Năng lượng sẽ tăng giá phi mã, thúc đẩy một siêu chu kỳ hàng hóa mới?
Năng lượng sẽ tăng giá phi mã trong thời gian tới
Theo TTXVN, Báo cáo triển vọng kinh tế và hàng hóa của Tập đoàn khai khoáng BHP nhận định, giá cả mặt hàng năng lượng sẽ "tăng phi mã" trong thời gian tới.
Ngành tài nguyên thế giới đang trải qua sự khởi đầu của một "siêu chu kỳ" hàng hóa |
Bản báo cáo dẫn chứng một tài liệu tham khảo trong đó có nhận định cụ thể về triển vọng của mặt hàng than luyện kim. Nhận định này có thể áp dụng tương tự trên nhiều loại hàng hóa khác, đồng thời cung cấp sự hỗ trợ cho luận điểm mới nổi rằng, ngành tài nguyên thế giới đang trải qua sự khởi đầu của một "siêu chu kỳ" hàng hóa.
Giá cả "tăng phi mã" xảy ra trong môi trường mà nhu cầu tăng với tốc độ lớn hơn nhiều so với khả năng tăng nguồn cung. Năng lực hiện có của một ngành đã được sử dụng hết và khiến giá tăng vọt, vượt xa những gì mà các mối quan hệ cung – cầu thông thường quy định.
Thông thường giá cả hàng hóa được thiết lập bởi nhà sản xuất cận biên – nhà sản xuất nằm trên đường chi phí của ngành tại mức giá cân bằng cung cầu. Nhưng trong môi trường giá "tăng phi mã", đường cong chi phí hầu như không còn liên quan, vì khách hàng sẵn sàng chi trả ở bất cứ mức giá nào để có được hàng hóa khi cầu vượt quá cung.
Hiện tượng này xảy ra không chỉ trong những lĩnh vực đang hưởng lợi nhờ đại dịch, mà chúng còn xuất hiện bởi sự hợp thành của nhiều yếu tố thời điểm khác, đẩy giá cả lên một ngưỡng cao mới. Điều này làm cho khả năng sinh lời và mức lợi nhuận biên bị "phồng to", do sự kết hợp giữa chi phí tăng lên và nguồn tài nguyên có sẵn dần cạn kiệt.
Sự bùng nổ của đại dịch đã làm sâu sắc hơn hiện tượng đó.
Các biện pháp kích thích tài khóa và tăng thanh khoản, được các chính phủ và ngân hàng trung ương tung ra liên tiếp nhằm đối phó với dịch bệnh, đã làm tăng nhu cầu tiêu dùng, ngay cả khi dịch COVID-19 tạo ra một cuộc khủng hoảng trong các chuỗi cung ứng. Do nguồn cung hàng hóa không theo kịp với sự gia tăng đột biến của nhu cầu, kết quả là lạm phát tăng ở mức mà nước Mỹ chưa từng chứng kiến trong suốt 40 năm qua.
Lạm phát tốt, lạm phát xấu và lạm phát xanh
Giá cả "tăng phi mã" xảy ra trong môi trường mà nhu cầu tăng với tốc độ lớn hơn nhiều so với khả năng tăng nguồn cung |
Báo cáo của BHP đề cập tới "lạm phát tốt", "lạm phát xấu" và "lạm phát xanh". Trong đó, sự tắc nghẽn của chuỗi cung ứng, chi phí và tình trạng thiếu lao động, liên quan tới dịch bệnh COVID-19, đã tạo ra lạm phát xấu. Nhu cầu tăng cao dẫn đến lạm phát tốt còn lạm phát xanh xuất hiện trong quá trình nền kinh tế thúc đẩy khử carbon để chống biến đổi khí hậu.
Sức mạnh của sự phục hồi kinh tế toàn cầu và con đường dẫn đến gia tăng nhu cầu - và cả chi phí đầu vào - là những ví dụ của lạm phát tốt. Lạm phát xanh chỉ diễn ra khi thế giới, bao gồm các nhà sản xuất hàng hóa, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Công nghệ khử carbon – cho dù là với năng lượng gió, năng lượng Mặt Trời hay pin năng lượng cần thiết cho xe điện – đều cần có nguyên liệu thép, đồng, niken, lithium và các kim loại khác. Đây là một nguồn cầu mới, vừa được bổ sung và có cơ cấu.
"Lạm phát xấu" dự kiến sẽ dần được kiểm soát. Cuối năm ngoái, đã có những dấu hiệu cho thấy sự tắc nghẽn của chuỗi cung ứng toàn cầu đang bắt đầu được giải quyết. Ảnh hưởng của đại dịch, ngay cả khi dịch vẫn tiếp diễn, đang giảm bớt.
Tuy nhiên, "lạm phát tốt" và "lạm phát xanh" đang được đưa vào các đường cong chi phí của các ngành công nghiệp và, đối với ngành tài nguyên, cả hai loại lạm phát này đều sẽ nâng đường cong lên và khiến chúng trở nên dốc hơn.
Đối với các nhà sản xuất chi phí thấp và các công ty khai thác lớn của Australia, đặc biệt là các công ty khai thác quặng sắt và than đá, các công ty này có xu hướng vừa ở phần cuối thấp nhất của đường cong chi phí, vừa ở phần đầu cao nhất của đường cong chất lượng. Việc nâng và tăng độ cao của đường cong chi phí sẽ thúc đẩy lợi nhuận của họ.
Một siêu chu kỳ hàng hóa mới đang hình thành?
Công ty Goldman Sachs coi tình trạng hiện tại của thị trường hàng hóa là chưa từng có và tin rằng, khoản đầu tư cần thiết để đáp ứng nhu cầu từ phía cung phù hợp với cầu, sẽ tạo ra một chu kỳ hàng hóa mạnh hơn trong dài hạn. |
Sự mất cân bằng cung cầu cơ bản đang thúc đẩy giá cả hàng hóa mang tính cơ cấu. Khi siêu chu kỳ hàng hóa cuối cùng kết thúc vào một thập kỷ trước (siêu chu kỳ thứ 4, từ năm 1996 đến 2015), nó đã gây ra áp lực lớn, tác động lên khả năng sinh lời và thậm chí là khả năng tồn tại của các công ty tài nguyên.
Phản ứng của các "ông lớn" trong lĩnh vực tài nguyên lúc đó là tiết giảm tối đa chi phí cơ sở và tiết kiệm vốn. Những phản ứng này đã được ghi nhớ, ngay cả khi lợi nhuận của các công ty được phục hồi trở lại.
Trong một thập kỷ vừa qua, có rất ít sự phát triển mới tại các khu mỏ lớn. Những mỏ bắt đầu được đưa vào khai thác thường cung cấp khối lượng thay thế để bù đắp cho sự cạn kiệt của các nguồn tài nguyên hiện có - và không có nhiều ý nghĩa trong vai trò là nguồn bổ sung ròng cho nguồn cung. Đầu tư của ngành tài nguyên đã được "tôi luyện" chặt chẽ và những bài học được khắc sâu vào tâm lý của các ban giám đốc và ban lãnh đạo trong ngành này, từ cuối chu kỳ vừa qua.
Trong lĩnh vực khai thác, sẽ không có chuyện đơn giản là "bật vòi" và tăng nguồn cung. Trong bất kỳ trường hợp nào, các nguồn tài nguyên khổng lồ có chất lượng cao và mới đều khan hiếm và trong phạm vi có thể có những phát triển mới, chúng sẽ chỉ thâm nhập vào thị trường ngày nay cao hơn mức thấp nhất của đường cong chi phí.
Trong lĩnh vực dầu mỏ và than đá, quá trình khử carbon gây cản trở đầu tư mới. Các "ông lớn" ngành dầu mỏ thế giới và Glencore - Công ty khai thác than lớn nhất thế giới - đang "nhiệt tình" theo đuổi các chiến lược khai thác cạn kiệt, tối đa hóa lợi nhuận từ các nguồn tài nguyên hiện có của họ và giảm thiểu các khoản đầu tư mới.
Sự khan hiếm tương đối của đầu tư mới vào lĩnh vực tài nguyên là một trong những lý do chính giải thích tại sao thế giới có thể sẽ chứng kiến một siêu chu kỳ khác đang phát triển.
Chu kỳ cuối cùng được thúc đẩy chủ yếu bởi quá trình công nghiệp hóa của Trung Quốc. Giá của hàng hóa, vào thời điểm đó, chủ yếu tăng do nhu cầu từ các thị trường mới nổi tăng và phản ứng của Trung Quốc với cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Mọi thứ chỉ dừng lại khi kinh tế Trung Quốc bắt đầu "hạ nhiệt" vào năm 2015.
Trong tương lai gần, triển vọng của các nhà sản xuất là rất lạc quan. Hàng tồn kho hiện ở mức thấp và cầu đang vượt cung đối với hầu hết các mặt hàng nông sản và tài nguyên.
Trong lĩnh vực kim loại, chi phí gia tăng mà khách hàng và giới thương nhân phải trả để đảm bảo nguồn cung đã tạo ra quy định sử dụng "backwardation" cho các hợp đồng tương lai, được hiểu là trong các hợp đồng giao sau giá hàng hóa giao sau sẽ được bán thấp hơn giá của hàng hóa hiện tại. Điều đó phản ánh sự thiếu hụt nguồn cung và thiếu hàng tồn kho dự trữ.
Công ty Goldman Sachs và một số công ty phân tích khác, coi tình trạng hiện tại của thị trường hàng hóa là chưa từng có và tin rằng khoản đầu tư cần thiết, để đáp ứng nhu cầu từ phía cung phù hợp với cầu, sẽ tạo ra một chu kỳ hàng hóa mạnh hơn trong khoảng thời gian dài hơn, có thể kéo dài một thập kỷ hoặc thậm chí lâu hơn, đặc biệt là khi quá trình xanh hóa của các nền kinh tế phát triển lớn trên thế giới sẽ tạo ra động lực thúc đẩy quá trình đó.
Liệu những gì đang xảy ra có thể tạo thành một siêu chu kỳ mới hay không, với lạm phát xanh đóng vai trò như những gì mà Trung Quốc đã làm, trong đợt bùng nổ tài nguyên vừa qua? Đây vẫn là một câu hỏi mở và sẽ chỉ được giải đáp khi có sự nhận thức rõ ràng về những gì đã thực sự trải qua./.
Bình luận