Sử dụng công cụ Quỹ Bình ổn giá hiệu quả và linh hoạt

Về công tác điều hành giá xăng dầu, Bộ Công Thương cho biết, Bộ đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính thực hiện nhất quán, đúng quy định trong việc tính toán, xác định, điều hành giá tại Nghị định số 83/2014/NĐ-CP và Nghị định số 95/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP của Chính phủ, các thông tư hướng dẫn và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, để điều hành giá xăng dầu trong nước phù hợp với diễn biến giá xăng dầu thế giới; sử dụng công cụ Quỹ Bình ổn giá một cách hiệu quả và linh hoạt nhằm hạn chế mức biến động mạnh của giá xăng dầu trong nước so với biến động của giá thế giới, góp phần thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát và hỗ trợ phục hồi kinh tế, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các chủ thể kinh doanh và sử dụng xăng dầu.

Để giảm chi phí, bình ổn giá xăng dầu, Bộ Công Thương đã kiến nghị Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội xem xét, điều chỉnh giảm thuế bảo vệ môi trường 2 lần, thuế nhập khẩu đối với mặt hàng xăng dầu và đang xem xét giảm thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế VAT.

Nhằm hỗ trợ cho đời sống, sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp còn nhiều khó khăn do tác động của dịch Covid-19, góp phần bình ổn thị trường, kiểm soát lạm phát, trong công tác điều hành giá xăng dầu những tháng đầu năm (khi giá xăng dầu thế giới tăng cao), Liên Bộ Công Thương - Tài Chính đã chi sử dụng liên tục Quỹ Bình ổn giá xăng dầu (với mức chi từ 100 - 1.500 đồng/lít tùy loại) để bình ổn giá xăng dầu trong nước, điều chỉnh giá xăng dầu trong nước phù hợp với diễn biến của giá xăng dầu thế giới, nhưng mức tăng thấp hơn mức tăng của giá xăng dầu thế giới.

Giá bình quân một số mặt hàng thành phẩm xăng dầu thế giới (giao dịch trên thị trường Singapore) dùng để tính giá cơ sở cho kỳ điều hành ngày 22/8/2022 so với đầu năm 2022 (ngày 11/01/2022) biến động tăng từ 11,38% - 45,95%, nhưng giá xăng dầu trong nước đến kỳ điều hành ngày 22/8/2022 so với đầu năm 2022 (ngày 11/01/2022) chỉ tăng từ 1,14% - 40,37%.

Không để gián đoạn nguồn cung xăng dầu trong hệ thống kinh doanh
Nhiều cửa hàng xăng dầu ở Tuyên Quang treo biển “hết xăng“ trong những ngày gần đây

Đặc biệt, trong kỳ nghỉ Lễ Quốc khánh 2/9 vừa qua, Bộ Công Thương đã thành lập 3 đoàn công tác về giám sát các hoạt động kinh doanh xăng dầu, trong đó, mỗi đoàn có một Thứ trưởng làm trưởng đoàn và đại diện 4 đơn vị: Tổng Cục Quản lý Thị trường, Vụ Thị trường trong nước, Thanh tra Bộ, Vụ Pháp chế.

3 đoàn công tác thực hiện đợt kiểm tra ngay trong những ngày nghỉ Lễ Quốc khánh 2/9, nhưng sẽ hoạt động liên tục đến hết năm 2022 và cho đến khi ổn định tình hình cung ứng, phân phối xăng dầu trên thị trường.

Cụ thể, Đoàn công tác đã tập trung chỉ đạo công tác kiểm tra tình hình chấp hành pháp luật kinh doanh xăng dầu của các cơ sở kinh doanh xăng dầu, bao gồm cả thương nhân kinh doanh xăng dầu, đại lý, cửa hàng bán lẻ xăng dầu… Tuy nhiên, Đoàn chỉ tập trung kiểm tra, giám sát những nơi thông báo hết hàng, có dấu hiệu “găm hàng”, không thực hiện đúng nghĩa vụ và các quy định tại Nghị định số 95/2021/NĐ-CP và Nghị định số 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu.

Trước khi triển khai 3 đoàn công tác này, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên yêu cầu, đối với các thương nhân kinh doanh xăng dầu không để gián đoạn nguồn cung xăng dầu trong hệ thống kinh doanh; duy trì hoạt động bán hàng tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu của doanh nghiệp và cung cấp đủ hàng cho các cửa hàng bán lẻ thuộc hệ thống phân phối của doanh nghiệp.

Hạn chế các hành vi đầu cơ, găm hàng hoặc buôn lậu xăng dầu

Thời gian tới, Bộ Công Thương tiếp tục phối hợp với Bộ Tài chính điều hành giá xăng dầu bám sát diễn biến giá xăng dầu thế giới, phù hợp với diễn biến cung cầu xăng dầu trong nước, để bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các chủ thể tham gia thị trường xăng dầu, khuyến khích các doanh nghiệp duy trì nguồn cung và hạn chế các hành vi đầu cơ, găm hàng hoặc buôn lậu xăng dầu qua biên giới sang các nước lân cận.

Đối với điều hành giá mặt hàng xăng dầu, Bộ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính thực hiện đúng quy định tại Nghị định số 83/2014/NĐ-CP và Nghị định số 95/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, để điều hành giá xăng dầu trong nước phù hợp với diễn biến giá xăng dầu thế giới.

Sử dụng công cụ Quỹ Bình ổn giá một cách hiệu quả và linh hoạt nhằm hạn chế mức biến động mạnh của giá xăng dầu trong nước so với biến động của giá thế giới, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các chủ thể tham gia thị trường, giúp duy trì nguồn cung xăng dầu ổn định cho thị trường trong nước, góp phần thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát và hỗ trợ phục hồi kinh tế

Bộ Công Thương sẽ tập trung chỉ đạo việc kiểm tra tình hình chấp hành pháp luật về kinh doanh xăng dầu của các cơ sở kinh doanh, bao gồm cả thương nhân kinh doanh, đại lý, cửa hàng bán lẻ… Những nơi thông báo hết hàng, có dấu hiệu găm hàng, không thực hiện đúng nghĩa vụ và quy định sẽ được kiểm tra và xử lý theo quy định.

Ngoài ra, Bộ sẽ theo dõi sát diễn biến giá xăng dầu để có giải pháp điều hành phù hợp; chú trọng tuyên truyền về tình hình cung cầu, giá cả để ổn định tâm lý người dân, doanh nghiệp.../.