Lợi nhuận toàn thị trường lần đầu tăng trưởng dương

Báo cáo chiến lược thị trường của VNDIRECT tổng hợp lợi nhuận của 750 doanh nghiệp trên sàn cho thấy, con số này ước tính mức tăng 15,6% so với cùng kỳ và đặc biệt, đây là quý đầu tiên trong năm, lợi nhuận của khối doanh nghiệp trên sàn tăng trưởng dương. Tính cả năm 2020, tổng lợi nhuận và doanh thu của các doanh nghiệp trên sàn vẫn giảm, lần lượt giảm 5,3% và 5,4% so với năm 2019.

Các doanh nghiệp sản xuất thép ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng 240% so với cùng kỳ trong quý IV/2020 nhờ sản lượng xuất khẩu gia tăng và giá than cốc giảm 20%. Mặc dù giải ngân đầu tư công đã tăng tốc trong nửa sau 2020, các công ty xây dựng và vật liệu lớn lại ghi nhận kết quả lợi nhuận ròng trái chiều trong quý IV (VCS +19% so với cùng kỳ, BMP +17% so với cùng kỳ; HT1 -29% so với cùng kỳ, CTD -60% so với cùng kỳ), dẫn đến lợi nhuận ròng của nhóm ngành này giảm 1% .

Quý IV/2020, lần đầu tiên khối doanh nghiệp trên sàn tăng trưởng dương, kể từ khi đại dịch Covid xuất hiện

Khối công ty chứng khoán lãi lớn

Lợi nhuận ròng quý IV/2020 của các các công ty chứng khoán tăng 151% so với cùng kỳ khi thị trường tăng mạnh cả về chỉ số và thanh khoản. Chỉ số VN-Index tăng 21,8% trong quý IV/2020 trong khi thanh khoản trung bình tăng 81,8% so với quý trước và 131,6% so với cùng kỳ.

Khối doanh nghiệp bảo hiểm cũng có kết quả tốt do tốc độ tăng trưởng phí bảo hiểm chậm lại khiến chi phí trích lập dự phòng và chi phí hoạt động giảm. Lợi nhuận ròng quý IV/2020 của các doanh nghiệp bảo hiểm bằng 106% so với cùng kỳ.

Với khối ngân hàng, quý IV/2020, tăng trưởng lợi nhuận ròng của các ngân hàng đã phục hồi trở lại ở mức 25% so với cùng kỳ, đóng góp 7,6 điểm % vào tăng trưởng 15,6% của thị trường.

Tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp lớn trên TTCK Việt Nam

Ngành du lịch cho thấy dấu hiệu tích cực, bán lẻ hồi phục mạnh

Với sự phục hồi của ngành vận tải hàng không trong nước và ngành du lịch, lợi nhuận ròng của các doanh nghiệp du lịch và hàng không trong quý IV chỉ giảm 5% so với cùng kỳ, cải thiện so với mức giảm 274% so với cùng kỳ trong quý III/2020. Trong số các ngành bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch, bán lẻ đã phục hồi mạnh mẽ với mức tăng trưởng lợi nhuận ròng 14% so với cùng kỳ trong quý IV/2020, nhờ MWG (+21% so với cùng kỳ), PNJ (+31% so với cùng kỳ) và DGW (+60% so với cùng kỳ) trong bối cảnh thị trường nội địa phục hồi.

TTCK năm Tân Sửu có nội lực để kỳ vọng

Sức tăng trưởng của các doanh nghiệp trên sàn là động lực vững chắc nhất cho kỳ vọng TTCK Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng, nhất là khi nhiều doanh nghiệp đã vượt qua được khó khăn trong kinh doanh do ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19. Ngoài yếu tố này, trong báo cáo chiến lược về TTCK Việt Nam năm 2021, VNDIRECT chỉ ra rằng, tiềm năng tăng trưởng của TTCK Việt Nam còn dựa trên khả năng được thêm vào danh sách theo dõi nâng hạng của MSCI từ thị trường cận biên sang thị trường mới nổi trong kỳ đánh giá hàng năm vào tháng 6/2021. Cùng với đó là khả năng TTCK Việt Nam được nâng hạng lên thị trường mới nổi loại 2 của FTSE trong kỳ đánh giá hàng năm vào tháng 9/2021 và vắc-xin Covid-19 được đưa vào sử dụng sớm hơn dự kiến.

VNDIRECT tin rằng, khối lượng giao dịch bình quân có thể tăng 12-14% so với cùng kỳ trong năm 2021, thúc đẩy bởi các yếu tố như Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế trong năm 2021. Luật Chứng khoán sửa đổi chính thức có hiệu lực vào ngày 1 tháng 1 năm 2021 sẽ cải thiện tâm lý nhà đầu tư và dòng vốn nước ngoài từ các quỹ thị trường cận biên đổ vào TTCK Việt Nam khi Việt Nam được MSCI nâng tỷ trọng trong nhóm thị trường cận biên trong năm 2021.

Trong câu chuyện thu hút vốn đầu tư nước ngoài, điểm tích cực là Việt Nam đang giải quyết nút thắt về vấn đề room ngoại khi đồng thời Luật Chứng khoán sửa đổi, Luật Doanh nghiệp sửa đổi và Luật Đầu tư sửa đổi có hiệu lực.

Bên cạnh đó, việc nhiều quỹ ETF mới được thành lập trong nửa đầu năm 2020, đặc biệt là quỹ VFMVN Diamond ETF (quỹ này tập trung đầu tư vào các cố phiếu đã hết “room ngoại”), đã mở ra một kênh đầu tư hấp dẫn cho nhà đầu tư nước ngoài muốn đầu tư vào các cổ phiếu đã kín room, từ đó khơi thông hơn nữa dòng vốn của nhà đầu tư nước ngoài chảy vào thị trường chứng khoán Việt Nam.

Cùng với đó, Việt Nam cũng đang nỗ lực giải quyết điểm nghẽn về “Thanh toán bù trừ chứng khoán”. Cụ thể, Việt Nam đang phối hợp với đối tác Hàn Quốc để triển khai hệ thống giao dịch chứng khoán mới dự kiến sẽ hoàn thành trong năm 2021. Việt Nam cũng dự kiến thành lập Trung tâm thanh toán bù trừ theo mô hình đối tác bù trừ trung tâm (Central counter Party - CCP). Với việc áp dụng mô hình thanh toán bù trừ mới này, Việt Nam hy vọng sẽ giải quyết được vấn đề “yêu cầu kiểm tra phải có đủ tiền trước khi giao dịch” như tại thời điểm hiện tại, từ đó gỡ được “nút thắt” quan trọng trong quá trình nâng hạng lên thị trường mới nổi của MSCI và FTSE./.