Tại buổi tọa đàm, TS. Lưu Bích Hồ cho biết, trước đây, khi bước vào thời kỳ đổi mới, kinh tế tư nhân đã phát triển tới mức có 25.000 doanh nghiệp, đến nay đã có đến 600.000 doanh nghiệp, dự kiến tới năm 2020 sẽ đạt mức 1 triệu doanh nghiệp. Mục tiêu này hoàn toàn có thể thực hiện vì mỗi năm chúng ta có ít nhất hơn 100.000 doanh nghiệp đăng ký mới cũng như các doanh nghiệp cũ đổi mới thành doanh nghiệp mới.


Tọa đàm trực tuyến "Tạo đà cho doanh nghiệp tư nhân phát triển”

Doanh nghiệp tư nhân đã tạo ra gần 40% GDP. Tính đến năm 2016, khu vực tư nhân đã tạo ra hơn 62% việc làm mới trong toàn bộ khu vực doanh nghiệp. Về vốn đầu tư, năm 2017 vốn của khu vực tư nhân chiếm 40,5% trong tổng nguồn vốn của xã hội và tăng đến 16,8% so với năm trước. Nếu tính từ năm 2016-2018, khu vực tư nhân chiếm bình quân 40,8% tổng vốn so với giai đoạn 2011-2015 (38,3%).

Từ những con số thống kê, có thể thấy tốc độ tăng vốn đầu tư của kinh tế tư nhân vượt trội hẳn so với kinh tế nhà nước. Qua đó, khẳng định động lực của khu vực kinh tế tư nhân đã và đang tiếp tục phát huy vai trò ngày càng quan trọng trong nền kinh tế.

Nói về sự lớn mạnh của các tập đoàn tư nhân, tổng công ty tư nhân, ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cho rằng, cần phải có các doanh nghiệp đầu đàn. Như vậy, cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa mới có gương để noi theo. Đó sẽ là những tấm gương của người Việt Nam thành công trên đất Việt Nam, bởi rõ ràng, khi doanh nghiệp thành công là thành công ở nhiều mặt thì mới tạo ra doanh thu, lao động, việc làm cho đất nước.


Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam

Ngoài ra, các doanh nghiệp đầu đàn cũng đóng vai trò tạo ra công ăn việc làm cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, tức thúc đẩy nền kinh tế phụ trợ.

Đơn cử như doanh nghiệp Tân Hiệp Phát đã giải quyết được vấn đề 4.000 lao động trả lương trực tiếp, còn lại là 10.000 lao động gián tiếp. Đây cũng là một trong những doanh nghiệp nộp thuế nhiều nhất cho Nhà nước. Vì vậy, ông Thân đánh giá, muốn lớn, nhỏ, vừa như thế nào thì doanh nghiệp phải phát triển tốt, gương mẫu, tạo ra nhiều công ăn việc làm chứ không chỉ là hoạt động xã hội.

Các doanh nghiệp tư nhân phát triển tốt, tạo ra nhiều công ăn việc làm

Ông Nguyễn Quốc Hưng - Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục rất đồng tình với quan điểm của các đại biểu nêu ra rằng kinh tế tư nhân đóng vai trò, vị trí rất quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Và như các đại biểu cũng đã nêu, kinh tế tư nhân chiếm hơn 43% GDP, đặc biệt tạo ra được công ăn việc làm rất lớn, góp phần ổn định xã hội, an sinh cho người dân trong quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lao động nông thôn ra thành thị.

Thay cho lời kết bằng phát biểu của PGS.TS Đỗ Chí Nghĩa - Tổng biên tập Báo Đại biểu Nhân dân tại buổi tọa đàm: “Chúng ta thấy rằng có nhiều doanh nghiệp tư nhân đã từng bước tự xây dựng thương hiệu, đi lên bằng sản xuất, bằng những sản phẩm của mình. Ví dụ: Tân Hiệp Phát hay Vingroup… và còn rất nhiều doanh nghiệp khác nữa mà với triết lý kinh doanh của mình đóng góp thầm lặng cho nền kinh tế bằng cách tạo công ăn việc làm, đóng thuế cho Nhà nước và bằng sức lực, trí tuệ của mình giúp thúc đẩy nền kinh tế kể cả trong lúc nguồn lực cơ bản của Nhà nước tưởng chừng như đã rất khó khăn thì doanh nghiệp tư nhân vẫn có điểm sáng. Đó là nỗ lực của đội ngũ doanh nhân mà không ai có thể phủ nhận được”./.