Kiên quyết gỡ khó, khôi phục sản xuất cho khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao
Bức tranh 8 tháng đầu năm
Tại Hội nghị trực tuyến “Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp sản xuất tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao và cụm công nghiệp” do Phó thủ tướng Lê Văn Thành chủ trì ngày 20/9/2021, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, đến nay, có 291 khu công nghiệp đi vào hoạt động. Tỉ lệ lấp đầy đạt khoảng 71%.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc phát biểu tại Hội nghị trực tuyến do Chính phủ tổ chức ngày 20/9/2021 |
Lũy kế đến cuối tháng 8 năm 2021, các khu công nghiệp, khu kinh tế trên cả nước thu hút được khoảng 10.963 dự án của các nhà đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký đạt khoảng 230 tỷ USD, vốn đầu tư thực hiện đạt khoảng 68,9%. |
Trong 8 tháng đầu năm 2021, tổng doanh thu của các doanh nghiệp đạt khoảng 140 tỷ USD, kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 100,7 tỷ USD (chiếm 47,5% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước), đóng góp vào Ngân sách Nhà nước khoảng 96.500 tỷ đồng; đã tạo việc làm cho gần 4 triệu lao động trực tiếp (bao gồm 456.000 lao động nước ngoài), tăng khoảng 90.000 lao động so với cuối năm 2020.
Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với Liên minh Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam tiến hành điều tra, khảo sát 500 tập đoàn, doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam để làm rõ các khó khăn, vướng mắc. Qua kết quả khảo sát cho thấy, gần 50% doanh nghiệp bị tác động nghiêm trọng bởi dịch COVID-19, số còn lại bị ảnh hưởng lớn.
Mặc dù chịu ảnh hưởng của đại dịch, nhưng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, 8 tháng đầu năm 2021, các khu công nghiệp, khu kinh tế ven biển trên cả nước đã thu hút được khoảng 428 dự án đầu tư mới và 517 dự án tăng vốn đầu tư với số vốn đăng ký mới và tăng thêm đạt khoảng 8,1 tỷ USD (tăng 7,3% về số vốn đăng ký mới và tăng thêm so với cùng kỳ năm 2020). Lũy kế đến cuối tháng 8 năm 2021, các khu công nghiệp, khu kinh tế trên cả nước thu hút được khoảng 10.963 dự án của các nhà đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký đạt khoảng 230 tỷ USD, vốn đầu tư thực hiện đạt khoảng 68,9%.
Về thu hút đầu tư trong nước, trong 8 tháng đầu năm 2021, các khu công nghiệp, khu kinh tế ven biển trên cả nước đã thu hút được khoảng 432 dự án đầu tư mới và 153 dự án tăng vốn đầu tư với số vốn đăng ký mới và tăng thêm đạt khoảng 154,1 nghìn tỷ đồng (tăng 7,2% về số vốn đăng ký mới và tăng thêm so với cùng kỳ năm 2020). Lũy kế đến cuối tháng 8 năm 2021, các khu công nghiệp, khu kinh tế trên cả nước có khoảng 10.195 dự án sản xuất kinh doanh còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký đạt khoảng 2,54 triệu tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư thực hiện đạt khoảng 45,4%.
Qua phản ánh của các địa phương, doanh nghiệp, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, có 7 nhóm vấn đề khó khăn, thách thức mà các khu công nghiệp, khu kinh tế, khu công nghệ cao và cụm công nghiệp phải đối mặt như chi phí đầu vào, chi phí vận chuyển ngày một tăng cao dẫn đến tình trạng thiếu hụt nguyên liệu đầu vào, đội chi phí giá thành sản xuất. Ngoài ra, các doanh nhiệp còn phải chịu các chi phí liên quan đến phòng, chống dịch như: Chi phí xét nghiệm, chi phí đầu tư để đáp ứng các điều kiện về kiểm soát an toàn dịch bệnh, chi phí duy trì hoạt động sản xuất tại chỗ.
Nhận diện nguyên nhân khó khăn, thách thức
Theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, khó khăn, thách thức của các khu công nghiệp, khu kinh tế, khu công nghệ cao và cụm công nghiệp có nguyên nhân khách quan và chủ quan. Về nguyên nhân khách quan, tình hình dịch Covid - 19 vẫn diễn biến rất phức tạp, khó lường trên thế giới và Việt Nam, ảnh hưởng sâu rộng tới hoạt động sản xuất, kinh doanh trong các khu công nghiệp, khu kinh tế, khu công nghệ cao, cụm công nghiệp. Cùng với đó, nền kinh tế thế giới và trong nước gặp khó khăn làm tổng cầu giảm mạnh, ảnh hưởng nghiêm trọng đến thị trường đầu vào và đầu ra của doanh nghiệp trong khu, cụm; môi trường sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp bị xáo trộn.
Các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao và cụm công nghiệp đang tạo việc làm cho gần 4 triệu lao động |
Về nguyên nhân chủ quan, việc hướng dẫn các chính sách phòng, chống Covid - 19 tại các địa phương chưa thống nhất, dẫn đến tình trạng ách tắc trong lưu thông hàng hóa và di chuyển của người lao động. Một số chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp chưa được triển khai và kịp thời điều chỉnh phù hợp với diễn biến của dịch bệnh, thời gian áp dụng chính sách hỗ trợ ngắn nên chưa đem lại tác động cho một số doanh nghiệp như: chính sách giãn, giảm thuế; chính sách hỗ trợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí.
Trước thực tế khó khăn, các địa phương, doanh nghiệp đã đề xuất một số kiến nghị, giải pháp, trong đó có kiến nghị phân bổ và đẩy nhanh việc tiêm đủ liều vắc xin cho toàn bộ người lao động trong các khu công nghiệp, khu kinh tế, khu công nghệ cao, cụm công nghiệp để có cơ sở duy trì trạng thái sản xuất bình thường mới. Kiến nghị tiếp tục kéo dài thời gian thực hiện các gói hỗ trợ đã được ban hành cho các doanh nghiệp đến hết năm 2021; bổ sung, điều chỉnh các chính sách mạnh mẽ hơn trong năm 2021 và 2022, đặc biệt là các chính sách miễn, giảm, hoãn, khoanh thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập các nhân, thuế VAT; hỗ trợ nguồn vốn cho doanh nghiệp thông qua cấp bù chênh lệch lãi suất vay từ ngân hàng từ nguồn ngân sách nhà nước.
Một số kiến nghị về cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, khu kinh tế, khu công nghệ cao, cụm công nghiệp giảm chi phí kinh doanh, tiếp cận nguồn lực cũng được các doanh nghiệp, địa phương nêu lên trong thời gian vừa qua. Chẳng hạn, cho phép doanh nghiệp chủ động triển khai các phương án tổ chức sản xuất kinh doanh phù hợp với điều kiện của từng doanh nghiệp; xem xét lại mô hình “ba tại chỗ” do chi phí vận hành quá cao. Tiếp tục cắt giảm chi phí đầu vào cho các doanh nghiệp như: giảm chi phí tiền điện, nước, cước viễn thông…; giảm các mức phí công đoàn, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế nhằm giảm áp lực cho người lao động và người sử dụng lao động trong khi phải gồng gánh chi phí sản xuất và các chi phí chăm lo cho người lao động. Bảo hiểm y tế xem xét chi trả chi phí/hoặc một phần chi phí xét nghiệm Covid-19 của người lao động; tạo thuận lợi tối đa và rút ngắn thời gian thông quan các lô hàng xuất khẩu, nhập khẩu của các doanh nghiệp trong chịu ảnh hưởng; rút ngắn thời gian quy trình nhập cảnh cho chuyên gia, người lao động nước ngoài, nhất là những người đã tiêm đủ liều vắc xin; ưu tiên cho các đối tượng tìm hiểu cơ hội đầu tư ở Việt Nam đến từ các tập đoàn lớn trên thế giới…
Kiên quyết phục hồi sản xuất để phục hồi tăng trưởng
Tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cho biết, mỗi tháng sẽ tổ chức hội nghị với doanh nghiệp một lần để “Chính phủ, các cơ quan Trung ương đồng hành cùng doanh nghiệp cho đến khi phục hồi xong sản xuất kinh doanh” |
Về nhóm giải pháp cấp thiết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị, Chính phủ, các Bộ ngành, địa phương triển khai nhanh, linh hoạt, hiệu quả các giải pháp tại Nghị quyết số 105/NQ-CP của Chính phủ với tinh thần trách nhiệm cao, tập trung vào các điểm nghẽn, ách tắc với phương châm "sớm nhất, hiệu quả nhất". |
Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, từ thời điểm bùng phát dịch Covid - 19 vào đầu năm 2020 đến nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Bộ, ngành đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách và giải pháp hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, trong đó bao gồm các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, khu kinh tế, khu công nghệ cao, cụm công nghiệp trong đó đã cắt giảm chi phí, giảm dòng tiền ra và vào của doanh nghiệp; ưu tiên tiêm vắc xin cho người lao động tại các khu, cụm này.
Đặc biệt, ngày 09 tháng 9 năm 2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 105/NQ-CP trong đó đã bao gồm các chính sách, giải pháp nhanh, mạnh và kịp thời, mang tính tổng thể, bao quát để tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp trong khu công nghiệp, khu kinh tế, khu công nghệ cao, cụm công nghiệp nói riêng đang bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19.
Riêng đối với một số cơ chế, chính sách nhằm hoàn thiện hoạt động của khu công nghiệp, khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tiếp thu trong quá trình xây dựng Nghị định thay thế Nghị định số 82/2018/NĐ-CP ngày 22 tháng 5 năm 2018 quy định về quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế. Hiện nay, Nghị định đang được Bộ Tư pháp thẩm định và dự kiến trình Chính phủ thông qua trong quý IV/2021. Trên cơ sở đánh giá tình hình các doanh nghiệp trong các khu, cụm và tổng hợp kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp, địa phương cũng như quan điểm hỗ trợ doanh nghiệp trong thời gian tới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, giao các Bộ, ngành, địa phương và các tổ chức liên quan thực hiện 02 nhóm giải pháp, gồm nhóm các chính sách, giải pháp cấp thiết cần triển khai ngay và nhóm các chính sách dài hạn, tạo nền tảng cho các khu công nghiệp, khu kinh tế, khu công nghệ cao, cụm công nghiệp phục hồi và phát triển.
Về nhóm các giải pháp cấp thiết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị, trước hết, Chính phủ, các Bộ ngành, địa phương có trách nhiệm triển khai nhanh, linh hoạt, hiệu quả các giải pháp tại Nghị quyết số 105/NQ-CP của Chính phủ với tinh thần trách nhiệm cao, tập trung vào các điểm nghẽn, ách tắc với phương châm "sớm nhất, hiệu quả nhất" nhằm giảm thiểu thiệt hại, tác động tiêu cực với doanh nghiệp, người lao động và người dân. Liên quan đến hoạt động của khu công nghiệp, khu kinh tế, khu công nghệ cao, cụm công nghiệp, Bộ đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt Chương trình hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp giai đoạn 2021 - 2025 từ ngân sách trung ương nhằm hỗ trợ các địa phương có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn hoàn thành đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật các cụm công nghiệp theo định hướng quy hoạch tỉnh nhằm thu hút mạnh mẽ các doanh nghiệp đầu tư vào khu vực nông thôn, nâng cao năng lực sản xuất công nghiệp cho các địa phương, cải thiện rõ rệt tình trạng ô nhiễm môi trường ở các cụm công nghiệp, làng nghề và khu vực nông thôn.
“Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện vai trò là cơ quan thường trực của Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ tháo gỡ khó khăn các dự án đầu tư và Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ về tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 chủ động tiếp cận, nắm bắt, tiếp nhận thông tin, tổng hợp các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp và người dân; đề xuất với Thủ tướng Chính phủ phương hướng, giải pháp để kịp thời chỉ đạo giải quyết những vấn đề quan trọng, cấp bách trong thu hút đầu tư đặc biệt là các dự án có vốn đầu tư lớn, hàm lượng công nghệ cao”, báo cáo đề xuất.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đề nghị, các bộ, ngành liên quan và các địa phương cần xử lý kịp thời các vướng mắc doanh nghiệp đã nêu. Đặc biệt, các địa phương chỉ đạo khẩn trương xây dựng, hoàn thiện phương án phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế, khu công nghệ cao, cụm công nghiệp trên địa bàn để tích hợp vào Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, trình cơ quan có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt theo pháp luật về quy hoạch.
Về nhóm các chính sách dài hạn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu quan điểm, Chính phủ, Bộ ngành cần thống nhất xác định phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế, khu công nghệ cao, cụm công nghiệp là mô hình, giải pháp quan trọng nhằm thúc đẩy quá trình tái cơ cấu nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng, hướng tới công nghiệp hóa đất nước theo hướng hiện đại, hài hòa giữa các vùng miền, ngành, nghề; đảm bảo sự phát triển bền vững.
Theo đó, cần hoàn thiện hành lang pháp lý thuận lợi cho phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế, khu công nghệ cao, cụm công nghiệp. Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tổ chức đánh giá hành lang pháp lý cho phát triển các khu công nghiệp, khu kinh tế để xây dựng đề xuất trình cấp có thẩm quyền cho phép xây dựng Luật Khu kinh tế trong giai đoạn 2021-2025. Các địa phương cần tiếp tục chỉ đạo rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới Quy chế quản lý cụm công nghiệp trên địa bàn để quản lý chặt chẽ các cụm công nghiệp; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính đối với doanh nghiệp đầu tư hạ tầng kỹ thuật và các doanh nghiệp/dự án đầu tư sản xuất kinh doanh vào cụm công nghiệp; nâng cao vai trò, trách nhiệm cơ quan đầu mối quản lý về cụm công nghiệp trên địa bàn.
Về cơ chế chính sách nhằm khai thác lợi thế của các khu công nghiệp, khu kinh tế, khu công nghệ cao, cụm công nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, sẽ tiếp tục nghiên cứu xây dựng, đổi mới, đa dạng các loại hình khu công nghiệp, khu kinh tế để thích ứng với yêu cầu trong nước và hội nhập kinh tế quốc tế.
Tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cho biết, mỗi tháng sẽ tổ chức hội nghị với doanh nghiệp một lần để “Chính phủ, các cơ quan Trung ương đồng hành cùng doanh nghiệp cho đến khi phục hồi xong sản xuất kinh doanh”./.
Bình luận