Theo báo cáo Triển vọng kinh tế thế giới (World Economic Outlook) mới nhất của IMF được công bố hôm nay (09/10), nền kinh tế toàn cầu được dự báo sẽ tăng trưởng 3,7% trong năm nay và năm tới, thấp hơn 0,2% điểm so với dự báo ba tháng trước. Đây là lần cắt giảm dự báo đầu tiên kể từ tháng 7 năm 2016.

Nền kinh tế toàn cầu được dự báo sẽ tăng trưởng 3,7% trong năm nay và năm tới, thấp hơn 0,2% điểm so với dự báo ba tháng trước

Báo cáo này được xuất bản hai lần một năm vào tháng Tư và tháng Mười, được biết đến rộng rãi bởi cả khu vực công và tư trên toàn cầu như một đánh giá của IMF về kinh tế thế giới. Phiên bản mới nhất được phát hành khi hàng ngàn quan chức tài chính và chuyên gia tập trung tại Bali, Indonesia, cho các cuộc họp thường niên của IMF và Ngân hàng Thế giới.

Theo ông Maurice Obstfeld, nhà kinh tế trưởng của IMF, các báo cáo trước đây dường như quá lạc quan trong khi những rủi ro đến từ "sự xáo trộn ngày một nhiều của các chính sách thương mại" đã trở nên rõ ràng hơn.

"Hai thỏa thuận thương mại khu vực chính đều đã được thay đổi trong đó có NAFTA (một thỏa thuận ba bên mới đang chờ sự chấp thuận theo luật định) và Liên minh châu Âu (với thỏa thuận sau này về các điều khoản của Brexit). Thuế quan của Mỹ áp lên hàng hóa Trung Quốc, hay cụ thể là lên ô tô và phụ tùng ô tô nhập khẩu, có thể phá vỡ các chuỗi cung ứng đã được thiết lập trước đây, đặc biệt nếu đó là các thuế quan trả đũa", ông nói.

"Những tác động của chính sách thương mại và sự xáo trộn đang trở nên rõ ràng ở cấp độ vĩ mô, trong khi minh chứng về việc này lại xuất hiện ngày một nhiều, thể hiện ở việc ảnh hưởng tiêu cực đến các công ty. Chính sách thương mại phản ánh chính trị và tình hình chính trị ở một số quốc gia vẫn chưa ổn định, tạo ra nhiều rủi ro hơn nữa”, ông nói thêm.

IMF cũng cắt giảm dự báo về khối lượng giao dịch thương mại toàn cầu. Tổng lưu lượng hàng hoá và dịch vụ được dự báo tăng 4,2% trong năm nay và 4% vào năm tới, thấp hơn 0,6 và 0,5 điểm phần trăm so với những ước tính trước đó.

Và cụ thể là hai nền kinh tế đang trong tâm bão chiến tranh thuế quan là Mỹ và Trung Quốc cũng được dự báo sẽ tăng trưởng ở mức thấp hơn so với ước tính ban đầu. Dù IMF vẫn giữ mức dự báo rằng Mỹ và Trung Quốc sẽ đạt mức tăng trưởng 2,9% và 6,6% trong năm nay, nhưng cho biết con số này sẽ tăng chậm hơn dự kiến ở mức lần lượt là 2,5% và 6,2% vào năm 2019.

Những thị trường mới nổi – nhóm các nền kinh tế chịu áp lực từ làn sóng bán tháo trong những tháng gần đây – cũng nhận lấy những cắt giảm trong dự báo tăng trưởng từ IMF.

"Dự báo tiêu cực đối với các thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển đang trở nên nghiêm trọng hơn", ông Obstfeld nói. "Nói chung, chúng tôi thấy dấu hiệu kém đi của hoạt động đầu tư và sản xuất, cùng với tăng trưởng thương mại yếu hơn."

IMF cho biết trong báo cáo rằng dự báo tăng trưởng lao dốc được thấy rõ ở những quốc gia, như: Argentina, Brazil, Mexico, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ.

Các nền kinh tế mới nổi đều hứng chịu những đợt thoái vốn lớn khi mà các nhà đầu tư ồ ạt rút tiền khỏi các quốc gia này do ảnh hưởng từ việc tăng mức lãi suất của Mỹ. Các quốc gia như Argentina và Thổ Nhĩ Kỳ là những nước chịu tác động nhiều nhất. Đồng nội tệ của họ bị sụt giá mạnh chưa từng thấy so với đồng bạc xanh trong bối cảnh khả năng quản lý kinh tế của chính phủ các quốc gia này bị đặt nghi vấn.

Dịch từ nguồn: https://www.cnbc.com/2018/10/09/world-economic-outlook-imf-cuts-global-growth-forecasts-on-trade-fight.html