Lạm phát cao kỷ lục đang và sẽ diễn ra tại nhiều nền kinh tế
Lạm phát cao kỷ lục tại nhiều nền kinh tế
Nguồn tin từ TTXVN tại Ottawa cho biết, trong tháng 8/2021, tỷ lệ lạm phát của Canada tăng với tốc độ mạnh nhất kể từ năm 2003. Cụ thể, Cơ quan Thống kê Canada cho biết, trong tháng 8/2021, chỉ số giá tiêu dùng tăng 4,1% so với một năm trước đó, so với mức tăng 3,7% trong tháng 7/2021.
Canada, Đức, Anh đang ghi nhận mức lạm phát cao kỷ lục như một hệ lụy từ đại dịch Covid-19 |
Như vậy, trong 5 tháng liên tiếp, tỷ lệ lạm phát/năm đã vượt quá mục tiêu mà Ngân hàng Trung ương Canada đặt ra là lạm phát dao động trong khoảng từ 1-3%. Báo cáo của trên được công bố chỉ 5 ngày trước cuộc bầu cử liên bang, với một trong những chủ đề chính của chiến dịch tranh cử là khả năng chi trả của người dân. Các chính đảng của Canada đều đưa ra các ý tưởng để tiết giảm một loạt chi phí sinh hoạt.
Đáng chú ý, trong tháng 8/2021, chi phí vận chuyển tăng tới 8,7%. Nếu không tính giá xăng dầu, lạm phát đã tăng 3,2% trong tháng 8/2021. Cơ quan Thống kê Canada lưu ý rằng lạm phát cao hơn một phần là do giá cả được so sánh với một năm trước, thời điểm giá cả giảm do hậu quả của đại dịch COVID-19.
Tình trạng này thể hiện rõ nét trong lĩnh vực du lịch - lữ hành, ngành đang thu hút nhiều chi tiêu của người tiêu dùng hơn trong mùa Hè này. Giá vé máy bay đã tăng 34% so với một năm trước, trong khi giá lưu trú khách sạn tăng 20%. Đặc biệt, thị trường nhà đất tăng nhiệt cũng đóng vai trò quan trọng trong việc đẩy lạm phát đi lên.
Ngân hàng Trung ương Canada nhận định rằng, lạm phát cao sẽ chỉ là tạm thời, một phần do sự gián đoạn đối với chuỗi cung ứng toàn cầu. Ngoài ra, hàng hóa dồn ứ khi giao thương tắc nghẽn trong đại dịch đã làm tăng chi phí vận chuyển. Điều này đã gây áp lực lên biên lợi nhuận và nhiều công ty chọn giải pháp chuyển chi phí sang người tiêu dùng.
Thống đốc Ngân hàng Trung ương Canada Tiff Macklem cho rằng, những yếu tố thúc đẩy lạm phát này sẽ chỉ là tạm thời, nhưng mức độ tồn tại và độ lớn của chúng là không chắc chắn và ngân hàng sẽ theo dõi chặt chẽ.
Nước Đức cũng ghi nhận lạm phát tháng 8/2021 cao nhất trong 28 năm, khi giá cả trung bình tăng 3,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo nguồn tin của Thông tấn xã, giá xăng dầu và thực phẩm tại đây đều tăng mạnh.
Đây là mức lạm phát cao nhất kể từ tháng 12/1993, thời điểm tỷ lệ lạm phát lên tới 4,3%. Trong tháng 7 trước đó, tỷ lệ lạm phát đã lên mức 3,8% và tháng 6 là 2,3%. Năng lượng là hàng hoá có giá cả tăng cao nhất, với mức tăng 12,6% so với tháng 8/2020, trong đó giá dầu sưởi tăng 57,3%, nhiên liệu tăng 26,7%.
Giá khí đốt tự nhiên tăng 4,9% và điện tăng 1,7%, trong khi giá thực phẩm cũng tăng 4,6% với rau tăng 9%, các sản phẩm từ sữa và trứng tăng 5%. Các loại hàng hoá tiêu dùng cũng tăng giá đáng kể, như xe cộ tăng 5,5%, đồ gỗ và đèn tăng 4%.
Một trong những nguyên nhân chính khiến giá cả tăng cao là hiệu ứng cơ bản khi khung thuế giá trị gia tăng vốn giảm trong 6 tháng cuối năm 2020 được áp đặt trở lại, bên cạnh đó là việc thuế khí thải CO2 cũng bắt đầu áp dụng từ đầu năm nay.
Trong năm ngoái, để giảm thiểu hậu quả của đại dịch COVID-19, Chính phủ liên bang Đức đã quyết định giảm thuế giá trị gia tăng nửa cuối năm với hai mức tương ứng từ 19% xuống còn 16% và từ 7% xuống 5%. Chính điều này đã khiến nhiều hàng hoá và dịch vụ rẻ hơn.
Tuy nhiên khi chính sách này không còn được áp dụng, hiệu ứng đã được thấy rõ khi giá cả tất cả các loại hàng hoá và dịch vụ gia tăng mạnh.
Tại Anh, Thống đốc Ngân hàng trung ương (BoE) Andrew Bailey cảnh báo lạm phát tại nước này sẽ tăng vọt trong năm nay do dịch COVID-19 kéo dài, trong khi sự phục hồi kinh tế đang đi ngang. Tháng trước, BoE dự báo tỷ lệ lạm phát hàng năm sẽ tăng lên 4%, cao gấp hai lần mục tiêu đề ra.
Thống đốc Ngân hàng trung ương (BoE) Andrew Bailey cảnh báo lạm phát tại nước này sẽ tăng vọt trong năm nay do dịch COVID-19 kéo dài |
Ông Bailey nói rằng hiện không có sự tái cân bằng nhu cầu giữa hàng hóa trong bối cảnh tình hình dịch bệnh dai dẳng. Tình trạng này diễn ra lâu hơn dự kiến. Thêm vào đó, sự phục hồi của nền kinh tế Anh đang chững lại do hậu quả của đại dịch và sự ách tắc trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Kinh tế Anh đã phục hồi với mức tăng 4,8% trong quý II/2021, khi Chính phủ bắt đầu nới lỏng các biện pháp phong tỏa. Số liệu của tháng 7/2021 sẽ được công bố vào ngày 10/9. Ông Bailey cho hay hiện đang có hai vấn đề đang diễn ra trên thế giới đó là nhu cầu gia tăng, nhất là đối với hàng hóa và điều này dẫn đến sức ép giá hàng hóa tăng. Điều thứ hai là sự mất cân bằng giữa hàng hóa và dịch vụ. Nhu cầu về hàng hóa đã lớn hơn so với dịch vụ trong suốt một năm qua.
Điều này đã ảnh hưởng đến thương mại thế giới và gây ra tình trạng tắc nghẽn nguồn cung trên toàn thế giới, đặc biệt là ở các quốc gia châu Á đang gặp khó khăn với biến thể Delta. Tuy nhiên, BoE vẫn dự báo lạm phát sẽ quay trở lại mục tiêu trong vòng 2-3 năm tới.
Tại Mỹ, nguồn tin của TTX ghi nhận, hệ thống đồng tiền giấy USD của Mỹ hiện phụ thuộc hơn bao giờ hết vào việc Cục Dự trữ liên bang (Fed) cung cấp đủ dòng tiền cơ sở cho các ngân hàng thương mại. Do mức nợ quá cao trong hệ thống, Fed phải cố gắng hết sức để giữ lãi suất thị trường ở mức thấp.
Tuy nhiên, có những quan điểm lo ngại rằng, nếu mọi người bắt đầu mất niềm tin vào sự sẵn sàng của Fed và khả năng giữ cho lạm phát hàng hóa ở mức thấp thì thật khó để tránh được kịch bản đồng USD giảm giá và kinh tế suy thoái. Có khả năng cao là tình trạng lạm phát sẽ xảy ra trước, sau đó là một đợt sụt giảm sâu về tăng trưởng.
Lạm phát tại Việt Nam thì sao?
TS. Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng, Tổng cục Thống kê cho rằng, Việt Nam cần phải chuẩn bị cho tình trạng lạm phát sẽ tăng mạnh vào năm 2022 do nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, đồng thời đang thực thi nhiều hiệp định thương mại tự do với các nền kinh tế hàng đầu thế giới, nên chịu tác động rất mạnh từ những biến động của kinh tế khu vực và thế giới.
Kinh tế Việt Nam có đặc điểm khi giá nguyên vật liệu tăng 1% thì giá sản phẩm đầu ra tăng 2,06%, đồng nghĩa với gia tăng lạm phát của nền kinh tế |
Nền kinh tế nước ta, đặc biệt ngành công nghiệp chế biến chế tạo, phụ thuộc quá nhiều vào nguyên vật liệu nhập khẩu, nên biến động giá nguyên vật liệu thế giới có tác động rất mạnh tới giá thành sản phẩm sản xuất trong nước và lạm phát của nền kinh tế Việt Nam. |
Theo TS. Nguyễn Bích Lâm, năm 2021 và năm 2022 kinh tế thế giới được dự báo sẽ có sự phục hồi mạnh mẽ, khiến nhu cầu sản xuất và tiêu dùng tăng cao đột biến, trong khi nguồn cung chưa đáp ứng kịp thời tổng cầu dẫn đến giá các mặt hàng gia tăng. Theo IMF, tháng 6/2021 là tháng thứ 9 liên tiếp chỉ số giá hàng hóa thế giới tăng so với tháng trước. Hàng hóa thế giới 6 tháng đầu năm 2021 đã tăng 47,82% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó nhóm thực phẩm và đồ uống tăng 26,26%; nhóm nguyên vật liệu đầu vào của ngành công nghiệp tăng 56,44%; nhóm nhiên liệu tăng 81,72%; chi phí logistics và vận chuyển quốc tế đều tăng cao, đặc biệt vận tải biển tăng đến 500% so với trước đại dịch.
Sản xuất của nền kinh tế nước ta phụ thuộc nhiều vào nguyên, nhiên vật liệu nhập khẩu. Trong tổng chi phí sản xuất của toàn bộ nền kinh tế, chi phí nguyên vật liệu nhập khẩu chiếm tới 37%. Riêng ngành công nghiệp chế biến chế tạo - ngành có vai trò là động lực tăng trưởng chủ yếu của nền kinh tế - tỷ lệ này chiếm 50,98%. Điều này cho thấy, nền kinh tế nước ta nói chung, đặc biệt ngành công nghiệp chế biến chế tạo nói riêng, phụ thuộc quá nhiều vào nguyên vật liệu nhập khẩu, đồng nghĩa với việc biến động giá nguyên vật liệu thế giới có tác động rất mạnh tới giá thành sản phẩm sản xuất trong nước và lạm phát của nền kinh tế Việt Nam.
Các số liệu thống kê cho biết, 7 tháng đầu năm 2021, so với cùng kỳ năm 2020 chỉ số giá nhập khẩu các nhóm nguyên, nhiên vật liệu của nền kinh tế Việt Nam đều tăng cao, cụ thể: chỉ số giá nhập khẩu nhóm thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu tăng 22,14%; nhóm rau quả tăng 2,56%; nhóm chất dẻo tăng 12,9%; nhóm xơ sợi dệt các loại tăng 10,78%… Giá nguyên, nhiên vật liệu nhập khẩu tăng, sẽ kéo theo giá các loại chi phí đầu vào sản xuất trong nước cũng tăng, tác động làm tăng giá thành sản phẩm hàng hóa, dịch vụ sản xuất trong nước, dẫn đến gia tăng lạm phát của nền kinh tế. Cần lưu ý rằng, kinh tế Việt Nam có đặc điểm khi giá nguyên vật liệu tăng 1% thì giá sản phẩm đầu ra tăng 2,06%, đồng nghĩa với gia tăng lạm phát của nền kinh tế.
Năm 2022 là năm thứ hai cả nước thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2025 trong bối cảnh năm đầu tiên của kỳ kế hoạch này đã chịu ảnh hưởng tiêu cực sâu sắc của đại dịch. TS. Nguyễn Bích Lâm cho rằng, Chính phủ cần lường trước khả năng năm 2022, nền kinh tế nước ta chịu áp lực lạm phát rất lớn, từ đó cần đặt mục tiêu lạm phát năm 2022 phù hợp trong nhiệm vụ ưu tiên phục hồi nhanh “sức khoẻ”, khả năng cạnh tranh của nền kinh tế để đạt được tốc độ tăng trưởng cao./.
Bình luận