Chiều ngày 10/2, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương - CIEM (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) phối hợp cùng với Lazada Việt Nam tổ chức hội thảo: “Kinh tế số và phát triển bền vững: Cơ hội và thách thức trong bối cảnh mới”.

Kinh tế số và phát triển bền vững: Cơ hội và thách thức trong bối cảnh mới

Ông Nguyễn Hoa Cương - Phó Viện trưởng CIEM khẳng định, việc nhận định rõ các cơ hội, thách thức và rào cản với phát triển kinh tế số đặc biệt quan trọng quan hệ với phát triển bền vững là chìa khóa để nền kinh tế số Việt Nam khởi sắc trong tương lai. Ảnh: Thục Anh

Ông Nguyễn Hoa Cương - Phó Viện trưởng CIEM khẳng định, trong những năm gần đây, kinh tế số được coi là một động lực và trụ cột chính trong phát triển kinh tế. Nhiều chiến lược, chính sách cũng coi phát triển kinh tế số là trọng tâm trong tiến trình chuyển đổi số quốc gia, phát huy các thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Tuy vậy, phát triển kinh tế số còn đối mặt với nhiều khó khăn, vướng mắc, cho dù triển vọng tăng trưởng tương đối khả quan.

"Việc nhận định rõ các cơ hội, thách thức và rào cản với phát triển kinh tế số đặc biệt quan trọng quan hệ với phát triển bền vững là chìa khóa để nền kinh tế số Việt Nam khởi sắc trong tương lai", ông Cương nêu vấn đề.

Nếu tối ưu hóa, lượng khí phát thải trong thương mại điện tử sẽ giảm 30%-40%

Theo báo cáo của E-conomy SEA năm 2022 của Google, Temasek và Bain Company, quy mô kinh tế số Việt Nam có thể đạt 50 tỷ USD vào năm 2050, trong đó, thương mại điện tử sẽ là lĩnh vực có đóng góp quan trọng nhất. Cũng theo báo cáo này, quy mô thị trường thương mại điện tử bán lẻ tại Việt Nam tăng trưởng 28%, đạt 23 tỷ USD trong năm 2022.

Dẫn kết quả của báo cáo trên, ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Ban nghiên cứu tổng hợp (CIEM) chỉ rõ, nếu tối ưu hóa về phát triển bền vững, lượng khí phát thải trong hoạt động thương mại điện tử sẽ giảm đáng kể, từ 30%-40% so với hoạt động thương mại thông thường, từ đó đóng góp cho phát triển bền vững chung của toàn nền kinh tế.

Kinh tế số và phát triển bền vững: Cơ hội và thách thức trong bối cảnh mới
Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: Thục Anh

Hiện nay, Việt Nam cơ bản đã ban hành khung khổ thể chế về kinh tế số như: Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, thành lập Ủy ban Chỉ đạo quốc gia về Cơ chế một cửa ASEAN, Cơ chế một cửa quốc gia và tạo thuận lợi thương mại, các văn bản về thương mại điện tử, cũng như các điều khoản tạo thuận lợi cho thương mại xuyên biên giới trong các hiệp định thương mại tự do.

Bên cạnh đó, hạ tầng công nghệ thông tin của Việt Nam đã từng bước được cải thiện đáng kể. Việt Nam xếp thứ 25/194 quốc gia về chỉ số an toàn, an ninh mạng toàn cầu, hệ thống hải quan điện tử VNACCS/VCIS đã được triển khai tại 100% chi cục hải quan và hệ thống quản lý giám sát hải quan tự động đã bao phủ 100% thương mại qua cảng biển và hơn 90% thương mại qua cảng hàng không...

Trao đổi thêm về vai trò của quản lý nhà nước, bà Lại Việt Anh - Phó Cục trưởng phụ trách Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho biết, Bộ Công Thương đã phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng cơ chế, giải pháp kết nối chia sẻ dữ liệu về thương mại điện tử.

Mặt khác, Bộ Công Thương cũng phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông trong việc quản lý kinh doanh thương mại điện tử trên mạng xã hội, đồng thời xây dựng và hướng dẫn cụ thể quy trình xử lý kỹ thuật các website/ứng dụng vi phạm pháp luật.

Nhận diện những rào cản trong phát triển kinh tế số của Việt Nam

Tuy nhiên, bên cạnh những yếu tố thuận lợi, ông Dương chỉ ra vẫn còn rào cản trong quá trình phát triển kinh tế số của Việt Nam, như: hạ tầng chưa đồng bộ, năng lực kết nối số còn thấp, hệ thống thể chế chưa thực sự tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế số, nguồn nhân lực chất lượng cao còn thiếu và yếu, thiếu quy định về bảo vệ người tiêu dùng...

Kinh tế số và phát triển bền vững: Cơ hội và thách thức trong bối cảnh mới
Theo bà Lại Việt Anh - Phó Cục trưởng phụ trách Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), phát triển bền vững nền kinh tế số, trong đó có thương mại điện tử đang là một thách thức không nhỏ. Vì bên cạnh phát thải từ thương mại điện tử, thì vấn đề hàng giả, hàng nhái trên môi trường mạng cũng rất phức tạp.

“Ngoài ra, năng lực đổi mới sáng tạo của khu vực tư nhân được đánh giá là một trong những hạn chế lớn đối với sự phát triển kinh tế số của Việt Nam,” ông Dương nêu nhận định.

Quan ngại về vấn đề hạ tầng phát triển kinh tế số, ông Nguyễn Thanh Hưng, thành viên Hội đồng tư vấn, Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) cho biết: “Để kinh tế số phát triển cần hạ tầng công nghệ thông tin, internet phải tốt. Vậy mà một tuần qua, có 5 đường cáp quốc tế thì 4 đường không kết nối được. Còn một đường kết nối được thuộc loại già cỗi nhất thế giới, nghe đâu năm 2024 đường này sẽ không còn hoạt động”.

Việc kết nối internet chậm đã ảnh hưởng rất lớn tới doanh nghiệp, người dân, đặc biệt là những người kinh doanh thương mại điện tử, thế nhưng đến nay “vẫn không thấy nhà mạng nào tính đến việc giảm phí”, ông Hưng bức xúc.

Cũng nhấn mạnh về hạ tầng, theo ông Trần Minh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Kinh tế số, Xã hội số, Bộ Thông tin và Truyền thông, để có kinh tế số thì phải có thị trường số, phải có không gian số, dữ liệu số và việc đầu tiên là phải đảm bảo hạ tầng số.

“Đặc biệt là vấn đề phát triển kinh tế số có liên quan đến phát triển bền vững, Bộ đã triển khai để xem ảnh hưởng khi bị cắt đứt internet quốc tế và cố gắng đảm bảo ít nhất 70 - 80% hoạt động kinh tế số khi có sự kiện nào đó khiến internet quốc tế bị cắt đứt", ông Tuấn cho biết.

Theo quan điểm của bà Lại Việt Anh, phát triển bền vững nền kinh tế số, trong đó có thương mại điện tử đang là một thách thức không nhỏ. Vì bên cạnh phát thải từ thương mại điện tử, thì vấn đề hàng giả, hàng nhái trên môi trường mạng cũng rất phức tạp.

Còn bà Vũ Thị Minh Tú - Giám đốc đối ngoại Lazada Việt Nam lại nhấn mạnh về nguồn nhân lực. Bà Tú cho rằng, chất lượng nguồn nhân lực cho kinh tế số tại Việt Nam còn hạn chế. Trong khi, đây là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến phát triển bền vững đối với kinh tế số.

Tư duy quản lý cần hướng nhiều hơn đến phát huy vai trò và bảo vệ quyền lợi của người mua

Theo ông Dương, để có thể theo kịp tốc độ phát triển kinh tế số với các nước trên thế giới, Việt Nam cần hoàn thiện khung khổ thể chế - pháp lý và cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin.

Về phát huy trách nhiệm phát triển bền vững trên nền tảng thương mại số, ông Dương chỉ rõ: “Kinh tế số, xã hội số không chỉ có người bán, mà còn có cả người mua”.

Kinh tế số và phát triển bền vững: Cơ hội và thách thức trong bối cảnh mới
Bà Vũ Thị Minh Tú - Giám đốc đối ngoại của Lazada Việt Nam đã chia sẻ một số biện pháp về giảm thiểu và tái chế các vật liệu đóng gói hàng hóa. Bà cho biết, Lazada đã phát hành cuốn Cẩm nang “Đóng gói hàng hóa hiệu quả, thân thiện với môi trường” dành cho nhà bán hàng trên sàn thương mại điện tử nhằm khuyến khích các thông lệ tốt, thân thiện với môi trường.

Trên cơ sở quan điểm này, ông Dương cho rằng, tư duy quản lý cần hướng nhiều hơn đến phát huy vai trò, trách nhiệm và bảo vệ quyền lợi của người mua.

Trong số đó, các chính sách cần ưu tiên đến các vấn đề như xử lý tranh chấp thương mại trực tuyến, ý thức đối với bảo vệ sở hữu trí tuệ trên môi trường mạng, đặc biệt là ý thức về tiêu dùng bền vững.

Trao đổi sâu hơn về ý thức tiêu dùng bền vững, bà Việt Anh cho biết, nhằm giảm tác động ảnh hưởng của thương mại điện tử đối với môi trường, trong khâu bán hàng cần sử dụng phương tiện giao hàng thân thiện với môi trường và xây dựng logistics thông minh, tối ưu hóa vận chuyển và giao hàng.

Bên cạnh đó, khâu đóng gói cần khuyến khích sử dụng bao bì tái chế, đồng thời giảm số lượng bao bì đóng gói tại các khâu. Các nhà bán lẻ cần có các giải pháp thay đổi thói quen tiêu dùng hướng tới giao hàng xanh.

“Nhu cầu của người tiêu dùng đối với bao bì bền vững là hiện hữu, do đó tính bền vững và bao bì ít chất thải phải là ưu tiên hàng đầu của doanh nghiệp,” bà Việt Anh nhấn mạnh.

Để phát triển bền vững kinh tế số, bên cạnh nỗ lực của cơ quan chức năng, thời gian qua cộng đồng doanh nghiệp cũng đã có những hành động cụ thể.

Tại hội thảo, bà Vũ Thị Minh Tú - Giám đốc đối ngoại của Lazada Việt Nam đã chia sẻ một số biện pháp về giảm thiểu và tái chế các vật liệu đóng gói hàng hóa. Bà cho biết, Lazada đã phát hành cuốn Cẩm nang “Đóng gói hàng hóa hiệu quả, thân thiện với môi trường” dành cho nhà bán hàng trên sàn thương mại điện tử nhằm khuyến khích các thông lệ tốt, thân thiện với môi trường.

Bên cạnh đó, Lazada đã thực hiện rất nhiều hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi kinh doanh trong và sau đại dịch cùng hàng loạt các sáng kiến hướng tới phát triển bền vững, tập trung vào các lĩnh vực như: Hoạt động quản trị vì mục tiêu phát triển bền vững; bảo vệ môi trường; hoạt động cộng đồng; bồi dưỡng nguồn nhân lực và công tác nghiên cứu báo cáo./.