Tóm tắt

Tự tạo việc làm không những giúp giải quyết việc làm cho chính người lao động mà còn góp phần kiến tạo hệ sinh thái khởi nghiệp, phát huy tinh thần tự lực tự cường và phát huy trí sáng tạo đặc biệt của thế hệ thanh niên hiện nay. Với những lợi thế và tiềm năng kinh tế - xã hội sẵn có của Bắc Giang, thanh niên của Tỉnh có nhiều cơ hội để tự tạo việc làm, giúp đảm bảo sinh kế cho bản thân và gia đình. Để gia tăng khả năng tự tạo việc làm cho thanh niên trên địa bàn Tỉnh, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp từ các bên liên quan.

Từ khóa: Bắc Giang, khởi nghiệp, tự tạo việc làm, thanh niên

GIẢI PHÁP TỰ TẠO VIỆC LÀM CHO THANH NIÊN NÔNG THÔN TỈNH BẮC GIANG TRONG BỐI CẢNH MỚI
Mô hình trồng hoa khởi nghiệp của thanh niên thế hệ 9x ở Bắc Giang

GIỚI THIỆU

Việc làm là một trong các vấn đề quan trọng của mỗi quốc gia, đặc biệt là quốc gia đang phát triển như Việt Nam. Việt Nam đang ở thời kỳ dân số vàng, tỷ lệ lao động thuộc lứa tuổi từ 15-64 tuổi, chiếm 69,3% dân số cả nước. Theo dự thảo quốc gia về thanh niên Việt Nam (2022), số lượng thanh niên ước tính trong năm 2022 đạt 22,1 triệu người, chiếm 22,5% dân số cả nước. Vì vậy, vấn đề giải quyết việc làm nói chung và việc làm cho thanh niên nói riêng là mối quan tâm đặc biệt của Việt Nam trong hiện tại và tương lai. Tuy nhiên, giải quyết việc làm cho thanh niên không thể chỉ trông chờ vào các chương trình của nhà nước, mà bản thân mỗi thanh niên cần phải chủ động, trực tiếp và tiên quyết tìm kiếm việc làm hoặc tự tạo việc làm cho bản thân mình. Tự tạo việc làm không những giúp giải quyết việc làm cho chính người lao động mà còn góp phần kiến tạo hệ sinh thái khởi nghiệp, phát huy tinh thần tự lực tự cường và phát huy trí sáng tạo đặc biệt của thế hệ thanh niên hiện nay.

Bắc Giang là một tỉnh trung du thuộc vùng Đông Bắc Bộ, có quy mô kinh tế đứng đầu vùng Trung du và miền núi phía Bắc và nằm trong quy hoạch vùng thủ đô Hà Nội, cách trung tâm thủ đô Hà Nội 50 km. Dân số của Tỉnh hiện nay có khoảng 1,891 triệu người, trong đó chủ yếu là người dân sinh sống tại khu vực nông thôn (chiếm 80,5%) (Cục Thống kê Bắc Giang, 2022). Trong những năm gần đây, sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa diễn ra mạnh mẽ tại tỉnh Bắc Giang. Bắc Giang phát triển và xây dựng nhiều khu công nghiệp như khu công nghiệp Đình Trám, Quang Châu, Vân Trung... Bên cạnh những lợi ích đem lại, như: đô thị được phát triển, thu hút nhiều lao động, giải quyết việc làm cho lao động…, thì sinh kế của nhiều lao động nông thôn cũng bị ảnh hưởng. Nhiều hộ gia đình bị mất đất, nhiều làng nghề truyền thống không được giữ gìn và phát triển. Nguy cơ mất việc làm tại các khu cụm công nghiệp do doanh nghiệp sa thải lao động sau một khoảng thời gian làm việc nhất định để giảm thiểu trách nhiệm về nguy cơ nhiễm độc trong sản xuất ảnh hưởng tới sức khỏe lao động hoặc doanh nghiệp chuyển đổi địa bàn sản xuất sang tỉnh khác để hưởng ưu đãi hơn… Những vấn đề này đã và đang trở thành thách thức cho tỉnh Bắc Giang về giải quyết việc làm cho người lao động (mất đất, mất việc…). Sự bất ổn của việc làm ở khu vực công nghiệp, thu nhập thấp ở khu vực làm công ăn lương… đã bắt đầu tạo ra một xu thế tự tạo việc làm cho chính bản thân người lao động khu vực nông thôn tỉnh Bắc Giang. Lựa chọn nghiên cứu tự tạo việc làm của thanh niên nông thôn sẽ góp phần giải quyết vấn đề việc làm và phát triển kinh tế truyền thống tại tỉnh Bắc Giang, đây là một xu hướng cần được khuyến khích, nhân rộng và duy trì.

TỰ TẠO VIỆC LÀM CHO THANH NIÊN VÀ NỘI HÀM CỦA NÓ

Việc làm là một vấn đề quan trọng trong quá trình tồn tại và phát triển của mỗi cá nhân, gia đình cũng như trong quá trình phát triển kinh tế xã hội của mỗi quốc gia. Có nhiều quan điểm khác nhau về việc làm, theo khoản 2, điều 3, Luật Việc làm (2013), “Việc làm là hoạt động lao động tạo ra thu nhập mà không bị pháp luật cấm”. Như vậy, dưới góc độ pháp lý, việc làm được đặc trưng bởi 3 vấn đề cơ bản: (i) Hoạt động lao động thể hiện sự tác động của sức lao động vào tư liệu sản xuất để tạo ra sản phẩm hoặc dịch vụ; (ii) Hoạt động tạo ra thu nhập, là khoản thu nhập trực tiếp, hoặc có khả năng tạo ra thu nhập; (iii) Hoạt động phải hợp pháp. Đối với mỗi cá nhân, xuất phát từ nhu cầu của bản thân, điều kiện riêng của mỗi người, họ sẽ có các hoạt động nhất định để kiếm sống. Họ có thể tham gia công việc nào đó để được trả công hoặc tham gia vào các hoạt động mang tính chất tự tạo việc làm như dùng các tư liệu sản xuất kinh doanh nhằm thu lợi nhuận, tự làm những công việc cho hộ gia đình mình. Theo Trần Xuân Cầu (2012) cho rằng, việc làm là phạm trù để chỉ trạng thái phù hợp giữa sức lao động và những điều kiện cần thiết (vốn, tư liệu sản xuất, công nghệ…) để sử dụng sức lao động đó. Như vậy, dựa trên các quan điểm về việc làm, có thể khái quát lại: Việc làm là một phạm trù chỉ trạng thái phù hợp giữa sức lao động và những điều kiện cần thiết để sử dụng sức lao động đó, thực hiện các hoạt động hợp pháp để tạo ra thu nhập.

“Tự tạo việc làm” là một hiện tượng khi người ta thay vì làm việc để được nhận lương, thì họ quyết định tự làm chủ (Schuetze H. J., 2000), nghĩa là một người tự làm công việc hay hoạt động kinh doanh của mình và thu được lợi nhuận (Ahn, 2009). Trong thực tế, quan niệm về “tự tạo việc làm” chịu sự ảnh hưởng bởi luật pháp của mỗi quốc gia. Ví dụ: Ở Thụy Điển, Estonia và Hà Lan, người làm việc tự tạo (tự làm) được tách ra khỏi nhóm làm công ăn lương trên cơ sở các văn bản riêng lẻ của đạo luật về thuế. Ở góc độ này, “tự tạo việc làm” là tự làm việc cho bản thân, không làm thuê cho ai, chỉ làm thuê và trả lương cho chính mình. Ở Việt Nam, thuật ngữ “tự tạo việc làm” được thể hiện trong các hình thức, như: khởi sự kinh doanh, doanh nghiệp tư nhân, công việc kinh doanh nhỏ, doanh nghiệp vi mô, kinh tế hộ gia đình, trang trại gia đình. Như vậy, từ những phân tích trên có thể định nghĩa: Tự tạo việc làm là hoạt động do chính bản thân người lao động tự tạo ra, tự tổ chức, tự chịu trách nhiệm, bằng sức lao động của bản thân hoặc kết hợp sức lao động của người khác sử dụng tư liệu sản xuất để tự tiến hành các hoạt động lao động đem lại nguồn thu nhập hợp pháp. Theo đó, hoạt động tự tạo việc làm có những đặc điểm cơ bản, như: Tự bỏ tiền ra đầu tư cá nhân hoặc góp vốn đầu tư, tự làm cho bản thân và tự bản thân làm chủ hoặc cùng làm chủ hoạt động sản xuất hoặc kinh doanh của mình; Tự quyết định cách thức tổ chức các hoạt động sản xuất kinh doanh; Tự chịu trách nhiệm pháp lý với hoạt động sản xuất kinh doanh của mình; Tự chịu lỗ lãi trong kinh doanh; Người tự tạo việc làm đóng cả 2 vai trò vừa là người lao động và vừa là người sử dụng lao động; Có toàn quyền quyết định, sử dụng với khoản thu nhập mình làm ra; Các hoạt động sản xuất kinh doanh phải hợp pháp.

Thanh niên là nhóm nhân khẩu của xã hội có những đặc điểm riêng về độ tuổi, thể chất và trí tuệ. Tùy thuộc vào điều kiện kinh tế - xã hội, mục đích phát triển của mỗi quốc gia, mà có cách xác định khác nhau về độ tuổi thanh niên. Luật Thanh niên năm 2020 của Việt Nam, về độ tuổi có quy định tại Điều 1 “Thanh niên là công dân Việt Nam từ đủ 16 tuổi đến 30 tuổi”. Theo đó, người ở độ tuổi thanh niên là những người đang trong quá trình trưởng thành, có sức trẻ, sức khỏe, đầy năng động và nhiệt huyết. Thanh niên nông thôn chính là lực lượng lao động nằm trong lứa tuổi thanh niên, sinh ra, lớn lên tại khu vực nông thôn. Thanh niên nông thôn mang một số đặc điểm đặc thù của vùng, như: Sinh sống và làm việc gắn liền với sản xuất nông nghiệp; Hiểu biết khoa học kỹ thuật thấp có phần hạn chế, các kỹ năng lao động thiên về cơ bắp; Sở hữu vốn ít, khả năng tiếp cận tín dụng không cao; Mạng lưới quan hệ tiếp xúc hạn chế.

THỰC TRẠNG VỀ TỰ TẠO VIỆC LÀM CỦA THANH NIÊN NÔNG THÔN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẮC GIANG

Tình hình lao động và việc làm của thanh niên

Bắc Giang là tỉnh tập trung lực lượng lao động lớn của cả nước, trong đó lực lượng lao động lứa tuổi thanh niên chiếm 31,3% tổng lực lượng lao động của Tỉnh. Tỷ lệ có việc làm của lực lượng lao động thanh niên giai đoạn 2019-2022 chiếm tỷ trọng trung bình khoảng 20,92% trong tổng lực lượng lao động trên địa bản Tỉnh, trong đó tỷ lệ lao động thiếu việc làm và thất nghiệp giai đoạn 2019-2022 chiếm tỷ trọng trung bình lần lượt là 3,1% và 3,85% (Hình 1).

Hình 1: Tỷ lệ việc làm của lao động thanh niên tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2019-2022

GIẢI PHÁP TỰ TẠO VIỆC LÀM CHO THANH NIÊN NÔNG THÔN TỈNH BẮC GIANG TRONG BỐI CẢNH MỚI
Nguồn: Niêm giám Thống kê Bắc Giang (2019-2023)

Nhìn chung, tỷ lệ lao động thanh niên có việc làm vẫn chiếm tỷ trong thấp trong tổng lực lượng lao động của Tỉnh, đặc biệt trong năm 2021, do ảnh hưởng của đại dịch Covid 19 khiến các doanh nghiệp sản xuất cầm chừng hoặc tạm thời ngừng hoạt động, nên tỷ lệ thanh niên thất nghiệp trong năm 2021 chiếm tỷ trọng tương đối cao trong cả giai đoạn là 5,55% và tỷ lệ thiếu việc làm trong năm 2022 chiếm tỷ trọng cao nhất là 4,22%. Tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm của lực lượng thanh niên cũng có sự khác nhau theo khu vực kinh tế. Điều đáng nói là tỷ lệ lao động thanh niên thiếu việc làm và thất nghiệp ở khu vực thành thị lại cao hơn so với khu vực nông thôn (Bảng 1).

Bảng 1: Tỷ lệ lao động thanh niên thiếu việc làm và thất nghiệp phân theo khu vực kinh tế

Đơn vị: %

Chỉ tiêu

Năm 2019

Năm 2020

Năm 2021

Năm 2022

Tỷ lệ lao động thanh niên thiếu việc làm

Thành thị

0,31

1,58

1,09

5,1

Nông thôn

0,84

1,16

0,62

1,14

Tỷ lệ lao động thanh niên thất nghiệp

Thành thị

4,45

3,13

2,42

1,39

Nông thôn

1,01

0,37

1,47

0,66

Nguồn: Niêm giám Thống kê Bắc Giang (2019-2023)

Bên cạnh đó, lực lượng lao động thanh niên tỉnh Bắc Giang được đào tạo chiếm tỷ trọng tương đối cao trong tổng lực lượng lao động qua đào tạo, trong đó nhóm thanh niên từ độ tuổi 20-30 đã qua đào tạo chiếm tỷ trọng cao nhất. Đây là nhóm thanh niên sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông đã tham gia các khóa đào tạo từ trung cấp đến đại học và sau đại học. Trong thực tế, tỷ lệ lực lượng lao động thanh niên đã qua đào tạo của Bắc Giang năm sau luôn cao hơn năm trước, với mức tăng khá nhanh, nếu năm 2019 tỷ lệ lao động trong nhóm tuổi 15-19 qua đào tạo mới ở mức 0,9%, thì đến năm 2021 đã tăng lên mức 24,5% và tương tự ở các nhóm tuổi khác cũng có mức độ tăng trên 10% (Bảng 2). Như vậy, lực lượng lao động đã qua đào tạo chiếm tỷ trọng cao sẽ là nhân tố quan trọng thúc đẩy nguồn nhân lực chất lượng cao cho hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh của Tỉnh.

Bảng 2: Tỷ lệ lực lượng lao động thanh niên đã qua đào tạo của Bắc Giang

Đơn vị: %

Nhóm tuổi

Năm 2019

Năm 2020

Năm 2021

15-19 tuổi

0,9

2,9

24,5

20-24 tuổi

18,1

20,5

37,8

25-30 tuổi

32,9

35,2

45,5

Nguồn: Niêm giám Thống kê Bắc Giang (2019-2022)

Trong nhóm lực lượng lao động thanh niên được qua đào tạo của Tỉnh, có sự khác biệt rõ rệt giữa nhóm lao động thanh niên ở thành thị và nông thôn, trong đó nhóm lao động thanh niên ở khu vực thành thị được qua đào tạo chiếm tỷ trọng cao hơn nhóm lao động thanh niên ở khu vực nông thôn (Hình 2). Đây là điều tất yếu do thanh niên ở khu vực thành thị có điều kiện sống và học tập tốt hơn thanh niên ở khu vực nông thôn.

Hình 2: Cơ cấu lao động thanh niên được đào tạo phân theo khu vực

GIẢI PHÁP TỰ TẠO VIỆC LÀM CHO THANH NIÊN NÔNG THÔN TỈNH BẮC GIANG TRONG BỐI CẢNH MỚI
Nguồn: Niêm giám Thống kê Bắc Giang (2019-2023)

Ngoài ra, cơ cấu lao động thanh niên cũng có sự chuyển biến rõ rệt. Trong năm 2022, tỷ trọng lao động thanh niên làm việc trong các công nghiệp chế biến chế tạo chiếm tỷ trọng cao nhất (chiếm tỷ trọng 35,8%); tiếp đến là lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản (chiếm tỷ trọng 29,4%); lĩnh vực bán buôn và bán lẻ; sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy chiếm tỷ trọng 10,4% và các lĩnh vực còn lại. Tính đến cuối năm 2022, trên địa bàn Tỉnh có gần 7 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động, sử dụng khoảng 275 nghìn lao động, trong đó ở các khu công nghiệp có 383 doanh nghiệp đang sử dụng khoảng 165 nghìn lao động. Bên cạnh lực lượng lao động trong các khu công nghiệp, doanh nghiệp, thì Bắc Giang cũng có một tỷ lệ lao động tự tạo việc làm nhất định.

Bảng 3: Cơ cấu việc làm của lao động thanh niên tỉnh Bắc Giang

Đơn vị: %

Các chỉ tiêu

Lực lượng lao động Thanh niên

2019

2020

2021

2022

Làm chủ sản xuất kinh doanh

1,85

1,59

1,64

1,48

Tự tạo việc làm

52,3

47,03

46,01

43,16

Lao động gia đình

4,72

1,97

2,52

2,34

Làm công ăn lương

41,1

49,4

49,83

53,02

Xã viên hợp tác xã

-

-

-

-

Nguồn: Niêm giám Thống kê Bắc Giang (2019-2023)

Nhóm lao động làm công ăn lương chiếm tỷ lệ đa số, trung bình trong giai đoạn 2019-2022 đạt 48,3%, tiếp đến là nhóm lao động tự tạo việc làm chiếm tỷ trọng trung bình 47,1% (Bảng 3). Kết quả này cho thấy tự tạo việc làm của thanh niên nông thôn tỉnh Bắc Giang chiếm tỷ trọng khá cao trong cơ cấu ngành nghề lao động. Bắc Giang là tỉnh có vị trí địa lý hết sức thuận lợi, nằm trong vùng Thủ đô Hà Nội, trên tuyến hành lang kinh tế Nam Ninh (Trung Quốc) - Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh. Với diện tích tự nhiên gần 3,9 nghìn km2, trong đó 75% diện tích là đất nông nghiệp cùng điều kiện thiên nhiên ưu đãi, Bắc Giang có điều kiện để phát triển các loại hình sản xuất cả công nghiệp và nông nghiệp. Do đó, dựa trên tiềm năng sẵn có của Tỉnh, trước xu hướng phát triển mạnh mẽ của cuộc Cách mạng 4.0, nhiều thanh niên nông thôn ở Bắc Giang đã mạnh dạn tự tạo việc làm thông qua các mô hình khởi nghiệp trong nông - lâm nghiệp rất thành công. Nhiều mô hình trồng nấm, cây ăn quả, đặc biệt là tận dụng thế mạnh của tỉnh là cây vải hoặc phát triển chăn nuôi của tỉnh đã được các thành niên đưa vào phát triển và đã đem lại thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm. Trong năm 2022, nhiều mô hình sản xuất kinh doanh của thanh niên được khen thưởng, với hơn 107.600 hộ SXKD giỏi. Trong đó, có 86.414 hộ cấp cơ sở, 17.340 hộ cấp huyện, 3.240 hộ cấp tỉnh và 614 hộ cấp Trung ương. Qua bình xét, mỗi năm Bắc Giang có hơn 100.000 hộ đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp, chiếm 82% số hộ đăng ký.

Những vấn đề đặt ra đối với hoạt động tự tạo việc làm của thanh niên

Bắc Giang đã có những thành công trong việc phát triển kinh tế và dịch chuyển cơ cấu kinh tế thời gian qua. Về cơ bản thì nền kinh tế của Bắc Giang mới tham gia những công đoạn giá trị thấp của nhiều ngành công nghiệp và dịch vụ, nên việc phát triển việc làm cho thanh niên phụ thuộc lớn vào các nhân tố động bên ngoài. Do đó, nhu cầu sử dụng hợp lý nguồn lao động của Tỉnh để khai thác các nguồn lực và phát triển kinh tế phải gắn chặt với khả năng tạo việc làm và xúc tiến việc làm. Tuy nhiên, lực lượng lao động thanh niên của Bắc Giang đang gặp rất nhiều thách thức đối với tự chủ trong công việc cũng như tự tạo việc làm, có thể kể đến như:

Một là, thách thức từ trình độ học vấn. Hầu hết tỷ lệ thanh niên được đào tạo đều có xu hướng xin việc vào các công ty, doanh nghiệp, hay các tổ chức kinh tế chính trị khác, thay vì có xu hướng tự tạo việc làm. Phần còn lại các thành niên không qua đào tạo, học hết cấp 3 trở xuống có xu hướng tự tạo việc làm cao hơn. Tuy nhiên, do trình độ học vấn không cao nên khả năng tiếp thu các tiến bộ khoa học và ứng dụng vào hoạt động sản xuất còn hạn chế.

Hai là, khó khăn trong việc tiếp cận các hỗ trợ từ phía cơ quan nhà nước. Nhiều trường hợp thanh niên tự tạo việc làm cho biết, họ không nhận được sự hỗ trợ của nhà nước, phải tự làm hoàn toàn. Thêm vào đó, hỗ trợ từ các tổ chức đoàn thể với tự tạo việc làm của thanh niên còn mờ nhạt, chưa thể hiện được vai trò kết nối thanh niên với các chính sách của nhà nước. Hiện tại Bắc Giang, chưa có chính sách hỗ trợ riêng cho hoạt động tự tạo việc làm của thanh niên khu vực nông thôn.

Ba là, việc vay vốn cho hoạt động tự tạo việc làm của thanh niên nông thôn cũng gặp nhiều khó khăn, do muốn vay được vốn từ ngân hàng, thì phải có tài sản thế chấp hoặc tài sản đảm bảo, trong khi phần lớn thanh niên nông thôn thường không có sở hữu tài sản cố định. Đây là một điều kiện mà thanh niên khó đáp ứng để có thể tiếp cận vốn vay từ ngân hàng hay các quỹ tín dụng nhân dân.

Bốn là, việc tuyên truyền, phổ biến các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật, thông tin về hỗ trợ và các tổ chức hỗ trợ hoạt động tự tạo việc làm của thanh niên nông thôn còn bộc lộ nhiều yếu kém. Nhiều thanh niên khu vực nông thôn không biết đến các chính sách, chương trình hỗ trợ hay các trung tâm hỗ trợ tự tạo việc làm. Điều này một phần do lực lượng cán bộ đoàn ở cấp cơ sở còn mỏng, trình độ kiến thức và năng lực của đội ngủ cán bộ đoàn còn hạn chế.

Năm là, công tác tập huấn, hỗ trợ đào tạo thanh niên trong việc tự tạo việc làm (khởi nghiệp) còn thiếu về số lượng, yếu về chất lượng. Để nâng cao tinh thần khởi nghiệp, tự tạo việc làm, tỉnh Bắc Giang cũng đã tổ chức một số chương trình tập huấn, hỗ trợ khởi nghiệp, nhưng trên thực tế, việc tổ chức các lớp tập huấn còn nặng về hình thức, chưa đi vào thực chất. Một số chuyên gia được cử về đào tạo còn nặng về sách vở, thiếu thực tế so với người dân ở địa phương, vì vậy còn tình trạng “lệch pha” nhất định.

MỘT SỐ GIẢI PHÁP THÚC ĐẨY TỰ TẠO VIỆC LÀM CHO THANH NIÊN NÔNG THÔN TỈNH BẮC GIANG TRONG BỐI CẢNH MỚI

Để giúp thanh niên nông thôn trên địa bàn tỉnh Bắc Giang có thể tự tạo việc làm, nâng cao chất lượng cuộc sống, đảm bảo đời sống sinh kế hộ gia đình, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp sau đây:

Thứ nhất, cần tạo cơ chế để thanh niên nông thôn dễ dàng tiếp cận nguồn vốn tín dụng, nguồn tài chính hỗ trợ tự tạo việc làm. Hiện nay đối tượng được vay vốn để tự tạo việc làm của Luật Việc làm (2013), chỉ có cá nhân là người dân tộc thiểu số hoặc sinh sống ở vùng đặc biệt khó khăn mới được hỗ trợ vay vốn. Vì vậy, việc tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi của thanh niên khu vực nông thôn là rất khó khăn. Do đó cần thiết mở rộng đối tượng cho vay và căn cứ dựa trên các mô hình tự tạo việc làm, để có các mức cho vay hợp lý, tạo điều kiện cho thanh niên nông thôn hiện thực hóa ý tưởng tự tạo việc làm của mình. Bên cạnh đó, cần đa dạng hóa các loại hình thế chấp, tín chấp, như: vay qua văn bằng, qua xác nhận của chính quyền địa phương, bảo lãnh của các tổ chức chính trị xã hội…Huy động sự vào cuộc của các tổ chức đoàn thể, phát huy vai trò của đoàn thanh niên thôn xóm, thông qua tạo lập các quỹ hỗ trợ tự tạo việc làm cho thanh niên nông thôn giúp nhau cùng khởi nghiệp.

Thứ hai, phát triển các dịch vụ đào tạo nghề, kỹ năng nghề và công việc tự tạo. Bắc Giang cần tích cực thu hút thanh niên nông thôn và tổ chức các lớp học ngắn hạn, trang bị các kỹ năng cần thiết để thanh niên có thể tự tạo việc làm. Các chương trình, dự án triển khai từ các tổ chức phi chính phủ, quỹ quốc gia về việc làm, giải quyết việc làm, dạy nghề và trang bị kỹ năng mềm,…cần được khuyến khích, nhất là các chương trình có đối tượng trọng tâm là thanh niên nông thôn. Nội dung đào tạo nghề, kỹ năng nghề cần bám sát với thực tiễn phát triển kinh tế hiện nay của địa phương, cũng như cả nước, trên cơ sở dự báo nhu cầu việc làm, ngành nghề thanh niên cũng như kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Ngoài xây dựng chính sách cho phát triển tự tạo việc làm tại Tỉnh, các huyện, xã cũng cần có các chính sách cụ thể để phù hợp với phong tục tập quán của địa phương cũng như điều kiện phát triển kinh tế xã hội của địa phương mình. Để bắt kịp với tiến bộ phát triển của Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, cần tăng cường đào tạo kiến thức về các mô hình sinh kế bền vững trong nông lâm nghiệp, tăng cường các mô hình sản xuất tuần hoàn theo hướng xanh, thân thiện với môi trường để tạo ra hàng hóa, sản phẩm đạt chất lượng cao, tiến tới đáp ứng nhu cầu xuất khẩu sang các thị trường tiềm năng. Bên cạnh đó, cần trang bị cho lao động thanh niên các kiến thức, kỹ năng của các hình thức kinh doanh mới như thương mại điện tử, để qua đó thúc đẩy lực lượng lao động này ứng dụng và triển khai mạnh mẽ các thành tựu của chuyển đổi số trong hoạt động sản xuất kinh doanh, tự tạo việc làm nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống, góp phần phát triển kinh tế địa phương.

Thứ ba, hoàn thiện hệ thống chính sách, cải thiện công tác thực thi chính sách hỗ trợ thanh niên tự tạo việc làm. Cần có mục tiêu cụ thể trong quy hoạch phát triển kinh tế của tỉnh Bắc Giang với chính sách tự tạo việc làm của thanh niên nông thôn, gắn mục tiêu cụ thể với từng địa phương ở tất cả các cấp.Các chính sách hỗ trợ, ưu đãi, quy trình nhận ưu đãi… cho các hoạt động tự tạo việc làm cần được cụ thể hóa trong các văn bản một cách rõ ràng để thanh niên nông thôn có khả năng tiếp cận một cách dễ dàng hơn. Nâng cao vai trò của các tổ chức, đoàn thể, như: Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ,…trong hỗ trợ tự tạo việc làm cho thanh niên nông thôn.

Thứ tư, đẩy mạnh công tác tuyên truyền về tinh thần doanh nhân khởi nghiệp là cơ sở hình thành nhận thức về tự tạo việc làm, lợi ích tự tạo việc làm. Thực hiện các buổi talk show chia sẻ kinh nghiệm của các start up khởi nghiệp thành công và những bài học từ các trường hợp không thành công. Không có cách tuyên truyền nào hiệu quả hơn sự chia sẻ đến từ chính những người đã khởi nghiệp, tự tạo việc làm. Các bài học đến từ những khó khăn, và cách vượt qua khó khăn vừa là bài học kinh nghiệm vừa là động lực cho thanh niên khi tham gia tự tạo việc làm./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Ahn T. (2009), Racial differences in self-employment exists, Small Business Economics, 1-18.

2. Cục Thống kê Bắc Giang (2019-2022), Niêm giám thống kê các năm, từ năm 2020 đến năm 2023.

5. Quốc Hội (2013), Luật Việc làm, số 38/2013/QH13, ngày 16/11/2013.

4. Schuetze H. J. (2000), Taxes, economic conditions and recent trends in male self-employment: a Canada-US compraison, Labour Econ 7, (5), 507-544.

2. Trần Xuân Cầu (2012), Kinh tế nguồn nhân lực, Nhà Xuất bản Đại học Kinh tế Quốc dân, Hà Nội.

ThS. Đồng Đình Tân

Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Bắc Giang