Đại sứ Nhật Bản tại Liên hợp quốc cho biết, bản Nghị quyết số 2397 được thông qua với toàn bộ 15 phiếu ủng hộ và không có phiếu chống. Nhật Bản hiện là chủ tịch của Hội đồng Bảo an trong tháng 12.

Bản dự thảo nghị quyết lệnh cấm vận mới chống Triều Tiên được Mỹ trình lên Hội đồng Bảo an vào ngày 21/12 sau khi đàm phán với Trung Quốc, đồng minh và là nhà cung cấp dầu chính của Bình Nhưỡng.

Lệnh trừng phạt cấm tới gần 75% sản phẩm dầu tinh chế xuất khẩu tới Triều Tiên bằng cách đặt ra giới hạn 500 nghìn thùng mỗi năm. Các nguồn cung dầu thô cho Triều Tiên cũng bị giới hạn ở mức 4 triệu thùng mỗi năm. Đây được coi là lệnh trừng phạt nặng nề nhất cho tới nay với Triều Tiên.

Nghị quyết nêu rõ: "Nếu Bình Nhưỡng tiến hành thêm một vụ thử hạt nhân hay ICBM nào nữa, thì Hội đồng Bảo an sẽ hành động để hạn chế hơn nữa việc xuất khẩu dầu sang Triều Tiên".

Nghị quyết này cũng yêu cầu việc hồi hương người lao động Triều Tiên ở nước ngoài trước khi kết thúc năm 2019.

Hiện nay, có khoảng hơn 40.000 công nhân Triều Tiên đang làm việc tại Nga. Chủ yếu họ làm việc trong lĩnh vực xây dựng. Đại sứ Nga tại Liên hợp quốc Vasily Nebenzia cho rằng, yêu cầu giải quyết trong thời gian 24 tháng cho người lao động Triều Tiên hồi hương là thời gian có thể chấp nhận được để giải quyết các vấn đề hậu cần. Song Đại sứ Nga bày tỏ sự tiếc nuối, “Thật không may, lời kêu gọi của chúng tôi nhằm hạn chế leo thang căng thẳng và sửa đổi chính sách đe doạ lẫn nhau đã không được chú ý”.

Nikki Haley, đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc còn cho biết, theo Nghị quyết số 2397, các nước thành viên cũng bị cấm xuất khẩu thiết bị, máy móc, phương tiện vận tải và kim loại công nghiệp cho Bình Nhưỡng.

Các nước cũng được yêu cầu ngừng vận chuyển những nguồn cung phi pháp tới Triều Tiên bằng đường biển cũng như bị cấm mua bán than và hàng hóa trong danh sách cấm khác đối với Bình Nhưỡng bằng tuyến đường này.

Đây là lệnh trừng phạt thứ 3 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đối với Triều Tiên trong năm nay, diễn ra trong bối cảnh Washington và Bình Nhưỡng không tỏ dấu hiệu nào cho thấy họ sẵn sàng tiến hành đàm phán để chấm dứt khủng hoảng trên bán đảo Triều Tiên.

Tại buổi bỏ phiếu, Đại sứ Hàn Quốc tại Liên hợp quốc Cho Tae-yul hy vọng rằng, Triều Tiên sẽ "từ bỏ ý tưởng ảo tưởng theo đuổi an ninh" thông qua vũ khí hạt nhân. Còn Trung Quốc lại một lần nữa đề nghị Bắc Triều Tiên ngừng các cuộc thử tên lửa nhằm đổi lấy một thỏa thuận của Mỹ và Hàn Quốc về chấm dứt tất cả các cuộc tập trận quân sự quy mô lớn trong khu vực.

Cựu quan chức cấp cao Lầu Năm Góc, bà Kelly Magsamen nói, nghị quyết thể hiện sự đoàn kết của quốc tế với vấn đề Triều Tiên. Tuy vậy, bà Magsamen cảnh báo lệnh cấm vận dầu mỏ “sẽ tác động nặng nề đến kinh tế Triều Tiên”.

Tuy nhiên, liệu lệnh trừng phạt này có buộc Triều Tiên ngồi vào bán đàm phán hay không thì vẫn còn là dấu hỏi lớn. “Đến cuối cùng, cuộc đàm phán sẽ phải diễn ra hoặc sẽ xảy ra kịch bản Mỹ dùng vũ lực để kiềm chế Triều Tiên”, bà Magsamen nhận định./.