, đủ về ESG để có những hành động thiết thực, cùng xây dựng một GELEX phát triển bền vững. Tập đoàn cũng kỳ vọng ICAEW sẽ tiếp tục đồng hành cùng GELEX để xây dựng lộ trình thực thi cam kết ESG một cách đồng bộ và hiệu quả./.
Bình luận