Khắc phục tình trạng lương thì thấp, mà phụ cấp thì nhiều
Trả lời phỏng vấn của Báo Điện tử Chính phủ về Đề án: “Cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp” - một nội dung quan trọng tác động đến hàng triệu công chức, viên chức sẽ được Hội nghị Trung ương 7 khóa XII bàn bạc, thảo luận, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Doãn Mậu Diệp cho biết, sẽ có nhiều điểm mới, cải cách trong Đề án này.
Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Doãn Mậu Diệp/ Ảnh: VGP
Nhiều bất cập trong chính sách lương hiện hành
Thứ trưởng Diệp cho biết, ở nước ta, chính sách tiền lương đã trải qua 4 lần cải cách vào các năm 1960, 1985, 1993 và năm 2003. Trong đó, lần cải cách khá toàn diện theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa được tiến hành vào năm 1993, tiếp tục được điều chỉnh vào năm 2003.
Đến nay, chính sách tiền lương hiện hành cũng đã có những hạn chế bất cập.
Cụ thể, chính sách tiền lương trong khu vực công còn phức tạp, thiết kế hệ thống bảng lương chưa phù hợp với vị trí việc làm, chức vụ, chức danh. Chưa thể hiện được thứ bậc hành chính - trong thực tiễn mức lương của người lãnh đạo thấp hơn mức lương của cán bộ thuộc quyền có thể tìm thấy ở mọi lúc, mọi nơi.
“Tiền lương chưa phải là thu nhập chính của cán bộ công chức, còn mang tính bình quân, cào bằng, chưa tạo động lực để nâng cao hiệu quả làm việc. Quá nhiều loại phụ cấp - mà có người nói lương thì thấp mà phụ cấp thì nhiều - làm méo mó quan hệ tiền lương”, Thứ trưởng cho biết.
Cũng theo Thứ trưởng, hiện chưa có giải pháp gắn cải cách tiền lương với sắp xếp tổ chức bộ máy và tinh giản biên chế của cơ quan, đơn vị. Chưa có cơ chế tiền thưởng để khuyến khích sáng kiến, sáng tạo, đổi mới phong cách làm việc, nâng cao đạo đức công vụ và chất lượng, hiệu quả công tác.
Trong khu vực doanh nghiệp, tiền lương của người lao động chưa thực sự gắn với năng suất lao động, hiệu quả kinh doanh và đóng góp của người lao động. Chưa phát huy được vai trò, tác dụng của cơ chế thương lượng, định đoạt tiền lương giữa người sử dụng lao động và người lao động.
“Mức lương tối thiểu có độ bao phủ còn hẹp. Các can thiệp hành chính không hợp lý đã hạn chế cơ chế đối thoại, thương lượng, thỏa thuận giữa doanh nghiệp và người lao động là cơ chế phổ biến trong nền kinh tế thị trường”, Thứ trưởng chỉ rõ.
Tất cả những hạn chế, yếu kém trên đây làm cho việc cải cách chính sách tiền lương cả khu vực công và khu vực doanh nghiệp trở nên hết sức cần thiết.
Sẽ có 5 bảng lương mới
Về nội dung của Đề án cải cách chính sách tiền lương đối với công chức, viên chức và lực lượng vũ trang mới, Thứ trưởng cho biết, sẽ có nhiều cải cách.
Trước hết là việc bãi bỏ hệ thống bảng lương hiện nay được coi là quá phức tạp, chưa phù hợp với vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo mang tính bình quân, cào bằng bằng các bảng lương mới đơn giản và phù hợp hơn, chuyển xếp lương cũ sang lương mới bảo đảm không thấp hơn mức lương hiện hưởng.
Dự kiến sẽ có 5 bảng lương. Trong đó, có 1 bảng lương chức vụ, thể hiện được thứ bậc hành chính từ trung ương đến địa phương, đảm bảo người giữ chức vụ lãnh đạo phải cao hơn cấp dưới có cùng trình độ và thâm niên công tác; 1 bảng lương chuyên môn nghiệp vụ theo ngạch công chức và chức danh nghề nghiệp áp dụng chung đối với công chức, viên chức không giữ chức vụ lãnh đạo, việc bổ nhiệm vào ngạch công chức, viên chức gắn với vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức.
Đặc biệt, sẽ xây dựng 3 bảng lương mới đối với lực lượng vũ trang, gồm: bảng lương sĩ quan quân đội, sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ công an, một bảng lương quân nhân chuyên nghiệp, chuyên môn kỹ thuật công an và một bảng lương công nhân quốc phòng, công nhân công an.
Đề án xác định, những người làm công việc thừa hành, phục vụ thực hiện thống nhất chế độ hợp đồng theo quy định của Bộ luật Lao động, không hưởng bảng lương công chức, viên chức, mà theo thỏa thuận giữa cơ quan sử dụng và người lao động.
Mức lương thấp nhất của khu vực công là mức lương dành cho người làm công việc đòi hỏi trình độ trung cấp và không thấp hơn mức tiền lương tối thiểu của khu vực doanh nghiệp; từng bước mở rộng quan hệ tiền lương, tức là tương quan giữa mức lương thấp nhất, mức lương trung bình và mức lương tối đa hiện nay là 1-2,34-10 có thể mở rộng thành 1-2,68-12 chẳng hạn.
Đề án cũng sắp xếp lại các loại phụ cấp khắc phục tình trạng quá nhiều loại phụ cấp làm méo mó quan hệ tiền lương như hiện nay.
Theo đó, Đề án đề xuất tổng quỹ phụ cấp chiếm tối đa khoảng 30% tổng quỹ lương, khắc phục tình trạng lương thì thấp mà phụ cấp thì nhiều, tiền lương không phải là động lực chính nâng cao chất lượng, hiệu quả làm việc và đạo đức công vụ trong thời gian qua.
Trong quá trình sắp xếp lại, có phụ cấp vẫn giữ, có nhóm phụ cấp sẽ được gộp lại, có quy định phụ cấp mới tùy thuộc vào bản chất và sự cần thiết của từng loại phụ cấp./.
Bình luận