Giả thuyết mới: Hố đen trong vũ trụ biến thành “hố trắng"
Nếu giả thuyết này là đúng, những tranh cãi về việc hố đen có thực sự phá hủy tất cả những gì mà nó hút vào hay không sẽ có lời giải đáp.
Theo thuyết tương đối của Albert Einstein, khi một ngôi sao sắp chết bị sụp đổ bởi chính khối lượng của mình, đến một thời điểm nào đó sự sụp đổ này sẽ không thể bị đảo ngược, làm hố đen xuất hiện và nuốt lấy ánh sáng cũng như mọi thứ ở gần nó. Mặc dù phóng xạ sẽ rỉ ra từ các hố đen và dần dần làm lỗ đen sụp đổ, nhưng điều này không ảnh hưởng đến những vật chất khác mà hố đen đã hút vào.
Do trong thuyết lượng tử không tồn tại khả năng các thông tin bị mất, nhưng 2 nhà nghiên cứu từ đại học Aix-Marseille (Pháp) tin rằng họ đã tìm ra lời giải thích cho hiện tượng “nghịch lý thông tin".
Theo hai nhà vật lý học Carlo Rovelli và Hal Haggard, một hố đen cuối cùng sẽ đạt đến thời điểm mà nó không thể tiếp tục sụp đổ và áp lực từ bên trong bắt đầu ép ra ngoài. Điều này sẽ khiến hố đen bị đảo lộn từ trong ra ngoài và giải phóng mọi thứ nó từng hút vào ra vũ trụ.
Đáng chú ý là các nhà khoa học tin rằng những hố trắng này được tạo ra không lâu sau khi hố đen hình thành, và con người không thể nhận ra vì trọng lực khiến thời gian giãn nở và khiến vòng đời của hố đen dường như kéo dài tới vài tỉ hoặc vài tỉ tỉ năm. Những tính toán hiện nay cho thấy chỉ mất khoảng vài phần ngàn của một giây để một hố đen biến thành hố trắng.
Ron Cowen, một tác giả chuyên về khoa học giải thích sâu hơn: "Nếu các nhà nghiên cứu đã đúng thì những hố đen nhỏ được tạo ra từ khi vũ trụ mới được khai sinh đã chết và biến thành những tia vũ trụ năng lượng cao hoặc những dạng phóng xạ khác. Thực tế giả thuyết này tin rằng một số vụ nổ sao băng là dấu hiệu những hố đen sinh ra sau vụ nổ Big Bang sắp chết".
Mặc dù Rovelli và Haggard không hoàn toàn loại bỏ việc hố đen rỉ ra phóng xạ, nhưng họ cho rằng năng lượng rỉ ra không đủ để rút cạn tất cả năng lượng mà hố đen đã hút vào. Phóng xạ có thể rỉ ra, tuy nhiên nghiên cứu của họ chủ yếu tập trung phát hiện những gì diễn ra bên trong hố đen.
Hai nhà nghiên cứu cũng thừa nhận giả thuyết của họ cần được thử nghiệm nhiều hơn nữa, với những tính toán tổng quát hơn.
Theo nhà vật lý học Steven Giddings, Đại học California Santa Barbara, nếu quá trình nghiên cứu chứng minh giả thuyết này là đúng thì đây sẽ là một bước ngoặt quan trọng để trả lời câu hỏi: “Làm thể nào mà thông tin bị mất khỏi hố đen?” cũng như giải thích các cơ chế lượng tử và thậm chí là trọng lực lượng tử của hố đen.
Bình luận