XUẤT KHẨU THỦY SẢN CỦA VIỆT NAM TRƯỚC VÀ TRONG THỜI KỲ DỊCH BỆNH COVID-19

Kim ngạch xuất khẩu thủy sản

Trong nhiều năm qua, Việt Nam là nước xuất khẩu thủy sản lớn thứ 3 trên thế giới, chỉ sau Trung Quốc và Na Uy. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, giá trị xuất khẩu mặt hàng thủy sản của Việt Nam tăng dần lên theo từng năm trong giai đoạn 2015-2020. Năm 2020 là năm rất khó khăn đối với ngành thủy sản, nhưng kim ngạch cả năm vẫn đạt 8,4 tỷ USD, giảm 1,9% so với năm trước đó. Đây là thành tựu đáng ghi nhận đối với ngành thủy sản Việt Nam trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến rất phức tạp ở các quốc gia, như: Hoa Kỳ, Nhật Bản, EU là những thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam. Khi đại dịch xảy ra, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam bị ảnh hưởng rất nặng nề trong những tháng đầu năm 2020. Cụ thể, trong 3 tháng đầu năm giá trị xuất khẩu thủy sản chỉ đạt 1,59 tỷ USD, giảm 11% so với cùng kỳ năm 2019. Tuy nhiên, sản xuất và xuất khẩu thủy sản Việt Nam từng bước được phục hồi trong 3 quý tiếp theo do các nhà sản xuất trong nước đã có những biện pháp thích ứng kịp thời và nhu cầu các nước phục hồi trở lại. Giá trị xuất khẩu của tháng 12 gấp khoảng 1,4 lần so với tháng 3 và tăng 3,3% so với cùng kỳ năm trước. Những nỗ lực của các doanh nghiệp, Hiệp hội Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) và các cơ quan quản lý đã giúp xuất khẩu thủy sản nước ta vượt qua khó khăn và đạt 8,4 tỷ USD trong năm 2020.

Giải pháp thúc đẩy xuất khẩu thủy sản Việt Nam trong bối cảnh đại dịch Covid-19
Năm 2020 là năm rất khó khăn đối với ngành thủy sản, nhưng kim ngạch cả năm vẫn đạt 8,4 tỷ USD.

Cơ cấu và giá mặt hàng thủy sản chủ lực của Việt Nam

Trong thời gian qua, cơ cấu các mặt hàng thủy sản xuất khẩu của Việt Nam không có nhiều thay đổi, với hai mặt hàng xuất khẩu chủ lực là tôm và cá tra. Năm 2020, xuất khẩu tôm và cá tra đã chiếm lần lượt 43% và 19% giá trị xuất khẩu của cả ngành thủy sản (VASEP, 2021). Các mặt hàng này tiếp tục chiếm ưu thế trong xuất khẩu thủy sản 6 tháng đầu năm 2021 của Việt Nam.

Điều đáng mừng là trong 2 năm (2019, 2020), giá xuất khẩu cá của Việt Nam có xu hướng tiệm cận đến mức giá bình quân của thế giới. Nguyên nhân chủ yếu là đại dịch Covid-19 đã khiến xuất khẩu cá ở một số nước xuất khẩu, như: Trung Quốc, Hà Lan gặp nhiều khó khăn làm suy giảm nguồn cung quốc tế, trong khi đó, Việt Nam có khả năng tiếp cận thị trường thế giới tốt hơn. Điều này đã giúp tăng giá xuất khẩu cá của Việt Nam, chấm dứt đà giảm giá cá xuất khẩu của năm 2019. Đây có lẽ là điểm sáng nhất trong xuất khẩu cá tra của Việt Nam trong thời kỳ đầu đại dịch Covid-19.

Thị trường xuất khẩu

Thủy sản của Việt Nam đã có mặt ở hơn 170 quốc gia và vùng lãnh thổ trải khắp các châu lục. Trong quý I/2020, kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang hầu hết các thị trường chính đều giảm, đặc biệt tại các thị trường lớn, như: Trung Quốc (giảm 29%), các nước châu Âu, Thái Lan (giảm 18%), Hàn Quốc (giảm 11%). Đây chính là những quốc gia đầu tiên bị ảnh hưởng nặng nề nhất từ đại dịch Covid-19, nên đã tiến hành các biện pháp dịch tễ, đóng cửa biên giới. Chính những yếu tố này dẫn tới xuất khẩu của Việt Nam tiếp cận thị trường thế giới gặp rất nhiều khó khăn, trong đó có xuất khẩu thủy sản.

Tuy nhiên, bắt đầu từ cuối quý III/2020 các doanh nghiệp đã nỗ lực tìm kiếm các biện pháp khắc phục khó khăn do dịch bệnh đem lại nên giá trị xuất khẩu sang một số thị trường chủ lực có mức tăng rất khả quan. Cụ thể, năm 2020 xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ tăng 33%; Anh 20,1%; thị trường EU là 6,1%; Hàn Quốc 3,3% so với năm 2019.

MỘT SỐ BIỆN PHÁP HẠN CHẾ THƯƠNG MẠI ĐỐI VỚI THỦY SẢN NHẬP KHẨU ĐƯỢC THIẾT LẬP KHI ĐẠI DỊCH COVID-19 BÙNG PHÁT

Thuế nhập khẩu, tại các thị trường xuất khẩu thủy sản lớn của Việt Nam là Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, mức thuế nhập khẩu trung bình áp đối với thủy sản từ Việt Nam trong khoảng 0%-5,2%. Trong khi đó, các đối thủ cạnh tranh lớn, như: Ấn Độ, Trung Quốc bị áp mức thuế trung bình lần lượt rơi vào khoảng 0%-10,7% và 0%-10,8%. Như vậy, so với các đổi thủ cạnh tranh, thủy sản của Việt Nam có lợi thuế về thuế quan nhập khẩu tại các thị trường lớn trên thế giới.

Các biện pháp phi thuế quan, mặc dù có được những ưu đãi và lợi thế về thuế quan, thủy sản xuất khẩu của Việt Nam đang phải đối mặt với số lượng lớn các biện pháp phi thuế quan khác liên quan đến yêu cầu về chất lượng, kiểm dịch, quy trình đánh bắt, chế biến, đóng gói và kiểm tra thông quan. Trong đó, Trung Quốc là quốc gia áp đặt nhiều biện pháp phi thuế quan nhất đối với thủy sản xuất khẩu từ Việt Nam (tôm sú) với 103 biện pháp, đứng thứ hai là Hoa Kỳ với 44 biện pháp phi thuế quan (Bảng).

Giải pháp thúc đẩy xuất khẩu thủy sản Việt Nam trong bối cảnh đại dịch Covid-19

Trong giai đoạn đại dịch Covid-19 bùng phát, nhiều quốc gia cũng đã đưa ra những biện pháp thương mại tạm thời để phòng ngừa sự lây lan của bệnh dịch thông qua con đường xuất - nhập khẩu, cụ thể:

- Nga tạm thời hạn chế nhập khẩu động vật kỳ lạ và trang trí, bao gồm: côn trùng, động vật chân đốt, động vật lưỡng cư, bò sát và các loài khác, cá sống và hydrobionts từ Trung Quốc (có hiệu lực từ ngày 30/01/2020 đến ngày 18/02/2020).

- Úc yêu cầu kiểm dịch, yêu cầu thông qua cảng hải quan cụ thể đối với tất cả mặt hàng: Các quy định được đưa ra bởi Cơ quan An toàn Hàng hải Queensland (MSQ) ngăn tàu cập cảng tại 21 cảng trên toàn tiểu bang đến 14 ngày kể từ khi rời cảng nước ngoài cuối cùng (có hiệu lực từ ngày 20/3/2020).

- Jordan đã thi hành lệnh cấm nhập khẩu tạm thời đối với tất cả các sản phẩm từ động vật và thực vật từ Trung Quốc (có hiệu lực từ ngày 20/02/2020).

- Georgia cấm nhập khẩu động vật sống từ Trung Quốc (có hiệu lực từ ngày 11/01/2020).

- Nhật Bản đã thông qua sửa đổi Đạo luật vệ sinh thực phẩm thay đổi giới hạn dư lượng tối đa (MRL) cho Neomycin đối với một số loại mặt hàng thực phẩm có hiệu lực từ ngày 02/4/2020, trong đó, thủy sản sẽ bị giới hạn lượng Neomycin ở mức 0,5 ppm, là mức thấp so với trước đây. Đây là một thách thức lớn hơn đối với các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản của Việt Nam.

Như vậy, các biện pháp thương mại tạm thời do các quốc gia áp dụng liên quan đến thủy sản hiện nay chủ yếu nhằm đối phó với tình hình dịch bệnh; song, cũng đồng thời gây ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động xuất khẩu thủy sản của Trung Quốc. Do Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh lớn nhất của Việt Nam trên thị trường thủy sản thế giới, nên việc ban hành các biện pháp thương mại trên, vô hình trung, mang lại cơ hội, giúp thủy sản Việt Nam tiếp cận các thị trường mới.

PHÂN TÍCH NHU CẦU THỊ TRƯỜNG QUỐC TẾ ĐỐI VỚI MỘT SỐ MẶT HÀNG THỦY SẢN CHỦ LỰC CỦA VIỆT NAM

Nhu cầu thị trường nhập khẩu truyền thống

Đối với cá basa phi lê đông lạnh: Trung Quốc, Hoa Kỳ, Thái Lan là 3 quốc gia nhập khẩu cá lớn nhất của Việt Nam và cũng là những thị trường vẫn còn nhiều dư địa để cho các doanh nghiệp Việt Nam khai thác, do nhu cầu thị trường vẫn lớn. Đặc biệt là việc mức thuế suất đối với mặt hàng cá của 3 quốc gia này đối với Việt Nam rất ưu đãi, thấp nhất là 0%, nên trong thời gian tới Trung Quốc, Hoa Kỳ và Thái Lan vẫn tiếp tục là những thị trường xuất khẩu rất hấp dẫn đối với ngành thủy sản nước ta. Tuy nhiên, cũng cần chú ý đến thách thức từ hàng rào phi thuế quan rất khắt khe, đặc biệt là về tiêu chuẩn và chất lượng.

Đối với tôm sú: Nhật Bản, Hoa Kỳ, Trung Quốc hiện là 3 thị trường xuất khẩu tôm lớn nhất của Việt Nam (với tỷ trọng năm 2019 lần lượt là 17,7%; 15,9% và 13,1%). Đây là những thị trường vẫn còn tiềm năng khai thác, vì Việt Nam hiện mới đáp ứng được 83,2% tiềm năng thị trường Nhật Bản; 31,2% tiềm năng thị trường Hoa Kỳ và 49% tiềm năng thị trường Trung Quốc.

Xét về thuế, Trung Quốc, Hoa Kỳ và Nhật Bản là những thị trường xuất khẩu có mức ưu đãi thuế lớn đối với tôm của Việt Nam với mức thuế là 0%. Đối với các thị trường này, Việt Nam vẫn có thể tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu, đặc biệt trong thời kỳ đại dịch Covid-19, doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản cần thay đổi chiến lược xuất khẩu để tăng cường khai thác tối đa các thị trường truyền thống trên.

Nhu cầu từ một số thị trường mới

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 và trong dài hạn, doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản của Việt Nam cần mở rộng và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu và khai thác thêm những thị trường mới nhằm phân tán rủi ro và giảm phụ thuộc quá lớn vào một số thị trường chủ yếu.

Mặt hàng cá da trơn: Philippines là một thị trường mới có tốc độ tăng trưởng rất cao, tốc độ tăng trưởng nhập khẩu cá trung bình lớn nhất trong giai đoạn 2015-2019 lên tới 142%, tốc độ tăng trưởng nhập khẩu từ Việt Nam thậm chí còn cao hơn và đạt 152%. Do vậy, Philippines dù đang chiếm tỷ trọng nhỏ trong cơ cấu thị trường xuất khẩu mặt hàng cá của Việt Nam (3%), nhưng đây là thị trường rất tiềm năng. Tuy nhiên, Philippines đang áp dụng 44 biện pháp phi thuế quan đối với cá của Việt Nam, vì thế doanh nghiệp Việt Nam cần nghiên cứu các quy định của thị trường này để đạt được quy mô xuất khẩu lớn hơn.

Mặt hàng tôm sú: Ngoài các thị trường truyền thống của Việt Nam, xét về tốc độ tăng trưởng nhập khẩu tôm từ Việt Nam trong giai đoạn 2015-2019, Nga là thị trường đang có tăng trưởng nhập khẩu khá cao là 24%/năm. Như vậy, mặc dù thị trường Nga đang chiếm tỷ trọng chỉ 1% trong xuất khẩu tôm của Việt Nam, nhưng là thị trường xuất khẩu còn nhiều dư địa để doanh nghiệp xuất khẩu tôm nước ta có thể khai thác và Việt Nam có thể tăng giá trị xuất khẩu sang thị trường này thêm 48,6 triệu USD.

Xét về các biện pháp hạn chế thương mại, mức thuế nhập khẩu Nga đang áp dụng đối với tôm từ Việt Nam thấp nhất là 0% và cao nhất là 5% (thuế tối huệ quốc (MFN) là 5%, nhưng không thấp hơn 0,1 Euro/kg, mức tương đương thuế quan là 5%).

Với nhu cầu nhập khẩu rất lớn và đang trên đà tăng trưởng cao, cùng các hàng rào thuế quan và phi thuế quan áp dụng đối với Việt Nam không quá cao so với các thị trường truyền thống khác, Nga là thị trường xuất khẩu mới đầy tiềm năng của thủy sản Việt nam.

Bên cạnh đó, Hiệp định thương mại tự do Liên minh châu Âu - Việt Nam (EVFTA) có hiệu lực từ tháng 8/2020 đã giảm thuế đối với một số mặt hàng thủy sản (tôm sú đông lạnh, tôm sú nguyên con) và thủy sản chế biến (hàu, điệp, mực nang, mực ống, bạch tuộc, bào ngư, ốc…) về mức 0%. Đây là một cơ hội rất lớn để thủy sản Việt Nam có thể tiếp cận thị trường EU rộng lớn, đặc biệt là Tây Ban Nha, Pháp, Ý, Đức, Hà Lan hiện đang nằm trong trong Top 10 quốc gia nhập khẩu thủy sản của thế giới.

MỘT SỐ GIẢI PHÁP THÚC ĐẨY XUẤT KHẨU THỦY SẢN TRONG BỐI CẢNH ĐẠI DỊCH COVID-19

Thời kỳ trong và sau đại dịch Covid-19 là thời gian vô cùng thách thức và khó khăn cho doanh nghiệp thủy sản. Để vượt qua khó khăn và nắm bắt cơ hội, Nhà nước và doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản Việt Nam cần có những giải pháp mạnh mẽ, cụ thể như sau:

Thứ nhất, đối với cơ quan quản lý nhà nước: Tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản trong giai đoạn khó khăn của đại dịch Covid-19 bằng một số biện pháp sau:

Nhóm biện pháp tài chính: Miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp thủy sản trong giai đoạn dịch bệnh để doanh nghiệp có thể vượt qua những khó khăn của dịch bệnh. Sản xuất và chế biến thủy sản có mức độ rủi ro cao, nên trong bối cảnh đại dịch Covid-19, Nhà nước cần xây dựng chính sách giãn nợ với người nuôi trồng, chế biến thủy sản, nhưng không chuyển thành nợ xấu, ảnh hưởng tới hoạt động tín dụng của doanh nghiệp sau này. Đây là cách thức giúp họ có thể đứng vững, phát triển hoạt động sản xuất và xuất khẩu trong và sau dịch bệnh.

Nhóm biện pháp liên quan tới sản xuất: Quy hoạch vùng nuôi trồng thủy sản nguyên liệu có ý nghĩa quan trọng tới sự phát triển bền vững của ngành, nhưng hiện tại các quy hoạch cũ đang được chỉnh sửa và còn bộc lộ nhiều điểm chưa phù hợp về cơ cấu nuôi trồng và nhu cầu thị trường. Vì thế, các địa phương cần khẩn trương rà soát quy hoạch nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh, nhất là nuôi tập trung để xem xét điều chỉnh, bổ sung quy hoạch cho phù hợp với điều kiện tự nhiên và tình hình thực tế, không để xảy ra trường hợp phát triển nuôi ngoài quy hoạch. Đẩy mạnh công tác tổ chức sản xuất theo hướng liên kết chuỗi từ cung ứng vật tư sản phẩm đầu vào sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm; thường xuyên rà soát tình hình hoạt động liên kết để kịp thời phát hiện và hỗ trợ tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, nâng cao hiệu quả hoạt động, hoàn thiện các mô hình liên kết chuỗi giá trị trong nuôi tôm để nhân rộng toàn quốc.

Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tốt các quy định trong nuôi trồng thủy sản về bảo vệ môi trường, phòng chống dịch bệnh, an toàn về điện; chọn lựa con giống, vật tư có chất lượng tốt; tuân thủ quy trình kỹ thuật để nâng cao hiệu quả.

Bên cạnh đó, chuyển giao, giúp ứng dụng các kỹ thuật, quy trình công nghệ, thiết bị tiên tiến trong nuôi trồng thủy sản trên thế giới, như: công nghệ điều khiển giới tính và chọn giống theo tình trạng mong muốn trong sản xuất giống; hệ thống nuôi tuần hoàn (RAS), kỹ thuật nuôi ghép và nuôi kết hợp, nuôi cá nước lạnh… trong công nghệ nuôi; công nghệ enzym, vi sinh, hóa sinh, sản xuất vắc xin… ứng dụng trong sản xuất thức ăn, chế phẩm trong nuôi trồng thủy sản và quản lý môi trường dịch bệnh trong quá trình nuôi. Cùng với đó, cần chuyển giao, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học, nano, công nghệ CAS, công nghệ cấp đông siêu nhanh, sấy chân không thăng hoa, sấy bức xạ hồng ngoại, công nghệ enzyme, công nghệ bảo quản thủy sản sống bằng phương pháp ngủ đông, bao gói MAP (Modified Atmosphere Packaging)… để tạo ra sản phẩm thủy sản có hàm lượng khoa học, giá trị gia tăng cao, tiện dụng, mẫu mã bao bì đẹp, phù hợp với thị hiếu từng thị trường. Sử dụng tiết kiệm và hiệu quả nguồn nguyên liệu thủy sản. Tập trung vào các đối tượng chủ lực, hải sản, đặc biệt là cá tra, vì hiện nay vẫn chủ yếu là sản phẩm phi lê đông lạnh.

Thứ hai, đối với VASEP: Thường xuyên cập nhật, theo dõi thông tin diễn biến thị trường xuất khẩu và thông báo cho doanh nghiệp trong ngành giúp doanh nghiệp có những điều chỉnh kịp thời các hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhằm giảm thiểu rủi ro trong bối cảnh đại dịch diễn biến phức tạp. Đặc biệt là những thông tin liên quan tới cảnh báo sớm về những rủi ro thị trường xuất khẩu giúp doanh nghiệp chủ động có kế hoạch trong sản xuất và xuất khẩu.

Hiệp hội có thể kết hợp với các cơ quan ngoại giao của Việt Nam ở nước ngoài xây dựng các chương trình xúc tiến thương mại hỗ trợ cho doanh nghiệp thủy sản tiếp cận thị trường quốc tế và tìm hiểu nhu cầu, thị hiếu, quy định và biện pháp hạn chế thương mại tại các thị trường: Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Philippines, Nga và EU, mà doanh nghiệp Việt Nam có thể đẩy mạnh xuất khẩu trong thời gian tới.

Thứ ba, đối với các doanh nghiệp nuôi trồng, chế biến và xuất khẩu thủy sản:

- Cần thường xuyên cập nhật các chính sách hỗ trợ của Chính phủ cùng các đơn vị liên quan dành cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 và tận dụng tốt các chính sách hỗ trợ này để duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh trong thời kỳ dịch bệnh.

- Cần tăng cường đa dạng hóa mặt hàng thủy sản chế biến, ngoài các mặt hàng truyền thống là tôm và cá, thì cần chú trọng hơn với các mặt hàng khác, như: hàu, điệp, mực nang, mực ống, bạch tuộc, bào ngư, ốc… nhằm đáp ứng xu hướng tiêu dùng mới sau dịch bệnh.

- Chủ động nghiên cứu các quy định ưu đãi và tiêu chuẩn chất lượng từ các thị trường tiềm năng; từ đó, điều chỉnh hoạt động nuôi trồng và chế biến thủy sản phù hợp nhằm tận dụng ưu đãi và vượt qua các rào cản thương mại trong bối cảnh hậu dịch bệnh Covid-19./.

Tài liệu tham khảo

1. Tổng cục Hải quan (2021). Tình hình xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam năm 2020

2. Trường Đại học Kinh tế quốc dân (2021). Báo cáo “Đánh giá các chính sách ứng phó với Covid-19 và các khuyến nghị

3. VASEP (2020). Báo cáo về ảnh hưởng của dịch Covid-19 đến sản xuất, xuất khẩu thủy sản Việt Nam và đề xuất, kiến nghị

4. VASEP (2021). Báo cáo xuất khẩu thủy sản Việt Nam năm 2020

5. Food and Agriculture Organization (2020). GLOBEFISH - Information and Analysis on World Fish Trade, retrived from http://www.fao.org/in-action/globefish/en/

6. International Trade Centre (2020). International trade statistics 2001-2020, retrived from https://www.intracen.org/itc/market-info-tools/trade-statistics/

7. UNCTAD (2020). Impact of the Covid-19 pandemic on Trade and Development: Transitioning to a new normal

8. WTO (2020). COVID-19 and world trade, retrived from https://www.wto.org/english/tratop_e/covid19_e/covid19_e.htm

TS. Hoàng Hương Giang - Viện Kinh tế và Kinh doanh quốc tế, Trường Đại học Ngoại thương

(Bài đăng trên Tạp chí Kinh tế và Dự báo số 19, tháng 7/2021)