Dự kiến, Ngoại trưởng Cuba Bruno Rodriguez ngày 20/7 sẽ có mặt ở Washington (Mỹ) để tham dự buổi lễ đánh dấu hai nước chính thức khôi phục quan hệ ngoại giao sau 54 năm gián đoạn và có cuộc gặp Ngoại trưởng Mỹ John Kerry.

Ông Rodriguez là ngoại trưởng Cuba đầu tiên đến thăm Mỹ kể từ năm 1958. Đây là bước đi mang tính biểu tượng cho thấy sự tan băng trong mối quan hệ hai nước, được Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Cuba Raul Castro khởi xướng vào cuối năm ngoái.

Cũng trong ngày 20/7, tại thủ đô La Habana, Đại sứ quán Mỹ sẽ mở cửa trở lại. Tuy nhiên, buổi lễ chính thức đánh dấu sự kiện này sẽ được tổ chức vào tháng 8/2015 khi Ngoại trưởng Mỹ John Kerry thăm Cuba.

Sau gần 7 tháng thương lượng với 4 vòng đàm phán, tiến trình bình thường hóa quan hệ Mỹ - Cuba đã đạt được bước tiến mang dấu mốc lịch sử với việc hai nước nhất trí mở lại đại sứ quán.

Theo Chủ tịch Cuba Raul Castro, Cuba và Mỹ đang bước vào kỷ nguyên mới sau khi đồng ý nối lại quan hệ ngoại giao, nhưng đây mới chỉ là sự khởi đầu của một giai đoạn mới kéo dài và phức tạp trên con đường tiến đến bình thường hóa.

Giới quan sát cho rằng, di sản chính sách ngoại giao của Tổng thống Barack Obama, bước ngoặt lịch sử giữa hai cựu thù, đã tiến sang giai đoạn mới, kể từ khi hai nước quyết định “chôn vùi” quá khứ và cùng hợp tác hướng tới sự cân bằng. Sự thay đổi chính sách của Mỹ diễn ra sau khi Washington hiểu rằng, chính sách thù địch mà mình đang cố áp đặt lên Cuba thông qua các biện pháp cô lập và cấm vận kinh tế đã thất bại.

Nhà ngoại giao Cuba Carlos Alzugaray cho rằng, việc mở lại Đại sứ quán tại hai nước là thời khắc lịch sử. Tuy nhiên, những công việc khó khăn thực sự mới chỉ bắt đầu khi hai bên phải giải quyết các vấn đề ngoại giao gai góc như La Habana muốn Mỹ chấm dứt lệnh cấm vận đã kéo dài suốt 53 năm qua. Ngược lại, Mỹ luôn kêu gọi Cuba cải thiện nhân quyền và tự do.

“Ý nghĩa của việc mở cửa lại Đại sứ quan là xây dựng lòng tin và sự tôn trọng. Cả hai nước đều mong muốn thể hiện điều đó. Nó không có nghĩa là sẽ không còn những bất đồng song phương, song cái cách mà Mỹ và Cuba giải quyết bất đồng đã hoàn toàn thay đổi”, ông Alzugaray nói thêm.

Trong thông báo của mình, Bộ Ngoại giao Cuba nêu rõ, việc tái thiết lập quan hệ ngoại giao song phương và mở cửa Đại sứ quan đã hoàn thành giai đoạn một của tiến trình kéo dài và phức tạp, hướng tới bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Tuyên bố cũng nêu rõ, quan hệ hai nước sẽ chưa thể “bình thường” một khi các rào cản kinh tế, thương mại và tài chính tiếp tục được Mỹ áp đặt, tác động tới người dân Cuba.

Sau khi Mỹ và Cuba mở cửa trở lại đại sứ quán ở thủ đô của nhau, Cuba dự kiến sẽ đón luồng khách du lịch quốc tế lớn, đặc biệt là từ du khách Mỹ đến thăm thân nhân, thưởng thức trái cây, những bãi cát trắng, thành phố thuộc địa, xì gà, rượu rum và những chiếc xe cổ điển của Mỹ trên đường phố Cuba./.

Tháng 1/1961, Tổng thống Mỹ Dwight D.Eisenhower tuyên bố cắt đứt hoàn toàn các mối quan hệ với Cuba sau khi lãnh tụ Fidel Castro lãnh đạo phong trào cách mạng lật đổ chính quyền Fulgencio Batista. Quan hệ Mỹ-Cuba tiếp tục xấu đi sau khi máy bay do thám của Mỹ phát hiện Liên xô xây dựng căn cứ tên lửa đạn đạo trên lãnh thổ Cuba vào năm 1962, dẫn đến lệnh cấm vận kinh tế, thương mại và tài chính của Mỹ đối với Cuba.

Tháng 12/2014, Tổng thống Obama và Chủ tịch Raul Castro đưa ra tuyên bố lịch sử, nhất trí bình thường hóa quan hệ giữa hai nước sau hơn nửa thế kỷ lạnh nhạt. Đến tháng 5/2015, Tổng thống Obama chính thức đưa Cuba khỏi danh sách các nước bảo trợ khủng bố, mở đường cho những tiến triển tiếp theo trong quá trình bình thường hóa quan hệ.