Hợp sức thúc đẩy phát triển kinh tế số
Theo ông Lê Nguyễn Trường Giang, Viện trưởng Viện Chiến lược Chuyển đổi số (DTSI), đa số mọi người nhận định, kinh tế số là một ngành hoặc một lĩnh vực song song và độc lập với hoạt động kinh tế truyền thông, nhưng thực chất nó là một hình thái cộng sinh trên cơ sở nền tảng các hoạt động kinh tế truyền thông để tạo nên một lớp giá trị gia tăng mới. Chính vì sự hiểu lầm này đã khiến cho người ta thực sự bối rối khi tiếp cận với kinh tế số.
Để góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế số, đại diện Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) cho hay, NIC tư vấn miễn phí cho doanh nghiệp như Siemens, các đối tác trong nước và quốc tế liên quan đến chuyển đổi số. |
"Kinh tế số cho phép chúng ta bước vào công cuộc kỷ nguyên số, dữ liệu số trở thành nguyên, nhiên liệu mới cho một tiến trình kiến tạo giá trị thông qua việc ứng dụng công nghệ số. Dữ liệu số tạo ra những công cụ phương tiện mới cho hoạt động và vận hành cuộc sống hàng ngày…", ông Giang chia sẻ.
Để thúc đẩy phát triển kinh tế số, ông Giang cho rằng, cần thông qua tư duy số để kiến tạo nên phương thức vận hành kinh tế mới. Định hình nên một nền tảng sản xuất mới: trong sản xuất mới, dữ liệu đóng vai trò kiến tạo nên những cách thức tạo giá trị mới nhờ sự tích hợp làm một giữa nhà sản xuất và người tiêu dùng. Phương thức mới này gọi là hệ thống đồng bộ cộng hưởng hiệu quả.
"Nếu không phát triển khoa học kỹ thuật, để có ngành sản xuất tốt, thì một quốc gia sẽ không phát triển được nền kinh tế số. Những cách thức dựa trên đầu cơ, giao dịch thu lợi nhuận biên hay các hình thức tương tự sẽ không bền vững...", ông Giang cảnh báo.
Theo ông Trịnh Văn Biển, Giám đốc Chuyển đổi số, Công ty Cổ phần Misa, quá trình chuyển đổi số của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh rất khó khăn, vì chủ doanh nghiệp chưa hiểu rõ chuyển đổi số là gì |
“Chúng tôi đã có một số các chương trình thúc đẩy, hoạt động mồi như cho phép doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử 0 đồng từ 6 tháng đến một năm, để đo đếm giá trị họ nhận được, từ đó họ có động lực và quyết tâm để triển khai tiếp…”, ông Biển chia sẻ.
Ông chia sẻ thêm, chúng tôi có 30.000 hộ kinh doanh đang ứng dụng các giải pháp của Misa, so với các giải pháp của nước ngoài, thì tiết kiệm 90% chi phí và 86% về thời gian. Ví dụ, các doanh nghiệp chuyển đổi từ hợp đồng giấy sang hợp đồng điện tử, thì rút ngắn từ 5-7 ngày vì không mất thời gian vận chuyển. Điều này giúp tăng hiệu quả, vòng quay vốn nhanh hơn, tiền về nhanh hơn.
Muốn thúc đẩy phát triển kinh tế số ở địa phương, dưới góc nhìn của doanh nghiệp, theo bà Phan Thanh Ngọc, Giám đốc Tư vấn chuyển đổi số, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) cho rằng, cần chú ý tới 4 trụ cột chuyển đổi số địa phương gồm: hạ tầng số, chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.
"Cần đẩy mạnh áp dụng công nghệ số trong phát triển kinh tế địa phương, đồng thời lựa chọn một số ngành kinh tế mũi nhọn để ưu tiên đẩy mạnh chuyển đổi số. Cũng cần lựa chọn đơn vị mạnh về chuyển đổi số cùng đồng hành với địa phương trong quá trình thực hiện kinh tế số nói riêng, chuyển đổi số nói chung…", bà Ngọc đề xuất.…/.
Bình luận