Lãi suất tại Mỹ chưa tới 3%, TTCK Việt Nam không đáng lo

Tại Việt Nam, TTCK bật tăng nhẹ trên Sở Giao dịch chứng khoán TP. HCM với việc chỉ số VN-Index tăng trên 2 điểm (lên mức 1.352 điểm) vào ngày 23/9/2021. Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư vẫn băn khoăn trước diễn biến tại Mỹ vì cho rằng, với tính chất mở cửa, liên thông cao của Việt Nam với nền kinh tế thế giới, hành động giảm dần gói hỗ trợ và sau đó là tăng lãi suất của Fed có thể tạo ra sự điều chỉnh đáng kể trên TTCK Việt Nam.

Nếu Fed nâng lãi suất, TTCK Việt Nam chịu ảnh hưởng ra sao?
Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell dự kiến rút lại các biện pháp hỗ trợ nền kinh tế vượt qua đại dịch Covid-19
Nhiều nhà đầu tư quan tâm đến việc mốc 1.400 điểm của VN-Index liệu có đạt được không? Lời khuyên của ông Lê Chí Phúc là khi tham gia kênh tài sản tài chính, nhà đầu tư nên nhìn rộng hơn, nên hướng đến mốc VN-Index 2.000 điểm vào năm 2025.

Quan sát thị trường cho thấy, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 lan rộng trên toàn cầu, Mỹ, châu Âu và nhiều nền kinh tế trên thế giới đã tung ra các gói hỗ trợ tài chính để thực hiện các mục tiêu an sinh xã hội và phục hồi nền kinh tế. Dòng chảy của các gói hỗ trợ này đã khiến nhiều chỉ số chứng khoán trên toàn cầu ghi nhận mức tăng cao nhất trong lịch sử, khác biệt với bối cảnh tàn phá nền kinh tế và sinh mệnh con người của đại dịch. Sự tăng trưởng của giá cổ phiếu, của chỉ số chứng khoán gần 2 năm qua luôn hàm chứa những nỗi lo bong bóng, đảo chiều, bên cạnh sức hấp dẫn khó cưỡng từ việc kiếm lợi từ kênh đầu tư này.

Chia sẻ với các nhà đầu tư mới đây, ông Lê Chí Phúc, Tổng giám đốc Quỹ SGI Capital cho biết, Công ty ông đã nghiên cứu 13 năm gần nhất về mối quan hệ giữa các gói kích thích kinh tế và diễn biến TTCK. Kết quả cho thấy, khi các gói kích thích ngưng lại trên toàn cầu, không chỉ TTCK Mỹ mà các thị trường khác đều chịu sự điều chỉnh trên 10% quanh thời điểm các gói kích thích kết thúc. “Thời điểm” được hiểu là khoảng 1-3 tháng quanh thời điểm công bố thông tin.

Tuy nhiên, ông Lê Chí Phúc cho biết, các lần điều chỉnh trong quá khứ đều diễn ra trong một chu kỳ đi lên của nền kinh tế và sau mỗi lần điều chỉnh thì thị trường lại tiếp tục vượt đỉnh, ngay cả khi không có gói kích thích mới. “Vì thế, nếu thị trường điều chỉnh 5-10% khi Fed tăng lãi suất là diễn biến bình thường”, ông Phúc nhận định và cho rằng, nhà đầu tư khi tham gia TTCK phải xác định, các nhịp điều chỉnh hoàn toàn có thể xảy ra. Vì thế, nên chấp nhận đó là một phần của thị trường chứng khoán và kênh tài sản này.

Ở một góc nhìn khác, ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc Chiến lược đầu tư của Dragon Capital cho rằng, với TTCK Việt Nam, nhà đầu tư chỉ nên lo lắng nếu lãi suất trên thị trường Mỹ lên vượt 3% hoặc lãi suất trái phiếu Mỹ 10 năm vượt qua 3,5%/năm. Những mức lãi suất này cho thấy, dòng tiền bị siết rất chặt. Hiện tại, lãi suất ở Mỹ từ 0-0,25%, nên ông Anh Tuấn cho rằng, từ mức này, nếu có tăng lên 1-1,5% chỉ có nghĩa là nền kinh tế đang thực sự phục hồi. “Nỗi lo chỉ đáng lo khi lãi suất tại Mỹ lên trên 3-3,5%”, ông nói.

Đồng tình với nhận định Việt Nam đang ở giai đoạn đầu thị trường mới nổi, nên tính chất liên thông với thị trường quốc tế, đặc biệt là Mỹ khá lớn, nhưng chuyên gia Dragon Capital cho rằng, nếu các công ty niêm yết tiếp tục tăng trưởng tốt thì không có lý do gì TTCK Việt Nam không tốt hơn. “Việc TTCK Việt Nam chịu ảnh hưởng từ các yếu tố bên ngoài dẫn đến điều chỉnh 5-10% là bình thường, nhưng nếu đặt câu hỏi liệu thị trường có thể tăng, giảm đến 30% hay không thì chúng ta phải xét đến lợi nhuận của doanh nghiệp”, ông nói.

Nhiều nhà đầu tư quan tâm đến việc mốc 1.400 điểm của VN-Index liệu có đạt được không? Lời khuyên của ông Lê Chí Phúc là khi tham gia kênh tài sản tài chính, nhà đầu tư nên nhìn rộng hơn, nên hướng đến mốc VN-Index 2.000 điểm vào năm 2025. “Chỉ cần định giá (P/E) của TTCK Việt Nam quanh mức 17-18 lần thì việc Việt Nam sẽ có thị trường 2.000 điểm trong 3-4 năm nữa là hoàn toàn khả thi”, ông Phúc nói.

Thực tế, chỉ số chứng khoán Việt Nam đã tăng trên 100% kể từ thời điểm đại dịch bắt đầu xuất hiện (tháng 3/2020) và vẫn đang trong xu thế tăng điểm. Báo cáo công bố ngày 21/9/2021 của Tập đoàn HSBC dự báo, Việt Nam đã và sẽ tiếp tục là một trong những thị trường đầu tư tốt nhất của khu vực. “Đất nước này không chỉ là cơ sở phát triển của chuỗi cung ứng, mà còn đang thiết lập một động lực tăng trưởng kinh tế của chính mình, đưa Việt Nam trở thành một điểm đến đầu tư hấp dẫn hơn theo đúng nghĩa của nó. Việt Nam có thị trường chứng khoán có tính thanh khoản cao nhất trong ASEAN sau Thái Lan. Giá trị giao dịch trung bình hàng ngày hiện cao gấp đôi so với cả Singapore và Indonesia cộng lại”, báo cáo nhấn mạnh. Tuy nhiên, HSBC cho rằng, các nhà đầu tư sẽ đòi hỏi ở doanh nghiệp nhiều hơn, nhất là về tính minh bạch và khả năng phát triển bền vững. Những doanh nghiệp đáp ứng được các tiêu chí này sẽ là tâm điểm chọn lựa, hay nói cách khác, sẽ được điểm cộng trong đánh giá của nhà đầu tư chuyên nghiệp trong tương lai.

Một diễn biến đáng chú ý khác là TTCK Việt Nam năm 2020, 2021 chứng kiến thanh khoản tăng rất mạnh, gấp 5-6 lần so với năm 2019. Làn sóng nhà đầu tư F0 gia tăng nhanh chóng, nhưng số lượng tài khoản chứng khoán mới đạt 3,5% dân số, thấp hơn rất nhiều nền kinh tế trong khu vực. Cơ hội còn rộng mở khi các công ty chứng khoán đang chuyển động theo xu hướng áp dụng công nghệ eKYC để tạo thuận lợi tối đa cho nhà đầu tư mở tài khoản. Theo đó, tỷ lệ nhà đầu tư tham gia TTCK Việt Nam dự báo sẽ tăng trưởng đạt các mốc 5%, 7%, 10%, 20% tổng dân số trong những năm tới, dần tiệm cận tỷ lệ tại các nước Đông Nam Á khác như Malaysia, Thái Lan, Singapore chiếm khoảng 20-30% dân số.

Dự kiến lộ trình nâng lãi suất của FED

Phát biểu trong cuộc họp báo sau khi kết thúc cuộc họp ngày 21-22/9/2021, Chủ tịch Fed đã giải thích về những bước đi đầu tiên dự kiến của Fed trong việc rút lại các biện pháp hỗ trợ nền kinh tế vượt qua đại dịch Covid-19. Ông nói việc cắt giảm chương trình mua tài sản “có thể bắt đầu sớm nhất từ cuộc họp tới”.

Diễn biến chỉ số chứng khoán ngày 23/9/2021

Nếu Fed nâng lãi suất, TTCK Việt Nam chịu ảnh hưởng ra sao?
Hai chỉ số chính là Dow Jones và S&P500 đều tăng điểm sau tuyên bố của Chủ tịch Fed

Cuộc họp mà ông Powell nhắc đến là cuộc họp chính sách tiền tệ định kỳ của Fed dự kiến diễn ra vào ngày 2-3/11/2021. Tuy nhiên, Chủ tịch Fed để ngỏ cánh cửa cho việc chờ thêm một thời gian nếu cần thiết.

Chính sách tiền tệ thời đại dịch của Fed bao gồm chi 120 tỷ USD mỗi tháng để mua vào trái phiếu kho bạc Mỹ và trái phiếu đảm bảo bằng nợ vay thế chấp nhà; và lãi suất giữ ở khoảng 0-0,25%. Trong lần họp này của Fed, các chính sách này được giữ nguyên.

Trước cuộc họp báo của ông Powell, tuyên bố từ cuộc họp Uỷ ban Thị trường mở (FOMC) - Cơ quan quyết định chính sách tiền tệ của Fed - chỉ nói rằng, chương trình mua tài sản sẽ sớm được cắt giảm, nhưng không nói là khi nào.

Trong lần họp này, một nửa số quan chức FOMC dự báo, lãi suất sẽ bắt đầu tăng trong năm 2022, một nửa cho rằng phải đến năm 2023 mới có thể tăng lãi suất. Điều này cho thấy sự cứng rắn gia tăng, bởi trong cuộc họp hồi tháng 6, phần đông các thành viên FOMC nghiêng về khả năng đến 2023 mới bắt đầu tăng lãi suất.

Tuyên bố của Fed dự báo lãi suất ở thời điểm cuối năm 2023 sẽ là 1%, từ mức dự báo 0,6% đưa ra hồi tháng 6. Đến cuối năm 2024, lãi suất có thể sẽ lên mức 1,8%.

Theo số liệu mới nhất, tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ trong tháng 8 vừa qua là 5,2%, giảm mạnh từ mức đỉnh 14,8% vào tháng 4/2020, nhưng vẫn cao hơn mức 3,5% vào tháng 2/2020 - thời điểm trước khi xảy ra đại dịch. Lạm phát tháng 7 ở Mỹ là 4,2%, vượt xa mục tiêu 2% của Fed. Nhiều quan chức Fed cho rằng, lạm phát sẽ sớm giảm một khi những gián đoạn chuỗi cung ứng do đại dịch được giải quyết. Tuy nhiên, một số quan chức cũng xem việc giá cả tăng nóng là cơ sở để hối thúc việc tăng lãi suất ngay từ năm 2022.

Hai chỉ số chính là Dow Jones và S&P500 đều tăng điểm ngay sau tuyên bố của Chủ tịch Fed ngày 22/9/2021. Nhà quản lý danh mục cấp cao Jeffrey Rosenberg thuộc BlackRock đánh giá, phản ứng này của thị trường “là một kết quả rất tốt đẹp cho Fed trên phương diện giao tiếp với thị trường về vấn đề cắt giảm chương trình mua tài sản". Theo đó, Fed có thể yên tâm vì cách giao tiếp của họ đã tránh được nỗi sợ hãi của thị trường./.