Giai đoạn 2011-2015: Tỷ lệ doanh nghiệp thua lỗ lên đến 40,9%
Theo báo cáo Doanh nghiệp thường niên năm 2017, tính đến 31/12/2016, cả nước có khoảng 546.281 doanh nghiệp. Tuy nhiên, nếu trừ đi số lượng doanh nghiệp đã đăng ký nhưng chưa đi vào hoạt động, thì cả nước mới chỉ có khoảng 478 nghìn doanh nghiệp.
Báo cáo còn cho biết, tốc độ tăng trưởng số lượng doanh nghiệp đang giảm đi, giai đoạn 2012-2015 là 8,1%/năm (giai đoạn 2007-2011 là 20%/năm). Trong khi đó, số lượng doanh nghiệp ngừng hoạt động hoặc giải thể lại có xu hướng tăng từ 54.198 doanh nghiệp (năm 2011) lên 73.145 doanh nghiệp năm 2016.
Tốc độ tăng trưởng doanh nghiệp giảm đi trong giai đoạn 2012-2015 |
Báo cáo cũng cho thấy, quy mô doanh nghiệp vẫn không được cải thiện. Lao động bình quân trong doanh nghiệp đã liên tục giảm từ 49 lao động năm 2007 xuống chỉ còn 29 lao động năm 2015. Điều này phản ánh một thực trạng là tỷ trọng các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ trong nền kinh tế ngày càng gia tăng, đồng nghĩa với việc Việt Nam vẫn tiếp tục thiếu các doanh nghiệp cỡ vừa lớn.
Trong giai đoạn 2011-2015, tỷ lệ doanh nghiệp thua lỗ đã tăng cao, trung bình khoảng 40,9%. Điển hình là năm 2015, tỷ lệ này là 49,5%; năm 2014 là 45,4%, trong đó chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Theo báo cáo này, trong 3 khu vực doanh nghiệp, tỷ lệ thua lỗ của các doanh nghiệp Nhà nước luôn thấp nhất, dưới 15% trong giai đoạn 2007-2010 sau đó tăng lên trong 4 năm gần dây, lên mức 17,5% năm 2015. Nguyên nhân là bởi so với doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp ngoài nhà nước, các doanh nghiệp Nhà nước có nhiều lợi thế và ưu đãi, chi phí bỏ ra ít hơn, chẳng hạn như chi phí liên quan đến mặt bằng sản xuất kinh doanh, nên hạch toán có lãi nhiều hơn so với các doanh nghiệp Nhà nước.
Tuy nhiên, "tỷ lệ thua lỗ trên đây là xét về số lượng doanh nghiệp, còn về giá trị thua lỗ thì các doanh nghiệp nhà nước, nhất là các tập đoàn, tổng công ty luôn có những khoản thua lỗ khổng lồ", báo cáo cho hay.
Doanh nghiệp FDI có tỷ lệ doanh nghiệp thua lỗ vẫn luôn cao nhất, có những thời điểm lên đến 51,2% năm 2008 hay 49,8% năm 2009. Tuy nhiên, các doanh nghiệp này vẫn tiếp tục đầu tư và mở rộng sản xuất, đặt ra vấn đề chuyển giá đối với các doanh nghiệp này.
Khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn dễ bị tổn thương nhất khi tỷ lệ thua lỗ cao nhất. Xét theo loại hình doanh nghiệp, 3 loại hình kinh doanh có tỷ lệ thua lỗ trên 50% là công ty hợp danh (64,1%); công ty cổ phần (53,4%), công ty TNHH (51,7%).
Đây là điều đáng lo ngại, khi mà hai trong ba loại hình doanh nghiệp này đang chiếm tỷ lệ cao nhất trong số doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam. Điều này cũng lý giải một phần nguyên nhân khiến hơn 73.000 doanh nghiệp đã phải ngừng hoạt động và giải thể trong năm 2016.
Báo cáo thường niên cũng chỉ ra vòng quay vốn của doanh nghiệp có chiều hướng giảm đi trong giai đoạn 2007-2015, từ 2 lần xuống 1,2 lần, phản ánh hiệu quả sử dụng vốn của doanh nghiệp ngày càng giảm đi và đặc biệt giảm mạnh vào năm 2009, một phần do tác động của cuộc khủng hoảng tài chính, nhưng sau đó đã luôn duy trì ở mức thấp trong giai đoạn 2009-2015./.
Bình luận