Giám sát chống lãng phí, đề nghị Kiểm toán Nhà nước đánh giá sâu về sai phạm kinh tế
“Giai đoạn 2016 -2021, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) đã có nhiều nỗ lực trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Tuy nhiên, để tiếp tục có thêm thông tin, tài liệu phục vụ giám sát, Đoàn Giám sát đề nghị KTNN bổ sung, cập nhật kết quả kiểm toán từ các bộ, ngành, địa phương thực hiện kiểm toán năm 2022 với phạm vi trong giai đoạn 2016 -2022…”, Tổ trưởng Tổ Công tác Lê Minh Nam cho biết, khi Đoàn Giám sát của Quốc hội “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 -2021” vừa làm việc với KTNN, theo Văn phòng Quốc hội.
Theo Tổ trưởng Tổ Công tác Lê Minh Nam, Đoàn Giám sát đề nghị KTNN rà soát để phối hợp đánh giá sâu thêm những sai phạm về ban hành văn bản quy phạm pháp luật gây lãng phí (ảnh: Quốc hội) |
Cũng theo ông Nam, Đoàn Giám sát còn đề nghị KTNN rà soát để phối hợp phân tích, đánh giá sâu thêm những sai phạm về kinh tế, về quản lý sử dụng nguồn lực, về ban hành văn bản quy phạm pháp luật..., gây lãng phí, thất thoát nguồn lực, để có giải pháp khắc phục hiệu quả trong thời gian tới…
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương yêu cầu, đối với việc cung cấp thông tin, tình hình thực hiện kiểm toán và kết quả kiểm toán việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí tại bộ, ngành, địa phương, đề nghị KTNN tiếp tục rà soát, bổ sung thông tin, số liệu đầy đủ, chính xác; có bóc tách số liệu rõ ràng đối với từng bộ, ngành, địa phương... |
Báo cáo với Đoàn giám sát về kết quả kiểm toán việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021, Phó Tổng KTNN Nguyễn Tuấn Anh cho biết, thông qua 1.243 cuộc kiểm toán đã thực hiện, KTNN đã kiến nghị xử lý tài chính hơn 432.435 tỷ đồng.
“Kết quả kiểm toán cũng chỉ ra nhiều tồn tại, hạn chế như: cơ chế quản lý tài chính, ngân sách chưa phát huy được ưu điểm về quản lý ngân sách theo kết quả thực hiện nhiệm vụ được quy định tại Luật Ngân sách nhà nước năm 2015; việc ban hành các văn bản quản lý, chính sách, chế độ, định mức của một số lĩnh vực còn chậm…”, ông Anh cho hay.
Phát biểu tại buổi làm việc, một số ý kiến ý kiến cho rằng, việc thực hiện các biện pháp tiết kiệm, chống lãng phí tại một số đơn vị còn hình thức. Việc xây dựng nội dung chương trình hành động, kế hoạch thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí còn chung chung, chưa cụ thể…
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương yêu cầu Tổng KTNN chỉ đạo các đơn vị thuộc KTNN bổ sung báo cáo đánh giá xung quanh vấn đề ban hành chính sách pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong nội bộ cơ quan KTNN (ảnh: Quốc hội) |
Kết luận cuộc làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương yêu cầu Tổng KTNN tiếp thu tối đa, chỉ đạo các đơn vị thuộc KTNN bổ sung báo cáo cả về số liệu và nhận định, đánh giá xung quanh vấn đề ban hành chính sách pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong nội bộ cơ quan KTNN; về xây dựng chương trình kế hoạch kiểm toán; đề nghị làm rõ hơn tính hiệu quả trong quản lý, sử dụng ngân sách và tài nhà nước…
Về các kiến nghị nâng cao vị trí, vai trò của KTNN nói riêng và trong lĩnh vực thực hành tiết kiệm, chống lãng phí nói chung, ông Phương lưu ý cần có những đề xuất, kiến nghị sửa đổi, bổ sung cụ thể, rõ ràng. Trong đó, phải bám sát Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí có liên quan đến chức năng của KTNN, đề xuất các giải pháp nâng cao chất lượng thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của KTNN...
Phó Chủ tịch Quốc hội còn yêu cầu Đoàn Giám sát tiếp tục bổ sung, cập nhật kết quả kiểm toán từ các bộ, ngành, địa phương thực hiện kiểm toán năm 2022 có phạm vi trong giai đoạn 2016 -2021, nhưng chưa phát hành đến thời điểm lập báo cáo (1/6/2022); tiếp tục phối hợp cung cấp thông tin, tài liệu cụ thể về kết quả kiểm toán tại các bộ, ngành, địa phương phục vụ công tác giám sát trực tiếp tại các đầu mối; rà soát để phối hợp phân tích, đánh giá sâu thêm về những sai phạm về quản lý, sử dụng nguồn lực, về ban hành văn bản quy phạm pháp luật…/.
Bình luận