Tóm tắt

Những năm gần đây, thế giới có nhiều biến động ảnh hưởng nặng nề đến cuộc sống xã hội loài người nói chung, như: dịch bệnh covid-19, lũ lụt, động đất, chiến tranh… Mặc dù các cụm từ “Phát triển bền vững”, “Kinh doanh bền vững”, “Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp” đã xuất hiện từ lâu trên thế giới và tại Việt Nam. Nhưng cho đến nay, vấn đề đó vẫn còn là một chủ đề quan trọng và cấp bách đối với mỗi quốc gia và hành tinh xanh. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp chưa hiểu rõ vai trò của trách nhiệm xã hội đối với sự phát triển bền vững của bản thân doanh nghiệp mình và nền kinh tế cũng như cho cả loài người. Trước bối cảnh đó, bài viết tổng hợp sơ bộ các quan điểm về phát triển bền vững, kinh doanh bền vững, trách nhiệm xã hội và mối quan hệ giữa chúng. Đồng thời, đưa ra một số giải pháp giúp các doanh nghiệp và nhà quản lý thực hiện trách nhiệm của mình nhằm đóng góp cho sự phát triển bền vững.

Từ khóa: Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, phát triển bền vững, kinh doanh bền vững, mục tiêu phát triển bền vững, giải pháp phát triển bền vững

NHỮNG KHÁI NIỆM LIÊN QUAN

Kinh doanh bền vững là gì?

Hiện nay, các hoạt động kinh doanh bền vững với khái niệm ESG (Environment – môi trường, Social – xã hội và Governance – quản trị doanh nghiệp). Đây là bộ 3 tiêu chuẩn để đo lường những yếu tố liên quan đến định hướng, hoạt động phát triển bền vững của doanh nghiệp. ESG kinh doanh bền vững không chỉ được áp dụng tại các tập đoàn lớn mà các doanh nghiệp thuộc mọi quy mô đều có thể thực hiện. Xu hướng này tạo ra một cơ hội để kinh doanh hiệu quả, doanh nghiệp có trách nhiệm hơn đối với tương lai của hành tinh và thế hệ sau. Tạo thế phát triển kinh doanh bền vững cho mỗi doanh nghiệp và nền kinh tế.

Kinh doanh bền vững là kế hoạch phát triển tạo ra lợi nhuận bền vững của công ty, đồng thời xem xét tất cả các bên liên quan và giải quyết tác động môi trường. Các doanh nghiệp theo xu hướng kinh doanh này đều phải đảm bảo rằng việc ra quyết định ngắn hạn của họ cũng mang lại lợi ích cho các mục tiêu dài hạn cho bản thân doanh nghiệp cân bằng với xã hội. Đối với doanh nghiệp kinh doanh, phát triển bền vững có nghĩa là áp dụng các chiến lược và hoạt động kinh doanh đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp và các bên liên quan ở hiện tại đồng thời bảo vệ, duy trì và tăng cường nguồn nhân lực và tài nguyên thiên nhiên sẽ cần trong tương lai.

Richard N. Andrews cho rằng, "Một doanh nghiệp bền vững là một doanh nghiệp tăng giá trị cho các cổ đông bằng cách đóng góp nhiều hơn đối thủ cạnh tranh và trở thành các tiêu chí cho một doanh nghiệp bền vững. Đóng góp cho phát triển bền vững từ yếu tố thành phần kinh tế, cung cấp và cải thiện". Còn Bradley D. Parrish (2005) định nghĩa, phát triển bền vững doanh nghiệp là một tổ chức góp phần phát triển bền vững, nơi "bền vững" được hiểu như là một tương lai con người và "phát triển" được hiểu là một sự cải thiện chất lượng trong điều kiện con người.

Một số điểm tích cực của kinh doanh bền vững để giải thích tại sao chúng ta cần các mô hình kinh doanh đó?

Kinh doanh bền vững vừa mang lại lợi nhuận cho công ty. Mô hình kinh doanh bền vững hướng tới mang giá trị lợi ích cho con người và thiên nhiên lại xích lại gần nhau hơn. Công nghệ là những phần quan trọng của giải pháp trong sản xuất luôn đòi hỏi sự cân bằng của sự tác động với môi trưởng sống. Đồng thời, doanh nghiệp cũng hợp tác chặt chẽ với các nhà cung cấp, cũng như sở hữu quy trình sản xuất tinh gọn và thiết kế sản phẩm thông minh hơn để ngăn chặn hàng trăm nghìn tấn CO2 xâm nhập vào khí quyển mỗi năm.

Kinh doanh bền vững góp phần tăng uy tín và thị phần của doanh nghiệp, do đáp ứng đúng xu thế của thị trường. Theo báo cáo Buying Green Report 2022, 86% người tiêu dùng dưới 45 tuổi sẵn sàng trả nhiều tiền hơn cho bao bì bền vững. Do đó, tính bền vững rất quan trọng trong kinh doanh giúp doanh nghiệp tạo những lợi thế sau:

- Tạo ra giá trị lâu dài: Tính bền vững cho phép doanh nghiệp tồn tại và phát triển trong nhiều thập kỷ. Điều này góp phần xây dựng lòng tin và sự ổn định trong lòng khách hàng, nhân viên và các bên liên quan.

- Gây dựng niềm tin đáng tin cậy: Một doanh nghiệp bền vững trở nên hấp dẫn hơn trong mắt khách hàng, nhân viên và các bên liên quan. Những người này đều muốn hợp tác với các công ty có tầm nhìn xa hơn và cam kết mang lại nhiều giá trị hơn cho môi trường và xã hội.

- Đóng góp cho sự phát triển bền vững tạo lòng tin với chính phủ và nhà đầu tư: góp phần mở rộng năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Đồng thời DN đóng góp vào sự nghiệp thúc đầy một nền kinh tế phát triển bền vững.

- Bảo vệ môi trường và sinh vật giảm thiểu tác động đến môi trường. Tính bền vững giúp hành tinh và các sinh vật sống có thời gian chữa lành khỏi sự lạm dụng quá mức của con người.

Đặc biệt, yếu tố về môi trường đang bị hủy hoại một cách nghiêm trọng, tốc độ và quy mô không ngừng gia tăng, đòi hỏi các doanh nghiệp cần khẩn trương thực hiện với các nội dung và thực tế đã được đề ra từ các hội nghị quốc tế như sau:

- Phát triển kinh tế gắn liền với chống biến đổi khí hậu, giữ gìn môi trường sống là một trong những vấn đề quan trọng của hội nghị COP26 diễn ra vào tháng 11/2021 tại Glasgow. Tại hội nghị này, Việt Nam đã nhấn mạnh ba thông điệp quan trọng, đưa việc ứng phó với biến đổi khí hậu, phục hồi tự nhiên trở thành ưu tiên cao nhất trong mọi chính sách phát triển, khẳng định khoa học công nghệ đóng vai trò hỗ trợ, dẫn dắt doanh nghiệp trong kế hoạch hiện thực hóa mục tiêu này. Theo kết quả khảo sát “Who Cares Who Does 2020” của Kantar Việt Nam, 60% người dùng cho rằng cá nhân bị tác động bởi các vấn đề môi trường, 57% người tiêu dùng đã ngừng mua sản phẩm vì ảnh hưởng đến môi trường, xã hội, chứng tỏ phát triển bền vững đang trở thành mối quan tâm lớn của cộng đồng. Trên thực tế, Covid-19 đã khiến người dùng chú trọng hơn đến sức khỏe và môi trường, chủ động tìm đến các thương hiệu có trách nhiệm cộng đồng và hợp tác với các đối tác có giải pháp kinh doanh bền vững.

- Giảm thiểu tác động đến môi trường luôn là ưu tiên của các tập đoàn công nghệ trong việc thúc đẩy kinh doanh bền vững. Một ví dụ đại diện đó là Epson. Từ năm 2015, Epson đã chính thức triển khai tầm nhìn kinh doanh hướng đến việc tạo nên các giá trị bền vững cho xã hội, khách hàng, nhà cung cấp, đối tác và người lao động thông qua việc theo đuổi sự đổi mới công nghệ. Điều này thúc đẩy sự cải tiến sản phẩm trong nhiều lĩnh vực quan trọng từ in ấn, thiết bị nghe nhìn đến robot và tự động hóa, trên nền tảng cốt lõi là những công nghệ có tính hiệu quả, nhỏ gọn, chính xác đặc trưng của Epson. Quá trình cải tiến và phát triển sản phẩm hướng đến giải quyết những bài toán quan trọng về phát triển bền vững như giảm phát thải nhiệt, hạn chế vật tư thay thế, vận hành chính xác để tiết kiệm chi phí mà vẫn đảm bảo hiệu quả kinh tế, cải thiện môi trường làm việc.

Vậy có thể kết luận, Phát triển bền vững đối với các doanh nghiệp được hiểu đơn giản là chiến lược quản trị doanh nghiệp thích ứng được mọi hoàn cảnh, bảo đảm hài hòa các lợi ích về kinh tế (lợi nhuận và doanh thu) với lợi ích của người lao động và bảo vệ môi trường. Chính vì vậy, trong nhiều năm trở lại đây, đã có không ít doanh nghiệp dần dịch chuyển định hướng, chiến lược kinh doanh từ “kinh doanh vì lợi nhuận” sang “kinh doanh có trách nhiệm” đó là một xu hướng tích cực đã và đang diễn ra trên thế giới.

Phát triển bền vững

Bên cạnh kinh doanh bền vững, thì phát triển bền vững là một khái niệm có tính vĩ mô, nhằm định nghĩa một sự phát triển về mọi vấn đề trong xã hội hiện tại mà vẫn phải bảo đảm sự tiếp tục phát triển trong tương lai xa, đảm bảo sự phát triển của các đối tượng trong xã hội và cân bằng về thời gian hiện tại. Trong tương lai, khái niệm này hiện đang là mục tiêu hướng tới của nhiều quốc gia trên thế giới, mỗi quốc gia sẽ dựa theo đặc thù kinh tế, xã hội, chính trị, địa lý, văn hóa... riêng của mình để đưa ra hoạch định và thực hiện chiến lược phù hợp nhất với quốc gia và vùng lãnh thổ đó.

Thuật ngữ "Phát triển bền vững" xuất hiện lần đầu tiên vào năm 1980 trong ấn phẩm Chiến lược bảo tồn Thế giới (công bố bởi Hiệp hội Bảo tồn Thiên nhiên và Tài nguyên Thiên nhiên Quốc tế - IUCN) với nội dung rất đơn giản: "Sự phát triển của nhân loại không thể chỉ chú trọng tới phát triển kinh tế mà còn phải tôn trọng những nhu cầu tất yếu của xã hội và sự tác động đến môi trường sinh thái học". Đến năm 1987. Báo cáo Brundtland của Ủy ban Môi trường và Phát triển Thế giới – WCED. Báo cáo đã đưa ra quan điểm: Phát triển bền vững là "sự phát triển có thể đáp ứng được những nhu cầu hiện tại mà không ảnh hưởng, tổn hại đến những khả năng đáp ứng nhu cầu của các thế hệ tương lai...". Phát triển bền vững phải bảo đảm có sự phát triển kinh tế hiệu quả, xã hội công bằng và môi trường. Để đạt được điều này, tất cả các thành phần kinh tế - xã hội, nhà cầm quyền, các tổ chức xã hội...đặc biệt là các doanh nghiệp phải bắt tay nhau thực hiện nhằm mục đích dung hòa 3 lĩnh vực chính: Kinh tế - Xã hội - Môi trường.

Chính vì vậy, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đưa ra quan điểm: "Phát triển bền vững là một loại hình phát triển mới, lồng ghép quá trình sản xuất với bảo tồn tài nguyên và nâng cao chất lượng môi trường. Phát triển bền vững cần phải đáp ứng các nhu cầu của thế hệ hiện tại mà không phương hại đến khả năng của chúng ta đáp ứng các nhu cầu của thế hệ trong tương lai".

Mục tiêu của PTBV đó là phải đảm bảo sự đầy đủ giàu có cả về vật chất lẫn tinh thần văn hóa, sự bình đẳng giữa các tầng lớp trong xã hội, đảm bảo sự hài hòa giữa con người và môi trương thiên nhiên sinh sống. Mục tiêu nhằm đảm bảo phát triển 3 trụ cột (mục tiêu) cơ bản sau: Phát triển tăng trưởng bền vững về Kinh tế; Phát triển tăng trưởng bền vững về Xã hội; Phát triển tăng trưởng bền vững về Môi trường.

Mục tiêu phát triển bền vững - Kinh doanh bền vững và một số giải pháp trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp

Cho đến nay, Liên hợp quốc đã đưa ra 17 mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030, nhằm giúp con người chúng ta ngày càng có cuộc sống lành mạnh gần gũi với thiên nhiên, sức khỏe ngày càng tốt hơn và con người được hưởng cuộc sống hạnh phúc bình an hơn, gồm: Xóa nghèo dưới mọi hình thức ở mọi nơi; Xóa đói, đảm bảo an ninh lương thực và cải thiện dinh dưỡng, phát triển nông nghiệp bền vững; Đảm bảo cuộc sống khỏe mạnh và nâng cao phúc lợi cho tất cả mọi người ở mọi lứa tuổi; Đảm bảo giáo dục chất lượng, rộng mở và công bằng và nâng cao cơ hội học tập suốt đời cho tất cả mọi người; Đạt được bình đẳng giới và trao quyền cho tất cả phụ nữ và trẻ em gái; Đảm bảo sự sẵn có và quản lý bền vững nguồn nước và cải thiện các điều kiện vệ sinh cho tất cả mọi người; Đảm bảo việc tiếp cận năng lượng với giá cả hợp lý, tin cậy, bền vững và hiện đại cho tất cả mọi người; Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế dài hạn, rộng mở và bền vững, việc làm đầy đủ và năng suất và công việc tốt cho tất cả mọi người; Xây dựng cơ sở hạ tầng vững chắc, đẩy mạnh công nghiệp hóa rộng mở và bền vững, khuyến khích đổi mới; Giảm bất bình đẳng trong mỗi quốc gia và giữa các quốc gia; Xây dựng các đô thị và các khu dân cư mở cửa cho tất cả mọi người, an toàn, vững chắc và bền vững; Đảm bảo các mô hình tiêu dùng và sản xuất bền vững; Có biện pháp khẩn cấp để chống lại biến đổi khí hậu và các tác động của nó; Bảo tồn và sử dụng bền vững các đại dương, biển và các nguồn tài nguyên biển cho phát triển bền vững; Bảo vệ, tái tạo và khuyến khích sử dụng bền vững các hệ sinh thái trên cạn, quản lý tài nguyên rừng bền vững, chống sa mạc hóa, chống xói mòn đất và mất đa dạng sinh học; Thúc đẩy xã hội hòa bình và rộng mở cho phát triển bền vững, mang công bằng đến với tất cả mọi người và xây dựng các thể chế hiệu quả, có trách nhiệm và rộng mở ở tất cả các cấp; Đẩy mạnh cách thức thực hiện và đem lại sức sống mới cho quan hệ đối tác toàn cầu để phát triển bền vững.

Mục tiêu phát triển bền vững - Kinh doanh bền vững và một số giải pháp trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp

Nguyên tắc Phát triển bền vững: Nhằm phục vụ cho việc xác định quyền và nghĩa vụ của các tổ chức, cá nhân đối với cộng đồng. Các quy định nhằm đảm bảo thực hiện đúng các nguyên tắc PTBV, gồm: Nguyên tắc phòng ngừa; Nguyên tắc phân quyền và ủy quyền; Nguyên tắc bình đẳng giữa các thế hệ; Nguyên tắc người sử dụng phải trả tiền; Nguyên tắc về sự ủy thác của nhân dân; Nguyên tắc bình đẳng trong nội bộ thế hệ; Nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả tiền.

Vậy: "Để đảm bảo có một tương lai an toàn hơn, phồn vinh hơn, chúng ta chỉ có một con đường là giải quyết một cách cân đối các vấn đề về môi trường và phát triển cùng một lúc".

Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp

Khái niệm về trách nhiệm xã hội (Corporate Social Responsibility - CSR) đã rất quen thuộc với quốc tế nói chung và Việt Nam nói riêng. CSR đã được đưa ra và khởi đầu là định nghĩa của McGuire (1963). CSR là nói tới một doanh nghiệp không chỉ có nghĩa vụ về mặt kinh tế và chấp hành luật pháp, mà còn phải có những trách nhiệm nhất định khác đối với các đối tượng hữu quan (người lao động, khách hàng, Chính phủ, chủ sở hữu, cộng đồng xã hội...). Những năm sau đó, nhiều học giả tiếp tục quan tâm nghiên cứu và đã đưa ra những quan điểm của mình để làm rõ hơn khái niệm về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp.

Theo Friedman (1970), CSR được thể hiện qua việc sử dụng các nguồn lực trong hoạt động kinh doanh để gia tăng lợi nhuận, nhưng miễn là doanh nghiệp đó thực hiện đúng luật, đúng nghĩa vụ pháp lý quy định, trách nhiệm tuân thủ các bộ luật quy đinh liên quan đến hoạt động kinh doanh tạo ra lợi nhuận. Còn Davis (1973) cho rằng, CSR bao gồm không chỉ có sự đáp ứng và kết hợp tất cả các nhu cầu, yêu cầu về kinh tế, kỹ thuật và luật pháp, mà còn cần phải đạt được các mục tiêu xã hội cũng tốt như các mục tiêu kinh tế với mức độ cao hơn.

Theo các chuyên gia thuộc Ngân hàng Thế giới World Bank (WB), CSR là cam kết của doanh nghiệp đóng góp cho việc phát triển kinh tế bền vững, thông qua việc tuân thủ chuẩn mực về bảo vệ môi trường, bình đẳng về giới, an toàn lao động, quyền lợi lao động, trả lương công bằng, đào tạo và phát triển nhân viên, phát triển cộng đồng… theo cách có lợi cho cả doanh nghiệp cũng như phát triển chung của xã hội- bảo đảm cân bằng lợi ích các bên”.

Vậy ta có thể tóm lược nội dung chính của CSR đó là: Trách nhiệm với người tiêu dùng; Trách nhiệm về bảo vệ môi trường; Trách nhiệm với người lao động; Trách nhiệm chung với cộng đồng.

Khi nghiên cứu về CSR vào năm 1999, Archie B.Carroll đã đưa ra tháp CSR về thứ tự ưu tiên bốn khía cạnh thuộc trách nhiệm xã hội mà doanh nghiệp cần phải thực hiện với các bên hữu quan đó là: nghĩa vụ kinh tế, nghĩa vụ pháp luật, nghĩa vụ đạo đức xã hội và nghĩa vụ nhân văn (lòng bác ái). Nghĩa vụ cơ bản nhất mà doanh nghiệp phải thực hiện là đảm bảo lợi ích kinh tế cho các bên hữu quan và mang tính bắt buộc là nghĩa vụ pháp lý, đây là nghĩa vụ cơ bản làm tiền đề để thực hiện các nghĩa vụ cao hơn phía đỉnh tháp đó là nghĩa vụ đạo đức và nhân văn.

Mục tiêu phát triển bền vững - Kinh doanh bền vững và một số giải pháp trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp

- Khía cạnh kinh tế: Doanh nghiệp phải đảm bảo lợi ích kinh tế đối với các bên hữu quan, như đối với khách hàng doanh nghiệp phải đảm bảo về chất lượng, an toàn sản phẩm, định giá tiêu thụ, thông tin quản cáo công bằng,.. Đối với người lao động, doanh nghiệp phải đảm bảo chế độ lương, thưởng, bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, môi trường làm việc,... Đồng thời, doanh nghiệp phải đảm bảo duy trì và phát triển vốn đối với các chủ sở hữu và đóng thuế đầy đủ với Nhà nước theo quy định

- Khía cạnh pháp lý: Doanh nghiệp phải thực hiện đầy đủ những quy định về pháp lý chính thức đối với các bên hữu quan, bắt buộc doanh nghiệp phải thực hiện theo quy định trong các bộ luật, đây là nghĩa vụ mang tính bắt buộc. Những điều luật như thế này sẽ điều tiết được cạnh tranh, bảo vệ khách hàng, bảo vệ môi trường. Các nghĩa vụ pháp lý được thể hiện trong luật dân sự và hình sự.

- Khía cạnh đạo đức: Đó là những hoạt động và hành vi được coi là đúng mà các đối tượng hữu quan mong đợi từ phía doanh nghiệp nhưng không được quy định trong pháp luật, thể hiện ở mức độ cao hơn vượt trên cả những quy định của pháp luật nhưng không được thể chế hóa thành luật. Khía cạnh đạo đức của doanh nghiệp được thể hiện thông qua các thực hiện các nguyên tắc giá trị đạo đức được tôn trọng và được thể hiện trong bản tuyên bố sứ mệnh và chiến lược của doanh nghiệp.

- Khía cạnh nhân văn/lòng bác ái: Đây là khía cạnh cao nhất, thể hiện sự hy sinh muốn đóng góp của doanh nghiệp cho sự phát triển bền vững của toàn xã hội, khía cạnh này được điều chỉnh bởi lương tâm. Sự mong muốn đóng góp sự phát triển chung có thể trên bốn phương diện: nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của mọi thành viên trong xã hội, đặc biệt với đối tượng yếu thế.

MỐI QUAN HỆ VÀ MỘT SỐ GIẢI PHÁP VỀ TRÁCH NHIỆM XÃ CỦA DOANH NGHIỆP VIỆT NAM ĐÓNG GÓP CHO SỰ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG.

Mối liên hệ và quy trình thực hiện

Phát triển bền vững, kinh doanh bền vững và CRS có những điểm chung cùng hướng tới việc xây dựng chiến lược và thực hiện nhằm đảm bảo sự phát triển cân bằng giữa hiện tại và tương lai, giữa thế hệ hiện tại và thế hệ con cháu trong tương lai, đảm bảo sự cân bằng hệ sinh thái môi trường sống giữa con người và thiên nhiên. Để đạt được mục tiêu phát triển bền vững cho cả doanh nghiệp, cho mỗi quốc gia hay cả loài người. Điều đó đòi hỏi mỗi doanh nghiệp, mỗi quốc gia hãy tự nhận thức và nâng cao nhận thức và hành động của mình cùng chung tay thực hiện 17 mục tiêu bền vững đã đặt ra. Khi các doanh nghiệp thực hiện tốt trách nhiệm xã hội của mình => Sẽ đạt được sự kinh doanh doanh bền vững => Từ đó đóng góp vào sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia nói riêng và xã hội loài người nói chung (H3).

Mục tiêu phát triển bền vững - Kinh doanh bền vững và một số giải pháp trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp

Nhằm nâng cao việc thực hiện trách nhiệm xã hội hướng tới kinh doanh bền vững và phát triển bền vững của doanh nghiệp và nền kinh tế. Tác giả đề xuất một quy trình thực hiện gồm 6 bước sau.

Bước 1: Đánh giá mức độ thực hiện trách nhiệm xã hội hiện tại mà doanh nghiệp hay quốc gia đang thực hiện, đang gặp phải (đánh giá thực trạng).

Bước 2: Xác định mức độ mong muốn trách nhiệm xã hội và sự phát triển bền vững mong muốn.

Bước 3: Xác định khoảng cách giữa hiện tại và mong muốn. Xác định mức độ chênh lệch.

Bước 4: Lập kế hoạch lấp đầy khoảng trống về Trách nhiệm xã hội và phát triển bền vững.

Bước 5: Truyền thông và thực hiện kế hoạch về trách nhiệm xã hội và phát triển bền vững.

Bước 6: Kiểm tra, đánh giá và điều chỉnh nhằm đạt được kết quả theo định hướng kế hoạch.

Mục tiêu phát triển bền vững - Kinh doanh bền vững và một số giải pháp trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp

MỘT SỐ GIẢI PHÁP

Đối với các doanh nghiệp

Thứ nhất, nâng cao nhận thức về ảnh hưởng của CSR và kinh doanh bền vững. Mỗi doanh nghiệp cần phải biết đánh giá lợi ích của việc thực hiện CSR mang lại cho doanh nghiệp. Cần từng bước xây dựng đội ngũ lãnh đạo doanh nghiệp có tinh thần trách nhiệm xã hội cao, tinh thần kinh doanh có trách nhiệm bền vững, đặc biệt là thay đổi tư duy và ý thức của các nhà lãnh đạo doanh nghiệp đối với CSR.

Thứ hai, doanh nghiệp phải trung thực và quan tâm thực sự đến CSR và kinh doanh bền vững. Doanh nghiệp cần phải tiến hành xây dựng bộ cam kết CSR tới từng thành viên trong doanh nghiệp, phải thực hiện và xây dụng bộ quy tắc ứng xử, tinh thần CSR cho các cấp quản lý tới từng nhân viên. Doanh nghiệp xây dựng những quy định CSR làm nguyên tắc thực hiện. Doanh nghiệp phải thực hiện kế hoạch sản xuất kinh doanh song song với việc nâng cao nhận thức và cam kết thực hiện CSR, có hình thức thưởng phạt cụ thể với nhân viên khi thực hiện CSR.

Thứ ba, doanh nghiệp phải tuân thủ nghiêm các bộ tiêu chuẩn môi trường và các quy định khác liên quan đếnn phát triển bền vững: Trong môi trường kinh doanh hiện nay, doanh nghiệp cần phải thể hiện trách nhiệm xã hội của mình thông qua việc có được một số chứng chỉ và bộ quy tắc ứng xử được quốc tế công nhận và là yêu cầu của thị trường. DN phải tuân thủ thực hiện các tiêu chuẩn CSR trên thế giới và áp dụng vào Việt Nam hiện nay một cách linh hoạt và phù hợp.

Thứ tư, doanh nghiệp phải tuân thủ nghiêm các Bộ luật liên quan môi trường và phát triển bền vững. Ví dụ, doanh nghiệp phải nghiêm chỉnh thực hiện theo Luật số 59/2010/QH12 của Quốc hội Việt Nam, Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Nghị định số 99/2011/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và những quy định trong các Bộ luật khác có liên quan.

Thứ năm, doanh nghiệp phải chú ý tới ý kiến của các bên liên quan thông qua mạng xã hội để truyền thông hiệu quả, thực hiện việc đánh giá và cải tiến thực hiện trách nhiệm xã hội. Doanh nghiệp phải biết lắng nghe và thấu hiểu mong muốn cũng những nhận xét đánh giá của xã hội trên các phương tiện thông tin để cải thiện trong quá trình thực hiện trách nhiệm của mình.

Đối với cấp Nhà nước, bộ, ngành

Một là, xây dựng hệ thống chính sách pháp luật của nước ta về bảo vệ môi trường và thực hiện một cách đồng bộ, nhất quán, xử phạt nghiêm minh. Xây dựng các chế tài xử lý cũng như các bộ luật và thực thi nghiêm minh đủ sức răn đe, có những hình phạt thích đáng với những hành vi kinh doanh vi phạm luật pháp làm ảnh hưởng đến sức khỏe và môi trường sống.

Hai là, khi triển khai thực hiện phải phân cấp công việc rõ ràng cho từng cấp Bộ Ngành, các cơ quan chức năng chủ quan tránh chồng chéo. Cần phân định quyền lực, nghĩa vụ và trách nhiệm cho các bên liên quan một cách rõ ràng dễ thực hiện và đảm bảo sự đồng nhất.

Ba là, tăng cường củng cố lực luợng và điều kiện liên quan khi thực thi công vụ. Cần được trang bị các phương tiện và công cụ kiểm tra, đảm bảo nguồn kinh phí hoạt động và đặc biệt nâng cao đạo đức nghề nghiệp của những người thực thi công vụ. Đồng thời, tăng cường sự phối hợp giữa các lực lượng cơ quan chức năng với các hiệp hội ngành và doanh nghiệp.

Bốn là, thực hiện phổ biến, công khai trên các phương tiện thông tin các văn bản pháp luật cập nhật các quy định về CSR và phát triển bền vững tăng cường sự phối hợp giữa các lực lượng chức năng với các hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp. Đồng thời, có chế độ thưởng phạt công minh đối với các bên tham gia quản lý CSR cũng như việc thực hiện CSR của từng doanh nghiệp.

Năm là, tổ chức các hoạt động nhằm nâng cao nhận thức về CSR và phát triển bền vững cho các đối tượng trong xã hội. Khi xã hội có nhận thức về phát triển bền vững và trách nhiệm xã hội được nâng cao thì điều đó sẽ đồng nghĩa sẽ là “quyền lực mềm” gây áp lực để các doanh nghiệp phải tôn trọng đạo đức kinh doanh, trách nhiệm xã hội và hành xử có nhân cách, hạn chế về hành vi sai trái, thúc đẩy hành vi thân thiện tác động tích cực góp phần vào quá trình thực hiện mục phát triển bền vững của mỗi quốc gia.

KẾT LUẬN

Kết quả phân tích cho thấy, 3a nội dung “Phát triển bền vững”, “Doanh nghiệp kinh doanh bền vững” và “Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp” có mối quan hệ mật thiết với nhau. Chúng có một mục đích chung là hướng tới sự phát triển cân bằng cả về không gian và thời gian, cân bằng cho tất cả các thực thể sống trên trái đất, giữa con người và thế giới xung quanh. Với 17 mục tiêu phát triển bền vững, Liên Hợp Quốc kêu gọi các doanh nghiệp khi thực hiện sản xuất kinh doanh cần phải chú ý đảm bảo sự bân bằng phát triển “Kinh tế - Xã hội - Môi trường”. Đồng thời, các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới cùng nhau thực hiện nhằm đem đến cho loài người có cuộc sống cân bằng bình an và hạnh phúc hơn cả về vật chất và tinh thần cho tương lai ngày càng tốt đẹp hơn./.

Tài liệu tham khảo

  1. Blowfield and Murray (2008), Corporate Responsibility, Oxford University Press.
  2. Carroll, A. B (1999), Corporate Social Responsibility, Business and Society, 38(3), 268-295.
  3. Nguyễn Đình Cung và Lưu Minh Đức (2009), Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp – CSR: một số vấn đề lý luận và yêu cầu đổi mới quản lý nhà nước đối với CSR ở Việt Nam.
  4. Robert W. Sexty (2007), Ethics & Responsibilities, Part III Ethical and Social Responsibilities, McGraw-Hill.