Nêu đích danh các cơ sở gây ô nhiễm trên phương tiện thông tin đại chúng
Cụ thể, tại văn bản vừa được Văn phòng Chính phủ phát hành, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các cơ sở chây ỳ, quá thời hạn xử lý phải thực hiện ngay các biện pháp đình chỉ hoặc cấm hoạt động theo quy định của pháp luật.
Theo đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường theo dõi, cập nhật sát sao tiến độ xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Đặc biệt, Phó Thủ tướng nhấn mạnh giải pháp công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng cho dư luận biết tình hình xử lý: Danh sách các cơ sở đã hoàn thành xử lý triệt để; các cơ sở chưa hoàn thành; nêu đích danh tên cơ sở chưa xử lý; thời hạn xử lý. Kịp thời thông báo kết luận hoàn thành đối với các cơ sở đã xử lý triệt để ô nhiễm môi trường.
Phó Thủ tướng cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức và vai trò giám sát cộng đồng trong bảo vệ môi trường, xây dựng nếp sống văn hóa môi trường cho nhân dân.
Đồng thời, rà soát lại chỉ tiêu xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng cho từng năm trong giai đoạn 2016 - 2020, phấn đấu hoàn thành mục tiêu của Quyết định 1788/QĐ-TTg, ngày 1/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ là đến năm 2020 không còn cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng khẩn trương ban hành trong tháng 12/2015 bộ tiêu chí đánh giá chất lượng môi trường các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, làm công cụ để đánh giá, so sánh chất lượng môi trường giữa các địa phương.
Năm 2016, tiến hành xếp loại các địa phương về lĩnh vực này, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Tích cực, chủ động chuẩn bị phương án xử lý các vấn đề ô nhiễm môi trường xuyên biên giới. Tất cả các dòng sông xuyên biên giới (Mêkong, sông Hồng, sông Đà…) phải đặt trạm quan trắc đầu nguồn.
Phó Thủ tướng giao Bộ Xây dựng khẩn trương báo cáo về các vấn đề đốt rác thải tại các nhà máy xi măng; khoảng cách từ khu dân cư đến bãi rác; định mức xử lý rác thải.
Còn Bộ Y tế được giao chủ trì, tăng cường kiểm tra, đôn đốc, phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, tập trung tháo gỡ, xử lý triệt để ô nhiễm môi trường tại các bệnh viện. Nghiên cứu, xem xét việc tính chi phí xử lý triệt để ô nhiễm môi trường vào giá dịch vụ y tế./.
Ô nhiễm môi trường do chất thải khu vực nông thôn hiện rất nghiêm trọng và đang gia tăng nhanh chóng, Phó Thủ tướng tướng yêu cầu các Bộ Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, phối hợp với các địa phương tập trung triển khai các giải pháp đồng bộ xử lý tình trạng này; báo cáo tình hình triển khai Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 29/5/2015 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác kiểm soát, khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường trong hoạt động sản xuất, chế biến nông lâm thủy sản; về hiệu quả của lò đốt rác thải khu vực nông thôn./.
Bình luận