Khiếu nại, tố cáo đông người: Vì sao tăng?
Diễn biến vẫn tiếp tục phức tạp
Theo báo cáo của Thanh tra Chính phủ, tình hình khiếu nại, tố cáo năm 2014 có xu hướng giảm so với 2013. Số lượt công dân đến cơ quan hành chính nhà nước để khiếu nại, tố cáo giảm 1,8%. Số đơn thư khiếu nại, tố cáo giảm 3,39%.
Tuy nhiên, số lượt đoàn khiếu nại, tố cáo đông người trên cả nước tăng 15% so với cùng kỳ năm 2013, có đoàn lên tới vài trăm người với thái độ bức xúc, gay gắt, nhiều lần tập trung lên T.Ư.
Đơn cử như đoàn công dân tại Văn Giang (Hưng Yên) với 400 người, đoàn của xã Quảng Chính, huyện Hải Hà, (Quảng Ninh) 110 người, đoàn ở phường Dương Nội (Hà Đông, Hà Nội) 250 người, đoàn ở xã Ninh Hiệp (huyện Gia Lâm, Hà Nội) 320 người…
Cụ thể, về khiếu nại, cả nước phát sinh 81.949 đơn khiếu nại, trong đó có 36.452 vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan hành chính nhà nước, so với cùng kỳ năm 2013 giảm 7,4% số đơn và giảm 9,8% số vụ việc.
Nội dung khiếu nại hành chính về đất đai chủ yếu là việc thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng thực hiện dự án; tranh chấp đất đai; đòi lại đất cũ, chiếm 68,2% số đơn khiếu nại; khiếu nại về nhà ở, về các nội dung như đòi nhà cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ, đòi nhà thuộc diện Nhà nước quản lý, chiếm 8,18%; khiếu nại về chế độ, chính sách chiếm 7,62%; trong lĩnh vực văn hoá, xã hội và lĩnh vực hành chính khác chiếm 11,73%; khiếu nại trong lĩnh vực tư pháp chiếm 4,0%, khiếu nại về kỷ luật Đảng chiếm 0,2%.
Về tố cáo, cả nước phát sinh 19.207 đơn tố cáo trong đó có 7.974 vụ việc tố cáo thuộc thẩm quyền của các cơ quan hành chính nhà nước, so với cùng kỳ năm 2013 tăng 18,2% số đơn và giảm 8,3% số vụ việc.
Đánh giá về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại hiện nay, theo báo cáo của Thanh tra Chính phủ, trong năm 2014, số lượng đơn tố cáo đã giảm nhưng tính chất các vụ việc lại ngày càng gay gắt; bên cạnh đó, chất lượng giải quyết khiếu nại, tố cáo chưa cao, còn chậm; một số trường hợp do áp dụng pháp luật không đúng dẫn đến khiếu nại kéo dài.
Điều đáng lưu ý là nội dung tố cáo ở lĩnh vực hành chính chiếm tỷ lệ 60,1%. Trong đó, chủ yếu là tố cáo cán bộ, công chức vi phạm pháp luật trong quản lý, sử dụng đất đai, tài chính ngân sách, đầu tư xây dựng cơ bản, thực hiện chính sách xã hội; tố cáo trong lĩnh vực tư pháp chiếm tỷ lệ 6,1%, chủ yếu là tố cáo cán bộ các cơ quan tiến hành tố tụng thiếu khách quan trong giải quyết các vụ án.
Số đơn tố cáo cán bộ, công chức có hành vi tham nhũng chiếm tỉ lệ 5,2%; tố cáo tổ chức đảng, đảng viên: 1,2%; tố cáo nội dung khác chiếm 27,4%.
Qua phân tích từ 16.558 đơn tố cáo cho thấy, nội dung tố cáo liên quan đến lĩnh vực hành chính 9.949 đơn; lĩnh vực tư pháp 1.007 đơn; tham nhũng 853 đơn; tố cáo về Đảng 195 đơn; tố cáo khác 4.554 đơn.
Còn nhiều sai phạm tại cơ sở
Kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo cho thấy, năm 2014, các cơ quan hành chính nhà nước đã giải quyết được gần 38.000/44.000 vụ việc, đạt tỷ lệ 84,9%.
Tuy nhiên, Thanh tra Chính phủ cho rằng, chất lượng giải quyết khiếu nại, tố cáo ở một số địa phương chưa cao, còn có sai sót trong trình tự, thủ tục, việc giải quyết chậm.
Người dân ngồi chờ khiếu nại đất đai ở Hưng Yên - Ảnh nguồn Internet.
Tuy nhiên, trên thực tế, khi Thanh tra Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương tiến hành kiểm tra công tác thực thi pháp luật về giải quyết khiếu nại, tố cáo ở một số đơn vị thì có tới 10% tổng số cơ quan được kiểm tra có vi phạm.
Cụ thể, trong tổng số 1.787 cuộc thanh tra trách nhiệm thực hiện pháp luật về khiếu nại, tố cáo tại 4.081 cơ quan, tổ chức, đơn vị.
Thanh tra Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương phát hiện có tới 492 đơn vị có vi phạm trong thực hiện pháp luật về khiếu nại, tố cáo.
Các đoàn kiểm tra đã phải yêu cầu kiểm điểm, rút kinh nghiệm đối với 435 tổ chức và 462 cá nhân; xử lý hành chính 23 tổ chức, 6 cá nhân.
Chưa hết, qua rà soát, kiểm tra việc thực hiện 547 kết luận thanh tra và quyết định xử lý sau thanh tra, kết quả cho thấy các cơ quan có thẩm quyền đã phải kiểm điểm trách nhiệm của 199 tổ chức, 171 cá nhân và xử lý kỷ luật hành chính đối với 42 cá nhân.
Cần nâng “chất” của công tác tiếp dân
Từ khi Luật Tiếp công dân có hiệu lực thi hành, công tác tiếp công dân đã được các cấp, các ngành quan tâm hơn, có những chuyển biến tích cực hơn, sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng của Trung ương và địa phương trong việc tiếp công dân đến khiếu nại, tố cáo ngày càng chặt chẽ, dần đi vào nền nếp.
Song, từ thực tiễn cho thấy, công tác tiếp công dân giải quyết khiếu nại, tố cáo còn nhiều hạn chế, yếu kém.
Đáng lưu ý, một số địa phương chưa thực hiện nghiêm túc tiếp công dân định kỳ, chưa gắn việc tiếp công dân với việc giải quyết khiếu nại, tố cáo; thành lập Ban Tiếp công dân theo Luật Tiếp công dân còn chậm; đầu tư cơ sở vật chất cho cho trụ sở tiếp công dân, bồi dưỡng nghiệp vụ và thực hiện chế độ chính sách cho cán bộ tiếp dân chưa đầy đủ.
Chất lượng giải quyết khiếu nại ở một số địa phương còn thấp, còn có sai sót, nhất là cấp huyện, việc giải quyết chậm, không đúng trình tự, thủ tục, áp dụng pháp luật không đúng, thẩm tra, xác minh, kết luận thiếu chính xác, kiến nghị biện pháp không phù hợp; việc phối hợp trong giải quyết khiếu nại, tố cáo tồn đọng, phức tạp, kéo dài chưa chặt chẽ, thường xuyên, hiệu quả chưa cao, một số trường hợp giải quyết chậm, chưa mạnh dạn sửa sai.
Đặc biệt, việc xử lý trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan hành chính nhà nước khi có vi phạm, khuyết điểm trong thực thi pháp luật về khiếu nại,vố cáo bị phát hiện khi thanh tra trách nhiệm, còn nể nang, thiếu kiên quyết cũng là một trong những nguyên nhân làm mất lòng tin của người dân đối với các cơ quan nhà nước. Hệ lụy kèm theo là họ tiếp tục khiếu kiện vượt cấp, đông người.
Tổng kết của Thanh tra Chính phủ cũng đã chỉ ra nhiều sai phạm vừa qua mang tính chủ quan của con người là phần đại thể. Con người mang danh tập thể, con người mang danh pháp luật làm sai thì các vụ khiếu kiện càng dai dẳng và hệ quả để lại phức tạp mà xã hội phải chịu, người dân phải chịu.
Trước hiện trạng này, luật sư Nguyễn Hoàng Lĩnh (Hải Phòng) cho rằng: "Cần xử lý nghiêm những người có trách nhiệm giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhưng không giải quyết hoặc giải quyết sai. Thậm chí, đã giải quyết sai lại còn tình trạng trên bao che cho dưới. Ngoài việc xử lý trách nhiệm cán bộ công chức giải quyết, ra kết luận sai thì những người này còn phải bồi thường thiệt hại".
Tuy nhiên, việc xử lý cá nhân thì cũng đã là giải quyết hậu quả. Bác Hồ đã nói "đồng bào có oan ức mới khiếu nại, hoặc vì chưa hiểu rõ chính sách của Đảng và Chính phủ mà khiếu nại Ta giải quyết nhanh, tốt thì đồng bào thấy rõ Đảng và Chính phủ quan tâm lo lắng cho quyền lợi của họ, do đó mối quan hệ giữa nhân dân với Đảng và Chính phủ càng được củng cố tốt hơn...". Chính vì vậy, người cán bộ phải gần dân hơn, phải đặt lợi ích của người dân như chính quyền lợi của mình. Người cán bộ tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo phải thực sự có tâm trong sáng và nhân hậu./.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang vừa ký quyết định về việc tổ chức tiếp nhận thông tin phản ánh về việc vi phạm pháp luật trong quản lý, sử dụng đất đai.Theo đó, thông tin phản ánh được gửi đến cơ quan tiếp nhận bằng một trong các hình thức như qua số điện thoại trong giờ làm việc các ngày trong tuần 043.7957889; bằng văn bản gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện đến địa chỉ số 10, đường Tôn Thất Thuyết, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội. Ngoài ra, người dân có thể phản ánh bằng thư điện tử đến địa chỉ cucksqlsdd@gmail.com của Cục Kiểm soát quản lý và sử dụng đất đai (Tổng cục Quản lý đất đai). |
Bình luận