Lúng túng tìm kiếm nhạc trưởng thực sự
Tây Nguyên chỉ mới đóng góp 4,5% GDP của cả nước
Tại Hội thảo Liên kết phát triển kinh tế vùng Tây Nguyên ngày 24/7/2015, ông Trần Việt Hùng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên đã thừa nhận, dù là khu vực đầy tiềm năng, nhưng so với các vùng miền khác vẫn là vùng kém phát triển.
Tây Nguyên được xem là địa bàn giữ vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và môi trường sinh thái của đất nước.
Đây cũng là khu vực có nhiều tiềm năng, thế mạnh để phát triển công nghiệp khai khoáng, thủy điện; sản xuất các loại cây công nghiệp như: cà phê (chiếm 92% sản lượng cả nước), cao su (chiếm 33% diện tích), hồ tiêu (chiếm 40% diện tích)…
Ngoài ra, là vùng tiềm năng để sản xuất rau, hoa công nghệ cao phục vụ xuất khẩu; các lưu vực, hồ, sông, suối và truyền thống văn hóa của người dân tộc bản địa là tiềm năng lớn để phát triển du lịch…
Tuy nhiên, đến nay, vùng Tây Nguyên chỉ mới đóng góp 4,5% GDP của cả nước, so với các vùng miền khác vẫn là vùng kém phát triển. Tăng trưởng kinh tế thiếu vững chắc, tiềm năng và lợi thế vùng chưa được khai thác đúng mức, kinh tế phát triển chủ yếu theo chiều rộng, kết cấu hạ tầng thiếu đồng bộ, giá trị sản xuất nông nghiệp thiếu tính ổn định...
Sự liên kết vùng vẫn chưa được phát huy, sự phối hợp giữa các địa phương còn mang tính hình thức
Liên kết vùng vẫn lúng túng trong tìm kiếm người nhạc trưởng thực sự
Ông Vũ Hồng Sơn, Giám đốc Viện Quy hoạch Xây dựng Phát triển Nông thôn cho rằng, liên kết vùng là vấn đề có tính bức thiết, không chỉ đặt ra đối với vùng Tây Nguyên, mà được nhiều vùng và địa phương khác quan tâm.
Việc liên kết đã mang lại những kết quả thiết thực và trở thành điều kiện và động lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Tuy nhiên, hiện nay, sự liên kết vùng vẫn chưa được phát huy, sự phối hợp giữa các địa phương còn mang tính hình thức, hành chính; thiếu các cơ chế
hiệu quả để tạo sự liên kết, thực hiện các cam kết phối hợp; bất cập trong việc phối hợp thực hiện các quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội và quy hoạch phát triển ngành, sản phẩm…Đây cũng là nguyên nhân chủ yếu khiến Tây Nguyên chậm phát triển.
Điều này cũng được ông Trần Việt Hùng thừa nhận. Ông nhận định việc Tây Nguyên không phát triển như kỳ vọng là do thiếu liên kết giữa các địa phương trong vùng; cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư và liên kết vùng còn nhiều hạn chế và chưa đồng bộ làm ảnh hưởng đến môi trường đầu tư của vùng.
Đồng ý với ông Hùng, đại diện lãnh đạo các tỉnh Tây Nguyên đều cho rằng, hiện nay việc liên kết giữa các tỉnh Tây Nguyên bước đầu đã có sự phối hợp, nhưng nhìn chung chưa mang lại hiệu quả.
Còn PGS, TS. Nguyễn Danh Sơn, Viện Hàn lâm Khoa học – Xã hội Việt Nam cho rằng, sự lúng túng trong tìm kiếm người nhạc trưởng thực sự (người phối hợp, điều phối) các hoạt động phát triển vùng đang là vấn đề lớn hiện nay.
Vì thế, việc tìm kiếm một tổ chức quản lý nhà nước mang tính vùng đang được xúc tiến nhằm khắc phục thiếu hụt này.
Cần sớm ban hành Luật Quy hoạch
“Tạo được sự liên kết vùng vững chắc sẽ nâng cao hiệu quả đầu tư, tránh tình trạng đầu tư dàn trải, lãng phí và sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các địa phương, nhằm hướng đến mục tiêu hiện đại hóa sản xuất ngành hàng công nghiệp chất lượng cao và đẩy nhanh tiến trình xây dựng nông thôn mới”, ông Hùng nhấn mạnh.
Để phát huy hơn nữa những tiềm năng, lợi thế của vùng Tây Nguyên trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay, các tỉnh cần phải thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó giải pháp liên kết vùng hết sức quan trọng. Vì đây là cách để tối ưu hóa nguồn lực, nâng cao sức cạnh tranh của vùng và các tỉnh.
Ông Nguyễn Danh Sơn cũng cho rằng, đối với vùng Tây Nguyên, chính sách về liên kết kinh tế không chỉ là trợ giúp hay hỗ trợ, mà cái cần thiết hơn là làm sao cho tạo được nền tảng cho liên kết là sự phụ thuộc lẫn nhau trong phân công và hợp tác phát triển trên cơ sở lợi thế so sánh và lợi ích phát triển.
Ở góc độ khác, TS. Hoàng Ngọc Phong, Nguyên Phó Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng, thực tiễn đã bộc lộ tính chất cát cứ của quy hoạch. Vì vậy, một trong những ưu tiên hàng đầu là ban hành sớm Luật Quy hoạch.
“Việc tiến hành công tác quy hoạch không phải trên tầm nhìn từng địa phương mà trên tầm nhìn toàn vùng. Một trong những công việc cần tiến hành trước tiên là khảo sát công phu, toàn diện về lợi thế vùng, lợi thế so sánh của từng tỉnh”, ông Phong nhấn mạnh.
Quyền lực của Chính phủ về quy hoạch, kế hoạch, chiến lược phát triển của toàn vùng và của từng địa phương là rất lớn. Chỉ có Chính phủ mới có quyền và khả năng điều chỉnh quy hoạch tổng thể.
Ngoài ra, Chính phủ cũng có vai trò quyết định trong đề xuất cơ chế, chính sách để hiện thực hóa các cam kết của Trung ương về tăng tốc phát triển vùng kinh tế.
“Chính phủ cần sớm ban hành các quyết định, chương trình hành động về công tác phối hợp liên tỉnh và giám sát các bộ, ngành và địa phương trong việc hoạch định các quy hoạch vùng kinh tế và thực thi chúng. Xác định rõ trách nhiệm của các bộ, ngành trung ương và các tỉnh, thành phố trong công tác phối hợp”, ông Phong nhấn mạnh./.
Bình luận