Hình sự hóa việc trốn đóng bảo hiểm xã hội: Hoàn toàn khả thi!
Luật Bảo hiểm Xã hội 2014 đã có hiệu lực từ ngày 01/01/2016, tuy nhiên, đến ngày 01/01/2018 tới đây, nhiều điều khoản quan trọng trong Luật mới chính thức có hiệu lực. Một trong nội dung được nhiều doanh nghiệp quan tâm đó là hành vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp sẽ bị xử lý hình sự theo quy định của Bộ luật Hình sự (sửa đổi).
Cụ thể, tại Điều 216 Bộ Luật Hình sự (sửa đổi) quy định người nào có nghĩa vụ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động mà gian dối hoặc bằng thủ đoạn khác để không đóng hoặc không đóng đầy đủ theo quy định từ 6 tháng trở lên, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, phạm tội thì bị phạt tiền từ 500 triệu đồng đến 1 tỷ đồng hoặc bị phạt tù từ 2-7 năm. Các hành vi phạm, phạm tội được nêu làm căn cứ áp dụng chế tài trên gồm: Trốn đóng bảo hiểm 1 tỷ đồng trở lên; trốn đóng bảo hiểm cho 200 người trở lên…
Hình sự hóa trong trốn đóng bảo hiểm xã hội là việc dễ làm và khả thi
Theo ông Trần Đình Liệu, Phó Tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, việc vi phạm hành vi đóng và hưởng được cụ thể hóa trong Bộ luật Hình sự thể hiện tính nghiêm trọng của các hành vi vi phạm, như: chiếm đoạt tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp; lập hồ sơ giả hoặc làm sai lệch nội dung hồ sơ bảo hiểm xã hội, hồ sơ bảo hiểm thất nghiệp lừa dối cơ quan bảo hiểm xã hội; dùng hồ sơ giả hoặc hồ sơ đã bị làm sai lệch nội dung lừa dối cơ quan bảo hiểm xã hội hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp.
Do đó, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam sẽ tiếp tục tuyên truyền, phổ biến các nội dung của Bộ luật Hình sự liên quan đến việc nợ, trốn đóng bảo hiểm xã hội cho các doanh nghiệp để người sử dụng lao động nắm bắt được những thay đổi. Sau đó, sẽ tiến hành thanh tra và xử phạt các doanh nghiệp đang vi phạm. Nếu đơn vị nào vẫn cố tình chây ì, bảo hiểm xã hội sẽ chuyển toàn bộ hồ sơ sang phía cơ quan điều tra để hình sự hóa tội danh này.
Đánh giá mức độ khả thi khi áp dụng Điều 216 Bộ luật Hình sự (sửa đổi) từ ngày 01/01/2018 về việc hình sự hóa trong việc trốn đóng bảo hiểm xã hội, Luật sư Trương Thanh Đức khẳng định trước báo giới, hình sự hóa trong việc trốn đóng bảo hiểm xã hội thì dễ làm và khả thi. Bởi vì, khi doanh nghiệp muốn sản xuất, kinh doanh thường có sổ sách, giấy tờ, hợp đồng rõ ràng… Đó là cơ sở thể hiện những chi phí hợp pháp, hợp lệ, được nộp thuế hoặc không phải nộp thuế... Từ đó cũng sẽ thể hiện rõ việc doanh nghiệp đó đã đóng bảo hiểm hay chưa, đóng đúng hay không. Vì vậy, trường hợp này chỉ khác nhau là khi doanh nghiệp không có tiền, hoặc không có khả năng đóng thì đó không phải là trốn, mà là doanh nghiệp không có khả năng thực hiện mọi nghĩa vụ. Do đó, trường hợp này cần đưa ra phá sản.
Ông Đức phân tích thêm, để bộ luật thật sự đi vào cuộc sống, để người lao động tuân thủ việc đóng bảo hiểm cho người lao động, thì người lao động, công đoàn và các cơ quan chức năng phải luôn quan tâm đến người lao động. Đặc biệt là lương, phụ cấp và bảo hiểm (thu đúng, thu đủ và kịp thời). Thêm vào đó, mấu chốt là Nhà nước cần thay đổi chính sách an sinh xã hội, chính sách bảo hiểm, quản lý cho hiệu quả, an toàn, đảm bảo không vỡ quỹ, đảm bảo người đóng nhiều, hưởng nhiều, người đóng ít, hưởng ít, nhưng những người không đóng, hoặc đóng quá ít thì cần có mức sàn, tối thiểu để duy trì cuộc sống, ông Đức nhấn mạnh./.
Bình luận