Nâng cao vai trò của doanh nghiệp trong cải cách thể chế
Với mục đích đánh giá sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp vào quá trình xây dựng thể chế, ngày 19/3, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Cơ quan Phát triển Hoa Kỳ (USAID) tổ chức hội thảo “Nâng cao năng lực cạnh tranh: Doanh nghiệp chung tay trong cải cách thể chế”.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cho biết, năm 2014 là năm đánh dấu sự cải cách thể chế mạnh mẽ bằng việc Quốc hội thông qua một loạt các luật quan trọng, như: Luật Doanh nghiệp sửa đổi, Luật Đầu tư sửa đổi và Luật Đầu tư công...
Cũng trong năm này, lần đầu tiên Chính phủ đề ra mục tiêu cụ thể là trong 2 năm phải đưa nền kinh tế Việt Nam vươn đến mức trung bình của ASEAN 6 trong Nghị quyết 19, ngày 18/3/2014 về nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Cho đến nay, nhờ sự chỉ đạo rất tích cực và quyết liệt của Chính phủ, các mục tiêu của năm 2014 đã bước đầu có những kết quả đáng khích lệ.
“Nhìn chung các chỉ tiêu về thuế quan, tiếp cận điện, thương mại qua biên giới, khởi sự doanh nghiệp... đã cắt giảm 1/3, thậm chí là 2/3 thời gian so với trước kia. Điều này cho thấy, sự tiến bộ vượt bậc của các cơ quan quản lý nhà nước trong việc cải thiện môi trường kinh doanh”, ông Lộc cho biết.
Tuy nhiên, cũng theo ông Vũ Tiến Lộc, đổi mới thể chế không phải chỉ riêng các cơ quan quản lý nhà nước làm được, mà vai trò chủ đạo chính là doanh nghiệp.
Cụ thể: trong quá trình hình thành tất cả các văn bản pháp luật liên quan đến kinh doanh, cộng đồng doanh nghiệp đã tham gia rất tích cực thông qua vai trò của VCCI và các hiệp hội ngành hàng. Các cơ quan này thường xuyên tổ chức các cuộc đối thoại để các doanh nghiệp có cơ hội kiến nghị và những góp ý cụ thể vào từng điều, từng khoản có liên quan đến cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh.
Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hiệp hội Tư vấn Thuế cho rằng, trong thời gian quan, ý thức xây dựng văn bản pháp luật của một số bộ phận doanh nghiệp vẫn chưa cao, mặc dù các chính sách này ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của họ.
Đưa ra ví dụ cho nhận định này, bà Cúc cho biết, khi VCCI gửi công văn xuống các hiệp hội xin ý kiến doanh nghiệp để soạn thảo các văn bản pháp luật, số doanh nghiệp tham gia phản hồi rất ít và dường như không quan tâm.
Đại diện cho cơ quan lập pháp cao nhất, ông Lê Minh Thông, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội cho biết, Quốc hội rất quan tâm đến việc xã hội có chấp nhận các văn bản pháp luật đã ban hành hay không? Trong đó, ý kiến phản hồi của doanh nghiệp là một nguồn thông tin rất hữu hiệu trong việc phát hiện ra những bất cập trong chính sách.
Chính vì vậy, ông Thông đề nghị, các doanh nghiệp bằng các hoạt động thực tiễn của mình tiếp tục phát hiện kiến nghị với cơ quan hữu quan những khó khăn, vướng mắc của mình trong quá trình thi hành các văn bản pháp luật để từ đó các cơ quan này xem xét sửa đổi, hoàn thiện và bổ sung, nhằm tạo ra một hành lang pháp lý thông thoáng, giúp cộng đồng doanh nghiệp phát triển vững mạnh.
Phát biểu kết thúc Hội thảo, ông Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh, để thúc đẩy các doanh nghiệp tham gia vào xây dựng các văn bản pháp luật, vai trò cầu nối của các hiệp hội ngành hàng là hết sức quan trọng. Vì vậy, trong thời gian tới Việt Nam sẽ dành nhiều nguồn lực để tăng cường năng lực cho các hiệp hội, tạo tiền đề hỗ trợ tốt hơn cho cộng đồng doanh nghiệp.
Còn về phía doanh nghiệp, ông Lộc cho biết, các doanh nghiệp không nên dừng lại ở việc kêu ca, phản ánh mà còn phải tích cực phản biện, hiến kế cho các cơ quan nhà nước trong xây dựng thể chế, chính sách./.
Bình luận