Ông Nguyễn Bích Lâm cho biết, trong 5 thành tố kinh tế chưa được quan sát, hiện ngành thống kê mới chỉ thực hiện thống kê được 3 thành tố đầu

Mới thống kê được 3/5 thành tố kinh tế chưa được quan sát

Tại cuộc họp báo về Đề án Thống kê Khu vực Kinh tế chưa được quan sát vào ngày 20/02/2019, ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục Trưởng Tổng cục Thống kê, Phó trưởng Ban chỉ đạo xây dựng Đề án cho biết, trong 5 thành tố kinh tế chưa được quan sát, hiện ngành thống kê mới chỉ thực hiện thống kê được 3 thành tố đầu nhưng chưa đầy đủ.

Hai thành tố cuối cùng là kinh tế ngầm (hoạt động kinh tế hợp pháp, nhưng bị giấu diếm một cách có chủ ý nhằm trốn tránh nghĩa vụ nộp thuế, tránh thực hiện các thủ tục pháp lý, thủ tục hành chính và trách nhiệm xã hội) và kinh tế bất hợp pháp (hoạt động kinh tế bị pháp luật cấm và các hoạt động kinh tế hợp pháp, nhưng hoạt động khi chưa được cấp phép) chưa thống kê được.

“Chính vì vậy, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 146/QĐ-TTg (ngày 1/2/2019) phê duyệt bố Đề án thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát nhằm phản ánh đầy đủ, toàn diện hơn phạm vi, quy mô của nền kinh tế; đồng thời góp phần bổ sung hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với nền kinh tế”, ông Lâm cho biết.

Làm rõ hơn sự cần thiết của đề án, bà Nguyễn Thị Hương, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê khẳng định việc thống kê này là cần thiết vì hiện vẫn còn không ít hoạt động kinh tế chưa cập nhật được đầy đủ kết quả sản xuất kinh doanh do còn bị bỏ sót trong các chương trình thu thập dữ liệu thống kê.

Thống kê khu vực chưa được quan sát không phải là để… tận thu thuế

Trả lời câu hỏi về việc với quan điểm ngay cả những đối tượng như xe ôm, bán hàng rong cũng đưa ra thống kê để tận thu thuế, bà Nguyễn Thị Hương cho rằng đây không phải là tận thu thuế.

Tuy nhiên, bà Hương cũng nhấn mạnh, tất cả những đơn vị, cá thể tham gia hoạt động sản xuất kinh doanh về nguyên tắc đều có trách nhiệm với xã hội, đảm bảo trật tự an ninh xã hội, đóng góp cho sự phát triển của xã hội, nhưng mục tiêu cao nhất khi thống kê khu vực kinh tế này là cần để họ lộ diện và tổ chức, quản lý tốt hoạt động sản xuất kinh doanh từ hộ cá thể đến các doanh nghiệp, các tập đoàn.

Thực tế, các hoạt động kinh tế ngầm và hoạt động kinh tế bất hợp pháp cũng chưa được nhận diện một cách đầy đủ. Do đó, tính kịp thời, đầy đủ, chính xác của các chỉ tiêu tài khoản quốc gia và những chỉ tiêu kinh tế - xã hội liên quan của cả nước, cũng như của các bộ, ngành, địa phương còn hạn chế…

“Tới đây sẽ xác định và tính toán thu nhập của những nghệ sĩ có thu nhập cao trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật và những cá nhân sử dụng các phần mềm điện tử, mà hiện nay chúng ta chưa tính toán được giá trị thu nhập của họ để phản ánh đúng và để họ được đóng góp vào GDP cũng như sự phát triển của nền kinh tế”, bà Hương cho biết.

Bà Nguyễn Thị Hương cũng cho biết thêm, gần 1 năm nay, Tổng cục Thống kê đã phối hợp với 16 bộ, ngành và làm việc trực tiếp với 14 bộ, ngành để xem thống kê thông tin của hoạt động kinh tế nào khả thi thì triển khai nhanh với mục đích cao nhất là mở rộng tối đa khu vực quan sát, thu hẹp tối đa khu vực chưa được quan sát.

Trả lời câu hỏi của báo chí về có đưa hoạt động mại dâm, hay tham nhũng vào tính toán không, ông Lâm cũng cho biết, riêng hoạt động mại dâm dù một số nước tính toán xem đây là hoạt động bình thường, nhưng ở Việt Nam ta với thuần phong mỹ tục và không thừa nhận nên sẽ xác định là hoạt động bất hợp pháp thì có thể không đưa vào để tính toán. Với hoạt động tham nhũng, ông Lâm cho biết đây không phải hoạt động sản xuất, nên sẽ không nằm trong mục tiêu thu thập thông tin tính toán.

Thống kê khu vực quan sát chỉ nhằm để có bức tranh chính xác về nền kinh tế

Trả lời câu hỏi về áp lực điều tra khu kinh tế chưa được quan sát để tăng GDP và nới trần nợ công, ông Nguyễn Bích Lâm khẳng định, ngành thống kê có trách nhiệm phản ánh trung thực bức tranh kinh tế - xã hội, không bị bất cứ áp lực nào để “làm đẹp số liệu” khi thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát.

Nhấn mạnh rằng, Tổng cục Thống kê có trách nhiệm thu thập phản ánh rõ nhất quy mô của nền kinh tế, để từ đó Chính phủ có thể căn cứ đưa ra chính sách và quyết sách hợp lý, còn việc nới tỷ lệ nợ công hay không, ông Lâm cho rằng, đó là việc của Quốc hội, của Chính phủ

Cụ thể, ông Lâm cho rằng tỷ lệ nợ công/GDP của Việt Nam là 61,4% so với các nước khác trên thế giới chưa phải là vấn đề, nợ công/GDP mục tiêu được Quốc hội đề ra là không quá 65%.

Khi điều chỉnh số liệu, thì cách thức điều hành vẫn căn cứ sát thực tiễn, do đó, không nên lo ngại việc thống kê làm tăng GDP sẽ khiến cơ quan điều hành đẩy mức nợ công lên cao ngoài mức kiểm soát”, người đứng đầu Tổng cục Thống kê chỉ rõ.

Từ 2020, chính thức thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát

Khẳng định rằng, việc thực hiện thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát có khó khăn, thách thức, ông Nguyễn Bích Lâm cho biết, sẽ có lộ trình thực hiện cụ thể từng năm.

Theo đó, năm 2019, năm đầu tiên Đề án được triển khai, Tổng cục Thống kê sẽ hoàn thành nghiên cứu lý luận và kinh nghiệm quốc tế; xác định phạm vi, quy mô khu vực kinh tế chưa được quan sát trong nền kinh tế nước ta; lựa chọn phương pháp đo lường và tiến hành đo lường thử nghiệm; đánh giá kết quả, rút kinh nghiệm.
Từ năm 2020, Tổng cục Thống kê bắt đầu đo lường chính thức. Hàng năm sẽ cập nhật kết quả biên soạn tổng sản phẩm trong nước, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các chỉ tiêu kinh tế - xã hội liên quan.
Bên cạnh việc biên soạn, công bố, phổ biến kịp thời, đầy đủ số liệu của các chỉ tiêu này, một số chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2020 còn phải có số liệu hoặc hướng dẫn phương pháp tính toán, xác định các số liệu không bao gồm khu vực kinh tế chưa quan sát, phục vụ đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019; Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020; Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011-2020 và các phân tích, đánh giá khác về tình hình kinh tế - xã hội của cả nước cũng như của các bộ, ngành, địa phương.

“Chúng tôi không tham vọng sẽ xác định được ngay danh mục, nội hàm của tất cả các thành tố này, đặc biệt là hai thành tố đầu, mà phải có lộ trình, trong từng năm một. Do đó, cùng với tham khảo kinh nghiệm quốc tế, sự phối hợp của các bộ ngành, chúng tôi tin tưởng sẽ thực hiện thành công trong những năm tiếp theo”, ông Nguyễn Bích Lâm nói.

Về đề nghị của Thủ tướng nhờ IMF giúp đánh giá về khu vực kinh tế chưa được quan sát, ông Lâm chỉ rõ, đó là nhờ IMF là tổ chức quốc tế đánh giá độc lập, chứ không phải nhờ họ giúp Tổng cục Thống kê tính toán.Ông Lâm khẳng định, vai trò tham gia của IMF vào điều tra khu vực kinh tế chưa được quan sát chỉ là thẩm định cách thức thực hiện và kết quả.

Năm 2018, Tổng cục Thống kê đã đánh giá lại quy mô, chỉ tiêu GDP, đã có báo cáo với Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư và báo cáo Thủ tướng và được chỉ đạo đảm bảo tính độc lập, khách quan. "Bộ Kế hoạch và Đầu tư đồng ý mời 1 tổ chức độc lập quốc tế, và chúng tôi đề xuất là IMF vào đánh giá", ông Lâm nói.

6 giải pháp cơ bản để thực hiện Đề án thống kê khu vực kinh tế chưa quan sát

Tại họp báo, Tổng cục Thống kê đưa ra 6 giải pháp cơ bản để thực hiện Đề án thống kê khu vực kinh tế chưa quan sát:

Một là, khảo sát, đánh giá cụ thể, chi tiết và toàn diện thực trạng các hoạt động kinh tế chưa được quan sát theo 5 nhóm hoạt động của ba khu vực kinh tế (Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, khu vực công nghiệp và xây dựng, khu vực dịch vụ); loại hình sở hữu (Kinh tế Nhà nước, kinh tế ngoài Nhà nước, kinh tế có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài); ngành, lĩnh vực; địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các tiêu thức khác. Trên cơ sở đó, xây dựng Danh mục các hoạt động kinh tế chưa được quan sát.

Hai là, xây dựng, ban hành Hệ thống chỉ tiêu thống kê nguồn thông tin đầu vào đo lường khu vực kinh tế chưa được quan sát, bảo đảm tính toàn diện và khả thi, phù hợp với khả năng thu thập thông tin của ngành Thống kê và các cơ quan, tổ chức liên quan, trong đó quy định rõ ràng, đầy đủ tiêu thức phân tổ, kỳ thu thập thông tin, cơ quan chịu trách nhiệm thu thập, định kỳ rà soát, cập nhật bổ sung Hệ thống chỉ tiêu thống kê nguồn thông tin đầu vào để đáp ứng yêu cầu với thực tế.

Ba là, tiếp tục đổi mới, hoàn thiện chuyên môn nghiệp vụ thống kê, góp phần nâng cao hiệu quả đo lường khu vực kinh tế chưa được quan sát. Sử dụng đồng thời ba hình thức: Điều tra thống kê, báo cáo thống kê và khai thác dữ liệu hành chính trong thu thập thông tin. Kịp thời cài đặt nội dung khu vực kinh tế chưa được quan sát vào các hệ thống chỉ tiêu thống kê hiện có (Hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia; hệ thống chỉ tiêu thống kê của các bộ, ngành; hệ thống chỉ tiêu thống kê cấp tỉnh, huyện, xã); bổ sung một số chỉ tiêu phản ánh kết quả sản xuất kinh doanh của khu vực kinh tế chưa được quan sát.

Bốn là, tăng cường phối hợp, cung cấp, chia sẻ thông tin thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát giữa các bộ, ngành, địa phương.

Năm là, hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách quản lý kinh tế về đăng ký sản xuất kinh doanh, nghĩa vụ đóng góp vào ngân sách nhà nước và nghĩa vụ xã hội của các chủ thể tham gia hoạt động kinh tế; quy định về sử dụng lao động, đào tạo nghề, cung cấp tín dụng, mức đóng và hưởng bảo hiểm xã hội; quy định về xử phạt vi phạm hành chính, truy cứu trách nhiệm hình sự và các quy định khác, góp phần đánh giá chính xác và thu hẹp pham vi, quy mô khu vực kinh tế chưa được quan sát.

Sáu là, tăng cường hợp tác quốc tế về thống kê, cập nhật lý luận, phương pháp nghiệp vụ tiên tiến và kinh nghiệm đo lường khu vực kinh tế chưa được quan sát của các nước, hướng tới thực hiện mục tiêu nâng mức độ biên soạn Hệ thống tài khoản quốc gia của Thống kê nước ta theo Khung đánh giá của Ủy ban Thống kê Liên hợp quốc từ mức 2/6 năm 2008, lên đạt mức 4/6 vào năm 2020 và mức 6/6 vào năm 2030 đề ra trong Chiến lược phát triển Thống kê Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2030./.