Indonesia cấm xuất khẩu dầu cọ thô và dầu ăn: Những vấn đề doanh nghiệp Việt cần quan tâm
Indonesia cấm xuất khẩu dầu cọ thô (CPO) và dầu ăn từ ngày 28/4/2022 |
Nguồn cung ứng dầu thực vật
Biển Đen chiếm 60% sản lượng dầu hướng dương thế giới và 76% xuất khẩu loại dầu này, cuộc khủng hoảng ở Ukraine đã khiến các chuyến dầu hướng dương cung ứng cho thị trường thế giới bị đình trệ.
Malaysia, quốc gia sản xuất dầu cọ lớn thứ hai thế giới, đóng góp khoảng 33% lượng dầu cọ xuất khẩu toàn cầu đang đối mặt với sự sụt giảm trong khâu sản xuất và điều này có thể kéo dự trữ dầu cọ toàn cầu xuống mức thấp nhất trong 5 năm qua. Do ảnh hưởng của việc thiếu lao động, các đợt “sóng nhiệt” (nắng nóng bất thường kéo dài) và sự tấn công của sâu bọ, khiến sản lượng dầu cọ thô trung bình đã giảm xuống còn 1,41 tấn/ha, từ mức 1,56 tấn/ha trong cùng kỳ năm ngoái (theo dữ liệu của Hội đồng dầu cọ Malaysia).
Bắc Mỹ nơi cung cấp chính loại dầu đậu nành và dầu hạt cải đang phải đối diện với hiện tượng biến đổi khí hậu khiến sụt giảm sản lượng nghiêm trọng. Theo đó, Canada tiếp tục phải đối mặt với tình trạng hạn hán và Cơ quan thống kê Canada (StatsCan) sẽ phải điều chỉnh sản lượng cải dầu giảm 24,3%; canh tác đậu nành ở Mỹ cũng phải đối mặt với hạn hán, khiến Bộ Nông nghiệp nước này phải điều chỉnh dự báo sản lượng, đã khiến Mỹ cắt giảm dự trữ dầu đậu nành xuống mức thấp nhất trong 8 năm qua và xuất khẩu dầu đậu nành xuống mức thấp nhất trong thập kỷ.
Diễn biến bất thường của giá dầu thực vật
Giá dầu cọ thô Malaysia ngày 9/3/2022 đã tăng kịch trần 13,2% lên 7.268 ringgit/tấn, kết thúc phiên vẫn tăng 10% lên 7.060 ringgit (1.686,98 USD)/tấn, sau khi Indonesia – nhà sản xuất dầu cọ lớn nhất thế giới – quyết định tiếp tục hạn chế xuất khẩu dầu cọ, giữa bối cảnh thị trường dầu thực vật thế giới đang sục sôi bởi thiếu vắng nguồn cung dầu hướng dương từ Biển Đen. Sàn giao dịch Bursa (Malaysia) ngày 9/3 đã phải điều chỉnh biên độ giao dịch lần 1 từ 10% lên 15%, và tạm dừng giao dịch trong một khoảng thời gian. Như vậy, trong tuần thứ 2 của tháng 3, giá dầu cọ đã tăng hơn 6%, tính chung tháng 3/2022 giá dầu cọ tăng gần 30% và hiện cao hơn 80% so với cùng kỳ năm trước.
Với đà tăng mạnh như vậy, giá dầu cọ lần đầu tiên trong lịch sử đã vượt giá 4 loại dầu thực vật chủ chốt, với dầu cọ thô (CPO) kỳ hạn giao tháng 3 ngày 1/3 được chào bán ở mức khoảng 1.925 USD/tấn, CIF tại Ấn Độ, so với giá 1.865 USD của dầu đậu nành thô. Dầu hạt cải dầu thô cùng thời điểm được chào bán ở mức khoảng 1.900 USD, trong khi các thương nhân không chào bán dầu hướng dương thô do các cảng bị đóng cửa vì cuộc khủng hoảng Ukraine.
Hiện tại, giá dầu cọ thô tăng cao vượt trên cả dầu đậu nành thô. Một đại lý dầu ăn có trụ sở tại Kuala Lumpur cho biết, khách hàng châu Á vốn rất nhạy cảm với giá nên thường mua dầu cọ vì chi phí thấp và thời gian vận chuyển nhanh, nhưng giờ đây họ đang phải trả cho dầu cọ ở mức giá cao hơn 50 USD/tấn so với dầu đậu nành và dầu hướng dương.
Giá dầu cọ thô hiện tại tăng cao vượt trên cả dầu đậu nành thô |
Indonesia từ thắt chặt xuất khẩu đến cấm xuất khẩu dầu cọ thô và dầu ăn
Bộ trưởng Bộ Tài chính Indonesia cho biết, việc cấm xuất khẩu dầu ăn và dầu cọ thô của Chính phủ là biện pháp khắc nghiệt nhất bắt buộc phải áp dụng, khi các biện pháp bình ổn giá thị trường khác của Chính phủ đối với dầu ăn bị thất bại. |
Trong bối cảnh nguồn cung trên toàn cầu đang khan hiếm, Chính phủ Indonesia liên tiếp đưa ra các chính sách thắt chặt xuất khẩu. Lần đầu tiên, Indonesia hạn chế xuất khẩu là vào cuối tháng 1/2022, sau khi giá dầu ăn - làm từ dầu cọ thô tinh luyện - tăng hơn 40% vào đầu năm, trong bối cảnh giá dầu mỡ thực vật toàn cầu tăng vọt.
Tiếp đến ngày 10/3, Chính phủ Indonesia lại một lần nữa ra thông báo hạn chế hơn nữa xuất khẩu dầu cọ kể để tăng nguồn cung cho thị trường trong nước, với nỗ lực kiềm chế giá dầu ăn tăng phi mã, khi mà tháng Tư là tháng ăn chay của người Hồi Giáo đang đến. Cùng với việc hạn chế khối lượng xuất khẩu, Indonesia cũng đặt giá tối đa cho dầu cọ thô và olein bán cho các nhà máy lọc dầu địa phương và đưa ra mức giới hạn đối với giá bán lẻ.
Trong diễn biến mới nhất, Thương vụ Việt Nam tại Indonesia cho biết, theo tuyên bố của Tổng thống Indonesia Joko Widodo (Jokowi) vào chiều ngày 24/04/2022, kể từ ngày thứ Năm ngày 28/04/2022 tới đây, Indonesia sẽ cấm xuất khẩu toàn bộ dầu cọ thô (CPO) và dầu ăn với thời hạn cấm không xác định. Chính phủ Indonesia sẽ tiếp tục theo dõi và đánh giá việc thực thi chính sách cấm này nhằm đảm bảo lượng dầu ăn trong nước được đầy đủ dồi dào với giá cả hợp lý.
Lệnh cấm xuất khẩu dầu cọ thô và dầu ăn của Chính phủ Indonesia là một trong những giải pháp ứng phó với cuộc khủng hoảng giá dầu ăn trong nước đã bị tăng mạnh (hơn 40%) từ đầu năm 2022 đến nay, với mức giá bán lẻ bình quân hiện nay tại thị trường Indonesia là 26,436 Rp/lít (1.84USD). Sự tăng giá của dầu ăn đã khiến cho nhiều cuộc biểu tình nổ ra tại nhiều vùng miền trên cả nước, tiềm ẩn những bất ổn cho xã hội.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Indonesia, bà Siri Mulyan Indrawati cho biết, việc cấm xuất khẩu dầu ăn và dầu cọ thô của Chính phủ Indonesia là biện pháp khắc nghiệt nhất bắt buộc phải áp dụng, khi các biện pháp bình ổn giá thị trường khác của Chính phủ đối với dầu ăn bị thất bại. Trước đó việc thực thi áp dụng giá bán trần dầu ăn (HET) của Chính phủ với mức giá 14.000 Rp đã hoàn toàn thất bại khi không có dầu ăn được bán với giá trần nêu trên tại thị trường.
Phản ứng trước lệnh cấm của chính phủ Indonesia, Hiệp hội Dầu cọ Indonesia (GAPKI) tuyên bố, Hiệp hội tôn trọng quyết định của Chính phủ, tuy nhiên cũng lưu ý rằng, nếu lệnh cấm này gây tác động tới tính bền vững của ngành dầu cọ, họ sẽ yêu cầu Chính phủ phải đánh giá lại.
Dự báo và những vấn đề doanh nghiệp Việt cần quan tâm
Doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu nhóm hàng dầu mỡ thực vật cần khẩn trương liên hệ với các các doanh nghiệp (đối tác) xuất khẩu Indonesia để tìm giải pháp cho các đơn hàng giao sau ngày 28/04/2022. |
Theo các nhà phân tích, giá dầu cọ cao như hiện nay có vẻ sẽ còn duy trì khá lâu do tình trạng khan hiếm dầu ăn trên toàn cầu. Trong khi nguồn cung dầu hướng dương bị cắt đứt, nguồn cung dầu cọ cũng hạn hẹp thì các nhà nhập khẩu lớn nhất là Trung Quốc và Ấn Độ đang mua trực tiếp, vì dầu cọ đã trở thành mặt hàng đắt tiền nhất trong số bốn loại dầu ăn chính.
Động thái các nhà lọc dầu châu Á và châu Âu tăng cường mua dầu cọ kỳ hạn giao gần để thay thế dầu hướng dương đã và đang đẩy giá dầu cọ lên cao một cách phi lý. Trong tình hình, giá dầu cọ thô cao kỷ lục và cao hơn so với các loại dầu cạnh tranh có thể “bóp nghẹt” người tiêu dùng châu Á và châu Phi – vốn nhạy cảm về giá và đang phải quay cuồng với chi phí nhiên liệu và thực phẩm tăng “lốc xoáy”, sẽ khiến nhiều khả năng người tiêu dùng châu Á và châu Phi sẽ tiếp tục cắt giảm tiêu thụ và chuyển sang phía “đối thủ” - dầu đậu nành.
Lệnh cấm xuất khẩu dầu cọ thô và dầu ăn của chính phủ Indonesia - quốc gia sản xuất dầu cọ lớn nhất thế giới – sẽ có ảnh hưởng lớn đến các quốc gia đang phụ thuộc vào nguồn cung mặt hành này. Như được biết, Indonesia là một trong những thị trường cung ứng dầu mỡ thực vật lớn của Việt Nam với giá trị nhập khẩu nhóm hàng này trong năm 2021 lên tới 711 triệu USD. Vì vậy, trước việc Indonesia cấm xuất khẩu dầu cọ thô và dầu ăn, doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu những nhóm hàng này cần khẩn trương liên hệ với các các doanh nghiệp (đối tác) xuất khẩu Indonesia để tìm giải pháp cho các đơn hàng giao sau ngày 28/04/2022 (nếu có). Đồng thời, cần theo dõi chặt chẽ các thông tin cập nhật về chính sách, quản lý điều hành liên quan tới mặt hàng dầu cọ thô và dầu ăn tại trang tin điện tử Bộ Thương mại Indonesia; Hiệp hội Dầu cọ Indonesia (hoặc thông qua Thương vụ Việt Nam tại Indonesia).
Tuy nhiên, nhiều khả năng, Chính phủ Indonesia sẽ sớm phải xem xét, điều chỉnh quyết định này do việc cấm xuất khẩu dậu cọ thô và dầu ăn sẽ dẫn tới tác động tiêu cực tới ngành công nghiệp dầu cọ của nước này. Theo ước tính của Trung tâm nghiên cứu và Luật pháp Indonesia, việc cấm xuất khẩu dậu cọ thô và dầu ăn có khả năng làm dư thừa nguồn cung tới 60% và giá trị tổn thất lên tới 03 tỷ USD/tháng. Bên cạnh đó, khả năng các công ty chế biến dầu của Indonesia sẽ vì dư thừa nguồn cung mà cắt giảm sản xuất, cắt giảm phúc lợi của nông dân trồng cọ, dẫn tới bất ổn xã hội./.
Linh Thanh
Bình luận