Hải Phòng tranh thủ cơ hội để tăng tốc phát triển các KCN sinh thái
Đoàn công tác chụp ảnh lưu niệm tại hệ thống tuabin gió trong KCN Đình Vũ |
Trong khuôn khổ chương trình làm việc tại Hải Phòng vào ngày 18/5/2022 của Đoàn công tác Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Ban Quản lý Dự án "Triển khai khu công nghiệp (KCN) sinh thái theo hướng tiếp cận từ chương trình KCN sinh thái toàn cầu" và các nhà tài trợ: Cục Kinh tế Liên bang Thuỵ Sĩ (SECO), Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên Hiệp Quốc (UNIDO) tại Việt Nam. Đoàn công tác đã đi tham quan khảo sát thực tế tại 02 KCN DEEP C và Nam Cầu Kiền, đây là các KCN đang chuyển đổi sang KCN sinh thái nhằm đánh giá chính xác và khách quan hơn về cơ hội và thách thức của các KCN Hải Phòng trong quá trình chuyển đổi mô hình KCN truyền thống sang mô hình KCN sinh thái cũng như phát triển các KCN sinh thái mới trong tương lai gần.
Các KCN, KKT Hải Phòng- Đòn bẩy phát triển kinh tế của Thành phố
Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý các KKT Vương Thị Minh Hiếu (ngồi giữa, hàng trên) tham dự và phát biểu tại buổi làm việc với Ban Quản lý KKT Hải Phòng và các nhà tài trợ |
Trong chuyến tham quan, làm việc tại Hải Phòng, bà Vương Thị Minh Hiếu-Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý các KKT (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án "Triển khai KCN sinh thái theo hướng tiếp cận từ chương trình KCN sinh thái toàn cầu" ghi nhận và đánh giá cao Ban Quản lý KKT Hải Phòng đã nỗ lực vì sự nghiệp phát triển các KCN, KKT trên địa bàn và đạt được những kết quả quan trọng trong thu hút đầu tư, đóng góp cao cho ngân sách nhà nước và tạo nhiều việc làm cho người lao động, góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế, xã hội của Thành phố lên tầm cao mới.
Phó Vụ trưởng Minh Hiếu nhấn mạnh: “Với KKT Đình Vũ-Cát Hải và 12 KCN nằm ngoài KKT, các KCN, KKT Hải Phòng đã đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế, xã hội của Thành phố Hải Phòng nói riêng và của cả nước nói chung; thể hiện qua những con số ấn tượng như: thu hút đầu tư đứng thứ 5 cả nước, nộp ngân sách chiếm 30% ngân sách Thành phố, một số KCN có tỷ suất đầu tư cao và thu hút nhiều dự án đầu tư nước ngoài lớn như tổ hợp các KCN DEEP C, Tràng Duệ, VSIP, ...”. Điều đó đã chứng tỏ sức hấp dẫn của các KCN Hải Phòng đối với các nhà đầu tư từ môi trường đầu tư thông thoáng, cởi mở của Thành phố và sự hỗ trợ tối đa của Ban Quản lý KKT Hải Phòng.
Với những kết quả tích cực trong thu hút đầu tư và định hướng phát triển xanh của Thành phố, Hải Phòng là một trong 3 địa phương tiêu biểu được Bộ Kế hoạch và Đầu tư và UNIDO lựa chọn để hỗ trợ phát triển mô hình KCN sinh thái giai đoạn 2020-2023 và kỳ vọng KCN Đình Vũ (Deep C) sẽ trở thành một trong những mô hình điểm về chuyển đổi sang KCN sinh thái cho các KCN khác trên cả nước nghiên cứu và trao đổi kinh nghiệm.
Đoàn công tác tham quan nhà máy xử lý nước thải tập trung và vườn ươm trong KCN DEEP C |
Triển vọng tươi sáng của Dự án KCN sinh thái
Bà Nguyễn Trâm Anh (hàng trên, ngoài cùng bên phải), chuyên gia kỹ thuật quốc gia UNIDO phát biểu tại buổi làm việc với Ban Quản lý KKT Hải Phòng và các nhà tài trợ |
Tại buổi làm việc, bà Nguyễn Trâm Anh-Chuyên gia kỹ thuật quốc gia UNIDO, đại diện Ban Quản lý Dự án đã chia sẻ về tiến độ triển khai Dự án nói chung và tình hình triển khai Dự án tại Hải Phòng nói riêng cũng như các hoạt động của Dự án trong thời gian tới.
Theo đó, vừa qua Dự án đã góp phần nghiên cứu trong việc xây dựng Thông tư hướng dẫn về KCN sinh thái, về tái sử dụng nguồn nước, tái sử dụng chất thải, các báo cáo phân tích vai trò của các bên liên quan trong việc phát triển KCN sinh thái. Trên cơ sở đó, Ban Quản lý Dự án sẽ xây dựng các chương trình đào tạo, tập huấn để nâng cao năng lực cho các bên liên quan trong việc phát triển KCN sinh thái.
Đoàn công tác tham quan khu sử dụng hệ thống điện mặt trời áp mái trong KCN DEEP C |
Về nghiên cứu chính sách phát triển KCN sinh thái theo khung khổ quốc tế về KCN sinh thái, hiện nay Dự án đang thực hiện bộ chỉ số về KCN sinh thái. Mặt khác Dự án đã đóng góp trong việc sửa đổi một số Điều, Khoản trong Nghị định 82, đóng góp một số Điều, Khoản trong Nghị định quy định chi tiết về Luật Bảo vệ môi trường. Hiện Dự án đang tiếp tục phối hợp với Tổng cục Môi trường để nghiên cứu các chính sách và đưa ra các hướng dẫn kỹ thuật trong việc tái sử dụng chất thải, nước thải.
Đoàn công tác tham quan khu trưng bày mô hình năng lượng tái tạo trong KCN DEEP C |
Về hỗ trợ kỹ thuật, Dự án đang tập trung vào hỗ trợ các doanh nghiệp sử dụng hiệu quả tài nguyên, sản xuất sạch hơn và cộng sinh công nghiệp tại 03 KCN: DEEP C (Hải Phòng), AMATA (Đồng Nai) và Hiệp Phước (TP. Hồ Chí Minh); đồng thời tiếp tục hỗ trợ sâu hơn các KCN (Hòa Khánh, Trà Nóc 1&2) từ pha trước cuả Dự án để góp phần hiệu quả cộng sinh công nghiệp sâu hơn, tiến tới được pháp luật hóa các cơ hội cộng sinh công nghiệp.
Về truyền thông, Dự án đã liên tục thực hiện chiến lược truyền thông với quy mô lớn, bài bản và liên tục trên các phương tiện truyền thông để truyền tải thông điệp về KCN sinh thái tới tất cả các bên liên quan. Hiện nay trang Webside của Dự án thường xuyên cập nhật các sự kiện, các thông tin liên quan để tuyên truyền rộng rãi tới mọi đối tượng.
Đánh giá về tình hình triển khai Dự án tại KCN DEEP C, bà Nguyễn Trâm Anh cho biết, Dự án đã và đang thực hiện đầy đủ công tác hỗ trợ cho DEEP C như đánh giá KCN theo khung quốc tế về KCN sinh thái để xem mức độ chuyển đổi trước khi thí điểm vào KCN sinh thái và sau khi chuyển đổi sang KCN sinh thái; đánh giá tác động môi trường, xã hội trong KCN và xung quanh KCN; hỗ trợ đánh giá hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn. Theo kế hoạch, KCN DEEP C được đào tạo tập huấn về hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn và sẽ được đánh giá nhanh 20 doanh nghiệp trong KCN, Dự án cũng sẽ hỗ trợ DEEP C xây dựng mạng lưới cộng sinh công nghiệp.
Đoàn công tác tham quan cầu cảng, khu hóa dầu trong KCN DEEP C |
Tư duy và tầm nhìn của Hải Phòng về phát triển KCN sinh thái
Vụ trưởng Vụ Quản lý các KKT Lê Thành Quân phát biểu tại buổi làm việc với Công ty Cổ phần SHINEC, chủ đầu tư KCN Nam Cầu Kiền |
Ban Quản lý KKT Hải Phòng cho biết, từ năm 2005 Hải Phòng đã có Nghị quyết về phát triển KCN, cụm công nghiệp (CCN) trên địa bàn Thành phố, đồng thời có quyết định phê duyệt danh mục các dự án trong KCN, KKT được khuyến khích đầu tư, hạn chế đầu tư, đã chứng tỏ công tác chỉ đạo phát triển KCN của Hải Phòng rất nhất quán và có từ sớm.
Đoàn công tác tham quan Nhà máy xử lý nước thải tập trung theo mô hình vườn Nhật Bản trong KCN Nam Cầu Kiền |
Sau gần 30 năm xây dựng và phát triển các KCN, KKT Hải Phòng, từ 01 khu chế xuất và 02 KCN được xây dựng, đến nay Hải Phòng có KKT Đình Vũ - Cát Hải với tổng diện tích 22.540 ha và 12 KCN ngoài KKT theo quy hoạch với tổng diện tích KCN là 12.702 ha. Trong đó KKT Đình Vũ-Cát Hải được quy hoạch là KKT tổng hợp, trung tâm kinh tế biển đa ngành, đa lĩnh vực, đô thị công nghiệp, thương mại, du lịch hiện đại, trở thành động lực phát triển của Hải Phòng và các tỉnh vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ, là cửa ngõ hội nhập quốc tế của Việt Nam. |
Theo chương trình từ nay đến năm 2025, thành phố Hải Phòng sẽ tiếp tục phát triển thêm 15 KCN với diện tích tăng thêm khoảng 6200 ha, thu hút thêm 12-15 tỷ USD. Với định hướng thu hút đầu tư tốc độ cao như vậy, Hải Phòng nhận thấy việc phát triển các KCN theo mô hình KCN sinh thái sẽ là một trong các biện pháp hữu hiệu để Thành phố triển khai phát triển các KCN sinh thái bền vững.
Ông Bùi Ngọc Hải, Phó Trưởng Ban Quản lý KKT Hải Phòng chia sẻ, trong phát triển KCN sinh thái, Thành phố nhận thấy đây là một mô hình đòi hỏi cộng sinh công nghiệp và hợp tác chặt chặt chẽ trong chia sẻ các nguồn nguyên liệu, năng lượng theo mô thức kinh tế tuần hoàn trong KCN và giữa các KCN với nhau. Với định hướng như vậy, ngay từ đầu khâu quy hoạch, Thành phố đã có bước tính toán, chuẩn bị kỹ công tác quy hoạch địa điểm để xác định mức độ phù hợp của dự án với môi trường, cảnh quan xung quanh nhằm đảm bảo các dự án đi theo phải thực hiện cộng sinh công nghiệp, tránh xảy ra trường hợp xung đột sau này; đồng thời áp dụng ngay những tiêu chuẩn sinh thái cho việc quy hoạch, xây dựng dự án đầu tư phát triển hạ tầng KCN ngay từ giai đoạn đầu của dự án; dự kiến ngay các loại hình công nghiệp có thể liên kết bổ trợ cho nhau trong sản xuất để tái sử dụng, sử dụng tuần hoàn các nguồn tài nguyên, nguyên vật liệu…; khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư có sử dụng mô hình cộng sinh công nghiệp để thu hút vào cụm chung sử dụng; hàng năm rà soát, quy định lại các ngành nghề, các danh mục dự án mà Thành phố cần định hướng khuyến khích đầu tư hoặc đầu tư có điều kiện; liên tục thẩm tra, đánh giá công nghệ của các dự án nhằm bảo đảm bản chất công nghệ, góp phần nâng cao tái sử dụng nguồn năng lượng, tài nguyên của các dự án xung quanh.
Đoàn công tác tham quan Phòng đọc sách trong khuôn viên Nhà máy xử lý nước thải tập trung theo mô hình vườn Nhật Bản trong KCN Nam Cầu Kiền |
Theo Phó Trưởng ban Bùi Ngọc Hải, trong quá trình phát triển KCN sinh thái thực tế đang gặp phải một số rào cản, vì vậy để khuyến khích các KCN và các doanh nghiệp KCN tham gia vào mô hình KCN sinh thái thì ngoài những quy định chung trong tiêu chí xây dựng của KCN sinh thái, cần có chính sách hấp dẫn cho KCN sinh thái, nhất là giai đoạn đầu chuyển đổi từ KCN truyền thống sang KCN sinh thái nhằm tạo hiệu ứng phát triển thành phong trào, qua đó thúc đẩy thu hút các nhà đầu tư tham gia vào chuỗi kinh tế tuần hoàn.
Toàn cảnh Đoàn công tác làm việc với Công ty Cổ phần SHINEC, chủ đầu tư KCN Nam Cầu Kiền |
Phát triển KCN sinh thái là “Kim chỉ nam” cho mọi hoạt động của DEEP C
Ông Trịnh Tuấn Hải, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần KCN Đình Vũ phát biểu tại buổi làm việc với Đoàn công tác |
Về quan điểm phát triển KCN sinh thái, ông Trịnh Tuấn Hải, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần KCN Đình Vũ khẳng định, phát triển KCN sinh thái là một nhiệm vụ xuyên suốt của không chỉ riêng cho KCN Đình Vũ (KCN DEEP C) mà còn là của tất cả các KCN do DEEP C đầu tư. Với mục tiêu hướng đến phát triển bền vững, tâm niệm của Công ty, người lao động cũng như các doanh nghiệp trong KCN Đình Vũ đều mong muốn tâm huyết phấn đấu xây dựng KCN phát triển toàn diện và bền vững, gắn với các mục tiêu và nhiệm vụ cụ thể, có lộ trình kế hoạch rõ ràng. Trong đó vai trò cuả các doanh nghiệp trong KCN rất quan trọng, gắn liền với các hoạt động cộng sinh công nghiệp và sản xuất sạch hơn.
Bà Melissa Slabbaert, Trưởng phòng Quản lý Môi trường và Phát triển bền vững của DEEP C phát biểu tại buổi làm việc với Đoàn công tác |
Bà Melissa Slabbaert, Trưởng phòng Quản lý Môi trường và Phát triển bền vững của DEEP C cho biết, hiện nay các doanh nghiệp trong KCN DEEP C đang có nhiều ưu thế để công sinh công nghiệp trong các lĩnh vực như: Hóa chất, cứu hỏa, Internet vạn vật, dịch vụ xe buýt nội bộ trong KCN. Tuy nhiên các doanh nghiệp chưa có sự gắn kết chặt chẽ nên cần thiết phải có sự hỗ trợ của cơ quan quản lý nhà nước về KCN làm nhiệm vụ kết nối giữa các doanh nghiệp trong KCN như tổ chức các cuộc giao lưu để các doanh nghiệp có nhiều cơ hội gặp gỡ, hợp tác chặt chẽ với nhau, trao đổi thông tin liên lạc trong các doanh nghiệp cũng như với cộng đồng địa phương. Qua đó sẽ biết được nhu cầu của các bên để có nhiều cơ hội cộng sinh công nghiệp, sản xuất sạch hơn, góp phần mang lại những lợi ích to lớn cho KCN Đình Vũ nói chung và các doanh nghiệp khách hàng trong KCN nói riêng về các mặt môi trường, kinh tế và xã hội. Đồng thời tránh được những rủi ro, xung đột về lợi ích kinh tế và các tác động về môi trường, xã hội sau khi Dự án triển khai và đi vào hoạt động.
Đoàn công tác làm việc tại Công ty Cổ phần Luyện thép cao cấp Việt Nhật trong KCN Nam Cầu Kiền |
Chắc chắn với định hướng phát triển bền vững và tư duy, tầm nhìn của lãnh đạo thành phố Hải Phòng nói chung, Ban Quản lý Hải Phòng, các nhà đầu tư hạ tầng và nhà đầu tư thứ cấp nói riêng, trong thời gian sắp tới Hải Phòng sẽ tiếp tục phát triển thêm nhiều KCN theo mô hình KCN sinh thái, là động lực quan trọng để thúc đẩy thu hút đầu tư và phát triển bền vững./.
Đoàn công tác chụp ảnh lưu niệm tại khuôn viên Nhà máy xử lý nước thải tập trung theo mô hình vườn Nhật Bản tại KCN Nam Cầu Kiền |
Bình luận