Hơn 56% người tiêu dùng đã từng bị xâm phạm quyền lợi
Khảo sát: “Nhận thức của người tiêu dùng về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ở Việt Nam” do Cục Quản lý Cạnh tranh, Bộ Công Thương phối hợp với Hội Bảo vệ Quyền lợi người tiêu dùng và các chuyên gia tiến hành điều tra vào tháng 3 và tháng 04/2016 tại 12 tỉnh thành trên cả nước thực hiện bảng câu hỏi khảo sát với 3000 người tiêu dùng có độ tuổi từ 25 - 35, tập trung vào 7 nội dung chính đó là hiểu biết của người tiêu dùng về Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; hiểu biết của người tiêu dùng về cơ quan, tổ chức bảo vệ người tiêu dùng; nhận diện hành vi, lĩnh vực thường bị vi phạm quyền lợi người tiêu dùng; ứng xử của người tiêu dùng, doanh nghiệp khi có tranh chấp; đánh giá của người tiêu dùng về cơ quan, tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; đánh giá về hoạt động của tổng đài 1800 - 6838; đánh giá phương thức, cách thức nâng cao hiệu quả của công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Hơn 50% người tiêu dùng chưa từng liên hệ với bất kỳ, cơ quan tổ chức nào yêu cầu hỗ trợ giải quyết tranh chấp
Kết quả khảo sát cho thấy, phần lớn người tiêu dùng đã từng nghe hoặc biết đến Luật Bảo vệ Quyền lợi người tiêu dùng (70%) và các quyền cơ bản của người tiêu dùng (71%) trước khi thực hiện khảo sát. Trong đó, người tiêu dùng quan tâm nhất đến quyền được cung cấp thông tin, quyền được yêu cầu bồi thường thiệt hại và quyền được lựa chọn hàng hóa dịch vụ.
Người tiêu dùng cũng đã dành những sự quan tâm hơn đến những lưu ý khi mua sản phẩm, dịch vụ đặc biệt là đã quan tâm lựa chọn sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, có hóa đơn chứng từ (72,97%); thực hiện kiểm tra kỹ sản phẩm trước khi tiếp nhận (70,87%) và thực hiện chính xác, đầy đủ hướng dẫn sử dụng sản phẩm (50,33%).
Bên cạnh đó, hơn một nửa (56%) số người tiêu dùng được khảo sát cho biết đã từng bị xâm phạm quyền lợi với tư cách là người tiêu dùng trong khoảng thời gian từ năm 2011-2015. Trong đó, thực phẩm, nước giải khát; đồ điện tử gia dụng; hàng hóa tiêu dùng thường ngày là 3 nhóm hàng người tiêu dùng bị xâm phạm quyền lợi nhiều nhất. Ở góc độ nhóm hành vi vi phạm, người tiêu dùng bị xâm phạm quyền lợi do hành vi bán sản phẩm không đảm bảo như cam kết; bị quấy rối thông qua tiếp thị, quảng cáo trái ý muốn; gian lận về đo lường và gian lận về xuất xứ bị phản ánh nhiều nhất.
Mặc dù số người bị xâm phạm quyền lợi chiếm hơn một nửa, nhưng cũng có tới gần một nửa trong số bị xâm phạm lựa chọn việc im lặng, bỏ qua vụ việc (44%) vì cho rằng giá trị tranh chấp nhỏ (38,56%) và thủ tục khiếu nại, khiếu kiện tới các cơ quan có thẩm quyền là phức tạp (22,05%). Cũng chính vì vậy mà mới chỉ có hơn 30% người tiêu dùng được khảo sát đánh giá các tổ chức, cá nhân kinh doanh giải quyết tốt khiếu nại của người tiêu dùng, còn lại là không có ý kiến hoặc đánh giá là chưa tốt.
Ngoài ra, cũng hơn một nửa người tiêu dùng chưa từng liên hệ với bất kỳ, cơ quan tổ chức nào yêu cầu hỗ trợ giải quyết tranh chấp. Điểm sáng của hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong khảo sát chính là đa phần người tiêu dùng đã biết đến và đánh giá tổng đại hỗ trợ người tiêu dùng 1800 - 6838 đã vận hành có hiệu quả (40,79% đánh giá tốt và 51,66% đánh giá bình thường).
Cũng theo kết quả khảo sát, phần lớn người tiêu dùng mong muốn trong thời gian tới Nhà nước cần ưu tiên tăng cường công tác thanh kiểm tra xử lý vi phạm quyền lợi người tiêu dùng; giải quyết có hiệu quả khiếu nại của người tiêu dùng, hoàn thiện chính sách pháp luật cũng như đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đồng thời hoàn thiện, nâng cao bộ máy, hiệu quả thực hiện của các cơ quan quản lý nhà người về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng./.
Bình luận