“Đề nghị không nên thu hẹp hoàn toàn xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, mà cần có sự phân loại cụ thể. Đối với những vụ việc, vấn đề lớn; trường hợp tái diễn, tranh chấp thì bắt buộc phải xử lý tại tòa án. Tuy nhiên, đối với những vi phạm nhỏ, thì có thể áp dụng xử phạt vi phạm hành chính…”, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Lâm Thành (tỉnh Thái Nguyên) đề xuất tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, khi cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ đang diễn ra, theo Văn phòng Quốc hội.

Không nên “làm nhỏ” quy định xử lý hành chính trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ
Theo Đại biểu Quốc hội Nguyễn Lâm Thành, nếu không có biện pháp xử lý mạnh hơn, thì tình trạng vi phạm trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ sẽ vẫn xảy ra. Ảnh: Quốc hội

Ở một khía cạnh khác, ông Thành phân tích, vi phạm về sở hữu công nghiệp, kiểu dáng công nghiệp đưa ra tòa án xử lý chưa nhiều. Bên cạnh đó, trong quá trình hội nhập, chúng ta không chỉ sử dụng sản phẩm trong nước, mà còn rất nhiều sản phẩm nước ngoài. Do đó, phải tuân thủ quy định của pháp luật quốc tế liên quan đến điều khoản này. Nếu chỉ thực hiện theo biện pháp xử lý hành chính, thì nhiều trường hợp không đủ sức răn đe…

Đại biểu Quốc hội Phan Đức Hiếu (tỉnh Thái Bình) cho rằng, nội dung điều kiện hành nghề dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp như dự thảo không nên quy định “liên tục” từ 5 năm trở lên, mà nên quy định cho phép thời gian cộng dồn...

Về thu hẹp đối tượng xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ (Điều 211 của Luật Sở hữu trí tuệ), theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng, đa số ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành phương án không thu hẹp đối tượng xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ; một số ý kiến tán thành thu hẹp đối tượng xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực này và đề nghị quy định lộ trình thực hiện. Tiếp thu ý kiến đa số đại biểu Quốc hội, nội dung này xin được giữ như quy định của Luật hiện hành.

Với hướng tiếp thu trên, đại biểu Quốc hội Đồng Ngọc Ba (tỉnh Bình Định) cho rằng, giữ nguyên như hiện hành là có cơ sở cả về lý thuyết, cũng như thực tiễn và không mâu thuẫn gì với vấn đề vừa có xử lý hành chính, vừa giải quyết tranh chấp bằng cơ chế dân sự tại tòa án...

“Về mặt thực tiễn, hiện nay nếu chúng ta giải quyết tranh chấp về sở hữu trí tuệ cơ bản bằng cơ chế tòa án, không có xử lý hành chính hay là xử lý ở phạm vi hẹp, thì sẽ dẫn đến quá tải cho hệ thống tòa án. Không chỉ quá tải về số lượng công việc, mà chúng ta phải nhìn nhận một thực tế là năng lực, sự chuẩn bị về điều kiện chuyên môn của tòa án để giải quyết các tranh chấp về sở hữu trí tuệ chưa phải đã tốt trong điều kiện chúng ta chưa có một tòa án chuyên trách về sở hữu trí tuệ”, ông Ba phân tích.

Một số đại biểu đề nghị bổ sung các trường hợp ngoại lệ không xâm phạm quyền tác giả; rà soát lại quy định về điều kiện hành nghề dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp; điều kiện kinh doanh dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp… Đại biểu Quốc hội Phan Đức Hiếu (tỉnh Thái Bình) cho rằng, nội dung điều kiện hành nghề dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp như dự thảo không nên quy định “liên tục” từ 5 năm trở lên, mà nên quy định cho phép thời gian cộng dồn, cân nhắc quy định thời gian 5 năm cũng là dài quá mức cần thiết…

Không nên “làm nhỏ” quy định xử lý hành chính trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, các ý kiến phát biểu về cơ bản nhất trí với những nội dung lớn của dự thảo luật đã được tiếp thu, chỉnh lý. Ảnh: Quốc hội

Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, các ý kiến đề nghị cân nhắc chỉnh lý, làm rõ thêm một số vấn đề cụ thể trong một số điều khoản và chỉnh lý về mặt kỹ thuật văn bản. Đề nghị Tổng Thư ký Quốc hội tổ chức tổng hợp đầy đủ ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội thảo luận, xây dựng báo cáo gửi các vị đại biểu Quốc hội, các cơ quan có liên quan, để nghiên cứu tiếp thu giải trình và hoàn thiện dự thảo Luật.

“Ủy ban Thường vụ Quốc hội phối hợp với Chính phủ chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan chủ trì soạn thảo phối hợp với các cơ quan có liên quan tiếp thu đầy đủ ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội và ý kiến của các đoàn Đại biểu Quốc hội, ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học, để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật, để trình Quốc hội thảo luận và xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 3 sắp tới…”, ông Định lưu ý./.