Làm thế nào để quy mô thương mại Việt Nam – Lào đạt mốc 2 tỷ USD?
Tại Chương trình, ông Đỗ Quốc Hưng – Phó Vụ trưởng Vụ thị trường châu Á – châu Phi, Bộ Công Thương nhận định, Lào hiện nay là đối tác thương mại đứng thứ 7 của Việt Nam trong khối ASEAN (kim ngạch xuất nhập khẩu chỉ cao hơn kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Myamar; Việt Nam và Brunei). Quy mô thương mại hàng hóa giữa Việt Nam và Lào không ngừng được mở rộng trong các năm qua.
Ông Đỗ Quốc Hưng – Phó Vụ trưởng Vụ thị trường châu Á – châu Phi, Bộ Công Thương |
Bất chấp đại dịch, năm 2021, kim ngạch thương mại Việt Nam – Lào vẫn đạt 1,37 tỷ USD
Từ năm 2016 tới năm 2021, kim ngạch thương mại Việt Nam – Lào tăng từ 823,4 triệu USD lên 1,37 tỷ USD, đạt tốc độ tăng trưởng trung bình trên 10%/năm. Riêng năm 2021, kim ngạch song phương đạt 1,37 tỷ USD, tăng 33,3% so với năm 2020 bất chấp những khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra. Trong 7 tháng đầu năm 2022, kim ngạch thương mại song phương Việt Nam – Lào đạt xấp xỉ 949 triệu USD, tăng 24,2% so với cùng kỳ năm 2021.
"Với tốc độ tăng trưởng này, quy mô thương mại giữa hai nước sẽ sớm đạt 2 tỷ USD trong thời gian tới", ông Hưng dự báo.
Trước đây, hàng hóa trao đổi giữa hai nước chủ yếu là mặt hàng khai thác từ tài nguyên thiên nhiên như gỗ, khoáng sản. Hiện nay, cơ cấu hàng hóa đã bổ sung thêm các mặt hàng sản xuất như các mặt hàng tiêu dùng, nông sản, sắt thép, các loại máy móc thiết bị phục vụ xây dựng, nông nghiệp.
Cụ thể, theo ông Hưng, cơ cấu hiện nay như sau: Mặt hàng chế biến, chế tạo chiếm 37%; vật liệu xây dựng chiếm 21,7%; nhiên liệu khoáng sản chiếm 10,9%; nông thủy sản chiếm 7,15%.
Trong các năm qua, Bộ Công Thương đã tích cực phối hợp với các Bộ ngành đối tác phía Lào, đàm phán, ký kết các Hiệp định, Thỏa thuận góp phần hoàn thiện cơ sở pháp lý cho hoạt động thương mại giữa hai nước. Hai bên đã hoàn tất việc đàm phán, ký kết Hiệp định Thương mại Việt Nam - Lào (năm 2015); Hiệp định Thương mại biên giới Việt Nam - Lào ký năm 2015.
Trong thời gian dịch bệnh Covid-19, các nước tạm ngưng các chuyến bay quốc tế, Bộ Công Thương Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương Lào xây dựng và liên tục cải tiến mô hình thông quan phòng dịch tại các cửa khẩu biên giới đường bộ giữa Việt Nam và Lào.
"Nhờ có vậy, trong giai đoạn dịch bệnh diễn ra, kim ngạch thương mại hai nước không chỉ không bị gián đoạn mà còn tăng trưởng ấn tượng. Năm 2021, kim ngạch thương mại Việt Nam – Lào đạt 1,37 tỷ USD, tăng 33,3% so với năm 2020", ông Hưng vui mừng cho biết.
Tham tán Kinh tế - Thương mại Lào tại Việt Nam, bà Sonechan PHOUTTHAVONG nhận định, dù giá trị kim ngạch thương mại hai nước trong nhiều năm nay tăng liên tục, nhưng để đạt đến con số 2 tỷ USD khá là cao. |
Khi nào kim ngạch thương mại Việt Nam – Lào 2 tỷ USD?
Câu hỏi đặt ra trong Chương trình giao lưu đó là, khi nào Việt Nam - Lào đạt mốc kim ngạch 2 tỷ USD. Trả lời câu hỏi này, Tham tán Kinh tế - Thương mại Lào tại Việt Nam, bà Sonechan PHOUTTHAVONG nhận định, dù giá trị kim ngạch thương mại hai nước trong nhiều năm nay tăng liên tục, nhưng để đạt đến con số 2 tỷ USD khá là cao.
"Trong thời gian tới cũng sẽ rất khó các cơ quan của 2 nước để thúc đẩy kim ngạch thương mại lên con số 2 tỷ USD này sớm", bà Tham tán nêu quan điểm.
Bà Sonechan PHOUTTHAVONG mong doanh nghiệp Việt Nam có thế mạnh và kinh nghiệm quản lý nhân sự tích cực đầu tư vào lào để con số kim ngạch thương mại 2 tỷ USD sẽ được thực hiện trong các năm tới.
Về phía Bộ Công Thương Việt Nam, ông Đỗ Quốc Hưng cũng nhận định, con số 2 tỷ USD là con số tương đối cao.
"Khi nhắc tới 2 tỷ USD thì cần nói rõ hơn rằng các văn bản cam kết chính thức của chính phủ hai bên chưa bao giờ đạt 2 tỷ USD mà chỉ có các cam kết cùng phấn đấu kim ngạch thương mại song phương tăng trưởng 10%", ông Hưng nói.
Hiện nay, kim ngạch thương mại song phương Việt Nam - Lào đang ở ngưỡng 1,37 tỷ USD. Theo ông Hưng, nếu tăng trưởng ít nhất 10% mỗi năm thì kim ngạch thương mại hai nước có thể đạt 2 tỷ USD vào năm 2025.
"Tuy nhiên do kim ngạch tăng nhanh thời gian gần đây nên có khả năng cao Việt Nam và Lào có thể đạt kim ngạch thương mại 2 tỷ USD trước năm 2025. Nếu doanh nghiệp Việt Nam tận dụng được lợi thế, hai nước hoàn toàn có thể sớm đạt được mục tiêu này", ông Hưng cho hay.
Về mặt hàng xuất khẩu, các sản phẩm chế biến chế tạo, vật liệu xây dựng, sắt thép, xi măng, và hải sản có tiềm năng tốt do Lào không giáp biển. Các mặt hàng thực phẩm chế biến cũng có thị trường tiềm năng tại Lào. "Vấn đề ở đây là các doanh nghiệp Việt Nam cần đầu tư kiên trì xây dựng thương hiệu và phân phối để cạnh tranh với hàng hóa của các nước khác", ông Hưng lưu ý.
Về nhập khẩu, đại diện Bộ Công Thương cho hay, gỗ là nguyên liệu Việt Nam cần để chế biến xuất khẩu, thứ hai là khoáng sản. Trong bối cảnh xung đột, nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng và các nguyên liệu như than đá và kim loại quý là tương đối cao, Bộ trưởng Công Thương Việt Nam hồi tháng 4/2022 đã đi Lào để tìm nguồn cung nguyên liệu mới cho công nghiệp. Xuất khẩu than đá từ Lào sang Việt Nam cũng đang được triển khai. Phân bón Việt Nam nhập khẩu từ Lào cũng rất nhiều. Đây là các mặt hàng tiềm năng Việt Nam có thể khai thác.
Năng lượng là lĩnh vực hợp tác trọng điểm giữa Việt Nam và Lào. Theo ông Hưng, lĩnh vực này đã được phê duyệt và ủng hộ bởi chính phủ hai nước. Hai nước đã ký biên bản ghi nhớ vào năm 2016 nhằm kết nối dự án điện. Dư địa hiện vẫn còn và thêm vào đó phù hợp với tiềm năng cũng như thế mạnh của đôi bên.
"Lĩnh vực này sẽ còn phát triển trong tương lai, đóng góp cho quá trình phát triển kinh tế xã hội cho Lào và cả Việt Nam. Do đây là lĩnh vực đặc thù, các nhà đầu tư cần liên hệ Bộ Công thương, ĐSQ Việt Nam tại Lào và các cơ quan liên quan một cách khẩn trương", ông Hưng phát biểu tại buổi giao lưu.
Cũng về lĩnh vực năng lượng, bà Sonechan PHOUTTHAVONG cho biết, điện là sản phẩm đặc thù của Lào, hiện nay hai nước đang tập trung rất nhiều nguồn lực vào việc hợp tác sản xuất điện. Chính phủ hai nước có chính sách lâu dài cho sản phẩm đặc thù này.
"Lào xác định Việt Nam là thị trường xuất khẩu điện chính với con số 2.500 MW cho đến hiện nay. Đến 2050 sẽ còn tăng vì hai nước thỏa thuận mua bán 8.000 MW điện. Vì vậy, có rất nhiều cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào ngành điện để thúc đẩy kết nối theo thỏa thuận hai nước", bà tham tán phá biể.
Nâng tầm thương mại thế nào?
Bà Sonechan PHOUTTHAVONG chỉ rõ, để nâng tầm hợp tác, đầu tiên phải giải quyết vấn đề về hạ tầng giao thông, tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư, giao thương du lịch giữa hai nước. Tiếp theo là về vấn đề đào tạo nhân lực. Hiện nay, Việt Nam đã đầu tư rất nhiều vào đào tạo nhân lực cho Lào vì nhân lực Lào tuy rẻ nhưng chất lượng chưa cao.
“Vì vậy, Lào rất mong Việt Nam đẩy mạnh đầu tư đào tạo nhân lực Lào nhiều hơn nữa”, bà tham tán mong mỏi.
Bà cũng mong doanh nghiệp Việt Nam có thể đầu tư vào trường dạy nghề, trung tâm dạy nghề để nâng cao kỹ năng cho lao động tại chỗ ở Lào.
“Lào rất hoan nghênh các doanh có kinh nghiệm ở mảng này có thể cùng Chính phủ Việt Nam đầu tư mạnh hơn vào Lào”, bà Sonechan PHOUTTHAVONG nêu rõ.
Đồng tình với bà Tham tán, ông Đỗ Quốc Hưng cho rằng, để nâng tầm quan hệ thương mại đầu tư Việt Nam - Lào, về mặt Chính phủ hai nước cần giải quyết điểm nghẽn về giao thông.
“Do đường đi đến đâu kinh tế phát triển đến đó, nên chúng ta cần thực hiện thật nhanh dự án cao tốc Hà Nội – Viantiane”, ông Hưng đề xuất.
Vấn đề thứ hai, theo ông Hưng, là phải giải quyết khó khăn trong thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu và đơn giản hóa thủ tục.
Thứ ba, ông Hưng cũng đồng quan điểm với bà tham tá, đó là phải giải quyết được vấn đề về nguồn nhân lực.
“Đầu tiên chính phủ Lào cần nới rộng tỷ lệ lao động nước ngoài trong các dự án nước ngoài lên cao hơn 10%. Chính phủ Lào cũng cần chú trọng đào tạo nguồn nhân lực, đồng thời các doanh nghiệp Việt Nam cũng nên chú trọng vấn đề này”, ông Hưng đưa ra giải pháp.
Về mặt doanh nghiệp, theo ông Hưng, thị trường Lào nhiều tiềm năng, nhưng không dễ dàng do các thách thức trên về cạnh tranh, quy mô thị trường và chi phí giao thông.
“Vì thế, các doanh nghiệp cần kiên trì, có chiến lược và có quyết tâm cũng như tầm nhìn. Đặc biệt, các doanh nghiệp Việt Nam cần đầu tư xây dựng thương hiệu Việt Nam tại Lào và hệ thống phân phối”, ông Hưng nêu cách thức giải quyết.
Ở góc độ đã tìm hiểu rõ thị trường Lào, ông Nguyễn Duy Trung - Chủ tịch Tổng hội người Việt Nam tại Lào cho rằng, có vấn đề cạnh tranh khi thương mại song phương giữa 2 nước khó tăng.
“Tôi nhận thấy, mặt hàng của Thái Lan có lợi thế hơn khi những trung tâm phân phối của họ rất gần biên giới Lào, giúp tiết kiệm thời gian và chi phí. Đây cũng là gợi ý cho Việt Nam. Nếu Việt Nam có con đường nối sang Lào thông thoáng hơn có lẽ sẽ cải thiện khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam trên thị trường Lào”, ông Trung nói.
Đặt vấn đề về việc làm thế nào để đưa nhiều hơn các sản phẩm sang tiêu thụ tại thị trường Lào, ông Trung cho rằng, doanh nghiệp hai phía đều chưa tiến tới sự tiệm cận triệt để các cơ hội dành cho mình.
Theo ông Trung, sản phẩm của Việt Nam không phải không chất lượng, nhưng lại thiếu sự tập trung, lôi cuốn người tiêu dùng Lào.
Ở Lào có những khu đô thị rất rộng có nhiều siêu thị xung quanh. Trước thời gian Covid-19, có Hàn Quốc, Trung Quốc, Việt Nam phân phối hàng hóa tại các khu vực đó, nhưng sau thời gian dịch bệnh tình hình đã phân tán nhiều.
“Vậy làm thế nào để doanh nghiệp Việt Nam đặt được khu phân phối tập trung tại các khu vực đó?”, ông Trung nêu vấn đề và đề xuất rằng, Tổng hội người Việt tại Lào sẽ tìm cách để hiện thực hóa việc này, góp một phần nhỏ bé vào việc nâng kim ngạch thương mại hai nước đi lên.
“Chúng tôi xin làm cầu nối và đồng hành với các doanh nghiệp Việt sang Lào đầu tư”, ông Trung phát biểu./.
Bình luận