Có thể tất cả chúng ta đều đã nghe đâu đó về cụm từ biến đổi khí hậu và sự nóng lên của trái đất, và kèm theo đó là những hậu quả nghiêm trọng của nó. Tuy nhiên, các thông tin và khái niệm đấy không còn xa xôi trên sách báo hay các nghiên cứu khoa học nữa, mà đang dần trở nên rõ ràng hơn. Điều này đồng nghĩa với việc tình hình biến đổi khí hậu đã trở nên rất nguy cấp.

Mùa hè 2023 vừa qua, người dân trên toàn thế giới đã thực sự phải nếm trải một phần nào đấy hậu quả của biến đổi khí hậu. Bài báo của Rannard đã giúp thống kê các sự kiện thời tiết cực đoan năm 2023 và cho chúng ta thấy rõ hơn về thực trạng đáng báo động của biến đổi khí hậu [1].

2023 được ghi nhận là năm có nhiệt độ cao kỷ lục. Theo số liệu được ghi nhận vào tháng 7, nhiệt độ trung bình của trái đất đã đạt mức 17.32 độ°C, phá vỡ kỷ lục của năm 2016 ở mức 16.92°C.

Mùa hè 2023 ghi nhận nắng nóng lịch sử và thiên tai trên khắp thế giới
Nguồn: Cháy rừng tại châu Âu [1]

Rất nhiều những địa điểm du lịch tại châu Âu bị đóng cửa và phát báo động đỏ cảnh báo người dân khi ra đường. Hàng loạt khách du lịch tại Rome đã ngã gục khi nhiệt độ vượt quá 40°C.

Với nhiệt độ cao kéo dài trong nhiều ngày làm cây cỏ khô héo, năm 2023 cũng ghi nhận rất nhiều đợt cháy rừng trên diện rộng và một trong số đó là các vụ cháy rừng nối tiếp nhau tại Hy Lạp kéo dài trong gần 2 tuần. Lượng CO2 phát thải trong những vụ cháy lên tới 1 triệu tấn.

Nhiệt độ ở các quốc gia châu Phi thậm chí còn kinh khủng hơn, khi Algeria và Tunisia ghi nhận nhiệt độ đạt tới gần 50°C.

Trong khi Châu Âu và Châu Phi phải hứng chịu những đợt sóng nhiệt liên tiếp thì mưa bão và thiên tai lại hoành hành tại châu Á.

Tháng 7/2023, cơn bão Doksuri đã hoành hành bờ biển Đông Á trong 1 tuần trong đó Trung Quốc và Phillipines chịu thiệt hại nặng nề vì sức gió và lượng mưa lớn, gây ra các tổn thất về đường sá và các công trình xây dựng. Tổng thiệt hại được ước tính lên tới 15 triệu USD. Tại Philippines, do gió mạnh khiến phà bị lật gần Manila, làm ít nhất 26 hành khách thiệt mạng.

Mùa hè 2023 ghi nhận nắng nóng lịch sử và thiên tai trên khắp thế giới
Cơ sở hạ tầng bị tàn phá do lũ lụt tại Trung Quốc [1]

Cơn bão Saola tại Hồng Kông cũng gây mưa kéo dài, dẫn đến ngập lụt và làm tê liệt hoàn toàn hệ thống giao thông công cộng, khiến gần 1 triệu người ở Quảng Đông, Hồng Kông và Phúc Kiến phải đi sơ tán [2].

Cũng chịu cảnh nắng nóng dài ngày, tại đảo Maui Hawaii một vụ hỏa hoạn trên diện rộng đã khiến cho gần 400 người chết và mất tích. Tại Canada, nắng nóng kéo dài đã đẩy nước này vào một mùa cháy rừng tồi tệ nhất trong lịch sử với gần 1000 đám cháy và tổng diện tích rừng bị cháy lên tới 15.6 triệu ha.

Các thảm họa trên đang cho chúng ta thấy một lát cắt nhỏ về hiện trạng của tình hình biến đổi khí hậu và hậu quả của nó đối với con người và trái đất.

Trong hàng trăm năm qua, việc khai thác môi trường để đổi lấy giá trị kinh tế đã trở thành điều thường lệ. Tuy nhiên thực tế mối quan hệ giữa kinh tế và môi trường không phải là mối quan hệ hai chiều. Các giá trị kinh tế đạt được sau khi làm thâm hụt môi trường không thể dùng để đổi lại được các giá trị môi trường đã mất đi, nếu có, thì cũng sẽ tốn hàng chục cho đến hàng trăm năm để thấy được kết quả [3]. Ví dụ, để phục hồi một cánh rừng nhiệt đới về 95% nguyên trạng sau khi bị mất đi thì cũng phải tốn hơn 200 năm [4,5]

Để chống biến đổi khí hậu và thâm hụt sinh thái, chúng ta cần tích cực phát triển văn hóa thặng dư sinh thái trong xã hội, đặc biệt là thế hệ trẻ. Điều này sẽ giúp tạo ra sự kết nối của con người với thiên nhiên, môi trường và giúp xã hội nhận thấy rằng khai thác tài nguyên trong ngắn hạn không thể bù đắp tổn thất về sinh thái [6]. Các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội nên cần được cân nhắc cẩn thận tới hậu quả cho môi trường trong dài hạn.

*Ghi chú: bài đóng góp từ chương trình nghiên cứu môi sinh AISDL.

Tài liệu tham khảo

[1] Rannard, G. (2023, Sep. 2). The extreme summer weather that scorched and soaked the world. https://www.bbc.co.uk/news/resources/idt-8f0357f9-9013-4567-8407-be938c8c70cf

[2] Kahon, C. (2023, Sep. 2). Typhoon Saola aftermath: Hong Kong wakes to debris and fallen trees on roads, but damage not as bad as feared. https://www.scmp.com/news/hong-kong/health-environment/article/3233189/typhoon-saola-aftermath-hong-kong-wakes-debris-and-fallen-trees-roads-damage-not-bad-feared

[3] Vuong, Q. H. (2021). The semiconducting principle of monetary and environmental values exchange. Economics and Business Letters, 10(3), 284-290. https://reunido.uniovi.es/index.php/EBL/article/view/15872

[4] Lydia E. S. C., Shonil A. B., & Katherine J. W. (2014). Recovery and resilience of tropical forests after disturbance. Nature Communications, 5, 3906. https://www.nature.com/articles/ncomms4906

[5] Tri, N. P., & Hoàng, N. M. (2023, Sep. 28). Khi môi trường, môi sinh bị xem là “tổn thất phụ”. https://kinhtevadubao.vn/khi-moi-truong-moi-sinh-bi-xem-la-ton-that-phu-27163.html

[6] Nguyen, M. H., & Jones, T. E. (2022). Building eco-surplus culture among urban residents as a novel strategy to improve finance for conservation in protected areas. Humanities and Social Sciences Communications, 9, 426. https://www.nature.com/articles/s41599-022-01441-9