Hội nghị do Thanh tra Chính phủ phối hợp với Bộ Tư pháp và Đại sứ quán Vương quốc Anh tổ chức tại Hà Nội sáng 26/11. Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cùng đại diện nhiều tổ chức quốc tế tham dự.

Việc thu hồi tài sản tham nhũng hiệu quả thấp

Phát biểu tại cuộc đối thoại, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh thời gian qua, các giải pháp phòng ngừa tham nhũng đã phát huy tác động tích cực. Trong đó, có thể kể đến là tiến bộ về cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực đầu tư, đất đai, thành lập doanh nghiệp; tăng cường công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong hoạt động của các cơ quan Nhà nước.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, thời gian qua, các giải pháp phòng ngừa tham nhũng đã phát huy tác động tích cực

Theo Báo cáo Công tác phòng, chống tham nhũng năm 2014 của Chính phủ trình Quốc hội trong Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIII, qua thanh tra, các cơ quan có thẩm quyền đã phát hiện 54 vụ tham nhũng với số tiền 68,5 tỷ đồng, đã thu hồi được 46,9 tỷ đồng, đạt 68,5%, tăng 18,3% so với năm 2013.

Các cơ quan chức năng đã chủ động phối hợp trong phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng; nhiều vụ việc nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm đã được khẩn trương xét xử nghiêm minh theo quy định của pháp luật, có tác dụng rõ rệt trong việc răn đe, phòng ngừa, ngăn chặn tham nhũng.

Việt Nam đã thực hiện tốt cơ chế đánh giá thực thi Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng trong chu trình thứ nhất 2010-2015; tích cực trao đổi thông tin, hợp tác quốc tế theo yêu cầu của Công ước để xử lý kịp thời các vụ án tham nhũng có yếu tố nước ngoài.

Về thu hồi tài sản, đây là nội dung quan trọng của công tác đấu tranh chống tham nhũng với yêu cầu mọi tài sản tham nhũng phải được thu hồi, tịch thu. Các quy định về thu hồi tài sản tham nhũng đã được quy định tại nhiều văn bản như Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Dân sự, Luật Phòng, chống rửa tiền...

Báo cáo của Thanh tra Chính phủ chỉ rõ, tội phạm kinh tế, tham nhũng trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, tín dụng, chứng khoán, quản lý sử dụng đất đai, tài nguyên, khoáng sản tiếp tục diễn biến phức tạp, gây thiệt hại lớn.

Nguyên nhân thực trạng này, theo Thanh tra Chính phủ, chủ yếu do việc rà soát, đánh giá, sửa đổi, bổ sung khắc phục những sơ hở, bất cập của chính sách, pháp luật trên một số lĩnh vực kinh tế - xã hội vẫn còn chậm. Hiệu quả thực hiện một số giải pháp phòng ngừa tham nhũng còn thấp. Việc tự phát hiện tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị còn yếu. Cơ chế bảo vệ và khuyến khích, khen thưởng người tố cáo tham nhũng chưa đủ mạnh. Việc xử lý một số vụ án tham nhũng chưa kịp thời.

Đặc biệt, “Thực tế cho thấy, công tác thu hồi tài sản tham nhũng chưa đạt yêu cầu đề ra, tỷ lệ thu hồi thấp, rất khó phát hiện để thu hồi. Đây là thách thức lớn đòi hỏi phải nỗ lực tìm ra giải pháp”, Phó Thủ tướng đánh giá.

Cụ thể, theo báo cáo của Thanh tra Chính phủ, việc thu hồi tài sản tham nhũng hiệu quả thấp.

Năm 2014, lực lượng cảnh sát điều tra các cấp đã thụ lý 415 vụ án về tham nhũng với số tiền thiệt hại trên 6.740 tỷ đồng, nhưng mới thu hồi nộp ngân sách nhà nước được trên 1500 tỷ đồng, đạt 22,3%, tăng 14,1% so với năm 2013. Số liệu thống kê cho thấy, tỷ lệ thu hồi tham nhũng trên tổng số tài sản bị chiếm đoạt do hành vi tham nhũng gây ra còn chưa đáp ứng yêu cầu.

“Mọi tài sản tham nhũng phải được thu hồi, tịch thu. Việc thu hồi tài sản tham nhũng sẽ làm giảm thiểu tổn thất do tham nhũng gây ra, làm triệt tiêu động cơ kinh tế của những kẻ tham nhũng”, Phó Thủ tướng nêu rõ.

Cần lưu ý đến đội ngũ doanh nghiệp

Nhìn từ góc độ của nhà đầu tư, Ngài Giles Lever, Đại sứ Vương quốc Anh tại Việt Nam, chỉ rõ, trong phòng chống tham nhũng, cần chú ý đến đội ngũ doanh nghiệp, vì doanh nghiệp vừa là nạn nhân của nạn tham nhũng, doanh nghiệp còn vừa là đối tác quan trọng trong phòng, chống tham nhũng.

Ngài Giles Lever, Đại sứ Vương quốc Anh tại Việt Nam, chỉ rõ, trong phòng chống tham nhũng, cần chú ý đến đội ngũ doanh nghiệp

Hơn nữa, trong môi trường hội nhập, việc phòng, chống tham nhũng còn có ý nghĩa quan trọng trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút các nhà đầu tư.

“Bởi, nếu tham nhũng còn tồn tại trong môi trường kinh doanh thì hiệu quả hội nhập, hợp tác quốc tế và thu hút đầu tư sẽ giảm”, Ngài đại sứ nhấn mạnh.

Theo Ngài Giles Lever, Việt Nam cần phải tiếp tục tham gia hợp tác quốc tế và trong nước trong PCTN để hoạt động này có được thành công. Vì thực tế cho thấy, dù đã có tiến bộ nhưng trong lĩnh vực này còn nhiều thách thức.

Khảo sát của Tổ chức Minh bạch Thế giới cho thấy, vẫn chỉ 24% người được hỏi cho rằng, những nỗ lực phòng chống tham nhũng của Chính phủ Việt Nam là có hiệu quả. Trong khi, có tới 34% lại cho rằng, chưa hiệu quả.

Tham nhũng và nhận hối lộ trong lĩnh vực công vẫn rất nổi cộm. Ngay như khảo sát của VCCI mới đây cũng cho thấy, tham nhũng là trở ngại lớn ở Việt Nam so với các nước khác trong khu vực.

Điều này cho thấy, những chủ trương, quy định… đưa ra vẫn chưa được vận dụng hiệu quả trong thực tiễn.

“Việt Nam muốn tìm cách “đánh chuột” mà không “vỡ bình” đấy là một khó khăn. Tôi đi nhiều nước và thấy có một số nơi để “chuột” quá lớn không những chúng làm vỡ bình mà còn ăn sạch tài sản của nhà đó. Vì vậy, giải pháp chúng ta là phải có “con mèo” mạnh hơn hoặc cái “bẫy chuột” hiệu quả hơn, thậm chí là thuốc diệt chuột nữa nếu không chúng ta sẽ bị “chuột” đuổi ra khỏi nhà”, Ngài Giles Lever nhấn mạnh.

Còn theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường, thực tiễn phòng chống tham nhũng cho thấy, việc phòng ngừa là giải pháp đầu tiên, quan trọng nhất trong phòng chống tham nhũng, nó có tác dụng ngăn ngừa hành vi tham nhũng có thể hình thành; còn việc thu hồi tài sản tham nhũng là một trong các giải pháp khắc phục hậu quả của tham nhũng gây ra cho xã hội, cũng là một trong các thước đo đánh giá hiệu quả phòng chống tham nhũng.

“Phòng chống và thu hồi tài sản tham nhũng cũng chính là hai trụ cột của Công ước Liên Hợp Quốc về phòng chống tham nhũng”, Bộ trưởng Cường cho hay./.

Trả lời báo chí bên lề Hội nghị Đối thoại phòng chống tham nhũng lần thứ 13, về vụ việc ông Trần Văn Truyền, Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh cho biết, nguyên Tổng thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền là cán bộ thuộc diện ban bí thư quản lý. Sau khi ban bí thư chỉ đạo và Ủy ban kiểm tra Trung ương có kết luận, việc thu hồi tài sản của đồng chí Truyền đã được các cơ quan chức năng tích cực thực hiện kịp thời. Ủy ban kiểm tra Trung ương đã giao tỉnh ủy Bến Tre tiến hành kiểm điểm trách nhiệm và xử ký theo các quy định của đảng và nhà nước.

“Chúng tôi là cơ quan cũ của nguyên Tổng thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền, chúng tôi sẽ theo dõi để thông tin kịp thời cho báo chí, có sự phối hợp với các cơ quan chức năng”, Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh nói.