Những tác động của Covid-19 đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động sản xuất kinh doanh (SXKD) và khiến các doanh nghiệp đối mặt với những bất ổn chưa từng có trong lịch sử. Với nhiều rủi ro phát sinh hơn, các doanh nghiệp cần phải thực hiện các chiến lược phù hợp để doanh nghiệp duy trì hoạt động và tiếp tục phát triển, đảm bảo khả năng phục hồi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp thông qua việc xây dựng một kế hoạch ứng phó với khủng hoảng, quản lý rủi ro trong dài hạn, đảm bảo nhằm đảm bảo tính liên tục của hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Đây là chìa khóa để bất kỳ doanh nghiệp nào tồn tại.

Ngày 09/11/2022, với sự hỗ trợ của Chương trình Australia hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam (Aus4Reform), Cục Quản lý đăng ký kinh doanh tổ chức hội thảo công bố báo cáo “Nghiên cứu, đánh giá khả năng ứng phó của doanh nghiệp Việt Nam với khủng hoảng Covid-19, đề xuất các giải pháp nâng cao khả năng thích ứng của doanh nghiệp trước khủng hoảng”. Phóng viên Tạp chí Kinh tế và Dự báo đã có cuộc trao đổi nhanh với bà Nguyễn Thị Việt Anh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư về những nội dung chính của nghiên cứu.

Nâng cao khả năng thích ứng của doanh nghiệp trước khủng hoảng: Cách nào?
Bà Nguyễn Thị Việt Anh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư

PV: Để ứng phó trước đại dịch, mỗi doanh nghiệp đều lựa chọn những hướng đi riêng, những giải pháp cấp bách để nỗ lực duy trì hoạt động, chờ đợi thời cơ phát triển trở lại và đạt mục tiêu tăng trưởng như kỳ vọng, xin bà cho một số nhận định về cách thức doanh nghiệp thích ứng và vượt qua khủng hoảng?

Bà Nguyễn Thị Việt Anh: Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy, doanh nghiệp Việt Nam với đa phần là doanh nghiệp nhỏ và vừa, có quy mô nhỏ và thời gian hoạt động ngắn, vì vậy, thường hạn chế về nguồn lực và kinh nghiệm trong ứng phó với những biến động bất ngờ của nền kinh tế, nhất là trong các cuộc khủng hoảng có tác động trên quy mô rộng và thời gian dài như đại dịch Covid-19. Khái niệm ứng phó với khủng hoảng đối với những doanh nghiệp này là một khái niệm tương đối xa lạ và chưa được xem trọng. Khi đối diện với các cuộc khủng hoảng, các doanh nghiệp thường không có sự chuẩn bị kịp thời và không có một kế hoạch phù hợp để ứng phó. Chính vì thế, khi khủng hoảng xảy ra, đa phần các doanh nghiệp phải “loay hoay” tìm hướng đi hoặc trông chờ vào sự hỗ trợ từ bên ngoài, điều này tạo nên rủi ro rất lớn cho doanh nghiệp, khiến hoạt động SXKD của doanh nghiệp bị đình trệ, thậm chí là ngừng hoạt động; đặc biệt đó là các doanh nghiệp có quy mô nhỏ và siêu nhỏ, các doanh nghiệp trẻ có thời gian thành lập ngắn từ 0-5 năm. Điều này có thể thấy qua số liệu doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Năm 2020 có 101.719 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 13,9% so với năm 2019. Năm 2021 cũng là một trong những năm có số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường cao nhất1 trong nhiều năm trở lại đây do những khó khăn, thách thức dịch Covid-19 gây ra.

Trong phạm vi của nghiên cứu của chúng tôi, thực hiện khảo sát với hơn 630 doanh nghiệp, cho kết quả cho thấy, yếu tố quan trọng giúp doanh nghiệp ứng phó với khủng hoảng (xét theo tỷ lệ doanh nghiệp lựa chọn các yếu tố xếp từ cao xuống thấp): (1) Năng lực quản trị doanh nghiệp (chiếm 32,9%); (2) Thị trường khách hàng (chiếm 20,5%); (3) Quy mô vốn của doanh nghiệp (chiếm 20%); (4) Ngành nghề kinh doanh (chiếm 18%); (5) Khả năng huy động vốn (17,6%); (6) Thời gian hoạt động (14,9%) và (7) Năng lực ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số (chiếm 14,4%).

Đặc điểm của doanh nghiệp đã vượt qua được khủng hoảng Covid-19 thành công, các yếu tố sau được nhiều doanh nghiệp lựa chọn nhất: (1) Hoạt động SXKD được duy trì và phát triển (doanh thu và lợi nhuận của doanh nghiệp tăng; Khách hàng/thị trường/Quy mô sản xuất được mở rộng); Gia tăng số lượng các đơn hàng, hợp đồng, sản lượng... (chiếm 56,8%); (2) Có khả năng ứng nhanh, linh hoạt và năng động trong thay đổi kế hoạch SXKD, định hướng kinh doanh (chiếm 49,5%); (3) năng lực quản trị doanh nghiệp được hoàn thiện, nâng cao; có kinh nghiệm và chiến lược ứng phó với các cuộc khủng hoảng trong tương lai (chiếm 43,7%).

Ngoài ra, một số doanh nghiệp cũng ghi nhận các yếu tố sau: (4) Triển khai thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin, tự động hóa, chuyển đổi số, đổi mới, sáng tạo trong hoạt động SXKD có hiệu quả (36,8%) và (5) Doanh nghiệp kiểm soát tốt về nguồn lực tài chính và nguồn nhân lực (35,1%).

Đặc biệt là, tại TP. Hồ Chí Minh các doanh nghiệp đã nhận thức rất rõ vai trò của việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong ứng phó với khủng hoảng. Tuy nhiên, họ vẫn xem năng lực ứng dụng công nghệ thông tin là một chất xúc tác, nhưng chưa phải là đặc điểm cốt lõi của một doanh nghiệp vượt qua khủng hoảng thành công.

Trong khi đó, đa số doanh nghiệp ở Hà Nội (55/87, chiếm 63,2%) lựa chọn thời gian hoạt động là yếu tố quan trọng giúp tăng khả năng ứng phó của doanh nghiệp với khủng hoảng. Đa phần các doanh nghiệp này cho rằng khi một doanh nghiệp giữ cho hoạt động SXKD được duy trì và phát triển trong khủng hoảng thì đó là một doanh nghiệp thành công (31/55, chiếm 56,4%).

Về ngành nghề kinh doanh, có thể thấy, đa phần doanh nghiệp tham gia khảo sát là doanh nghiệp thuộc lĩnh vực dịch vụ (411/633, chiếm 64,9%). Trong đó, 59,1% (243/411) số doanh nghiệp ở khu vực này đánh giá cao mức độ quan trọng của Năng lực ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số với khả năng ứng phó với khủng hoảng. Tuy nhiên, khi được hỏi về các giải pháp mà doanh nghiệp nhóm này thực hiện để ứng phó với dịch bệnh, thì chỉ có 38/243 doanh nghiệp (15,6%) đã thực hiện các giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số và chỉ có 27/243 doanh nghiệp (11,1%) cho rằng, chiến lược ứng phó với khủng hoảng của doanh nghiệp trong thời gian tới cần tập trung vào việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số. Đây là một thực trạng đáng quan tâm khi mà, nhận thức của doanh nghiệp và thực tế triển khai thực hiện khác xa nhau, các doanh nghiệp đã biết đến tầm quan trọng của việc chuyển đổi số, tuy nhiên việc ứng dụng còn hạn chế.

PV: Trong bối cảnh hiện tại, đâu là khó khăn phổ biến mà doanh nghiệp gặp phải, thưa bà?

Bà Nguyễn Thị Việt Anh: Kết quả khảo sát của chúng tôi cho thấy, mỗi nhóm ngành doanh nghiệp, khó khăn phổ biến mà doanh nghiệp dịch vụ gặp phải chính là việc các đơn hàng, hợp đồng, sản lượng có sự giảm sút, lưu thông hàng hóa gặp khó khăn (211/411, chiếm 51,3%). Chính sách hỗ trợ chủ yếu mà doanh nghiệp nhận được là chính sách hỗ trợ miễn, giảm thuế, phí, lệ phí (137/211, chiếm 64,9%).

Khác với doanh nghiệp dịch vụ, doanh nghiệp thuộc nhóm ngành Công nghiệp và xây dựng (179/633, chiếm 28,3%) lại đánh giá cao vai trò của yếu tố thời gian hoạt động của doanh nghiệp (113/179, chiếm 63,1%) đối với khả năng ứng phó với khủng hoảng. Các doanh nghiệp này cho rằng, tuổi đời của doanh nghiệp càng cao thì doanh nghiệp thích ứng với khủng hoảng của doanh nghiệp càng hiệu quả. Tương tự với dịch vụ, các doanh nghiệp nhóm ngành này cũng gặp nhiều khó khăn trong việc lưu thông hàng hóa khiến các đơn hàng, hợp đồng, sản lượng có sự giảm sút (123/179, chiếm 68,7%).

Đối với nhóm ngành Nông nghiệp, Lâm nghiệp, Thủy sản (46/633, chiếm 7,3%), các doanh nghiệp cũng coi việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số là yếu tố quan trọng để nâng cao khả năng ứng phó của doanh nghiệp trong khủng hoảng (34/46, chiếm 73,9%), tuy nhiên, cũng chỉ số ít các doanh nghiệp này có ứng dụng công nghệ thông tin và có chiến lược ứng dụng công nghệ thông tin trong tương lai. Các doanh nghiệp trong nhóm ngành ngày đa phần lo ngại phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt nguồn vốn trong tương lai (22/46, chiếm 47,8%).

Về doanh nghiệp xuất nhập khẩu, có 146 doanh nghiệp xuất nhập khẩu tham gia trả lời khảo sát (chiếm 23,1%), phần lớn khó khăn của nhóm doanh nghiệp này trong đại dịch Covid-19 là việc thiếu các đơn hàng, hợp đồng, sản lượng có sự giảm sút, lưu thông hàng hóa gặp khó khăn (112/146, chiếm 76,7%). Có 25/112 (22,3%) doanh nghiệp đã thực hiện các giải pháp nhằm tìm kiếm khách hàng mới, mở rộng thị trường nhằm giải quyết khó khăn này. 33/112 (29,5%) doanh nghiệp đưa ra các chiến lược ứng phó với khủng hoảng liên quan đến việc giải quyết khó khăn về thị trường, lưu thông hàng hóa.

Con số này còn khá khiêm tốn khi mà khó khăn lớn nhất mà các doanh nghiệp xuất nhập khẩu gặp phải trong bối cảnh dịch bệnh là tìm kiếm thị trường, nơi tiêu thụ mặt hàng kinh doanh của mình. Khi các quốc gia đóng cửa biên giới, hoạt động xuất nhập khẩu bị đình trệ, vì vậy, cần có nhiều chính sách hỗ trợ xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường đối với nhóm doanh nghiệp này.

Về doanh nghiệp do nữ làm chủ, có 30,8% doanh nghiệp tham gia khảo sát (195 doanh nghiệp) do nữ làm chủ, trong đó, đa phần là các doanh nghiệp có quy mô doanh thu trong giai đoạn 2020 - 2021 nhỏ (dưới 3 tỷ đồng), với 129/195 doanh nghiệp (chiếm 66,2%), hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực dịch vụ (150 doanh nghiệp, chiếm 76,9%). Trong đó có 167/195 doanh nghiệp do nữ làm chủ (85,6%) đánh giá đại dịch Covid-19 tác động tiêu cực và rất tiêu cực tới doanh nghiệp.

Tuy nhiên, có đến 162/195 doanh nghiệp do nữ làm chủ (83,1%) đánh giá các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp của Chính phủ hữu ích và rất hữu ích. Có tới 130/195 doanh nghiệp (66,7%) do nữ làm chủ có số vốn từ 0-3 tỷ đồng và hầu hết các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực dịch vụ (151/195, chiếm 77,4%). Vì quy mô vốn của các doanh nghiệp này hạn chế nên phần đông các doanh nghiệp đánh giá thách thức trong quá trình phục hồi sau khủng hoảng là về thiếu nguồn vốn, nguồn lực tài chính (50/195, chiếm 25,6%). Tuy nhiên, chỉ 9/50 doanh nghiệp (18%) này có chiến lược quản lý vốn, tăng vốn trong thời gian tới. Thời gian hoạt động (120/195, chiếm 61,5%) và ứng dụng công nghệ thông tin (113/195, chiếm 57,9%) là 02 yếu tố mà các doanh nghiệp do nữ làm chủ cho rằng quan trọng trong việc giúp các doanh nghiệp tăng khả năng ứng phó với khủng hoảng. Trong 113 doanh nghiệp đánh giá cao việc ứng dụng công nghệ thông tin, thì chỉ có 22 doanh nghiệp (19,5%) cho biết đã thực hiện các giải pháp chuyển đổi số trong kinh doanh để ứng phó với dịch và có 14 doanh nghiệp (12,4%) có chiến lược ứng dụng công nghệ thông tin vào kinh doanh trong tương lai.

PV: Đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng tiêu cực tới sức khỏe của doanh nghiệp. Tuy nhiên, một số ngành và doanh nghiệp lại đang tìm thấy các cơ hội tăng trưởng và mở rộng. Xin bà gợi ý một số giải pháp nâng cao khả năng thích ứng cho doanh nghiệp trong bối cảnh bất định hiện tại?

Bà Nguyễn Thị Việt Anh: Do mức độ và chiều hướng tác động của Covid-19 lên các ngành có sự khác nhau, nên sẽ không có một công thức chung về chiến lược thích ứng cho tất cả các doanh nghiệp. Tuy nhiên, các doanh nghiệp sẽ phải đề cao hơn tầm quan trọng của việc gia tăng sức chống đỡ trước các hoàn cảnh bất lợi, rủi ro bất ngờ, trong đó có việc xây dựng các kịch bản ứng phó, đồng thời xem xét sâu và rộng hơn các ảnh hưởng vĩ mô, thay vì tập trung chủ yếu vào các yếu tố vi mô như trước đây.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp sẽ phải kiểm soát tốt hơn sự gia tăng (tiềm ẩn) về chi phí của chuỗi cung ứng, do việc lựa chọn các nguồn cung đa dạng nhằm tránh tình trạng đứt gãy hoặc không sẵn sàng của chuỗi; tăng cường hoặc đa dạng các biện pháp bảo vệ người lao động, đồng thời, áp dụng tự động hóa trong sản xuất để từng bước tiết giảm sự phụ thuộc vào các yếu tố không hiệu quả, trong đó có chi phí nhân công.

Về nguồn lực tài chính, các doanh nghiệp cần có bảng cân đối tài sản vững mạnh, đội ngũ quản lý tốt, có thể tiếp tục đẩy mạnh việc đầu tư trong giai đoạn hiện nay, để có cơ hội bứt phá và vươn lên phát triển. Các doanh nghiệp được quản lý quá chặt chẽ lại có thể phải nhường cơ hội kinh doanh mới nhất thời và ngắn hạn cho những doanh nghiệp có khả năng thích ứng nhanh, linh hoạt và năng động trong thay đổi định hướng kinh doanh và chiến lược. Đồng thời, việc thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong doanh nghiệp sẽ góp phần duy trì và nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất và kinh doanh.

Để có thể đánh giá mức độ rủi ro và khả năng bị tổn thương cho doanh nghiệp, các doanh nghiệp cần xây dựng một kế hoạch toàn diện nhằm giải quyết các tác động khủng hoảng theo các kịch bản tiềm tàng khác nhau. Kế hoạch này phải phù hợp với mức độ và thời gian của cuộc khủng hoảng và tác động tiềm tàng đối với thanh khoản, nguồn vốn, ngành nghề kinh doanh chính và chuỗi cung ứng.

Trên cơ sở nghiên cứu, nhóm nghiên cứu cũng đề xuất các giải pháp cho sự phát triển dài hạn và ứng phó với khủng hoảng trong tương lai đối với doanh nghiệp như sau:

Thứ nhất, mỗi doanh nghiệp cần xây dựng các kế hoạch hoạt động mang tính chiến lược, dài hạn; hiện đại hóa hệ thống quản trị và quy trình hoạt động của doanh nghiệp nhằm có sự chuẩn bị tốt nhất, tăng sự chủ động của doanh nghiệp trong trường hợp khủng hoảng và các sự cố bất khả kháng xảy ra.

Thứ hai, nâng cao năng lực quản trị rủi ro để đạt được sức chống chịu kiên cường đối với rủi ro, khủng hoảng.

Thứ ba, nâng cao năng lực thích ứng của doanh nghiệp thông qua việc nâng cao năng lực hoạch định chiến lược.

Thứ tư, các chủ sở hữu, người quản lý doanh nghiệp cần được nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của Quản trị rủi ro trong kinh doanh, từ đó biết cách lập kế hoạch quản trị khủng hoảng cho doanh nghiệp của mình, theo từng mức độ ngắn hạn, trung hạn, dài hạn.

Thứ năm, từng bước chủ động, hình thành thói quen trong việc sử dụng dịch vụ tư vấn về một số lĩnh vực (quản trị nhân sự, pháp lý, tìm hiểu, đánh giá thị trường...) để chủ động phòng ngừa các rủi ro trong kinh doanh.

PV: Xin cám ơn bà về cuộc trao đổi hữu ích này!