Nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến thương mại và phát triển xuất nhập khẩu vùng Đồng bằng sông Hồng
Vùng Đồng bằng sông Hồng là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng, động lực phát triển hàng đầu, có vai trò dẫn dắt quá trình cơ cấu lại nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng của đất nước để tạo đột phá phát triển nhanh, bền vững. Để góp phần phát huy tiềm năng, lợi thế của toàn vùng Đồng bằng sông Hồng, cũng như từng địa phương, đưa Vùng phát triển ngày càng lớn mạnh, các hoạt động liên kết, hợp tác giữa các địa phương trong công tác XTTM và xuất nhập khẩu cần được triển khai đẩy mạnh và tạo dựng các cơ chế chính thức riêng trong liên kết Vùng. Đây là khuyến nghị được đưa ra tại Hội nghị Xúc tiến thương mại và Phát triển xuất nhập khẩu vùng Đồng bằng sông Hồng do Bộ Công Thương tổ chức diễn ra vào ngày 5/6, tại Hà Nội theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.
Hội nghị Xúc tiến thương mại và phát triển xuất nhập khẩu vùng Đồng bằng sông Hồng |
Tiềm năng và những vấn đề còn tồn tại của vùng Đồng bằng sông Hồng
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân nhấn mạnh, vùng Đồng bằng sông Hồng là địa bàn đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của đất nước; là cửa ngõ phía bắc của đất nước và ASEAN về kết nối phát triển kinh tế, thương mại với Trung Quốc – thị trường rộng lớn nhất thế giới; là cầu nối quan trọng trong giao lưu kinh tế quốc tế. Sân bay Nội Bài, cảng Hải Phòng là những cửa ngõ mở ra khu vực và thế giới. Vùng có hạt nhân là Thủ đô Hà Nội; có vai trò là 1 trong 2 trung tâm kinh tế lớn nhất của cả nước, động lực phát triển hàng đầu của cả nước với 3 cực tăng trưởng là Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh. Đây cũng là vùng đi đầu về công nghiệp hóa - hiện đại hóa, nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, kết cấu hạ tầng vùng đã được đầu tư phát triển mạnh.
Trong giai đoạn vừa qua, vùng Đồng bằng sông Hồng luôn duy trì được tốc độ tăng trưởng cao, chuyển dịch cơ cấu kinh tế mạnh. Riêng trong năm 2023, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Vùng đạt 6,28%, đứng thứ 3/6 vùng kinh tế (sau vùng Trung du và miền núi phía Bắc và vùng Đồng bằng sông Cửu Long). Quy mô kinh tế giá hiện hành đạt hơn 3.100 tỷ đồng, chiếm gần 30,1% GDP cả nước, đứng thứ 2/6 vùng kinh tế (sau vùng Đông Nam Bộ 30,2%); GRDP bình quân đầu người đạt 131,9 triệu đồng, đứng thứ 2 cả nước (sau vùng Đông Nam Bộ 166 triệu USD). Quý I/2024, GRDP bình quân của Vùng đạt 6,3% (bình quân cả nước 5,66%).
Năm 2023, kim ngạch xuất nhập khẩu của toàn Vùng đạt trên 260,88 tỷ USD, cao nhất trong 6 vùng kinh tế, chiếm 38% kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước, giảm gần 12,25 tỷ USD so năm 2022 do tác động chung của bối cảnh ngoại thương toàn cầu khó khăn. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của Vùng năm 2023 đạt trên 126,94 tỷ USD, giảm trên 2,98 tỷ USD so năm 2022; kim ngạch nhập khẩu đạt gần 133,94 tỷ USD, giảm gần 9,26 tỷ USD so năm 2022. Bắc Ninh là địa phương dẫn đầu vùng về kim ngạch xuất nhập khẩu, tiếp theo là Hà Nội, Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Hải Dương, Hà Nam, Quảng Ninh, Hưng Yên…
Thu hút đầu tư nước ngoài lớn nhất nước ước đạt 17,382 tỷ USD, trong đó 5/11 địa phương trong Vùng thuộc nhóm 10 địa phương dẫn đầu cả nước. Cơ cấu kinh tế GRDP của vùng tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực; trong đó, công nghiệp - xây dựng, dịch vụ vẫn chiếm tỷ trọng lớn, trở thành động lực và đầu tàu tăng trưởng kinh tế của toàn vùng. Các ngành công, nông nghiệp thuộc ưu thế phát triển của vùng Đồng bằng sông Hồng gồm luyện kim, cơ chế, hoá chất, vật liệu xây dựng, chế biến thực phẩm, sản xuất hàng tiêu dùng, nhiệt điện, khai thác khí dầu, khai thác đá vôi, khai thác cao lanh, sản xuất lương thực, chăn nuôi gia súc và gia cầm... Những nơi tập trung nhiều ngành công nghiệp của Vùng phải kể đến là Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Bắc Ninh.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân phát biểu khai mạc Hội nghị |
Tuy nhiên, Vùng đang đối mặt với những vấn đề cần giải quyết như: Kinh tế Vùng phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế, vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng của Vùng; các địa phương phát triển không đồng đều, phụ thuộc nhiều vào vốn và lao động. Các ngành sản xuất với công nghệ hiện đại chiếm tỉ lệ thấp; chuyển dịch cơ cấu kinh tế tổng thể có kết quả, nhưng còn chậm; chuyển dịch cơ cấu nội ngành (xét đến ngành cấp III và các ngành sản phẩm cụ thể) còn chưa mạnh và rõ nét; chưa hình thành được những chuỗi giá trị (chưa tạo lập được các chuỗi sản xuất) và các cụm liên kết ngành (các cluster); chưa có những đột phá về phát triển các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu thương mại tự do. Vùng cũng chưa hình thành các cụm liên kết ngành, các vùng sản xuất nông sản tập trung.
Để tạo cơ sở phát triển đột phá cho Vùng, ngày 04/5/2024 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Quyết định số 368/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Hồng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, Vùng Đồng bằng sông Hồng được định hướng là vùng phát triển nhanh, bền vững, có cơ cấu kinh tế hợp lý, mang đậm bản sắc văn hoá dân tộc; có nền công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ hiện đại, thân thiện với môi trường; đi đầu về phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, kinh tế số, xã hội số; có hạ tầng đồng bộ, hiện đại, đô thị thông minh, có tính kết nối cao. Phấn đấu đến năm 2030 trở thành vùng có công nghiệp hiện đại, tiệm cận mức thu nhập cao.
Để tạo ra bước chuyển biến mới, có tính đột phá trong việc phát huy vị trí, vai trò quan trọng đặc biệt và khai thác có hiệu quả hơn tiềm năng, lợi thế phát triển của Vùng; đồng thời tiếp tục phát huy những kết quả, thành tựu to lớn đã đạt được, khắc phục những hạn chế, yếu kém còn tồn tại, vượt qua những khó khăn, thách thức mới đang đặt ra trong phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng. Theo Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân, cần phải có các giải pháp thúc đẩy khoa học, công nghệ, liên kết chuỗi trong sản xuất nâng cao giá trị sản phẩm, liên kết vùng trong các hoạt động xúc tiến thương mại và xuất nhập khẩu theo quy mô chuyên nghiệp.
“Muốn vậy, vùng Đồng bằng sông Hồng cần phát huy tối đa các nguồn lực, thực thi hiệu quả các chương trình hành động mang tính đột phá. Tại Hội nghị ngày hôm nay với nội dung trọng tâm thúc đẩy xúc tiến thương mại và phát triển xuất nhập khẩu cho Vùng, tôi rất mong đại diện các địa phương trong vùng, các hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp liên quan cùng tập trung trao đổi những khó khăn, vướng mắc trong kết nối vùng, phát triển kinh tế, xuất nhập khẩu của Vùng, cũng như bàn thảo các giải pháp tăng cường hiệu lực, hiệu quả các hoạt động xúc tiến thương mại quy mô vùng, có tính liên kết chặt chẽ với các hoạt động xúc tiến thương mại khu vực và quốc gia”, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân gợi mở.
Phát huy vai trò liên kết của công tác XTTM thúc đẩy kết nối tiêu thụ hàng hóa của Vùng
Đánh giá về vai trò của công tác XTTM trong việc đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa của Vùng, ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) nhấn mạnh hoạt động XTTM được xác định là sợi dây liên kết các địa phương khu vực Đồng bằng sông Hồng trong xúc tiến tiêu thụ hàng hóa. “Thời gian qua, Bộ Công Thương đã phối hợp với các địa phương trong vùng triển khai nhiều hoạt động XTTM mang tính liên kết vùng miền ổn định lâu dài và đạt hiệu quả. Các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Hồng trong 2 năm vừa qua đã tổ chức thành công nhiều hội chợ triển lãm thương mại cấp vùng, thu hút sự tham gia của hàng nghìn doanh nghiệp. Tuy nhiên, công tác này thời gian qua còn chưa phát huy hết hiệu quả”, ông Phú nhìn nhận.
Nhận diện cơ hội đối với công tác XTTM của vùng Đồng bằng sông Hồng trong bối cảnh hiện nay và sắp tới, ông Phú cho biết về cơ hội, nền kinh tế thế giới năm 2024 đang có những dấu hiệu phục hồi rõ nét, tạo cơ hội cho việc đẩy mạnh các hoạt động giao thương hàng hoá quốc tế. Những thị trường lớn của Việt Nam như EU, Hoa Kỳ, Trung Quốc… sau 2 năm khủng hoảng vì đại dịch Covid-19 đang có một số điểm sáng là lạm phát giảm, chuỗi cung dần khôi phục, kinh tế đang dần ổn định trở lại. Do đó, nhiều tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài đang gia tăng về tần suất, cũng như quy mô thực hiện các hoạt động XTTM, mở ra nhiều lựa chọn cho các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam nói chung và vùng Đồng bằng sông Hồng nói riêng tham gia quảng bá sản phẩm, tìm kiếm đối tác giao thương quốc tế, từ các sự kiện đa ngành cho tới những sự kiện chuyên ngành sâu, hẹp với đủ dạng hình thức, nội dung xúc tiến.
Trong năm 2024 đến nay, qua nắm bắt thông tin sơ bộ từ một số cơ quan đại diện thương mại nước ngoài tại Việt Nam và cơ quan đại diện thương mại Việt Nam ở nước ngoài, số lượng các đoàn doanh gia nước ngoài vào Việt Nam sẽ tăng lên đáng kể so với 2 năm trước. Đặc biệt, số lượng các đoàn từ các tỉnh, thành của một số thị trường quan trọng đối với thương mại Việt Nam như : Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ… sang Việt Nam cũng khá tấp nập, quan tâm đến nhiều nhóm mặt hàng nông lâm sản là thế mạnh của vùng Đồng bằng sông Hồng, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong vùng có cơ hội XTTM trực tiếp ngay tại cơ sở.
Cùng với đó, sự phát triển của đa dạng các nền tảng thương mại điện tử trong nước và quốc tế cũng đang tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vùng Đồng bằng sông Hồng vốn eo hẹp về kinh phí XTTM trực tiếp tại nước ngoài, nay có thể tận dụng được các nền tảng này để quảng bá hàng hoá đi tới nhiều thị trường xa.
Tháo gỡ vướng mắc, khó khăn để đẩy mạnh XTTM, tạo đầu ra cho hàng hóa
Bên cạnh những cơ hội thuận lợi như trên, ông Phú cũng cho rằng, còn nhiều khó khăn, thách thức mà công tác XTTM cũng như việc triển khai hoạt động xúc tiến thương mại liên kết Vùng phải đối mặt đòi hỏi cần có các giải pháp tháo gỡ kịp thời.
Theo đó, 11 tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Hồng hiện có 3 mô hình trung tâm xúc tiến thương mại, thuộc các đơn vị quản lý khác nhau dẫn đến những bất cập trong công tác quản lý nhà nước và triển khai có hiệu quả hoạt động. Bên cạnh đó, một số địa phương gặp khó trong việc bố trí địa điểm, dịch vụ thuận lợi để tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại lớn, thường xuyên. Ngay tại 3 cực tăng trưởng là Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh đến nay vẫn thiếu các trung tâm hội chợ triển lãm, hội nghị đảm bảo diện tích và đầy đủ công năng phù hợp để tổ chức sự kiện mang tính chất khu vực, quốc tế nhằm thu hút đầu tư, thúc đẩy thương mại, quảng bá văn hóa, du lịch quốc gia.
Các gian hàng giới thiệu sản phẩm của vùng Đồng bằng sông Hồng bên lề Hội nghị |
Cùng với đó, năng lực, trình độ chuyên môn của đội ngũ làm công tác xúc tiến thương mại còn hạn chế cần tiếp tục được khắc phục, chưa thực sự theo kịp yêu cầu của các hoạt động lớn, cần sự phối hợp liên ngành, liên tỉnh; tính liên kết chưa thực sự chặt chẽ và hiệu quả trong mạng lưới các tổ chức xúc tiến thương mại, hiệp hội ngành hàng, dẫn đến nguồn lực cho xúc tiến thương mại bị dàn trải, chồng chéo, thiếu các hoạt động có quy mô lớn, tác động sâu rộng, mang lại kết quả cho nhiều đối tượng hưởng lợi.
Cũng theo đại diện Cục Xúc tiến thương mại, công tác XTTM hiện nay của vùng Đồng bằng sông Hồng còn thiếu sự đồng bộ. Một số hoạt động XTTM trên địa bàn vùng nói riêng và cả nước nói chung còn có sự chồng chéo, trùng lặp; sự phối hợp giữa các tổ chức XTTM còn nhiều hạn chế, manh mún, rời rạc. Đại đa số các tổ chức XTTM tiến hành chương trình XTTM của riêng mình. Những năm gần đây dù đã có xu hướng xây dựng các kế hoạch phối hợp, gắn kết các tổ chức khác trong vùng để cùng chung tay thực hiện các chương trình XTTM hoàn chỉnh, đa dạng và có quy mô lớn nhưng số lượng các hoạt động này chưa nhiều.
Về phía doanh nghiệp, nhiều doanh nghiệp của vùng Đồng bằng sông Hồng dù có sản phẩm đủ năng lực cạnh tranh, rất tiềm năng để đưa ra thị trường quốc tế, nhưng còn thụ động trong công tác XTTM. Khả năng nắm bắt các thông tin thị trường và các cơ hội kinh doanh, khả năng tiếp thị xuất khẩu của nhiều doanh nghiệp trên địa bàn vùng còn hạn chế. Trong nhiều chương trình XTTM của Việt Nam ra nước ngoài, sự tham gia của các doanh nghiệp vùng Đồng bằng sông Hồng còn manh mún, nhỏ lẻ. Nhiều trường hợp, số doanh nghiệp của Vùng tham gia những hoạt động XTTM nước ngoài là những doanh nghiệp nhỏ, sản phẩm được bạn hàng nước ngoài ưng ý về tính hữu dụng, chất lượng và tính bản địa đặc sắc của vùng nhưng bản thân doanh nghiệp lại chưa đáp ứng được các yêu cầu về thủ tục giấy tờ đăng ký, kiểm định chất lượng, phương thức thanh toán, mẫu mã bao bì sản phẩm... Do đó, nhiều doanh nghiệp của Vùng chưa tận dụng được tối đa hiệu quả của công tác XTTM với thị trường nước ngoài.
“Để không lỡ nhịp các cơ hội thị trường quốc tế mới, doanh nghiệp của vùng rất cần sự hỗ trợ về đẩy mạnh XTTM, phát triển thị trường một cách chuyên nghiệp, hiệu quả từ các cơ quan, tổ chức XTTM địa phương trong vùng nói riêng và các tổ chức hỗ trợ kinh doanh bên ngoài vùng”, ông Phú nhấn mạnh. Đại diện Cục XTTM đưa ra một số biện pháp trọng tâm nhằm khắc phục các bất cập và đẩy mạnh hoạt động XTTM kết nối Vùng trong năm 2024 và dài hạn, cụ thể như sau:
Về giải pháp trong năm nay, tiếp tục đồng hành, hỗ trợ các doanh nghiệp có năng lực xuất khẩu của vùng Đồng bằng sông Hồng trực tiếp tham gia các hoạt động XTTM, hội chợ, triển lãm lớn trong nước và quốc tế; Hỗ trợ các Trung tâm XTTM địa phương tổ chức các hoạt động cung cấp thông tin, các hội chợ triển lãm có tính chất liên kết vùng cao nhằm phát huy tối đa nội lực của Vùng, thúc đẩy xuất khẩu những sản phẩm thế mạnh của Vùng; Tiếp tục tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp nhận thức sâu rộng hơn về thương hiệu thông qua chương trình Thương hiệu quốc gia, coi đây là hoạt động XTTM đặc thù nhằm bảo trợ cho các thương hiệu sản phẩm có chất lượng và uy tín, giúp doanh nghiệp Việt Nam tạo chỗ đứng vững vàng ở thị trường trong nước, đẩy mạnh phát triển thương hiệu của mình ra thế giới; Tăng cường nghiên cứu, triển khai các phương thức XTTM trên môi trường số mới; chia sẻ kinh nghiệm tổ chức các hoạt động chuyển đổi số trong XTTM và đưa các mô hình này lan tỏa tới nhiều cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp trên cả nước nhằm giúp doanh nghiệp thuộc vùng Đồng bằng sông Hồng thúc đẩy quảng bá, tiêu thụ sản phẩm trên môi trường số, nâng cao giá trị gia tăng cho hàng xuất khẩu.
Về các giải pháp trọng tâm lâu dài cho các hoạt động XTTM của Vùng, để tăng tính liên kết vùng trong hoạt động XTTM của vùng Đồng bằng sông Hồng, đẩy mạnh thực hiện các giải pháp có tính căn cơ như sau:
(i) Chính phủ chỉ đạo tập trung đầu tư đồng bộ hạ tầng thương mại để tạo động lực và liên kết vùng trong hoạt động thương mại;
(ii) Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Nội vụ và các địa phương tiếp tục rà soát, đánh giá hiệu quả của các mô hình tổ chức để kiện toàn, thống nhất, ổn định bộ máy các đơn vị thực hiện nhiệm vụ xúc tiến thương mại từ vai trò, chức năng nhiệm vụ, mô hình quản lý, tổ chức, con người, năng lực chuyên môn nhằm tập trung đồng bộ các nguồn lực triển khai công tác XTTM hiệu quả. Bộ Tài chính sớm xây dựng thông tư hướng dẫn địa phương về nguồn kinh phí thực hiện hoạt động XTTM, định mức chi, khoản chi, mục chi cụ thể để các địa phương có định hướng xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện, tạo thuận lợi trong việc huy động các nguồn lực từ ngân sách và từ các nguồn xã hội hóa hợp pháp khác.
(iii) UBND các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Hồng chỉ đạo Sở Công Thương, Trung tâm XTTM nghiên cứu, chủ động kết hợp, lồng ghép các hoạt động của địa phương với các bộ, ngành, các địa phương trong vùng và liên vùng; tích cực tuyên truyền, quảng bá và hỗ trợ các doanh nghiệp địa phương tham gia chương trình, hoạt động XTTM cấp vùng, cấp quốc gia. Mục tiêu là vừa tránh chồng chéo, dàn trải; vừa phát huy được hiệu quả hỗ trợ XTTM tới nhiều hơn các doanh nghiệp, sản phẩm của vùng, đồng thời dần hình thành và củng cố cơ chế hợp tác, liên kết cùng có lợi trong mạng lưới các tổ chức XTTM nói chung. Cơ chế liên kết cần thiết phải mở rộng kết nối, trao đổi thường xuyên với hệ thống các Thương vụ, Văn phòng XTTM Việt Nam ở nước ngoài, các Thương vụ, tổ chức hỗ trợ thương mại nước ngoài không chỉ về thông tin, mà còn cả các nghiệp vụ, hoạt động XTTMi cụ thể. Đây chính là những đối tác, cầu nối không thể thiếu, nhất là khi các hoạt động XTTMi ngày càng vươn ra thị trường thế giới.
(iv) Các địa phương cần xây dựng chiến lược theo dài hạn trên cơ sở nghiên cứu nhu cầu khả năng của doanh nghiệp, nguồn lực, chiến lược ưu tiên của mỗi địa phương, đồng thời tăng cường thông tin trao đổi, phối hợp với các địa phương khác nhằm tận dụng tiềm năng, lợi thế của nhau để thâm nhập thị trường lẫn nhau, quảng bá, mở rộng thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm địa phương trong nước và xuất khẩu.
(v) Tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong công tác XTTM. Đặc biệt, tận dụng ưu việt của công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong cơ chế trao đổi thông tin, thực hiện nghiệp vụ xúc tiến thương mại ; đầu tư, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ đáp ứng nhu cầu của nghiệp vụ XTTM trong điều kiện mới./.
Bình luận