Chiều 26/6, Quốc hội khóa XIII đã tiến hành phiên bế mạc Kỳ họp thứ 9.

Hoàn thành nhiều nội dung lớn

Sau hơn 1 tháng làm việc nghiêm túc, trách nhiệm và hiệu quả, Quốc hội khóa XIII đã hoàn thành chương trình Kỳ họp thứ 9 với khối lượng công việc lớn, nhiều nội dung quan trọng, một kỳ họp sôi động, dân chủ, đoàn kết, trí tuệ và đổi mới, để lại niềm tin, ấn tượng tốt đẹp với đồng bào và cử tri cả nước.

Tại kỳ họp này, Quốc hội biểu quyết, thông qua 11 dự án luật và cho ý kiến 15 dự án luật; thông qua 4 nghị quyết chuyên đề và cho ý kiến đối với: Báo cáo của Ủy ban thường vụ Quốc hội về “Tình hình oan, sai trong việc áp dụng pháp luật hình sự, tố tụng hình sự và việc bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự theo quy định của pháp luật”; Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 8; Báo cáo của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về tổng hợp ý kiến của cử tri và nhân dân và nghe Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền trình bày về điều 60 của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014.
Cũng trong Kỳ họp này, Quốc hội đã biểu quyết và thông qua một số dự án luật quan trọng, có tác động sâu rộng tới sự phát triển của đất nước và đời sống của nhân dân, như: Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi), Luật Chính quyền địa phương, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (sửa đổi), Luật Kiểm toán Nhà nước, Luật Nghĩa vụ quân sự, Luật Ban hành văn bản pháp luật...

Quốc hội cũng dành sự quan tâm thích đáng trong thảo luận, cho ý kiến về các dự án Bộ luật Dân sự (sửa đổi), Bộ luật Tố tụng Dân sự (sửa đổi), Bộ luật Hình sự (sửa đổi), Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi), Luật Tố tụng hành chính (sửa đổi), Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự, Luật Tạm giữ, tạm giam, Luật Trưng cầu ý dân và một số luật khác nhằm tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật về tư pháp theo quy định của Hiến pháp, định hướng cải cách tư pháp; bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân; hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường; củng cố quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ môi trường...

Về xem xét, thảo luận các vấn đề kinh tế-xã hội, tại kỳ họp, Quốc hội đã nghe Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, thay mặt Thủ tướng Chính phủ, trình bày Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2014 và triển khai Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2015.

Quốc hội đã tiến hành chất vấn 5 thành viên Chính phủ và ra Nghị quyết về vấn đề này. Nội dung chất vấn đã được lựa chọn đúng, trúng những vấn đề về nông nghiệp, công nghiệp, thương mại, khoa học, công nghệ và giáo dục, đào tạo. Đây là những vấn đề vừa cấp bách, vừa chiến lược trong đời sống kinh tế-xã hội của đất nước, đòi hỏi có giải pháp để giải quyết hiệu quả.

Cũng trong kỳ họp này, Quốc hội đã thảo luận và ban hành Nghị quyết về chủ trương xây dựng dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Một số nội dung của dự án được Quốc hội xem xét là sự cần thiết của dự án, các phương án đầu tư, tổng mức đầu tư, phương án huy động vốn, phân kỳ đầu tư, diện tích sử dụng đất cho dự án, phương án bồi thường và tái định cư...
Một kỳ họp trí tuệ, tâm huyết và trách nhiệm

Phát biểu bế mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng khẳng định: “Bằng trí tuệ, tâm huyết và trách nhiệm của mình trước nhân dân, các vị đại biểu quốc hội đã thẳng thắn đánh giá mặt được, chưa được, chỉ ra những yếu kém, tồn tại trong các ngành, lĩnh vực, dự báo nguy cơ tiềm ẩn cản trở sự phát triển, nhất là trong bối cảnh chủ quyền biển đảo của Việt Nam đang bị đe dọa nghiêm trọng do việc Trung Quốc tiến hành xây đắp với quy mô lớn tại các bãi đá thuộc chủ quyền của Việt Nam ở quần đảo Trường Sa, đe dọa hòa bình, ổn định, tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông”.

Quốc hội cũng yêu cầu Chính phủ, các ngành, các cấp cùng cả hệ thống chính trị vào cuộc bằng các giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt, nâng cao hiệu quả, chất lượng, sức cạnh tranh của kinh tế nước nhà, giữ vững đà tăng trưởng, thực hiện thành công tái cơ cấu và chuyển đổi mô hình kinh tế; mở rộng hợp tác, hội nhập quốc tế; bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, kiên quyết đấu tranh giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội…

“Toàn Đảng, toàn quân, toàn dân đoàn kết một lòng, phấn đấu vượt qua mọi khó khăn, thách thức, hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2015 và kế hoạch 5 năm 2011-2015, đưa đất nước vững vàng bước vào chặng đường phát triển tiếp theo”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng hiệu triệu.

Để các quyết định của Quốc hội được thực hiện nghiêm túc, thay mặt Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội đã giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Chính phủ, chính quyền địa phương, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các cơ quan, tổ chức hữu quan trong phạm vi, nhiệm vụ quyền hạn của mình tiếp tục triển khai toàn diện các biện pháp bảo đảm thi hành Hiến pháp mới, các luật, nghị quyết được thông qua tại Kỳ họp này.

Trong đó lưu ý việc triển khai Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi), Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (sửa đổi), Luật Bầu cử đại biểu quốc hội và đại biểu HĐND và các luật khác về tổ chức bộ máy Nhà nước để phục vụ việc tổ chức cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu, sau kỳ họp này, đề nghị các vị đại biểu kịp thời gặp gỡ, báo cáo kết quả kỳ họp với cử tri; tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của cử tri để luôn có tiếng nói đại diện cho quyền lợi của cử tri vào các quyết định của Quốc hội./.