Nam giới được vay vốn gấp 37 lần nữ giới
Đây là thông tin được bà Ngô Hồng Diệp, Phó Giám đốc quốc gia tại Việt Nam, sáng kiến kinh doanh Mekong chia sẻ tại Diễn đàn Hỗ trợ doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ tiếp cận thị trường thế giới ngày 11/04/2017.
Nhiều rào cản đối với doanh nghiệp do nữ làm chủ
Phát biểu tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, doanh nhân nữ luôn đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ chiếm 25% doanh nghiệp nhỏ và vừa, đã đóng góp to lớn trong việc tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người lao động.
Toàn cảnh diễn đàn |
Cũng đánh giá cao vai trò của doanh nhân nữ, bà Ngô Hồng Diệp cho biết, tốc độ tăng trưởng số lượng của doanh nghiệp do nam giới làm chủ giai đoạn 2009-2013 là 1,6 lần, trong khi đó, doanh nghiệp do nữ làm chủ tăng 5 lần. Đặc biệt, các doanh nghiệp do nữ làm chủ có những ưu điểm là tuyển dụng nhiều lao động nữ, có trách nhiệm xã hội tốt hơn, liêm chính hơn và ít trả chi phí bôi trơn và không chính thức hơn.
Tuy nhiên, bà Diệp cũng cho biết, còn nhiều khó khăn và rào cản khiến doanh nghiệp nữ Việt Nam chưa tiếp cận thành công thị trường thế giới, đầu tiền là khó khăn trong tiếp cận tài chính.
“Theo một khảo sát trên 3 chi nhánh của một ngân hàng thương mại, thì 1 đồng vốn cho phụ nữ vay, thì có tới 37 đồng cho nam giới vay. Như vậy, khi vay vốn doanh nghiệp do nữ làm chủ thiệt thòi hơn nam giới rất là nhiều”, bà Diệp giải thích.
Đồng tình với ý kiến trên, bà Mia Urbano, Chuyên gia phát triển xã hội và Giới cho biết, ở Việt Nam, tỷ lệ phụ nữ có những khoản tiết kiệm tại các tổ chức tài chính trong những năm qua tương đối thấp, chỉ 13,7%; trong khi con số này ở Mỹ là 59,3%. Ở Việt Nam, chỉ có 36% phụ nữ có tên trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (có thể đứng chung với chồng hoặc đứng độc lập). Doanh nghiệp nữ ở Việt Nam vẫn thiếu thực tiễn, thiếu khả năng đưa ra quyết định, đặc biệt trong các quy định của các bộ, ngành, cơ quan Chính phủ.
Một khó khăn khác được bà Diệp nêu ra, đó là xây dựng mạng lưới kinh doanh yếu. Kết quả kiểm tra danh bạ điện thoại kinh doanh của 1 vài nữ và nam doanh nhân cho thấy, phụ nữ có 1 contact, thì nam giới phải có 1,7 contact, điều này cho thấy, quan hệ của nam giới rộng hơn nữ giới rất nhiều. Đặc biệt, phụ nữ còn bị thiệt tòi trong việc duy trì mạng lưới kinh doanh trước và sau khi sinh con.
“Một doanh nhân chia sẻ phải mất 3 năm để khôi phục lại mạng lưới quan hệ như trước khi sinh con”, bà Diệp đưa thông tin.
Ngoài ra, còn có những khó khăn, như: ít có cơ hội tham gia xúc tiến thương mại do ít mối quan hệ và giao lưu với các đồng nghiệp hơn nam giới; Phải cân bằng giữa kinh doanh và gia đình; Tư tưởng trọng nam khinh nữ vẫn còn tồn tại, nên nhiều gia đình coi việc kinh doanh không phải là việc của phụ nữ…
Cần những hỗ trợ hiệu quả
Theo bà Diệp, mặc dù gặp nhiều trở ngại trong kinh doanh hơn so với nam giới, nhưng doanh nghiệp do nữ làm chủ vẫn chưa có được những hỗ trợ hiệu quả trong phát triển kinh doanh hay trong xúc tiến thương mại, xuất khẩu, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Do đó, bà Diệp kiến nghị, trong Dự thảo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa lần này, cần có những quy định về hỗ trợ doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ.
Bên cạnh đó, bà Diệp cũng cho biết, hiện nay có nhiều chương trình xúc tiến thương mại và hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhưng lại chưa quy định hạn ngạch tỷ lệ nhất định doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ được tham gia. Do đó, bà Diệp kiến nghị, trong các chương này nên quy định ít nhất là 20% doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ được tham gia.
Chia sẻ kinh nghiệm hỗ trợ doanh nghiệp do nữ làm chủ ở Malaysia, bà Susila Devi Kumaran, nguyên Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Phát triển thương mại quốc tế Malaysia cho biết, ở Malaysia có các chương trình hỗ trợ khối doanh nghiệp này trong việc tham gia xuất khẩu, nâng cao trình độ, kỹ năng về quản trị, năng lực internet, kể cả ngôn ngữ…
Bên cạnh đó, Malaysia còn rất coi trọng đến việc kết nối không gian cho các nữ doanh nhân thông qua các buổi giao lưu hàng tháng, hội thảo, diễn đàn… để từ đó, họ có thể chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, kiến thức với nhau.
“Đây là nền tảng để thúc đẩy doanh nghiệp nữ tham gia thị trường toàn cầu”, bà Susila Devi Kumaran cho biết.
Còn theo bà Vannaporn kettudat, Phó Vụ trưởng Vụ Xúc tiến thương mại, Thái Lan, Chính phủ Thái Lan đã ban hành các quy định hỗ trợ doanh nghiệp nữ tham gia thị trường toàn cầu. Trong đó, tập trung vào việc cung cấp thông tin về chuyên sâu về cơ hội thị trường, hướng dẫn xây dựng kế hoạch kinh doanh, cách thức đàm phán và tiếp cận thị trường xuất khẩu, thông tin về các tiêu chuẩn, quy định của thị trường xuất khẩu, tổ chức hội chợ thương mại, thực hiện các buổi tọa đàm chia sẻ kinh nghiệm của các doanh nghiệp thành công cho các doanh nghiệp nhỏ…
Đưa ra lời khuyên cho các doanh nhân nữ, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, trước bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, khi những ngăn cách về không gian kinh tế, hàng hóa, dịch vụ ngày càng thu hẹpm thì bất cứ doanh nghiệp hay nhà đầu tư nào cũng đều có cơ hội và phải đối diện với cạnh tranh gay gắt trong việc tận dụng và phát huy ưu thế hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế. Điều này đòi hỏi doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ phải thay đổi và thích nghi để tồn tại và phát triển.
“Về phía Bộ Công Thương, Bộ đang nỗ lực đẩy mạnh công tác đàm phán, mở cửa thị trường cho hàng hóa, dịch vụ của Việt Nam và nâng cao hiệu quả xúc tiến thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp trong việc phát triển kinh doanh, thâm nhập thị trường khu vực và thế giới”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải khẳng định./.
Bình luận