Từ khóa: tổ chức tài chính vi mô, quỹ cho vay bán buôn, mô hình, cơ chế vận hành

Summary

With the role of financial intermediary and market development, the establishment of wholesale lending funds for microfinance institutions (MFIs) is extremely necessary, meeting the needs set out in the operation proccess of microfinance institutions. However, the operating model of these funds is an issue that countries around the world are concerned to find the best operating method for themselves. The article uses research methods to synthesize and analyze models/mechanisms for operating wholesale funding for microfinance institutions. On that basis, suggest operating models/mechanisms suitable for the Vietnamese case.

Keywords: microfinance institution, wholesale lending funds, model, operating mechanism

GIỚI THIỆU

TCTCVM là cầu nối, đưa các dịch vụ tài chính vi mô (TCVM) đến với các khách hàng yếu thế, TCTCVM đã góp phần vào sự phát triển của hệ thống tài chính, là công cụ hữu ích thực hiện xóa đói giảm nghèo, giúp người nghèo tránh, giảm rủi ro trong kinh tế và trong cuộc sống. Tuy nhiên, thực tế các TCTCVM gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận các nguồn tài chính. Do đó, các TCTCVM rất cần sự hỗ trợ từ các bên có liên quan với các cơ chế hỗ trợ đa dạng. Trong đó, quỹ cho vay bán buôn cho các TCTCVM là một tổ chức hoạt động thứ cấp thực hiện việc chuyển dòng vốn (dưới hình thức tài trợ, vốn vay và/hoặc bảo lãnh) tới các TCTCVM bán lẻ, thường là trong một quốc gia hoặc khu vực nhất định. Ngoài ra, quỹ cho vay bán buôn cho các TCTCVM còn cung cấp các dịch vụ hỗ trợ kỹ thuật, như: xây dựng năng lực quản lý, giám sát, kiến thức về tài chính… cho các TCTCVM (Microsave, 2017). Như vậy, quỹ cho vay bán buôn là một kênh hỗ trợ đặc biệt hiệu quả trong hoạt động TCVM để thông qua đó, các TCTCVM nhận được sự hỗ trợ cần thiết, không chỉ về nguồn vốn, mà còn là hỗ trợ về kỹ thuật.

ĐẶC ĐIỂM CỦA QUỸ CHO VAY BÁN BUÔN CHO CÁC TCTCVM

Để phát triển hoạt động cho cho vay bán buôn trong TCVM, điều kiện tiên quyết là phải có các quỹ cho vay bán buôn có năng lực. Thông qua thực tiễn hoạt động trên thế giới, đã chứng minh sự ra đời của quỹ cho vay bán buôn cho TCTCVM là hoàn toàn đúng đắn. Các quỹ cho vay bán buôn đã làm tốt chức năng cốt lõi về trung gian tài chính và tạo điều kiện cho các TCTCVM mở rộng khả năng tiếp cận tài chính. Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia cao cấp của các quỹ cho vay bán buôn đã tham gia vào quá trình xây dựng năng lực thể chế và hỗ trợ phát triển các TCTCVM bền vững, nhất là trong giai đoạn khởi đầu. Một quỹ cho vay bán buôn hoạt động trên thị trường TCVM có các đặc điểm sau đây:

- Quỹ cho vay bán buôn hoạt động với mục tiêu hỗ trợ sự phát triển bền vững của các TCTCVM. Quỹ bán buôn mở rộng cơ hội tiếp cận vốn cho các TCTCVM, nguồn vốn này đến từ nhiều nguồn khác nhau, duy trì tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của các TCTCVM.

- Quỹ cho vay bán buôn nhận được tài trợ thông qua việc đánh giá thực tế về số lượng các TCTCVM đủ tiêu chuẩn trong quốc gia hoặc khu vực có thể hấp thụ được nguồn tài trợ của quỹ cho vay bán buôn.

- Quỹ cho vay bán buôn tài trợ cho các TCTCVM dựa trên các tiêu chí lựa chọn rõ ràng, chẳng hạn như: chất lượng danh mục đầu tư, chiều sâu của việc tiếp cận khách hàng, chất lượng quản lý, tiến độ hướng tới tính bền vững cuối cùng của TCTCVM.

- Quỹ cho vay bán buôn là một tổ chức hoạt động độc lập về chính trị, thường đòi hỏi phải có một hội đồng quản trị mạnh mẽ để có thể bảo vệ hoạt động của Quỹ khỏi sự can thiệp chính trị, do đó đảm bảo rằng các nhà quản lý có thể đưa ra quyết định một cách khách quan trên cơ sở các phân tích thực tế.

- Quỹ cho vay bán buôn thực hiện giám sát các TCTCVM dựa trên các mục tiêu hoạt động được xác định chính xác và được thực thi nghiêm túc. Giám sát các TCTCVM theo các mục tiêu hoạt động thể chế có trong kế hoạch kinh doanh của họ. Tập trung mối quan hệ (thẩm định, yêu cầu hợp đồng, báo cáo và giám sát) vào khả năng tồn tại của TCTCVM.

- Quản lý quỹ cho vay bán buôn đòi hỏi có đội ngũ nhân sự trình độ cao, người quản lý phải có sự kết hợp giữa kiến thức chuyên môn về tài chính vi mô, kỹ năng quản lý về tài chính và tính chính trực.

- Quỹ cho vay bán buôn là cầu nối giữa các TCTCVM và các nguồn tài trợ thương mại. Thực tế tại một số quốc gia đã vận hành mô hình quỹ cho vay bán buôn đã cho thấy, quỹ cho vay bán buôn sẽ mở đường cho việc tạo nguồn vốn thương mại cho các TCTCVM, hoạt động của các TCTCVM phát triển và tự vững thì việc huy động được vốn thương mại sẽ trở nên dễ dàng hơn.

MÔ HÌNH VẬN HÀNH CƠ CHẾ CHO VAY BÁN BUÔN CHO CÁC TCTCVM

Cùng với sự phát triển của TCVM trên toàn cầu, quỹ cho vay bán buôn đã xuất hiện trên thị trường TCVM thế giới, được vận hành thành công góp phần không nhỏ vào sự phát triển của hệ thống TCVM ở các quốc gia (Gonzalez-Vega 1998; Pennell 1999). Các quỹ cho vay bán buôn cho TCTCVM hoạt động với nhiều mô hình khác nhau, phù hợp với điều kiện và đặc điểm của mỗi quốc gia, mỗi khu vực. Ở khu vực châu Á, có thể kể đến quỹ cho vay bán buôn điển hình là: Quỹ Palli Karma-Sahayak của Bangladesh, đây một quỹ bán buôn quốc gia được thành lập bởi Chính phủ. Trên cơ sở học tập kinh nghiệm từ Bangladesh, thì Philippines, Campuchia, Pakistan, Nepal và Sri Lanka... cũng đã tạo ra các quỹ bán buôn. Ở châu Mỹ Latinh, quỹ bán buôn xuất hiện dưới hình thức là các chương trình tín dụng toàn cầu dành cho doanh nhân vi mô của IDB (Inter-American Development Bank) hoạt động ở các nước: Colombia, Peru, Urugay... Ở châu Phi, quỹ bán buôn Oiko Credit được thành lập như một công ty trách nhiệm hữu hạn tại Kenya.

Nhìn chung, có 2 cách thiết lập quỹ cho vay bán buôn có thể được tổng hợp như sau:

hình thành lập Quỹ cho vay bán buôn (điển hình là tổ chức đỉnh Apex)

Thuật ngữ Apex bắt nguồn từ tiếng Latinh, có nghĩa là “mũi nhọn” và đã được sử dụng trong một số lĩnh vực. Trong TCVM, Apex về cơ bản là các thỏa thuận trung gian liên kết các nhà tài chính và những người hành về TCVM. Mục tiêu cuối cùng của Apex là nuôi dưỡng sự phát triển của TCVM và mở rộng phạm vi tiếp cận bền vững nhằm nâng cao cơ hội kinh tế cho người nghèo. Tổ chức Apex chuyển từ các khoản do Chính phủ hoặc nhà tài trợ cung cấp để cho vay đối với các TCTCVM bán lẻ. Tổ chức Apex là một tổ chức đăng ký hợp pháp trong việc cung cấp dịch vụ tài chính với số lượng lớn, quản lý và một số các dịch vụ khác hướng tới các TCTCVM bán lẻ. Các tổ chức này cũng tương tự như tổ chức hợp tác xã tài chính. Tuy nhiên, trong trường hợp này, các TCTCVM hoặc các đối tác nước ngoài, các nhà tài trợ xác định ra tổ chức cấp hai để cung cấp khoản tài trợ lớn và trao đổi thông tin giữa các nhà thực hành TCVM uy tín. Thay vì dựa trên yếu tố thành viên, tổ chức Apex được thiết lập và thuộc sở hữu của một tổ chức bên ngoài. Tổ chức Apex không cung cấp dịch vụ trực tiếp đến các doanh nhân. Thay vào đó họ cung cấp dịch vụ cho các TCTCVM bán lẻ.

Apex có thể thành lập với các tư cách pháp lý khác nhau như các dự án, chương trình TCVM và các tổ chức có đăng ký theo quy định của pháp luật như các công ty, tổ chức phi chính phủ, quỹ tín thác. Trên khía cạnh cấu trúc sở hữu, Apex có thể thuộc sở hữu nhà nước hoặc tư nhân hoặc kết hợp cả hai. Theo đó, Apex có thể là ngân hàng phát triển thuộc sở hữu nhà nước, NHTM thuộc sở hữu tư nhân, các quỹ độc lập (tổ chức phi lợi nhuận hoặc tổ chức tài chính phi ngân hàng) thuộc sở hữu nhà nước, sở hữu tư nhân hoặc kết hợp cả hai; các quỹ tài trợ (một phần của dự án TCVM). Các Apex có thể tạo ra bằng nhiều cách khác nhau, có thể do một hoặc nhiều ngân hàng cùng nhau tạo ra; quỹ trung gian cũng có thể do các doanh nghiệp, các tổ chức phi chính phủ, các tổ chức xã hội tạo ra. Apex là tổ chức kết nối giữa các nhà tài trợ với các TCTCVM, với vai trò là: Trung gian tài chính; Phát triển thị trường.

Với 2 vai trò nói trên, có thể thấy, hoạt động chính của các Apex là phân phối nguồn vốn thông qua việc cung cấp các khoản vay cho các TCTCVM. Ngoài ra, các tổ chức này còn thực hiện các hoạt động bảo lãnh vay vốn, đầu tư vốn chủ sở hữu. Apex cũng có thể cung cấp các hỗ trợ nâng cao năng lực cho các TCTCVM với mục tiêu biến chúng thành các thể chế bền vững có thể tiếp cận tài trợ thương mại. Trên thực thế, các hoạt động hỗ trợ nâng cao năng lực cho TCTCVM từ Apex chủ yếu ở dạng đào tạo hoặc hỗ trợ kỹ thuật thông qua các khoản trợ cấp từ các nhà tài trợ. Ở một cấp độ cao hơn, Apex có thể làm trung gian giữa thị trường vốn tư nhân và các TCTCVM đáng tin cậy thông qua chứng khoán hóa các danh mục cho vay của TCTCVM. Ở nhiều quốc gia, một tỷ lệ lớn các khu vực TCVM không được kiểm soát. Apex với tư cách là bên liên quan đóng vai trò là người giám sát.

Một tổ chức Apex được cho là thành công nhất khi có nhiều TCTCVM hoạt động tốt và khi tổ chức này làm việc với các tổ chức tài chính chính thức mà có thể “thu hẹp” để đáp ứng nhu cầu của khách hàng có thu nhập thấp.

Hình 1: Cơ chế cho vay bán buôn thông qua Apex

Mô hình quỹ cho vay bán buôn cho các tổ chức tài chính vi mô
Nguồn: Richter (2007)

Hình 1 cho thấy, các tổ chức Apex nhận được số tiền tài trợ lớn, đóng gói lại thành số tiền nhỏ hơn và chuyển nó dưới dạng cho vay, trợ cấp hoặc hỗ trợ kỹ thuật cho các TCTCVM bán lẻ.

  • Về nguồn vốn của quỹ trung gian: Nguồn vốn của các quỹ trung gian này có thể đến từ nhiều nguồn khác nhau, bao gồm các nhà tài trợ quốc tế, chính phủ hoặc từ thị trường vốn. Trên thực tế, nguồn vốn chủ yếu các quỹ trung gian này đến từ các nhà tài trợ đa phương quốc tế và chính phủ của nước sở tại. Trong đó, nhà tài trợ đóng góp nhiều nhất là: Tập đoàn Ngân hàng (KFW), Ngân hàng Thế giới (ADB), Ngân hàng phát triển Liên Mỹ (IBD), Quỹ Phát triển nông nghiệp quốc tế (IFAD) và Liên minh châu Âu (Duflos, Eric and Mayada El-Zoghbi, 2010). 2/3 Apex được tài trợ bởi sự kết hợp của cơ quan công trong nước và quốc tế và khoảng ¼ trong số đó được tài trợ độc quyền bởi cơ quan quốc tế.
  • Về sử dụng vốn của quỹ trung gian: Giống như các tổ chức tài chính bán buôn khác, với vai trò trung gian tài chính, sau khi nhận được số tiền tài trợ lớn từ chính phủ và các nhà tài trợ, các tổ chức tài chính quốc tế và thị trường vốn, Apex sẽ thực hiện cho vay bán buôn đối với TCTCVM dưới dạng các khoản vay để cho vay lại, trợ cấp để xây dựng vốn chủ sở hữu hoặc bảo lãnh. Và các TCTCVM bán lẻ này thực hiện cho vay lại đối với khách hàng có thu nhập thấp, người nghèo.
  • Hỗ trợ phát triển năng lực quản lý: Để thực hiện chức năng này, Apex có thể chuyển tiền trực tiếp cho các dịch vụ xây dựng năng lực hoặc có thể cung cấp trực tiếp dịch vụ này cho các TCTCVM bán lẻ hoặc các bên liên quan khác. Trong cơ chế này, Apex không cung cấp dịch vụ trực tiếp cho người nghèo mà các TCTCVM bán lẻ sẽ là người trực tiếp hỗ trợ khách hàng TCVM.

hình không thành lập Quỹ trung gian riêng

Theo mô hình này, cơ chế hoạt động sẽ được thực hiện bằng cách các NHTM có thể tự nguyện, có thể được Chính phủ (Ngân hàng Trung ương) chỉ định một NHTM phù hợp tại quốc gia để thực hiện chức năng trung gian này. Cụ thể như sau:

- Nguồn vốn thực hiện cho vay bán buôn của các NHTM: chủ yếu là huy động vốn trên thị trường trong nước và quốc tế. Tại một số quốc gia, NHTM thực hiện trích một tỷ lệ % nhất định trên tổng danh mục đầu tư để cho vay đối với lĩnh vực ưu tiên trong đó có TCVM. Bên cạnh đó, nguồn vốn này còn có thể đến từ sự hỗ trợ kỹ thuật của các tổ chức tài chính quốc tế như ADB hoặc các nhà tài trợ. Nguồn tài trợ trong nước từ Chính phủ hoặc phi Chính phủ.

- Sử dụng vốn cho vay bán buôn: Các ngân hàng thực hiện cho vay đối với lĩnh vực TCVM, nhưng thông qua việc cho vay bán buôn đối với các tổ chức cung cấp dịch vụ TCVM bán lẻ hiện có. Cụ thể cơ chế này được sơ đồ hóa như Hình 2.

Hình 2: Cơ chế cho vay bán buôn không thành lập Quỹ trung gian riêng biệt qua NHTM hiện hữu

Mô hình quỹ cho vay bán buôn cho các tổ chức tài chính vi mô
Nguồn: Tổng hợp của tác giả

MỘT SỐ ĐỀ XUẤT CHO VIỆT NAM

Việt Nam cũng là một trong số các quốc gia có nền TCVM phát triển ở mức vừa phải, nên việc thành lập một Quỹ bán buôn theo mô hình mũi nhọn (Apex) sẽ gặp nhiều khó khăn bởi việc thành lập một thể chế tài chính riêng không đơn giản, cần phải xây dựng hành lang pháp lý riêng và các quy định vận hành chuyên nghiệp cho tổ chức, chưa kể các vấn đề về con người, về cơ sở vật chất, công nghệ trang thiết bị. Chính vì vậy, mô hình dựa vào một NHTM hiện hữu là mô hình ưu việt hơn cả.

Để làm được điều này, Việt Nam cũng cần phải học hỏi kinh nghiệm của các quốc gia đã vận hành thành công cơ chế cho vay bán buôn qua hệ thống NHTM để có những bước đi hỗ trợ sự phát triển ngành TCVM, đảm bảo thực hiện được Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (theo Quyết định số 149/QĐ-TTg, ngày 22/01/2020 của Thủ tướng Chính phủ) đã đặt ra. Cụ thể, theo tác giả, cần thực hiện một số vấn đề sau:

Thứ nhất, hoàn thiện hóa khuôn khổ pháp lý dành cho hoạt động hợp tác giữa NHTM và các tổ chức/chương trình dự án TCVM. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cần phải có khuôn khổ pháp lý quy định rõ về hoạt động hợp tác chiến lược này giữa các NHTM (tự nguyện hoặc chỉ định bán buôn vốn) với các TCTCVM. Hiện tại, mối quan hệ giữa NHTM với các TCTCVM là quan hệ giữa 2 tổ chức tín dụng (TCTD) với nhau. Mọi quan hệ vay vốn/gửi tiền tại nhau là quan hệ trên thị trường liên ngân hàng và chủ yếu đáp ứng nhu cầu thanh khoản chứ không phải đáp ứng nhu cầu vốn cho hoạt động cấp tín dụng lâu dài cho thị trường TCVM. Do vậy để các TCTCVM có thể tiếp cận nguồn vốn thương mại hay ký kết các hoạt động hợp tác với NHTM thì cần phải có sự điều chỉnh bởi khuôn khổ pháp lý phù hợp. Khi đó, khung pháp lý phải có những quy định cụ thể đối tượng tổ chức hay chương trình dự án TCVM nào sẽ được vay vốn tại các NHTM với các cơ chế đặc biệt ra sao, để vừa tạo thuận lợi vừa đảm bảo an toàn cho các bên liên quan. Ban hành quy định về cơ chế bán buôn vốn để các NHTM chịu trách nhiệm bán buôn vốn cho các TCTCVM và chính các TCTCVM tiếp nhận vốn tuân thủ. Trong đó, bao gồm đầy đủ các quy định liên quan đến: điều kiện cho vay, quy trình cho vay, thẩm định và giám sát thu nợ như đối với một khách hàng TCTCVM thông thường.

Thứ hai, cần có các chính sách khơi thông nguồn vốn. NHNN có thể học hỏi kinh nghiệm của Ấn Độ trong việc Ban hành quy định về cho vay với lĩnh vực ưu tiên, đưa TCVM thành 1 lĩnh vực ưu tiên cho vay và yêu cầu các tổ chức cho vay bán buôn và các ngân hàng bán lẻ đảm bảo một tỷ lệ cho vay trong lĩnh vực TCVM nhất định trong danh mục cho vay của mình. Đây là cơ sở để cung cấp vốn bán buôn ban đầu cho các TCTCVM với chi phí tương đối rẻ. Về tỷ trọng cho vay, hạn mức cho vay, lãi suất cho vay và điều kiện của TCTCVM tiếp nhận vốn cần được thực hiện theo một lộ trình nhất định và có thể thay đổi theo thời gian phù hợp với mức độ phát triển của các TCTCVM và tránh làm hạn chế sự đa dạng trong danh mục cho vay của các NHTM.

Cần có cơ chế, chính sách thúc đẩy các NHTM tích cực tham gia cho vay bán buôn với các TCTCVM: Có thể lựa chọn một NHTM cụ thể chịu trách nhiệm chính trong hoạt động cho vay bán buôn (tương tự như NABARD tại Ấn Độ) tái tài trợ vốn cho các NHTM. Với ngân hàng này, Chính phủ, NHNN cần có cơ chế hỗ trợ, tập trung nguồn vốn tài trợ cho TCVM về đây để tạo nguồn vốn vững chắc cho NHTM này thực hiện nhiệm vụ của mình. Bên cạnh đó có cơ chế khuyến khích các NHTM khác muốn mở rộng thị trường, tìm kiếm các lợi thế của thị trường TCVM chủ động tìm kiếm đối tác là tổ chức/chương trình dự án TCVM để làm đối tác chiến lược, cung ứng vốn bán buôn cho các tổ chức này./.

ThS. Nguyễn Thị Thu Thủy - Trường Đại học Hoa Lư

TS. Nguyễn Hồng Yến - Học viện Ngân hàng

(Theo Tạp chí Kinh tế và Dự báo, số 28, tháng 10/2023)


Tài liệu tham khảo

1. Duflos, Eric, and Mayada El-Zoghbi (2010), Apexes: An Important Source of Local Funding, CGAP Brief March, Consultative Group to Assist the Poor.

2. Gozalez-Vega, Claudio (1998), Microfinance Apex Mechanisms: Review of the Evidence and Policy Recommendations, Rural Finance Program, Ohio State University

3. Microsave (2017), Cho vay bán buôn TCVM - Nhu cầu, khả năng và lựa chọn cho Việt Nam, tham luận Kỷ yếu hội thảo “TCVM bán buôn - Dự án tài trợ kỹ thuật hoàn thiện khuôn khổ pháp lý và tăng cường năng lực quản lý, giám sát ngành TCVM tại Việt Nam” do NHNN phối hợp với Cơ quan Phát triển Pháp (AFP), tổ chức ngày 21/2/2017.

4. Pennell, John A. (1999), Apex Microfinance Institutions: A Review of their Record, United States Agency for International Development

5. Richter, D. K. P. (2007), Integrating Microfinance into the Financial System: The Role of Apex Mechanisms in Kenya and Uganda, retrieved from https://www.researchgate.net/publication/40536421_ Integrating_microfinance_into_the_financial_system_the_role_of_apex_mechanisms_in_Kenya_and_Uganda.