Nhân dịp 30 năm thực hiện Chương trình Hợp tác kinh tế giữa các nước thuộc tiểu vùng Mekong mở rộng, chiều nay (23/9), Hội Phát triển hợp tác kinh tế Việt Nam – ASEAN (VASEAN) tổ chức Diễn đàn Mekong lần thứ X với chủ đề “Đẩy mạnh hợp tác phát triển, phục hồi kinh tế hậu Covid-19 khu vực Mekong”.

GMS - KHU VỰC KINH TẾ NĂNG ĐỘNG VÀ NHIỀU TIỀM NĂNG PHÁT TRIỂN

Tiểu vùng Mekong mở rộng (GMS) bao gồm các nước: Việt Nam, Lào, Campuchia, Myanmar, Thái Lan và 2 tỉnh Vân Nam, Quảng Tây (Trung Quốc). Đây là khu vực kinh tế năng động và có nhiều tiềm năng phát triển, tài nguyên khoáng sản phong phú. Bên cạnh đó, sông Mekong với chiều dài hơn 4.800 km đóng vai trò quan trọng đối với cuộc sống của hơn 65 triệu người dân quanh lưu vực.

GMS có thế mạnh đặc biệt về sản xuất nông nghiệp, là vựa lúa lớn nhất của thế giới. Năm 1992, với sáng kiến và sự hỗ trợ của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), 6 nước đã tham gia Chương trình Hợp tác kinh tế GMS. Sáng kiến đã thúc đẩy tăng cường kết nối và hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư giữa các nước, đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội của các nước thành viên.

Việt Nam hiện là mắt xích quan trọng trong việc hình thành và phát triển 3 hành lang kinh tế quan trọng của GMS: hành lang Bắc Nam, hành lang Đông Tây và hành lang ven biển phía Nam. Với sự hỗ trợ của quốc tế và sự đóng góp của Việt Nam, cho đến nay, nhiều dự án hạ tầng quan trọng đã được hoàn thành, trong đó có các tuyến giao thông huyết mạch đã được đưa vào sử dụng như: hành lang Côn Minh - Hải Phòng, tuyến hành lang phía Bắc Thanh Hóa nối sang Lào và Thái Lan, các tuyến đường bộ thuộc hành lang Đông Tây đã tạo thuận lợi cho đi lại, vận chuyển hàng hóa… trong GMS. Các hiệp định hợp tác trong GMS về năng lượng, môi trường, du lịch, nhân lực, phát triển nông thôn và đô thị cũng được triển khai và đạt được kết quả tốt đẹp.

Phân tích triển vọng hợp tác phát triển kinh tế giữa Việt Nam và các nước thuộc tiểu vùng Mekong sau dịch Covid-19, TS. Nguyễn Hà Phương, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á cho rằng, với lợi thế về mọi mặt và sự nỗ lực hợp tác của mình, Việt Nam ngày càng có vị trí nổi bật trong việc kết nối các quốc gia trong GMS, đồng thời là thành viên tích cực trong nhóm cơ chế hợp tác với đối tác bên ngoài khu vực. Việt Nam cũng đóng vai trò quan trọng trong phát triển mạng lưới sản xuất và các chuỗi giá trị gia tăng trong GMS. Những lĩnh vực có triển vọng chủ yếu mà Việt Nam có thể hợp tác với các nước trong khối gồm: giao thông vận tải; năng lượng; thương mại và đầu tư; nông nghiệp; du lịch.

Hiện thực hóa triển vọng hợp tác tiểu vùng Mekong
TS. Nguyễn Hà Phương cho biết, Việt Nam ngày càng có vị trí nổi bật trong kết nối các quốc gia trong GMS

Về đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) giữa các nước tiểu vùng Mekong, TS. Nguyễn Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) đánh giá, Việt Nam là nước vừa tiếp nhận dòng vốn FDI, vừa đầu tư ra nước ngoài, trong đó các nước tiểu vùng Mekong chiếm tỷ trọng khá lớn trong tổng nguồn vốn đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam.

Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến tháng 8/2022, Việt Nam đã đầu tư vào 4 nước tiểu vùng Mekong gồm: Lào, Campuchia, Myanmar và Thái Lan 549 dự án (còn hiệu lực) với tổng vốn đăng ký 8,53 tỷ USD, chiếm tới 87% tổng vốn đầu tư của Việt Nam vào các nước ASEAN. Đầu tư của Việt Nam vào các nước tiểu vùng Mekong tập trung chủ yếu trong các lĩnh vực: khai khoáng; nông, lâm nghiệp và thủy sản; công nghiệp chế biến, chế tạo; tài chính ngân hàng và bảo hiểm; bất động sản; bán buôn và bán lẻ…

Ở chiều ngược lại, tính đến tháng 9/2022, 4 nước tiểu vùng Mekong đã đầu tư vào Việt Nam 707 dự án với tổng đầu tư 13,23 tỷ USD. Trong đó, Thái Lan là nước đầu tư lớn nhất vào Việt Nam với 668 dự án có tổng vốn đăng ký 13,1 tỷ USD; đầu tư trực tiếp của Lào, Campuchia và Myanmar vào Việt Nam chưa đáng kể (Lào có 10 dự án với tổng vốn đăng ký 71 triệu USD; Campuchia có 27 dự án với tổng vốn đăng ký 69 triệu USD; Myanmar có 2 dự án nhỏ với tổng vốn đăng ký 0,8 triệu USD). Đầu tư của các nước tiểu vùng Mekong vào Việt Nam tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực: công nghiệp chế biến, chế tạo; sản xuất phân phối điện, khí, nước; kinh doanh bất động sản; bán buôn và bán lẻ; nông lâm nghiệp và thủy sản; dịch vụ lưu trú và ăn uống…

“Nhìn chung, đầu tư trực tiếp nội bộ giữa các nước tiểu vùng Mekong còn hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng và kỳ vọng”, TS. Nguyễn Anh Tuấn nhận xét.

BIẾN TRIỂN VỌNG HỢP TÁC THÀNH HIỆN THỰC

Để gia tăng quy mô và tốc độ di chuyển FDI nội bộ Tiểu vùng Mekong, theo TS. Nguyễn Anh Tuấn, chính phủ và doanh nghiệp các nước GMS cần coi trọng các giải pháp chính yếu sau:

Thứ nhất, các nước tiểu vùng Mekong cần nhận thức đầy đủ hơn về vai trò FDI đối với việc thúc đẩy hợp tác kinh tế Tiểu vùng, qua đó tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi và có chính sách hỗ trợ đầu tư lẫn nhau giữa các nước trong khu vực; thúc đẩy và đóng góp tích cực, có trách nhiệm vào việc xây dựng cộng đồng ASEAN đầy đủ vào năm 2025.

Thứ hai, nâng cao khả năng chống chịu của nền kinh tế các nước trong khu vực trước những tác động tiêu cực từ bên ngoài nhằm giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, khắc phục tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng và thiếu hụt lao động chất lượng cao đang diễn ra tại một số nước.

Thứ ba, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, nhất là môi trường pháp lý, minh bạch và đơn giản hóa thủ tục đầu tư, đào tạo nguồn nhân lực để đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư.

Thứ tư, tranh thủ sự hỗ trợ của các nước và tổ chức quốc tế trong việc đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là kết nối giao thông nội vùng, đảm bảo an ninh năng lượng gắn với chuyển đổi sang năng lượng sạch, hỗ trợ tăng cường năng lực cho tăng trưởng xanh, áp dụng kinh tế tuần hoàn, kinh tế số, chống biến đổi khí hậu…

Thứ năm, tăng cường trao đổi, cập nhật thông tin về chính sách thu hút đầu tư, tiềm năng và cơ hội đầu tư của các nước trong Tiểu vùng, hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ của các nước tiếp cận thông tin và có sự hướng dẫn cần thiết về hợp tác đầu tư trong khu vực.

Liên quan đến hợp tác trong nông nghiệp ở các nước tiểu vùng Mê Công mở rộng, TS. Trương Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm tư vấn chính sách nông nghiệp gợi ý, cần thay đổi tập quán sản xuất, thay đổi giống, lịch canh tác trong sản xuất nông nghiệp, chuyển đổi sinh kế để thích ứng với biến đổi khí hậu và tận dụng lợi thế khác biệt mùa vụ. Tìm kiếm thị trường mới, cải tiến kỹ thuật canh tác, nâng cao chất lượng sản phẩm. Khuyến khích áp dụng các chứng chỉ chất lượng như: GAP, phát triển đồng bộ PGS, chứng chỉ hữu cơ. Hợp tác chặt chẽ trong chia sẻ thông tin và điều phối sử dụng nước sông Mê Công, huy động hỗ trợ hợp tác lưu vực. Giảm khai thác tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là bảo vệ rừng và lớp phủ thực vật để giảm phát thải khí nhà kính, khuyến khích sử dụng các chế phẩm sinh học…

Ngoài ra, để biến triển vọng hợp tác giữa Việt Nam với GMS thành hiện thực, TS. Nguyễn Hà Phương khuyến nghị Chính phủ, các bộ ngành, địa phương và các doanh nghiệp cần nhận thức đầy đủ hơn những cơ chế hợp tác và định hướng phát triển của GMS nói chung, các lĩnh vực cụ thể trên để sớm chuẩn bị các kế hoạch hành động tổng thể phù hợp và hiệu quả. Việc đề xuất các dự án, nội dung hợp tác cụ thể phải xuất phát từ những lợi thế và khả năng của Việt Nam để tham gia tích cực vào các chương trình, lĩnh vực cụ thể của GMS nói chung, với các nước thành viên nói riêng./.