Lớp học ươm mầm tri thức của những cô giáo với tinh thần “không gì là không thể”
Lớp học “Gieo mầm” mang con chữ đến trẻ em khó khăn
10 năm về trước, Hoàng Thị Dịu là cô gái bình thường như bao người khác. Cô công tác tại Bệnh viện đa khoa huyện Đông Hưng, Thái Bình. Nhưng sức khoẻ dần yếu và biến cố ập đến khiến đôi chân cô không thể tự đi lại được nữa, cuộc đời gắn liền với xe lăn khiến cô suy sụp.
Hoàng Thị Dịu tâm sự: “Thời đẹp nhất của tôi những ngày tháng tuổi đôi mươi. Sau đó, năm 18-19 tuổi tôi thấy cơ thể mình không bình thường như bạn cùng trang lứa, tôi đi khám và phát hiện bị hội chứng Kallman (một rối loạn di truyền làm cản trở quá trình dậy thì hoặc không dậy thì) và suy giảm chức năng khứu giác. Tôi đã chống chọi với căn bệnh trong 10 năm và khi sức khoẻ không còn tốt nữa, tôi buộc phải nghỉ công tác ở viện”.
Hoàng Thị Dịu và lớp học “Gieo mầm” tại xã Hà Giang, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình |
Đó là năm 27 tuổi, Hoàng Thị Dịu thấy các khớp chân, tay sưng to, đôi chân yếu không thể đi lại được và phải ngồi xe lăn. Những ngày thời tiết trái gió trở trời, chân tay cô lại đau buốt nhiều hơn. “Tôi nhìn cảnh cha mẹ già yếu ngày ngày chăm sóc mình, thấy mình làm khổ bố mẹ quá, đã có lúc tôi muốn giải thoát khỏi cuộc sống như vậy. Nhưng nghĩ lại tôi lại tự động viên mình phải cố gắng sống, phải sống thật tốt để bố mẹ vui. Đôi chân tôi yếu nhưng tôi vẫn còn có tri thức, tôi nghĩ tới mở lớp học dạy miễn phí cho các em nhỏ trong xã”, cô chia sẻ.
Từ ý tưởng đến hành động, lớp học “Gieo mầm” ra đời năm 2022 tại căn phòng 10m2 của gia đình Dịu ở xã Hà Giang, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình. Các học sinh tiểu học đến lớp được cô dạy miễn phí các môn Toán, tiếng Việt.
Em Chu Hiểu Lam, ở xã Hà Giang, Đông Hưng, Thái Bình - một học viên của lớp chia sẻ: “Con thích nhất là môn tiếng Việt, cô Dịu dạy con viết chữ đẹp, bài nào ở trường con chưa hiểu khi đến đây cô sẽ chỉ cho con”.
Sự ham học hỏi của các em nhỏ và niềm vui từ sự tiến bộ mỗi ngày của học trò là động lực để Hoàng Thị Dịu đi tiếp những chặng đường chống chọi với bệnh tật. Cùng việc dạy chữ, cô Dịu đã xây dựng thư viện sách miễn phí với hơn 2.000 đầu sách đa dạng phù hợp với nhiều lứa tuổi, không chỉ phục vụ các em trong lớp học mà nhiều người dân trong xã Hà Giang (Đông Hưng, Thái Bình) có thể đến mượn về học.
Nghị lực vươn lên không đầu hàng số phận của cô giáo Hoàng Thị Dịu là tấm gương sáng cho nhiều bạn trẻ. Với tinh thần “không có gì là không thể”, cô gái dù đi xe lăn vất vả nhưng hàng ngày vẫn làm việc có ý nghĩa cho xã hội, gieo mầm tri thức cho nhiều em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn.
Tủ sách miễn phí tiếp động lực học tập cho học sinh khó khăn
Ấn tượng ban đầu với Huỳnh Thanh Thảo (sinh năm 1986, xã Lập Thượng, huyện Củ Chi, TP.HCM) là sự lạc quan, yêu đời, luôn suy nghĩ tích cực. Mặc dù từ nhỏ không may mắn mắc bệnh xương thuỷ tinh - di chứng từ chất độc da cam, Thảo phải đi xe lăn và sinh hoạt đều phải có bố mẹ trợ giúp nhưng cô luôn vui vẻ với quan niệm “hạnh phúc là một hành trình, hành trình của lòng can đảm”.
Thảo không đến trường ngày nào mà tự học, tự viết. Thảo trải lòng mình qua những trang viết, từng cộng tác viết bài trên một số báo, đài phát thanh. Thảo không quan tâm ai cười nhạo mình, mà tâm niệm việc người khác làm được mình cũng làm được, như người ta nghe nhạc và đứng nhảy thì mình nằm nghe nhạc và nhảy cũng vui với thế giới của riêng mình.
Huỳnh Thanh Thảo và tủ sách mang thế giới rộng lớn đến với trẻ em tại huyện Củ Chi, TP.HCM |
Ông Huỳnh Văn Ru, bố của Thảo chia sẻ: “Con bị di chứng chất độc da cam từ bố hồi tham gia chiến đấu tại chiến trường Tây Ninh. Dù sinh hoạt khó khăn, nhưng con luôn nỗ lực để sống tốt”.
Thảo ý thức sẽ sống tốt để bù đắp công sức bố mẹ chăm lo cho mình. Thảo thích hoạt động xã hội và ý tưởng mở tủ sách ra đời, nơi các bạn trẻ địa phương có thể đến giao lưu, sinh hoạt. Được sự hỗ trợ của nhiều người, Thảo cũng đã gây được quỹ học bổng tiếp sức cho các em có hoàn cảnh khó khăn. Các dịp đặc biệt, Thảo cùng mọi người tổ chức Tết thiếu nhi, Trung thu, tặng áo trắng nhân dịp năm học mới, tổ chức vui lễ Giáng sinh… cho các em nhỏ.
Nhận quà từ chương trình “Áo trắng đến trường” do Huỳnh Thanh Thảo thực hiện, bé Trần Nguyễn Bảo Thy (Củ Chi, TP.HCM) xúc động chia sẻ: “Em rất cảm ơn cô ba Thảo đã giúp em có áo đồng phục mới trong năm học này. Những câu chuyện cô ba Thảo kể giúp em có động lực hơn trong học tập và cuộc sống”.
Tủ sách của Thảo có hơn 5.000 đầu sách giúp nhiều em nhỏ có thêm tài liệu quý cho việc học. “Khi bắt đầu mở thư viện sách, nhiều người nói tôi chắc bị khùng quá, có tiền mà không kinh doanh game sinh lời. Nhưng nhìn các em nhỏ háo hức với thư viện, với tìm hiểu kiến thức, tôi lại thấy rất vui. Đó là hạnh phúc lớn”, Thanh Thảo tâm sự.
Cô ba nhỏ bé đã mở ra thế giới rộng lớn và không gian sắc màu cho các em. Thảo nhận được nhiều giải thưởng trong hành trình làm việc thiện nguyện vì cộng đồng, cô muốn dành món quà ấy cho ba mẹ mình, để họ có thể tự hào về cô gái xương thuỷ tinh vẫn không ngừng nỗ lực làm việc có ích cho mọi người.
Lớp học “5 không” luôn đong đầy yêu thương
Có một lớp học đặc biệt được xây dựng ở Nam Định bằng nghị lực và tình yêu thương của cô giáo Nguyễn Thị Ngọc Tâm, ở xã Yên Quang, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định. Cô còn được biết đến với biệt danh Ngọc Tâm thủy tinh. Ngọc Tâm bị bệnh xương thuỷ tinh bẩm sinh, dù khát khao được đi học nhưng mãi năm 8 tuổi cô mới có thể đến trường. Sức khoẻ yếu, phải di chuyển bằng xe lăn nhưng khát khao làm cô giáo đã thôi thúc Tâm mở lớp học đặc biệt dạy kèm cho các em học sinh quê nhà Ý Yên, Nam Định. Trong 16 năm qua, lớp học của cô Ngọc Tâm thuỷ tinh đã có hàng trăm em theo học.
Nguyễn Thị Ngọc Tâm và lớp học miễn phí cho trẻ em tại xã Yên Quang, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định |
“Tôi mở lớp học 5 không (không phấn, không bảng, không bục giảng, không giáo án và không học phí). Chỉ cần mình còn có thể nói được, các em còn yêu mến cô, mình còn làm được”, Ngọc Tâm chia sẻ.
Hành trình lan toả yêu thương, gieo mầm tri thức của Hoàng Thị Dịu, Huỳnh Thanh Thảo, Nguyễn Thị Ngọc Tâm đã ghi dấu ấn mạnh mẽ trong cộng đồng. Trong chương trình Nối trọn yêu thương, Vũ Phương Thanh - Đại diện Công ty Tân Hiệp Phát đã bày tỏ sự cảm phục đối với những cô gái dù gắn mình với chiếc xe lăn nhưng sở hữu nghị lực phi thường và cùng chung một tinh thần “không gì là không thể”. Không chỉ gửi trao những phần quà động viên tinh thần các nhân vật, đại diện Công ty cho biết sẽ tiếp tục đồng hành cùng chương trình, gặp gỡ nhiều nhân vật hơn nữa để lan tỏa những tinh thần và nghị lực quý giá đến cộng đồng.
Với tâm nguyện phụng sự xã hội, truyền nghị lực cho mọi mảnh đời gian khó trên khắp Việt Nam, công ty Tân Hiệp Phát đã đồng hành cùng Kênh Truyền hình Nhân Đạo trong chương trình “Nối trọn yêu thương” từ năm 2019 tới nay, tôn vinh những số phận nghị lực phi thường, bản lĩnh vượt qua nghịch cảnh tạo nên giá trị có ích cho xã hội. Những tập phát sóng đi qua là những câu chuyện đặc biệt của các nhân vật để lại, lan tỏa nhiều giá trị ý nghĩa cho cộng đồng, góp phần xây dựng một xã hội ngày một tốt đẹp hơn.
Cũng với tinh thần phụng sự, gieo yêu thương, tiếp nghị lực cho những mảnh đời khó khăn, Tân Hiệp Phát không ngừng nỗ lực đóng góp giá trị vào những hoạt động chăm sóc, giúp đỡ đời đống cộng đồng ngày một tốt đẹp hơn như hoạt động bảo trợ 50 trẻ em mồ côi do Covid-19 đến năm 18 tuổi, chăm sóc phụng dưỡng bà mẹ Việt Nam anh hùng thuộc gia đình chính sách… Trong năm 2023, Tân Hiệp Phát đã phối hợp cùng chính quyền địa phương tại 4 tỉnh Bình Dương, Hậu Giang, Chu Lai, Hà Nam tổ chức chương trình "Nối trọn yêu thương - Nâng bước tới trường" trao tặng 600 phần học bổng, tổng giá trị 1,2 tỷ đồng động viên các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn, nỗ lực vươn lên trong học tập.
PV
Bình luận