Nét đẹp văn hóa lễ hội Việt Nam đang đi về đâu?
Lễ hội và những ý nghĩa thực
Theo thống kê Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Việt Nam có khoảng 8.000 lễ hội, trong đó 2/3 diễn ra vào dịp đầu năm. Thông qua lễ hội, bản sắc văn hóa Việt đã được thể hiện rõ nét, góp phần hun đúc ý chí quật cường, lòng tự hào, tự tôn dân tộc.
Lễ hội còn giữ vai trò như sợi dây gắn kết cộng đồng, tạo dựng không gian văn hóa vừa trang trọng, linh thiêng, vừa tưng bừng, náo nức. Lễ hội trở thành nơi công chúng đến với lịch sử cha ông, trở về với cội nguồn dân tộc, tưởng nhớ công ơn những người đi trước, cầu mong những điều tốt lành. Ðồng thời, là nơi người dân được vui chơi, giải tỏa, bù đắp về tinh thần.
Theo nhu cầu của cuộc sống hiện đại, một số lễ hội mới pha trộn giữa truyền thống và hiện đại đã được ra đời và phát triển khá mạnh mẽ. Những lễ hội này được gọi chung là lễ hội văn hóa du lịch, như: Lễ hội Bánh Tét tại Thành phố Hồ Chí Minh, lễ hội hoa Đà Lạt, lễ hội du lịch văn hóa Sa Pa.. Lễ hội văn hóa du lịch không những phát huy bản sắc văn hóa từng vùng miền, mà thông qua lễ hội đã giới thiệu được tiềm năng kinh tế, văn hóa của địa phương để phát triển kinh tế.
Bảng: Một số lễ hội chính trong năm của Việt Nam
Ngày, tháng (Âm lịch) | Tên | Địa điểm |
04/01 | ||
04/03 | ||
06/03 | ||
07/03 | ||
09/04 | ||
02/08 | ||
09/08 | ||
Nguồn: vi.wikipedia.org
Nhưng vẫn còn những “điểm nhấn buồn” mùa lễ hội
Thời gian qua, từ thực trạng của hoạt động lễ hội, dường như những ý nghĩa thiêng liêng đã ít nhiều suy giảm trước sự xâm lấn của yếu tố xã hội hóa, thương mại hóa và các hiện tượng tiêu cực khác.
Thực tế là hằng năm, các lễ hội lớn như: chùa Hương (Hà Nội), Yên Tử (Quảng Ninh), đền Hùng (Phú Thọ), Bà Ðen (Tây Ninh), đền Trần và Phủ Dầy (Nam Ðịnh), Chùa Bà (Bình Dương), đền Bà Chúa Kho (Bắc Ninh)... thường thu hút hàng triệu khách thập phương hành hương dự lễ, nhưng chắc cũng không nhiều người hiểu được thần tích, không gian văn hóa và giá trị riêng của lễ hội họ tham gia. Ði lễ mà không hiểu đối tượng hành lễ là ai, ý nghĩa của lễ hội là gì, cần phải ứng xử ra sao, đó là nguyên nhân khiến lễ hội đền Trần chưa năm nào thoát khỏi cảnh ùn ùn kéo đến, đạp đổ hàng rào, trèo lên lư hương để nhìn kiệu rước, giẫm lên cả bệ thờ để chạm tay vào “bảo kiếm”, xin ấn, thậm chí "cướp ấn" vì ngỡ có ấn này sẽ được thăng quan, tiến chức, mặc cho ban tổ chức đã chuẩn bị các phương án an ninh chặt chẽ như huy động hàng nghìn cán bộ chiến sĩ công an, quân sự, dân quân tự vệ trên địa bàn tham gia công tác đảm bảo an ninh trật tự và an toàn giao thông; hay như khung cảnh hàng trăm thanh niên lao vào nhau, giẫm đạp, đả thương đến đổ máu tại lễ hội cướp phết làng Hiền Quan (Phú Thọ) vào ngày 13 tháng Giêng thực sự là những hình ảnh nhức nhối của mùa lễ hội năm Bính Thân.
Cũng vì không hiểu ý nghĩa của lễ hội đã dẫn đến quan niệm lệch lạc là dự lễ hội thì phải quyên tiền công đức, bằng không sẽ mắc tội với thánh thần. Khi người dự hội sẵn sàng rút tiền để "mua chuộc thần linh", thì kẻ vụ lợi càng có cơ hội kiếm trác. Ðiều này lý giải tại sao khi tới lễ hội đền Bà Chúa Kho, có thể thấy quanh khu vực đền xuất hiện thêm rất nhiều nơi thờ tự mới, chủ yếu là để "hút" tiền công đức. Tại chùa Hà (Hà Nội) cũng vậy, bên khung cảnh trang nghiêm, thanh tịnh là la liệt chậu nhôm, mâm nhôm hứng tiền "giọt dầu" từ người đi lễ. Tiền công đức khó quản nên mạnh ai nấy làm, có nơi sau mỗi mùa lễ hội thu về tới hàng tỷ đồng và không rõ số tiền ấy đi đâu, về đâu.
Cảnh chen lấn, xô đẩy trong các mùa lễ khai ấn đền Trần (tại Khu di tích đền Trần, P. Lộc Vương, TP. Nam Định) hàng năm
Điều đáng nói, đây không phải là năm đầu tiên cảnh tượng này diễn ra nhưng dù mỗi năm, ban quản lý di tích các địa phương đều đưa ra các phương án để hạn chế bạo lực thì tình trạng hỗn loạn, tranh cướp, giẫm đạp vẫn diễn ra ngày càng phản cảm và phức tạp hơn.
Song hành với việc cúng bái “quá chớn” đầu năm, tệ nạn cờ bạc, trộm cắp, móc túi cũng đã trở thành nỗi lo thường trực của nhiều người khi tham dự các lễ hội và đi đền, chùa đầu năm. Lợi dụng sự mất cảnh giác và tình trạng quá tải tại các lễ hội, các đối tượng trộm cắp luôn coi đây là “mùa” làm ăn và hoạt động rất mạnh.
Để hạn chế hiện tượng trên, riêng tại TP. Hà Nội, Phòng Cảnh sát hình sự Công an Thành phố đã tung ra 200 trinh sát hình sự mặc thường phục cắm chốt tại các đền chùa, lễ hội.
Theo phân tích của cảnh sát, để thực hiện hành vi móc túi, kẻ gian phải đeo bám bị hại và nhờ đồng bọn hỗ trợ để tạo tình huống chen lấn cũng như tẩu tán tang vật. Khó thực hiện và dễ bị bắt quả tang nên tội phạm hoạt động đơn lẻ thường rình rập tại khu vực người dân dâng sính lễ hoặc hòm công đức không có người trông coi.
Quá trình xác minh các vụ mất cắp, cảnh sát hình sự thấy rằng nhiều khách thập phương đi lễ hội còn chủ quan trong việc bảo quản tài sản. Không chỉ mang nhiều tiền mặt và các loại giấy tờ không cần thiết, một số người còn để tài sản hớ hênh, thậm chí cố tình khoe của.
Có thể thấy, văn hóa lễ hội đầu năm là một trong những nét văn hóa đẹp và riêng của mỗi quốc gia. Tuy nhiên, nó chỉ thực sự đẹp khi mỗi người đến với lễ hội đó với một tâm thành và ý thức giữ gìn truyền thống dân tộc. Các cụ có câu: “quốc thái, dân an”, chỉ khi mọi người đều nghĩ và hướng về cái chung thì an bình mới đến với mỗi người./.
Bình luận