Vào ngày 20/4/2023, Tập đoàn Thám hiểm Không gian SpaceX đã thực hiện phóng thử nghiệm phi thuyền không gian Starship, theo đơn hàng của NASA. Starship là tàu vũ trụ có sức nâng siêu nặng, được thiết kế và chế tạo với mục tiêu chở hàng hóa khổng lồ và phi hành gia vào không gian sâu. Mặc dù con tàu phát nổ trên vịnh Mexico khi cố gắng tiếp cận quỹ đạo, nhưng vụ phóng vẫn được xem là một bước tiến thành công của chương trình thám hiểm không gian [1].

Tuy nhiên, theo báo cáo của các quan chức động vật hoang dã Hoa Kỳ, vụ phóng tàu Starship đã để lại sự tàn phá nặng nề đối với môi trường địa phương. Khảo sát hiện trường sau khi Starship được phóng, họ đã tìm thấy những “mẫu vụn” bê tông khắp khu vực. Rác và mảnh vụn bê tông văng vãi trong khu vực rộng lớn khoảng 155 héc ta. Gọi là mẩu vụn nghĩa là có ý nói giảm nói tránh. Thực ra, đó là tàn tích sụp đổ của các cấu trúc bê tông lớn với những miệng hố sâu tới hàng mét trên bãi bùn.

Ngoài ra, vụ phóng tàu gây ra cháy rừng quốc gia Texas trong phạm vi 1,4 héc ta. Một loạt cua và trứng chim cút hoang dã (bobwhite quail) bị thiêu ra tro.

Tất nhiên, khu vực này được quy hoạch cho nhiệm vụ mang tầm vóc chiến lược quốc gia Mỹ, nên những thiệt hại này được đặt tên “collateral damage”, hay “tổn thất phụ”. Nếu so với đầu tư tiêu tốn tiền tỷ USD vào phát triển con tàu, thì các chi phí này có thể xem là không đáng kể.

Khi môi trường, môi sinh bị xem là “tổn thất phụ”

Tổn thất phụ của lần phóng phi thuyền không gian Starship của SpaceX, tháng 4-2023 [2]

Tuy nhiên, qua việc này có thể thấy rằng, dường như tồn tại một khái niệm “khu vực được bảo vệ” (protected zone) khác đi so với khái niệm mà các nhà bảo tồn hay bàn [2]: nơi sự tàn phá môi sinh của doanh nghiệp được bảo vệ. Vì thế, môi trường sống và sinh vật có bị hủy hoại, thì cũng chỉ có thể xem như “tổn thất phụ”.

Mặc dù, đối với các dự án chiến lược quốc gia, điều này được chấp nhận, nhưng câu hỏi đặt ra là nếu loại “khu vực được bảo vệ” đảo ngược này cứ mở rộng ra mãi cho các doanh nghiệp khác, thì “khu vực được bảo vệ” thật sẽ thu hẹp thế nào?

Chưa kể, tiền của cho các “khu vực được bảo vệ” cho mục tiêu sinh thái rất eo hẹp [3], nhưng cho “khu vực được bảo vệ” của doanh nghiệp thì có lẽ lúc nào cũng sung túc tiền bạc và quyền lực [4].

Thực tế cũng cho thấy, các nhà sinh học đã không được phép tiếp cận sớm để nắm tình hình môi trường và hệ động thực vật ở đây sau khi phóng tàu, vì SpaceX không cho phép [2].

Theo một nghiên cứu phân tích các bản ghi cổ sinh thái trong 20.000 năm qua trên tạp chí Nature Communications, để phục hồi một cánh rừng nhiệt đới về 95% sau khi bị tàn phá thì phải tốn hơn 200 năm [5]. Điều đó cho thấy, nếu doanh nghiệp chỉ dựa vào tài chính để bù đắp những tổn hại về môi sinh, đa dạng sinh học (trong trường hợp này được xem là “tổn thất phụ”) thì những đòi hỏi về thời gian là rất lớn, khó có thể bù đắp.

*Ghi chú: bài đóng góp từ chương trình nghiên cứu môi sinh AISDL.

Tài liệu tham khảo

[1] Sauers, E. (2023, Apr. 20). SpaceX Starship explodes during Herculean attempt to blast into space. https://mashable.com/article/spacex-starship-first-flight-test-explodes

[2] Binder, M. (2023, Aug. 27). Wildlife officials say SpaceX launch left behind significant damage. https://sea.mashable.com/tech/26387/wildlife-officials-say-spacex-launch-left-behind-significant-damage

[3] Nguyen, M. H., & Jones, T. E. (2022). Building eco-surplus culture among urban residents as a novel strategy to improve finance for conservation in protected areas. Humanities and Social Sciences Communications, 9, 426. https://www.nature.com/articles/s41599-022-01441-9

[4] Vuong, Q. H. (2021). The semiconducting principle of monetary and environmental values exchange. Economics and Business Letters, 10(3), 284-290. https://reunido.uniovi.es/index.php/EBL/article/view/15872

[5] Lydia E. S. C., Shonil A. B., & Katherine J. W. (2014). Recovery and resilience of tropical forests after disturbance. Nature Communications, 5, 3906. https://www.nature.com/articles/ncomms4906