Tại hội nghị Triển khai Luật Thống kê - hướng tới giám sát, đánh giá thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững nhằm triển khai một số nội dung mới của Luật Thống kê, ông Nguyễn Văn Liệu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, nhận xét, luật mới có nhiều thay đổi cả về mặt nội dung và hình thức so với luật cũ.

Ông cho biết, về mặt hình thức, kết cấu, Luật Thống kê năm 2015 gồm 09 chương, 72 điều và 01 phụ lục về Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia. So với Luật Thống kê năm 2003, Luật mới tăng 01 chương, 30 điều. Luật Thống kê 2015 tách Chương IV - Công bố và sử dụng thông tin thống kê – của luật cũ thành 2 chương là Chương IV - Phân tích và dự báo thống kê, công bố và phổ biến thông tin thống kê nhà nước và Chương VI - Sử dụng cơ sở dữ liệu thống kê và thông tin thống kê nhà nước.

Ngày 23/11/2015, 416/420 đại biểu Quốc hội có mặt (85,02% tổng số đại biểu), chiếm tỷ lệ 84,21%, đã tán thành thông qua Luật thống kê (sửa đổi). Theo đó, luật mới bổ sung một chương quy định về thống kê ngoài nhà nước. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2016.

Ngài ra, hiện nay, do nhu cầu của thực tiễn đời sống xã hội trong sản xuất, kinh doanh, trong xã hội đã xuất hiện nhiều tổ chức thống kê, cơ sở nằm ngoài khu vực nhà nước thực hiện hoạt động thống kê và cung ứng dịch vụ thống kê. Vì thế, luật mới đã mở rộng phạm vi để điều chỉnh cả hoạt động thống kê, sử dụng thông tin thống kê nhà nước và ngoài nhà nước, thay vì trước đây, Luật Thống kê 2003 chỉ điều chỉnh thống kê nhà nước và 1 khoản quy định về điều tra thống kê ngoài nhà nước. Mặt khác, luật sửa đổi cũng bổ sung thêm chương VIII hoạt động thống kê, sử dụng thông tin thống kê ngoài thống kê nhà nước quy định về phạm vi, yêu cầu và giá trị của thống kê ngoài nhà nước.

Về mặt nội dung, Luật Thống kê năm 2015 quy định một số điểm mới trong công tác thống kê như: Quy định rõ các hệ thống thông tin thống kê, bao gồm: hệ thống thông tin thống kê quốc gia; hệ thống thông tin thống kê bộ, ngành; hệ thống thông tin thống kê cấp tỉnh; hệ thống thông tin thống kê cấp huyện; làm rõ mối quan hệ giữa các hệ thống thông tin thống kê và trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong việc xây dựng các hệ thống thông tin thống kê. Việc bổ sung một số nội dung mới này nhằm bảo đảm tính nhất quán trong hoạt động thống kê nhà nước, làm cơ sở bảo đảm cho thông tin thống kê nhà nước không mâu thuẫn, chồng chéo, bảo đảm tính khách quan, trung thực, có độ tin cậy cao đối với người sử dụng.

Luật cũng khắc phục chênh lệch số liệu giữa cơ quan thống kê Trung ương với địa phương và bộ, ngành, và quy định rõ hơn trách nhiệm, vai trò của Cơ quan Thống kê Trung ương trong việc thẩm định số liệu thống kê của Bộ, ngành trong hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia. Trong trường hợp bộ, ngành không thực hiện ý kiến thẩm định của cơ quan thống kê Trung ương thì cơ quan thống kê Trung ương tự quyết định và chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ.

Bên cạnh đó, để tăng cường trách nhiệm của người sản xuất thông tin, minh bạch hóa việc công bố, phổ biến và tạo điều kiện cho người sử dụng tin tiện khai thác thông tin thống kê, Luật Thống kê 2015 cũng bổ sung quy định về lịch công bố thông tin thống kê…

Mới đây, Quốc hội đã thông qua Luật Thống kê 2015

Đánh giá về Luật Thống kê 2015, ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, Luật Thống kê năm 2015 đã quy định nguyên tắc cơ bản của hoạt động thống kê là bảo đảm độc lập về chuyên môn, nghiệp vụ; nghiêm cấm mọi hành vi can thiệp, ép buộc, áp đặt làm sai lệch dữ liệu thông tin thống kê. Theo đó, tính độc lập khách quan được hiểu là theo quy định của Luật gồm 2 yếu tố: độc lập về chuyên môn, nghiệp vụ và độc lập về người làm công tác thống kê.

Trưởng đại diện UNDP tại Việt Nam, ông Bakhidir Burkhanov cũng chia sẻ, số liệu thống kê là dòng máu sống để giúp Chính phủ Việt Nam hoạch định, định hướng chính sách trong việc nâng cao hơn nữa thể chế, giúp Việt Nam có thể đo lường sự phát triển của mình. Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, Luật Thống kê sửa đổi vừa được Quốc hội thông qua sẽ giúp cho ngành thống kê cải thiện được số liệu thông tin cho định hướng phát triển kinh tế - xã hội.

Để Luật Thống kê đi vào hiệu quả và thực chất, ông Bakhidir Burkhanov nhấn mạnh, Luật Thống kê cần được nâng cao tính minh bạch, tiếp cận hiện đại mở rộng phạm vi; đồng thời, cần gắn kết số liệu thống kê với các hoạt động cũng như chính sách phát triển kinh tế mới của Việt Nam. Luật phải được ban hành với kế hoạch mạnh mẽ, phải phổ biến luật đến người sử dụng./.