Từ khóa: kinh tế tư nhân, nền kinh tế Việt Nam, doanh nghiệp tư nhân

Summary

The private economic sector in Vietnam today not only contributes greatly to the country's GDP, but also helps create jobs for a large number of workers. In the current process of international economic integration, the private sector also reveals some shortcomings and limitations. The article summarizes the Party and State's guidelines and policies on developing the private sector, at the same time, analyzes the current situation and proposes solutions to support the private sector to become an important driving force of the economy in Vietnam today.

Keywords: private economy, Vietnam's economy, private enterprises

GIỚI THIỆU

Phát triển KTTN là một chủ trương xuyên suốt, nhất quán của Đảng và Nhà nước ta trong suốt giai đoạn đổi mới, đặc biệt từ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII (năm 2016) của Đảng với việc khẳng định và nhấn mạnh, phát triển KTTN trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN). Trải qua hơn 35 năm Đổi mới, khu vực KTTN đã có bước phát triển đáng kể và đóng góp to lớn cho nền kinh tế, tuy nhiên, so với kỳ vọng vẫn còn khoảng cách lớn. Trong thời gian tới, để KTTN phát triển trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở nước ta, bên cạnh nỗ lực của chính khu vực KTTN, cần phát huy vai trò của Nhà nước trong việc tiếp tục đẩy mạnh cải cách thể chế, tạo nền tảng vững chắc hơn nữa, góp phần quan trọng để phát triển bền vững KTTN.

CHỦ TRƯƠNG, CHÍNH SÁCH THÚC ĐẨY KTTN PHÁT TRIỂN

Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI (năm 1986), Đảng Cộng sản Việt Nam đã chính thức thừa nhận sự tồn tại của KTTN. Cụ thể, trên cơ sở “coi nền kinh tế có cơ cấu nhiều thành phần là một đặc trưng của thời kỳ quá độ”, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI khẳng định: “Bằng những biện pháp thích hợp, sử dụng mọi khả năng của các thành phần kinh tế khác trong sự liên kết chặt chẽ và dưới sự chỉ đạo của thành phần kinh tế XHCN”. Với quan điểm này, các thành phần kinh tế “phi XHCN” được tồn tại và hoạt động dưới sự dẫn dắt của thành phần kinh tế XHCN.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX (năm 2001) của Đảng tiếp tục có những nhận thức mới, đầy đủ hơn khi xác định “KTTN là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân”.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng (năm 2006) có bước đột phá mới trong nhận thức về KTTN: “KTTN có vai trò quan trọng, là một trong những động lực của nền kinh tế”. Đây là lần đầu tiên, KTTN được xác định chính thức với tư cách là một thành phần kinh tế, được khuyến khích phát triển; đồng thời, chấp thuận cho đảng viên được làm KTTN, nhằm phát huy mọi tiềm năng con người của xã hội, tạo động lực thúc đẩy KTTN phát triển.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI (năm 2011) của Đảng tiếp tục xác định phải hoàn thiện cơ chế, chính sách để phát triển mạnh KTTN. Đặc biệt, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII (năm 2016) của Đảng khẳng định mạnh mẽ, dứt khoát hơn, khi coi KTTN là một động lực quan trọng của nền kinh tế; nhấn mạnh yêu cầu cấp bách “hoàn thiện chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa (DNNVV), DN khởi nghiệp. Khuyến khích hình thành các tập đoàn KTTN đa sở hữu và tư nhân góp vốn vào các tập đoàn kinh tế nhà nước”.

Năm 2021, Đại hội đại biểu toàn quốc lần lần thứ XIII của Đảng tiếp tục khẳng định, phát triển mạnh mẽ khu vực KTTN cả về số lượng, chất lượng, hiệu quả “thực sự trở thành một động lực quan trọng trong phát triển kinh tế”. Đây là chủ trương lớn, nhất quán của Đảng vừa thúc đẩy KTTN tiếp tục phát triển; vừa phát huy vai trò của thành phần kinh tế này trong phát triển kinh tế - xã hội, củng cố an ninh quốc phòng trong tình hình mới.

Thể chế hóa các quan điểm, chủ trương nói trên, Nhà nước đã ban hành các bộ luật và văn bản hướng dẫn về DN, cụ thể là: Luật Doanh nghiệp được ban hành và thay thế cho phù hợp với từng giai đoạn phát triển của nền kinh tế vào các năm 1999, 2005, 2014, 2020. Bên cạnh đó, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (năm 2017) đã quy định các nội dung hỗ trợ DNNVV, gồm hỗ trợ tiếp cận tín dụng; hỗ trợ thuế, kế toán; hỗ trợ mặt bằng sản xuất; hỗ trợ công nghệ; hỗ trợ cơ sở ươm tạo, cơ sở kỹ thuật, khu làm việc chung; hỗ trợ mở rộng thị trường; hỗ trợ thông tin, tư vấn pháp lý; hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực. Cùng với đó là một loạt những chính sách hỗ trợ DN đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị cũng được ban hành nhằm thúc đẩy DN khu vực tư nhân phát triển, nâng cao năng lực.

Triển khai chủ trương của Đảng và Nhà nước về phát triển KTTN, trong năm 2023, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 45/NQ-CP, ngày 31/3/2023, Chương trình hành động của Chính phủ tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 3/6/2017 Hội nghị lần thứ Năm Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về phát triển KTTN trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Nghị quyết số 45/NQ-CP phấn đấu đến năm 2025 có khoảng 1,5 triệu DN, trong đó có 60.000 đến 70.000 DN quy mô vừa và lớn; đến năm 2030 có ít nhất 2 triệu DN; hình thành và phát triển nhiều tập đoàn KTTN mạnh, có tiềm lực, có sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế.

Đặc biệt, với sự hỗ trợ của Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và Bộ Kế hoạch và Đầu tư, khu vực KTTN đã được “tiếp sức” bởi Dự án Tăng cường năng lực cạnh tranh khu vực tư nhân Việt Nam (IPS-C). Dự án hỗ trợ kỹ thuật này có tổng viện trợ hơn 36 triệu USD và thực hiện trong thời gian 5 năm (2020-2025). Dự án IPS-C hướng tới tăng cường năng lực cạnh tranh cho các DNNVV đang tăng trưởng thông qua các hình thức đào tạo diện rộng, tập huấn... Dự án USAID IPSC bao gồm 4 hợp phần: (1) Tăng cường năng lực quản trị, quản lý và chiến lược của các DN đang tăng trưởng; (2) Nâng cao năng suất và hiệu quả kinh doanh thông qua việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tăng cường ứng dụng công nghệ; (3) Cải thiện môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi cho DN và nền kinh tế phát triển mang tính bao trùm; (4) Thúc đẩy các liên kết DN - DN và liên kết ngành. Dự án đặt mục tiêu cung cấp hỗ trợ kỹ thuật và tài chính cho 5.000 DN nhỏ đang tăng trưởng nhằm giúp nâng cao năng suất; hỗ trợ 240 DN nhỏ đang tăng trưởng gia nhập thành công thị trường khu vực và quốc tế, bao gồm cả việc định vị thành công các sản phẩm mang thương hiệu Việt; 60 DN tiên phong được nhận các gói hỗ trợ tổng thể, chuyên biệt để tạo ra sản phẩm có hàm lượng giá trị gia tăng và trí tuệ của người Việt Nam, định vị thương hiệu sản phẩm “Made by Viet Nam”[1].

Hiện nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang xây dựng và hoàn thiện Đề án “Đổi mới toàn diện quản lý nhà nước trong phát triển KTTN ở Việt Nam” với mục tiêu chính là đề xuất hệ thống giải pháp đổi mới toàn diện quản lý nhà nước thúc đẩy khu vực KTTN phát triển trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN.

THỰC TRẠNG PHÁT TRIỂN

Kết quả đạt được

Với những thay đổi, điều chỉnh chủ trương, chính sách kịp thời của Đảng và Nhà nước, thời gian qua, khu vực KTTN đã phát triển mạnh, với những điểm nhấn chính sau:

Một là, KTTN phát triển mạnh cả về số lượng và quy mô. Theo Sách trắng DN năm 2022, các chỉ số phản ánh quy mô của DN tư nhân bình quân giai đoạn 2016-2020 đều tăng mạnh so với giai đoạn 2011-2015, như: số lượng DN hoạt động tăng 160,7%; số lao động tăng 125,2%; nguồn vốn tăng 235,5%; tài sản cố định và đầu tư dài hạn tăng 254,0%... (Bảng 1).

Bảng 1: Tăng trưởng quy mô DN trong giai đoạn 2016-2020 so với giai đoạn 2011-2015

Mức tăng trưởng (%)

Mức tăng trưởng (%)

Số DN hoạt động

160,3

Lao động

125,8

Doanh nghiệp nhà nước (DNNN)

73,8

DNNN

76,6

DN tư nhân

160,7

DN tư nhân

125,2

DN FDI

172,0

DN FDI

150,8

Nguồn vốn

204,1

Trang bị vốn/lao động

162,4

DN FDI

155,2

DNNN

209,3

DN tư nhân

235,5

DN tư nhân

186,4

DN FDI

205,5

DN FDI

134,4

Tài sản cố định và đầu tư dài hạn

186,7

Trang bị tài sản cố định/lao động

150,6

DNNN

115,1

DNNN

190,8

DN tư nhân

254,0

DN tư nhân

161,2

DN FDI

202,8

DN FDI

147,1

Doanh thu thuần

185,8

Lợi nhuận trước thuế

188,9

DNNN

115,1

DNNN

115,2

DN tư nhân

201,3

DN tư nhân

272,9

DN FDI

218,6

DN FDI

211,6

Nguồn: Sách trắng DN năm 2022

KTTN đã phát triển bao phủ rộng hầu hết các ngành, lĩnh vực, địa bàn. Đã xuất hiện những DN tư nhân lớn. Theo Bảng xếp hạng VNR500 - Top 500 Doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam năm 2022 của Công ty Cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) phối hợp cùng Báo VietnamNet công bố vào ngày 15/11/2022, trong số 100 tập đoàn, công ty lớn nhất Việt Nam năm 2022, thì có đến 44 DN tư nhân; trong Top 10 có sự xuất hiện của Tập đoàn Hòa Phát, Tập đoàn Vingroup và Công ty cổ phần Đầu tư Thế giới di động. Những DN này đã duy trì thứ hạng trong Top 10 đã nhiều năm. DN tư nhân cũng đang dần chiếm vị thế áp đảo trong danh sách DN đạt vốn hóa tỷ USD trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Ngày 30/6/2021, HoSE ghi nhận 4 DN có mức vốn hóa trên 10 tỷ USD, trong đó có 3 cái tên từ khu vực KTTN, đó là Tập đoàn Vingroup, Công ty Vinhomes và Tập đoàn Hòa Phát.

Nhiều tập đoàn tư nhân lớn đã triển khai thực hiện đầu tư theo chiều sâu, tiến hành mở rộng thị trường ra khu vực và thế giới, nâng cao năng lực cạnh tranh, khả năng cung ứng sản phẩm, dịch vụ và từng bước khẳng định được thương hiệu trên thị trường quốc tế, như: Vingroup, Vietjet, Trường Hải, Massan, TH, Lộc Trời… Đã có 6 DN khu vực tư nhân lọt vào nhóm 200 công ty niêm yết có hoạt động hàng đầu khu vực Châu Á với doanh thu từ 1 tỷ USD trở lên.

Bên cạnh đó, sự phát triển của KTTN đã làm xuất hiện một đội ngũ doanh nhân tài năng đáp ứng được những yêu cầu, đòi hỏi của cơ chế thị trường và hội nhập quốc tế. Tại thời điểm ngày 26/12/2022, Việt Nam có 6 tỷ phú góp mặt trong danh sách tỷ phú thế giới của Tạp chí Forbes (giảm 1 so với thời điểm ngày 11/3/2022).

Hai là, KTTN đã có những đóng góp quan trọng trong quá trình xây dựng đất nước, phát triển kinh tế - xã hội theo định hướng XHCN. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2022), qua hơn 35 năm Đổi mới, KTTN liên tục duy trì tốc độ tăng trưởng khá, chiếm tỷ trọng 39%-40% GDP, thu hút khoảng 85% lực lượng lao động của nền kinh tế, góp phần quan trọng trong huy động các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, tăng trưởng kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng thu ngân sách, tạo việc làm, cải thiện đời sống nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội... KTTN, đặc biệt lực lượng DN tư nhân đã góp phần thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, làm thay đổi “diện mạo” đất nước, tạo dấu ấn, nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.

Một số khó khăn, hạn chế

Bên cạnh những kết quả đạt được, sự phát triển của khu vực KTTN vẫn còn những khó khăn, hạn chế như sau:

Thứ nhất, năng suất và tốc độ tăng năng suất của khu vực KTTN còn thấp và có nhiều hạn chế. Theo số liệu thống kê, năng suất lao động bình quân của khu vực DN tư nhân chỉ bằng khoảng 34% năng suất lao động của khu vực DNNN và khoảng 69% năng suất lao động của DN có vốn đầu tư nước ngoài. Năng suất thấp của DN tư nhân có liên quan tới thực trạng là phần lớn các DN khu vực này ở quy mô siêu nhỏ và nhỏ (chiếm trên 97% tổng số DN) và có xu hướng “li ti hóa”, quá nhỏ bé (Huy Thắng, 2022).

Thứ hai, phát triển KTTN thời gian qua tăng mạnh số lượng, nhưng chủ yếu có quy mô nhỏ, siêu nhỏ. Theo Niên giám Thống kê về quy mô vốn và lao động giai đoạn 2010-2020, gần 73% DN tư nhân có quy mô dưới 10 tỷ đồng (Bảng 2) và gần 81% DN tư nhân có dưới 10 lao động (Bảng 3).

Bảng 2: Quy mô vốn của các doanh nghiệp tư nhân tại Việt Nam giai đoạn 2010-2020

Năm

2010

2015

2016

2017

2018

2019

2020

Tổng vốn doanh nghiệp tư nhân (nghìn tỷ đồng)

323,9

402

296.4

556,2

293,7

329,7

211,42

Tổng vốn của toàn bộ doanh nghiệp (nghìn tỷ đồng)

10.841

22.144

26.049,7

30.682,7

36.712,9

40.971,5

46.253

Vốn bình quân của 1 doanh nghiệp tư nhân (tỷ đồng)

6,75

8,42

6,12

12,23

6,98

8,18

6,47

Vốn bình quân của 1 doanh nghiệp tại Việt Nam (tỷ đồng)

38,81

50,05

51,58

54,75

60,12

61,29

67,60

So sánh (%)

17,39

16,83

11,87

22,33

11,61

13,35

9,57

Nguồn: Tổng cục Thống kê

Bảng 3: Quy mô lao động của các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam giai đoạn 2010-2020

Đơn vị: 1.000 lao động

Năm

2010

2015

2016

2017

2018

2019

2020

Doanh nghiệp tư nhân

631

470,2

472,5

393,5

323.4

301,8

191,31

Tổng số doanh nghiệp

9.741,8

12.856,9

14.012,3

14.518,3

14.817,8

15.151,6

14.702,55

Tỷ trọng (%)

3,66

3,66

3,37

2,71

2,18

1,99

1,30

Lao động bình quân /1 doanh nghiệp tư nhân (lao động)

9,79

9,85

9,76

8,65

7,69

7,49

5,85

Lao động bình quân 1 doanh nghiệp của Việt Nam (lao động)

46,2

29,06

27,74

25,91

24,27

22,66

21,49

Nguồn: Tổng cục Thống kê

Thứ ba, đóng góp của KTTN chưa tương xứng với số lượng, quy mô và chưa phản ánh đúng tiềm năng. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2021), đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của KTTN hầu như không thay đổi trong thời gian dài, chủ yếu từ nhóm phi chính thức (hộ kinh doanh cá thể đóng góp tới 30% GDP, còn nhóm KTTN chính thức chỉ đóng góp chưa đến 10% GDP); trong khi đó, trong cùng giai đoạn 2011-2020, tỷ trọng của khu vực FDI trong GDP đã tăng gần 5%, từ 15,39% GDP lên 20% GDP. Với số lượng DN tư nhân chiếm gần 97% số lượng DN cả nước, nhưng chỉ đóng góp 31,2% lợi nhuận trước thuế của toàn bộ DN và đóng góp chưa đến 10% GDP. Tỷ trọng thu từ DN tư nhân trong thu nội địa thấp, chưa đến 20%. Trong khi đó, đóng góp vào ngân sách nhà nước của hộ kinh doanh không đáng kể, chưa đến 2%.

Thứ tư, năng lực khoa học và công nghệ của các DN còn hạn chế, có nơi còn lạc hậu; DN chưa mạnh dạn đầu tư cho ứng dụng và phát triển khoa học và công nghệ, nhất là công nghệ lõi, công nghệ tiên phong. Hiện tại, chỉ có 10% số DN đã từng đăng ký, hoặc đăng ký thành công 1 bằng sáng chế trong vòng 3 năm liên tiếp; đầu tư của DN cho đổi mới công nghệ chỉ chiếm khoảng 0,3% doanh thu, thấp hơn nhiều so với các nước, như: Ấn Độ (5%), Hàn Quốc (10%)… (Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 2022).

Thứ năm, các DN Việt Nam chưa chú trọng cải thiện khả năng liên kết giữa các DN trong nước với nhau, cũng như chưa nâng cao năng lực cạnh tranh để tham gia chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu. Hiện chỉ có khoảng 21% DNNVV (DNNVV) tham gia được một phần chuỗi giá trị toàn cầu, 14% thành công trong việc liên kết với đối tác nước ngoài, trong khi số DN FDI đầu tư tại Việt Nam rất nhiều (Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 2022).

MỘT SỐ GIẢI PHÁP

Về phía Nhà nước

- Tiếp tục tạo lập môi trường bảo đảm sự cạnh tranh thật sự bình đẳng, lành mạnh, để KTTN phát huy được vai trò của mình, chấm dứt tình trạng DN “thân hữu” có quá nhiều ưu đãi.

- Về các giải pháp hỗ trợ, cũng cần có tính toán thay đổi cách thức. Theo đó, cần tập trung hỗ trợ các DN khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, có sự chuyển giao công nghệ tiên tiến, để các DN không cảm thấy “cô đơn”, nhưng cũng cân nhắc hạn chế hỗ trợ dàn trải, cho số đông những DN chỉ có các sản phẩm thông thường, không mang lại nhiều lợi ích, giá trị gia tăng mới cho cộng đồng… Cần tạo chuỗi cung ứng mới, tạo ra nhiều giá trị gia tăng, đồng thời gia tăng niềm tin với các DN.

- Cần xác định đúng vai trò của Nhà nước trong nền kinh tế thị trường, thúc đẩy tham gia DN trong đầu tư, cung cấp dịch vụ hành chính công, giảm can thiệp hành chính sâu vào quản trị nội bộ DN. Về phân bổ nguồn lực, cần tập trung nâng cao chất lượng, hỗ trợ DN trên nguyên tắc thị trường, cạnh tranh, bình đẳng, thúc đẩy hình thành chuỗi giá trị, liên kết.

- Cần thực hiện đúng, đầy đủ, chất lượng, hiệu quả vai trò của Nhà nước trong định hướng, quy hoạch và điều tiết kinh tế.

- Đổi mới chính sách, pháp luật nhằm tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi thúc đẩy KTTN phát triển, nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh, đổi mới sáng tạo.

- Thực hiện phân bổ nguồn lực phát triển hiệu quả, đảm bảo cho KTTN được tiếp cận bình đẳng đến các nguồn lực phát triển.

- Nâng cao chất lượng quản lý thị trường, hiệu quả hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát, chuyển từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm”.

- Nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi chính sách, pháp luật.

Về phía khu vực KTTN

Để phát triển, tự thân khu vực KTTN cũng phải tích cực, chủ động tiến hành các điều chỉnh để thích ứng được với xu thế phát triển, bối cảnh mới, nhất là Cách mạng công nghiệp 4.0, những bất định mang tính toàn cầu (ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, những xung đột thương mại, quân sự, biến đổi khí hậu), hội nhập quốc tế sâu rộng với các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. KTTN, nhất là các DN tư nhân cần chú trọng đẩy mạnh đầu tư đổi mới, nâng cao trình độ công nghệ, trình độ quản lý, năng lực quản trị, chất lượng nguồn nhân lực để nâng cao năng suất, hiệu quả kinh doanh, năng lực cạnh tranh… và kết nối được với chuỗi sản xuất, chuỗi giá trị của các DN, tập đoàn lớn. Theo đó, từng DN phải đưa ra kế hoạch, chiến lược rõ ràng để có những bước đi phù hợp cho cả giai đoạn trước mắt cũng như lâu dài. Các DN phải tuân thủ pháp luật, luôn đề cao thương hiệu, uy tín của DN trước Nhà nước, cộng đồng, khách hàng, cổ đông và người lao động./.

Lê Văn Thơi - Trường Đại học Thủy lợi

(Theo Tạp chí Kinh tế và Dự báo, số 26, tháng 9/2023)


Tài liệu tham khảo

1. Ban Chấp hành Trung ương Đảng (2021), Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII.

2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2022), Tài liệu Hội thảo “Đổi mới toàn diện quản lý nhà nước trong phát triển KTTN ở Việt Nam, ngày 12/3/2022.

3. Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2021), Báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết số 98/NQ-CP ngày 3/10/2017 ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 10- NQ/TW ngày 3/6/2017 của Hội nghị Trung ương 5 (khóa XII) về phát triển KTTN trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN (Dự thảo ngày 17/12/2021).

4. Công ty Cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) (2022), Bảng xếp hạng VNR500 - Top 500 Doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam năm 2022, ngày 15/11/2022.

5. Huy Thắng (2022), Phát triển KTTN ở Việt Nam: Cần đổi mới toàn diện cách làm, truy cập từ https://baochinhphu.vn/phat-trien-kinh-te-tu-nhan-o-viet-nam-can-doi-moi-toan-dien-cach-lam-102289033.htm

6. Nguyễn Thị Luyến (2022), Nâng cao năng lực của khu vực KTTN Việt Nam trong giai đoạn tới, Tạp chí Kinh tế và Dự báo, số 1 tháng 01/2022.

7. Phương Anh (2022), Tìm giải pháp đổi mới thể chế thúc đẩy khu vực KTTN, truy cập từ https://kinhtevadubao.vn/tim-giai-phap-doi-moi-the-che-thuc-day-khu-vuc-kinh-te-tu-nhan-11148.html.

8. Quốc hội (2020), Luật Doanh nghiệp, số 59/2020/QH14, ngày 17/6/2020.

9. Tổng cục Thống kê (2012-2021), Niên giám Thống kê các năm, từ năm 2011 đến năm 2020, Nxb Tổng cục Thống kê.


[1] https://main.ipsc.vn/